logo

Phân tích tình huống truyện Chí Phèo học sinh giỏi

icon_facebook

Tuyển tập những bài Phân tích tình huống truyện Chí Phèo học sinh giỏi qua đó giúp các em học tốt môn Ngữ văn lớp 11


Phân tích tình huống truyện Chí Phèo học sinh giỏi - Bài mẫu 1

Có ý kiến cho rằng: Nếu không viết: “Chí Phèo”, Nam Cao đã để lại cho Văn học Việt Nam một khoảng trống lớn. Chí Phèo là tác phẩm đầu tay của Nam Cao trình làng với bạn đọc, ngay từ khi xuất hiện nó đã trở thành một vấn đề, một kiệt tác của trào lưu văn học hiện thực. Đây là tác phẩm tiêu biểu viết về người nông dân bởi đến đây người đọc mới hiểu thế nào là tận cùng nỗi khổ của người nông dân Việt Nam trong xã hội phong kiến.Nếu như ở những tác phẩm của các nhà văn hiện thực khác: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… hình ảnh người nông dân chỉ hiện lên với những áp bức bất công, bị dồn đến bước đường cùng, nhưng họ vẫn còn giữ được con người mình, nhưng đến với Nam Cao thì đã có những khám phá phát hiện mới mẻ, ông không chỉ phát hiện ra bi kịch bị bần cùng hóa mà còn khám phá phát hiện ra bi kịch bị lưu manh tha hóa bị cự tuyệt quyền làm người của người nông dân.

Mở đầu trang văn, Nam Cao đã để cho Chí Phèo xuất hiện bằng một hình ảnh hết sức sống động độc đáo: Chí Phèo khật khưỡng vừa đi vừa chửi: tiếng chửi của Chí Phèo ngay lập tức cho người đọc hình dung về một sự việc bất bình thường. Vì lẽ gì mà một con người phải cất lên những tiếng chửi như vậy? Tại sao những tiếng chửi đó lại không được đáp trả…? Nhưng chúng ta sẽ thấy tiếng chửi này không phải là bâng quơ, không đơn giản mà nó rất logic, rất có dụng ý. Ban đầu hắn chửi trời đến chửi đời rồi chửi ngay tất cả làng Vũ Đại… nhưng đối tượng của những tiếng chửi này là mơ hồ không xác định đến khi hắn chửi không biết đứa nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ thế này… thì đối tượng đã được xác định. Chí Phèo chửi để nhận thức nguyên nhân dẫn đến bi kịch của bản thân. Nhưng ngay lập tức hắn hiểu rằng tiếng chửi của hắn là vô vọng, hắn thấy thấm thía nỗi khốn khổ của số phận, hắn đã phải cất tiếng chửi để thèm mong có ai đó chửi lại hắn, để hắn có thể được giao tiếp với đời, với người. Vậy mà không người nào chịu chửi lại hắn, có nghĩa là tất cả mọi người đã dứt khoái không coi hắn là người. Chửi lại hắn nghĩa là còn thừa nhận hắn là người, còn bằng lòng giao tiếp đối thoại với hắn. Chí chửi cả làng Vũ Đại với hy vọng sẽ có ai đó chửi lại. Nhưng hắn chỉ nhận lại một sự im lặng đáng sợ, và Chí vẫn còn lại một mình Chí trong sa mạc cô đơn: hắn cứ chửi rồi lại nghe, chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu.

Bằng cách mở đầu truyện độc đáo thế này, tác giả không chỉ giới thiệu mà còn bắt đầu hé mở cho người đọc thấy tình trạng bi đát của một số phận, đó là số phận người nông dân bị xã hội tàn phá về tâm hồn, hủy diệt cả nhân tính, do đó bị phủ nhận giá trị, tư cách làm người. Nỗi thống khổ của Chí Phèo ban đầu tất cả là con số không: không nhà, không cửa, không cha mẹ, không họ hàng thân thích, không một tấc đất cắm dùi… Nhưng đó mới chỉ là mở đầu, nỗi khổ đau đớn nhất của Chí Phèo là bị cả xã hội quay lưng lại, bị cướp mất linh hồn người, bị loại ra khỏi xã hội loài người, phải sống kiếp sống tối tăm của thú vật. Từ quá khứ đến hiện tại, từ bản chất đến hiện tượng Chí Phèo đã biến đổi. Trong quá khứ Chí Phèo là một con người hiền như cục đất, có bản chất lương thiện, từ khi vào làm canh điền cho nhà Bá Kiến, rồi bị Bá Kiến đẩy vào tù, sau 7-8 năm ở tù ra, Chí Phèo đã rơi vào vô thức và bị lưu manh tha hóa, tất cả mọi hành động của Chí Phèo đều phải thông qua rượu, đều diễn ra trong vô thức: đâm thuê, chém mướn, cướp bóc, rạch mặt ăn vạ… Những tội ác của Chí cứ đầy lên trong con mắt người dân làng Vũ Đại.

Tưởng như số phận cuộc đời của Chí Phèo sẽ mãi mãi trượt dài trên cái dốc lưu manh tha hóa và rơi vào vực sâu của kiếp sống tội lỗi; nhưng sự xuất hiện Thị Nở đã đưa Chí Phèo từ vực sâu của kiếp sống lưu manh tha hóa đến bến bờ của cõi đời lương thiện. Đây có thể xem là một sự kiện trọng đại, một biến cố mở ra một bước ngoặt của cuộc đời Chí Phèo, đưa Chí Phèo trở lại với kiếp người. Sự xuất hiện của Thị Nở cùng bát cháo hành đã biểu hiện cho sự đồng cảm và tình người nhân hậu. Người đàn bà xấu đến ma chê quỷ hờn kia lại là người duy nhất ở làng Vũ Đại biết được sao có lúc nó hiền đến thế. Hơi ấm của bát cháo hành chính là hơi ấm của tình người nhân hậu đã làm cho con người lương thiện bấy lâu chìm khuất trong hình ảnh của con quỷ dữ, thằng đầu bò đã phục sinh, giờ đây sức sống tâm hồn đã trỗi đậy trong Chí Phèo.

Sau khi con người lương thiện phục sinh, tính cách tâm hồn con người Chí Phèo đã tỉnh dậy lắng nghe những âm thanh bình dị mộc mạc hàng ngày mà lâu nay Chí quên lãng. Chí bỗng hồi tưởng về những kỉ niệm của thời êm đẹp:Ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm….Đáng lẽ ra hắn cũng sẽ có được một cuộc sống bình thường như bao người khác nhưng giờ đây khi hắn tỉnh dậy hắn mới thấy hắn đã già mà vẫn còn cô độc hắn vẫn đang sống bên lề cuộc đời một cách khốn nạn, hắn cảm thấy buồn, cảm thấy tủi nhục. Hơn lúc nào hết, lúc này hắn mong ước được làm người, được trò truyện…

Nhưng những giây phút được yêu của cuộc sống lứa đôi Chí Phèo – Thị Nở thật ngắn ngủi, hạnh phúc vừa hé mở đã khép lại. Chí Phèo và Thị Nở đã dắt tay nhau tới ngưỡng cửa cuộc đời nhưng bị từ chối phũ phàng bởi định kiến xã hội mà bà cô Thị Nở là đại diện. Khi tỉnh dậy và đối diện với hiện thực, Chí Phèo mới giật mình và nhận thức một cách sâu sắc hơn, rằng hắn đã bị từ chối khỏi cộng đồng và không thể trở thành người lương thiện trong con mắt mọi người được nữa.

Khi con người lương thiện trong Chí Phèo đã phục sinh thì hắn lại càng khao khát được làm người hơn bao giờ hết. Nhưng khao khát vẫn chỉ là khao khát, như ánh cầu vồng vụt tắt sau cơn mưa, như ngọn lửa nhỏ bị dập tắt khi mới vừa được nhen nhóm khát vọng làm người của hắn đã bị cự tuyệt hoàn toàn. Chí lại trở về với sự cô độc, và đau đớn, xót xa khi nhận ra mình đã không còn đường về quay trở lại: Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào để mất những hết mảnh chai trên mặt này? Đây chính là sự tự ý thức cao độ của Chí Phèo về bi kịch của bản thân mình. Hình ảnh những vết mảnh chai trên mặt chính là dấu vết của những năm tháng tội đồ. Hình ảnh này đã hằn sâu trong tâm trí của người dân làng Vũ Đại và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với họ. Trong con mắt của mọi người, Chí Phèo là con quỷ dữ. Thằng đầu bò và hình ảnh này không thể tẩy xóa đi được nữa. Chính định kiến đã ngăn cản bước chân của Chí Phèo tìm về với cõi đời lương thiện.

Hơn ai hết, Thị Nở là người đem lại cho Chí Phèo sự đồng cảm về tình người nhân hậu, nhưng chính Thị Nở cũng là người đẩy Chí Phèo đến bờ vực của cái chết. Thị vừa là phương tiện, là công cụ lại vừa là nạn nhân của định kiến.

Đến đây, Chí Phèo rơi vào bi kịch của sự lựa chọn giữa sự sống và nhân cách cái Và cuối cùng, Chí Phèo đã tìm đến cái chết để khẳng định nhân cách của mình Chí Phèo cầm dao đâm chết Bá Kiến – kẻ thù lớn nhất của đời mình rồi tự sát. Chí Phèo đã lựa chọn – một sự lựa chọn nghiệt ngã, nhưng đó là cách duy nhất để con người lương thiện trong Chí được sống, để nhân cách con người của hắn được tồn lại.

Hành động tự sát của Chí Phèo là cuộc chiến đấu mạnh mẽ nhất, dữ đội nhất và là cuộc chiến đấu cuối cùng giữa con người hiền như cục đất và con quỷ dữ thằng đầu bò. Trong cuộc quyết đấu này, Chí Phèo đã chết, nhưng nhân cách lương thiện đã trỗi dậy và tỏa sáng, đó cũng chính là chiến thắng tất yếu của cái thiện đối với cái ác, đồng thời cũng là sự thể hiện rõ ràng nhất của tư tưởng nhân đạo và tinh thần nhân văn của ngòi bút Nam Cao.

Phân tích tình huống truyện Chí Phèo học sinh giỏi

Phân tích tình huống truyện Chí Phèo học sinh giỏi - Bài mẫu 2

Chí Phèo của Nam Cao là kiệt tác của nền văn học hiện thực Việt Nam. Trong tác phẩm này, nhà văn Nam Cao không chỉ tái hiện đầy sinh động cuộc sống khốn khổ của những người nông dân nghèo dưới ách thống trị của cường hào phong kiến mà còn có phát hiện đầy mới mẻ về bi kịch tha hóa, lưu manh hóa và bi kịch bị từ chối quyền làm người ở những người nông dân vốn lương thiện như Chí Phèo.

Mảng đề tài nông thôn, nông dân vốn thu hút đông đảo những cây bút tài năng, trong mảng đề tài này Nam Cao là người đến muộn. Để khẳng định vị trí của mình trên mảnh đất đã có nhiều người “cày cuốc” này, Nam Cao đã có những phát hiện vô cùng mới mẻ khi không chỉ hướng đến cuộc sống nghèo khổ của nông dân mà còn phát hiện ra bi kịch tha hóa, bi kịch bị từ chối quyền làm người ở những người dân đáng thương ấy.

Chí Phèo từ một người dân lương thiện trở thành kẻ lưu manh hóa khi sống trong nhà tù thực dân. Khi ra tù không ai còn nhận ra anh canh nông hiền lành, lương thiện của ngày nào. Ra tù, mang lí lịch đen của kẻ tù tội, Chí Phèo khó có thể trở về với công việc lương thiện, không ai dám thuê Chí. Con đường cuối cùng để Chí mưu sinh là thỏa hiệp với Bá Kiến, chấp nhận làm tay sai cho hắn. Tuy nhiên, cũng từ khi chấp nhận làm tay sai của Bá Kiến, Chí Phèo đã dần đánh mất chính mình, tha hóa về nhân hình lẫn nhân tính để trở thành con quỷ dữ trong mắt người dân làng Vũ Đại.

Một tay Chí đã gây ra bao tai họa, trong cơn say Chí đã làm bao gia đình tan nát, trở thành công cụ đòi nợ, phô trương quyền thế của Bá Kiến. Người dân làng Vũ Đại đều sợ hãi, xa lánh và từ chối công nhận Chí Phèo là một thành viên trong cộng đồng. Điều này được thể hiện qua chi tiết tên Chí Phèo không có tên trong làng, không ai muốn tiếp lời Chí, không đáp lại tiếng chửi của Chí, đây là cách họ phủ nhận sự tồn tại của một con người mà nhìn nhận người đó như một con quỷ dữ đáng khinh.

Những tưởng cuộc đời của Chí mãi trượt dài trên con đường tội lỗi, mãi sống với thân phận con quỷ dữ nhưng nhờ tình thương của Thị Nở, người đàn bà xấu xí Chí đã thức tỉnh nhân tính, trở lại với những giấc mơ lương thiện thời trai trẻ. Chí khát khao được sống lương thiện, khát khao được làm hòa với mọi người. Tuy nhiên, hiện thực lại quá mức tàn khốc, dẫu Chí có thực sự thức tỉnh, khát khao được làm người lương thiện nhưng khát khao ấy lại không được công nhận, thậm chí chính những định kiến nghiệt ngã của xã hội đã dập tắt hoàn toàn khát khao, hi vọng trong Chí, đẩy Chí Phèo đến nỗi tuyệt vọng cùng cực không lối thoát.

Sự chối từ của bà cô Thị Nở cũng chính là cách nhìn nhận, thái độ gay gắt của người dân làng Vũ Đại đối với những việc xấu mà Chí đã làm. Khi biết con đường trở về với cuộc sống lương thiện không thể  đi được nữa, Chí Phèo đã trở về với sự cô độc, đáo đớn cùng với những trăn trở khôn xiết “ Không được, ai cho tao lương thiện? làm thế nào để mất những mảnh chai trên mặt này đây”. Chí Phèo hoàn toàn ý thức được bi kịch của bản thân nên nỗi đau khổ, tuyệt vọng ấy càng trở nên khủng khiếp.

Đối với những người dân làng Vũ Đại cũng vậy, họ không xấu nhưng những vết mảnh chai, những việc làm tàn ác mà Chí Phèo đã thực hiện trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của họ. Không ai biết những khát khao, thay đổi của Chí bởi họ đã quen nhìn Chí như một con quỷ dữ, một thằng đầu bò và những ấn tượng xấy không thể xóa bỏ. Thị Nở là người phụ nữ giàu tình thương, người duy nhất đồng cảm và nhìn ra những giá trị “người” của Chí, Thị là nạn nhân cũng là phương tiện của những định kiến xã hội. Đối với Chí Phèo, Thị Nở chính là cầu nối để Chí trở về với cuộc sống lương thiện nhưng đến cuối truyện, Thị cũng đã mang tất cả những lời mắng chửi của bà cô ném vào mặt Chí. Như vậy đến Thị, người cuối cùng đồng cảm với Chí cũng đã vì định kiến mà chối bỏ quyền làm người của Chí. Đứng trước bi kịch bị từ chối, Chí Phèo bị đặt giữa hai con đường, hoặc tiếp tục làm quỷ dữ hoặc lựa chọn cái chết để chấm dứt mọi bi kịch. Để không phải tiếp tục sống cuộc sống của con quỷ dữ, Chí Phèo đã có quyết định đầy bi thảm nhưng thể hiện được sự quyết tâm không chịu thỏa hiệp với cái ác.

Hành động tự sát của Chí Phèo thể hiện sự phản kháng đầy mạnh mẽ của Chí Phèo trước cái xấu xa, tội lỗi. Khi nhân tính được đánh thức, Chí Phèo chấp nhận lựa chọn cái chết để bảo vệ những giá trị người chân chính bên trong mình, kiên quyết không chịu thỏa hiệp với cái ác.

icon-date
Xuất bản : 06/04/2022 - Cập nhật : 27/05/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads