Câu trả lời chính xác nhất:
Vai trò của môn Hóa học trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục ở trường phổ thông là cung cấp cho học sinh hệ thống kiến thức và kỹ năng hóa học phổ thông cơ bản và tương đối hoàn chỉnh về kiến thức cơ sở hóa học chung (lý thuyết chủ đạo) để nghiên cứu các chất, quy luật biến đổi các chất, ứng dụng và sản xuất các chất.
Trang bị cho học sinh thế giới quan khoa học và cùng với các môn học khác trong nhà trường phổ thông nhằm phát triển năng lực nhận thức, năng lực tự hành động và năng lực sáng tạo.
Để hiểu rõ hơn về vai trò của môn Hóa học trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục ở trường phổ thông, mời các bạn đến với phần nội dung dưới đây.
Hoá học là ngành khoa học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, nghiên cứu về thành phần cấu trúc, tính chất và sự biến đổi của các đơn chất và hợp chất.
Hoá học kết hợp chặt chẽ giữa lí thuyết và thực nghiệm, là cầu nối các ngành khoa học tự nhiên khác như vật lí, sinh học, y dược và địa chất học. Những tiến bộ trong lĩnh vực hoá học gắn liền với sự phát triển của những phát hiện mới trong các lĩnh vực của các ngành sinh học, y học và vật lí. Hoá học đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Những thành tựu của hoá học được ứng dụng vào các ngành vật liệu, năng lượng, y dược, công nghệ sinh học, nông - lâm - ngư nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.
Trong chương trình giáo dục phổ thông, Hoá học là môn học thuộc nhóm môn khoa học tự nhiên ở cấp trung học phổ thông, được học sinh lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân. Môn Hoá học giúp học sinh có được những tri thức cốt lõi về hoá học và ứng dụng những tri thức này vào cuộc sống, đồng thời có mối quan hệ với nhiều lĩnh vực giáo dục khác. Cùng với Toán học, Vật lí, Sinh học, Tin học và Công nghệ, môn Hoá học góp phần thúc đẩy giáo dục STEM, một trong những xu hướng giáo dục đang được coi trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Nội dung môn Hoá học được thiết kế thành các chủ đề vừa bảo đảm củng cố các mạch nội dung, phát triển kiến thức và kĩ năng thực hành đã hình thành từ cấp học dưới, vừa giúp học sinh có hiểu biết sâu sắc hơn về các kiến thức cơ sở chung của hoá học, làm cơ sở để học tập, làm việc, nghiên cứu.
>>> Xem thêm: Cân bằng phương trình hóa học là gì?
Vai trò của môn Hóa học trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục ở trường phổ thông là:
– Môn hóa học cung cấp cho học sinh những cơ sở khoa học của hóa học: đó là những khái niệm, định luật, lý thuyết hóa học và những sự kiện hóa học vô cơ và hữu cơ cần thiết để nhận thức thế giới vật chất và đáp ứng những đòi hỏi của xã hội.
– Môn hóa học cùng với các môn khoa học khác góp phần hình thành thế giới quan, nhân cách toàn diện cho học sinh.
– Môn hóa học giúp học sinh học tốt các môn khác: sinh học, địa lí, kỹ thuật,…
Mục tiêu giáo dục của môn Hoá học là hình thành, phát triển ở học sinh năng lực hoá học; đồng thời góp phần cùng các môn học, hoạt động giáo dục khác hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là thế giới quan khoa học; hứng thú học tập, nghiên cứu; tính trung thực; thái độ tôn trọng các quy luật của thiên nhiên, ứng xử với thiên nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân.
Về yêu cầu cần đạt, môn Hoá học hình thành và phát triển ở học sinh năng lực hoá học - một biểu hiện đặc thù của năng lực khoa học tự nhiên với các thành phần: nhận thức hoá học; tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ hoá học; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học.
Về nội dung giáo dục, Chương trình môn Hóa học gồm 3 mạch nội dung cốt lõi: kiến thức cơ sở hóa học chung; kiến thức Hóa học vô cơ và kiến thức Hóa học hữu cơ. Trục phát triển chính của Chương trình môn Hóa học là hệ thống các kiến thức cơ sở hóa học chung về cấu tạo chất và quá trình biến đổi hoá học là cơ sở lí thuyết chủ đạo để học sinh giải thích được bản chất, nghiên cứu được quy luật hoá học ở các nội dung hoá học vô cơ và hoá học hữu cơ ở mức độ nhất định.
– Là môn học kết hợp lí thuyết và thực nghiệm, giữa trí nhớ và suy luận. Thí nghiệm hóa học là một phương tiện không thể thiếu được trong dạy học hóa học.
– Là môn học tư duy trừu tượng cần sử dụng nhiều sơ đồ, hình vẽ, mô hình…
– Luôn có sự liên hệ mật thiết giữa nội dung kiến thức hóa học với thế giới tự nhiên và cuộc sống đời thường của con người.
– Trong dạy học hoá học có sử dụng các kiến thức của toán học, vật lí học và các ngôn ngữ riêng của hóa học.
– Trong dạy học hóa học các phương pháp nhận thức sau đây được sử dụng một cách thường xuyên:
+ Phương pháp diễn dịch – qui nạp.
+ Phương pháp cụ thể – trừu tượng.
+ Phương pháp quan sát – thí nghiệm.
– Định luật tuần hoàn – Hệ thống tuần hoàn và các kiến thức về cấu tạo chất là lí thuyết chủ đạo của hệ thống kiến thức hóa học.
– Bài tập hóa học là một công cụ rất hiệu nghiệm để củng cố, khắc sâu và mở rộng kiến thức cho học sinh.
Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn tìm hiểu về vai trò của môn Hóa học trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục ở trường phổ thông. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.