logo

Phân tích tình phụ tử thiêng liêng giữa anh Sáu và bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng

Đề: Phân tích tình phụ tử thiêng liêng giữa anh Sáu và bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng

 

Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn viết vào thời kì kháng chiến chống Pháp. Đề tài của ông là tình cảm gia đình trong hoàn cảnh khói lửa chiến tranh. Trong đó, truyện ngắn “Chiếc lược ngà” là tác phẩm nổi tiếng và thành công nhất của ông. Nổi bật trong truyện chính là tình phụ tử thiêng liêng giữa anh Sáu và bé Thu.

Chiếc lược ngà – một vật vô tri vô giác chắc hẳn đối với nhiều người có lẽ quá đỗi bình thường, vô vị, nhưng đối với bé Thu, đó là món quà vô giá, chứa đựng tình thương ấm áp từ người cha của em.

Câu chuyện kể về anh Sáu – một người lính cách mạng đã xa quê hương khi đứa con duy nhất của mình – bé Thu – vừa mới tròn một tuổi. Ngày trở về, anh chạy đến ôm con sau bao ngày xa cách nhưng vì vết sẹo trên má của anh đã làm Thu hoảng sợ nên bé chạy vụt đi khiến anh buồn bã, thất vọng. Mấy hôm sau, anh chỉ ở nhà chăm sóc, âu yếm con, mong con gọi mình là “ba” nhưng cô bé luôn tìm cách né tránh, thậm chí còn nói trổng với anh. Đỉnh điểm, anh đã đánh Thu khi em không nghe lời làm nó giận dỗi, bỏ sang nhà ngoại. Ngày anh đi, cô bé không bàng quan như trước nữa mà chạy đến ôm chặt lấy ba, hôn khắp chỗ trên người, hôn cả vết sẹo dài. Chính bà ngoại đã giúp cô bé hiểu lý do xuất hiện cái sẹo đó. Em đòi ba mình một cây lược. Anh đã dành công sức làm một cây lược bằng ngà để nguôi nỗi nhớ và nỗi ray rứt khi đánh con. Nhưng không may, anh Sáu đã hy sinh trước khi cây lược ấy đến tay Thu. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, anh không quên đưa cho đồng chí cây lược và mong anh ta trao cho bé Thu. Sau này bé Thu trở thành một cô giao liên dũng cảm, giúp đoàn lính vượt qua trận ải của giặc. Xuyên suốt câu chuyện, ta có thể nhận thấy hai tình cảm sâu sắc là tình cảm anh Sáu dành cho bé Thu và của bé Thu dành cho anh Sáu.

Đầu tiên, về tình cảm của anh Sáu dành cho bé Thu, mặc dù anh là một người lính gan trường, can đảm nhưng trong anh luôn tràn ngập tình thương con. Điều này chứng tỏ qua chi tiết anh “nhún chân nhảy lên”, “xô” chiếc xuồng ra khi nó chưa kịp cập vào bến, “bước” vội vàng. Các động từ mạnh thể hiện sự mạnh mẽ của một người lính, tình thương con của một người cha và lòng mong nhớ của người xa quê vừa trở về. Cái tình cảm ấy cùng với sự hào hứng, phấn khởi đang bùng cháy mạnh mẽ trong lòng đã thôi thúc anh “đưa hai tay về trước”, “chầm chậm bước tới”, “kêu: Ba đây con!”,... mong con sẽ mừng rỡ khi thấy mình. Những lần xúc động như vậy, vết sẹo dài bên má do bị Tây bắn lại đỏ ửng lên khiến Thu hoảng sợ mà bỏ chạy gọi mẹ. Lúc này, niềm hi vọng của anh đã vụt tắt, chỉ còn lại nỗi đau đớn, tuyệt vọng khi thấy cục thịt máu mủ của mình lại sợ mình như kẻ thù. Có người cha, người mẹ nào không buồn bã khi con không nhận ra mình? Có người cha, người mẹ nào không đau khổ khi con xem mình là người dưng nước lã? Tưởng rằng anh sẽ bỏ cuộc, nhưng không, anh tiếp tục theo đuổi “hành trình chinh phục con” của mình. Thông thường khi một người xa quê lâu năm trở về thì họ sẽ đi đây đi đó, khám phá nét đổi thay của quê hương, cũng như đi chơi với bè bạn, nhưng suốt ngày anh Sáu chỉ ở nhà, chơi với con, âu yếm con, vuốt ve con, mong con gọi mình là “ba”. Tiếng “ba” đó dù đơn giản nhưng đối với anh, đó là một sự công nhận thiêng liêng vô cùng. Tiếng “ba” ấy là một tia sáng rọi vào trái tim lạnh buốt ngày trước của anh để anh bồi đắp thêm tình cảm dạt dào anh dành cho con, cũng là một nguồn động lực để anh có thêm sức lực đương đầu với bọn giặc để cho đất nước sớm bình yên, anh sẽ sớm được về với con thơ. Nhưng bé Thu đã không làm điều đó. Khi con nói trổng với mình, anh cũng không giận. Chính vẻ ngây thơ, trong sáng của cô bé và tình thương bao la của anh đã giúp anh xoa dịu cơn giận của mình. Nhưng mỗi con người đều có giới hạn của mình, anh đã lỡ tay đánh con khi con bé nhất quyết cự tuyệt tình cảm của anh. Nhiều người đọc đến đây sẽ trách anh Sáu vì đã bạo hành con nhưng do sự chối từ của con gái đã làm anh mệt mỏi, chán chường, cùng cơn bộc phát giận dữ nhất thời đã làm anh không kìm chế được bản thân mà làm hành động cắn rứt lương tâm như thế. Ngày anh phải đi, anh cũng muốn được ôm hôn con nhưng vì nỗi e dè khi sợ con sẽ xa lánh mình và nỗi ân hận vì lỡ tay đánh con đã ngăn anh lại. Anh chỉ khe khẽ nói: “Thôi! Ba đi nghe con!”. Ngờ đâu con bé chạy đến ôm chặt lấy anh. Anh vui lắm chứ! Vui vì đứa con gái đã nhận ra mình trong giây phút ngắn ngủi ấy, vui vì con đã tha thứ cho lỗi lầm ngày trước. Nhưng từng ấy phút đó, có đủ để hai người bên cạnh nhau, có đủ để hai người hàn gắn lại sau những vết thương lòng mà họ tạo ra cho nhau? Không bao giờ đủ cả! Vì ngoài chiến trường kia vẫn còn những người bạn chờ anh quay lại, vì đất nước đang cần những người lính can trường nên anh đành lòng phải xa con. Anh hứa sẽ mua một cây lược cho con. Nhưng tìm đâu ra bây giờ? Anh quyết tự làm một cái cho con. Một hôm anh tìm được một chiếc ngà voi, anh đã rất vui vì đã không thất hứa với con gái của mình. Rồi bằng sự nhẫn nại, kiên trì của một người lính và tình yêu thương của một người cha, anh đã tỉ mẫn cưa từng chiếc răng lược và cuối cùng nó cũng được hoàn thành. Chưa hết, anh còn khắc dòng chữ: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Một người bình thường sẽ chẳng bao giờ làm thế, nhưng đối với anh, anh làm vậy để mỗi khi nhớ con, anh lại lấy cây lược ra ngắm nhìn, anh sẽ tưởng tượng ra đứa con thân yêu mà mỗi ngày anh mong ngóng. Những đêm sáng trăng, anh lấy cây lược chải lên mái tóc hơi lốm đốm bạc của mình cho nó thêm bóng, để một ngày nào đó, khi cây lược đến tay bé Thu, nó sẽ được vuốt ve mái tóc mềm mại của cô bé, giống như anh đang chải tóc con mình vậy, và rồi để nó gỡ rối được phần nào nỗi day dứt của anh. Nhưng ông trời thật biết trêu lòng người, khi anh chưa kịp tặng món quà ấy cho con thì anh đã hy sinh. Viên đạn bắn vào ngực anh lúc ấy như một con ác quỷ cướp đi sinh mạng của anh, cướp đi ngày trở về lần sau của anh và cũng cướp mất lời hẹn mà anh đã trao với con gái mình. Anh không thể để cho con phải thất vọng về mình, nên anh đã lấy trong túi áo chiếc lược ấy trao cho người đồng chí thân thiết nhất của mình, mong anh ta hãy trao tận tay cho đứa con gái yêu của mình như một lời thỉnh cầu để con bé không bao giờ nghĩ anh sẽ thất hứa, để con bé luôn nhớ mãi và tự hào về anh.

Còn về tình cảm bé Thu dành cho anh Sáu, cô bé dù có hơi bướng bỉnh một tí nhưng sau này cũng rất yệu thương ba mình. Bằng chứng là khi gặp ba lần đầu tiên, con bé đã bỏ chạy gọi mẹ vì vết sẹo trên má của anh Sáu. Ngoài ra còn có một lý do khác chính là do anh Sáu xa nhà khi Thu mới được một tuổi, lúc gặp bé chỉ xem anh là người lạ nên đã hoảng sợ chạy trốn. Đó chính là bản năng tự vệ của con người. Những lúc anh Sáu muốn gần gũi, con bé lại đẩy ra, còn nói trổng với anh nữa. Đây là hậu quả đáng sợ của việc “xa mặt cách lòng”. Khi con người xa nhau, tình cảm của họ cũng sẽ nhạt phai theo năm tháng, huống chi bé Thu từ trước đến nay chưa bao giờ thấy ba thì làm sao trách con bé được? Trong lúc ăn cơm, Thu hất miếng ngon anh Sáu cho làm bé bị ba đánh. Tưởng con bé sẽ khóc, nhưng không, cô bé chỉ lẳng lặng đặt chén cơm xuống rồi bỏ sang nhà ngoại. Phải chăng đó là bản tính mạnh mẽ, kiên cường của người dân Tây Nam Bộ, hay nó đã tôi luyện ý chí, bản lĩnh của cô giao liên quả cảm sau này? Đêm hôm đó, nhờ bà ngoại bé Thu đã hiểu nguyên nhân có vết sẹo ấy. Chắc đêm đó cô bé không ngủ được. Không ngủ được do hối hận vì đã ruồng bỏ ba mình, không ngủ được vì đã hỗn hào với người ba mà mình luôn mong nhớ qua những tấm ảnh chụp chung với má, không ngủ được vì đã tự ý sang nhà ngoại làm ba lo lắng. Con bé muốn được xin lỗi ba, nhưng lời xin lỗi ấy khó thốt ra được vì có một rào cản quá lớn giữa hai ba con. Sáng hôm sau, ba Thu phải đi, con bé buồn lắm nhưng làm sao nói cho mọi người hiểu nên chỉ “đứng vào góc nhà”, “đứng tựa cửa”, “nhìn mọi người vây quanh ba nó”. Đến lúc anh Sáu đi, dường như có một cái gì đó thôi thúc nó làm nó kêu lên tiếng “Ba...a...a...ba!” thật to, thật vang. Tiếng “ba” ấy đã phá vỡ khoảng cách giữa hai người, cho hai người thêm thời gian để gần gũi nhau. Tiếng “ba” ấy như một dòng dung nham lặng lẽ dâng trào trong lòng núi lửa, đến một lúc nào đấy sẽ phun trào, phá tan sự tĩnh lặng của khung cảnh xung quanh. Thu leo lên người ba, ôm hôn thắm thiết, hôn cả vết sẹo dài, vốn là nguồn cơn của sự lạnh nhạt của hai ba con. Đến bấy giờ, bé chỉ muốn được ôm ba mãi, ôm cái hình hài này, để nguôi nỗi nhớ mỗi lần nghĩ về những tấm ảnh kia. Nhưng do sự thúc giục của má và ngoại, con bé chỉ nói một câu ngắn ngủi: “Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba!”. Rồi cô bé từ từ tuột xuống. Cái lược mà cô bé đòi ba ấy không phải là việc đòi quà bình thường của trẻ nhỏ, mà đó là đòi sự thương yêu, chiều chuộng ba dành cho mình trước đây để cô bé khỏi phần ân hận vì tội lỗi ngày trước của mình. Thế nhưng, bé Thu không ngờ rằng, chỉ có cây lược trở về với bé còn ba của bé đã ra đi mãi mãi. Thử hỏi cô bé có buồn không? Bé buồn lắm chứ. Buồn vì đã không chuộc lỗi được với ba mình, buồn vì cái hình hài ấm ấp ngày nào mình chỉ được ôm hôn một lần giờ đã rời xa mình mãi mãi. Nhưng với sự mạnh mẽ của mình, bé Thu trở thành một cô giao liên dũng cảm để kế thừa đức tính tốt đẹp từ người ba của em.

Với cốt truyện đơn giản nhưng đầy bất ngờ, hấp dẫn, cùng với việc xây dựng tình huống éo le: vết sẹo chia cắt tình cảm ba con và nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật phong phú qua hành động, cử chỉ, lời nói, Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa một câu chuyện cảm động về tình phụ tử để rồi mỗi độc giả khi gấp lại câu chuyện, họ sẽ trở nên yêu thương ba mình nhiều hơn, rộng hơn là yêu thương gia đình, hưởng ứng giá trị nhân văn tốt đẹp mà câu chuyện mang lại.

Qua đó, ta thấy rằng tình phụ tử giữa anh Sáu và bé Thu là vô cùng thiêng liêng trong hoàn cảnh khói đạn chiến tranh. Dù giữa họ có nhiều hiểu lầm, trắc trở nhưng với tình yêu thương của mình, họ sẽ hóa giải nó, biến nó thành tình thương để bồi đắp thêm tình cảm thắm thiết giữa hai cha con.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021