logo

Phân tích tâm trạng của Chí Phèo đã thay đổi như thế nào sau khi thị Nở từ chối

icon_facebook

Phân tích tâm trạng của Chí Phèo đã thay đổi như thế nào sau khi thị Nở từ chối qua đó giúp em học tốt môn Ngữ văn lớp 11


Tâm trạng của Chí Phèo trong truyện ngắn “Chí Phèo” đã thay đổi như thế nào sau khi thị Nở từ chối?

- Chí Phèo rơi vào tình thế bế tắc, tuyệt vọng, mọi hy vọng cho một tương lai “làm người” bỗng chốc hóa thành mây khói. Trong cơn tuyệt vọng ấy, Chí Phèo như tỉnh hẳn và chua xót nhận ra bi kịch tinh thần của cuộc đời mình – người vốn sinh ra là người nhưng lại không được làm “người”. Hắn vật vã, đau đớn. Càng tuyệt vọng, hắn càng uống rượu; nhưng càng uống rượu, hắn càng tỉnh ra. Trong tận sâu thẳm tâm hồn, hắn ý thức được nỗi đau thân phận của mình. Vì thế, hắn ôm mặt khóc rưng rức và luôn thấy thoang thoảng mùi cháo hành.

- Trong tột cùng bế tắc, Chí Phèo càng thấm thía hơn tội ác của kẻ đã cướp đi nhân hình và nhân tính của mình, biến mình thành một con “quỷ” của làng Vũ Đại. Chí Phèo xách dao ra đi, thay vì đến nhà bà cô Thị Nở như dự định, tâm trí lại điều khiển hắn đến nhà Bá Kiến – người đã gây ra bao bất hạnh cho cuộc đời hắn. Sở dĩ, hắn hành động như vậy bởi vì hắn hiểu rõ được tấn bi kịch của đời mình, hắn bị đẩy vào bước đường cùng khi không thể trở lại thành người lương thiện.

[ĐÚNG NHẤT] Chí Phèo thay đổi như thế nào?

Phân tích diễn biến tâm trạng của Chí Phèo khi gặp Thị Nở

Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc, chuyên viết về hai đề tài: cuộc sống bế tắc của người trí thức nghèo trong xã hội cũ và người nông dân bị bần cùng hóa trước Cách mạng tháng Tám. Chí Phèo là một trong những kiệt tác của Nam Cao, thuộc đề tài người nông dân nghèo viết về bi kịch của nhân vật Chí Phèo. Đoạn mô tả từ buổi tối từ sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở thuộc bi kịch từ chối quyền làm người, đã gây cho người đọc ấn tượng sâu sắc.

Chí Phèo là một đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi trong cái lò gạch cũ. Năm hai mươi tuổi Chí Phèo là một anh canh điền khỏe mạnh, hiền lành, nhút nhát, làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Anh ta cũng có những ước mơ rất giản dị như trăm ngàn người nông dân khác là có một gia đình nhỏ, chồng thì cuốc mướn cày thuê, vợ ở nhà dệt vải, nuôi một con lợn để làm vốn liếng. Nào khá giả thì mua lấy dăm ba sào ruộng làm, Nhưng chỉ vì thói ghen tuông vu vơ của bá Kiến, đã đẩy người thanh niên hiền lành, chất phác ấy vào tù. Nhà tù thực dân đã biến Chí Phèo thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, bị cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính, không còn anh canh điền ngày xưa mà bây giờ Chí trở thành một thằng liều mạng, có thể làm tất cả mọi việc như một thằng đầu bò chính cống: rạch mặt ăn vạ, đập phá, kêu làng, đâm chém…

Cứ tưởng Chí Phèo mãi mãi sống một cuộc đời tàn tạ, rồi sẽ kết thúc bằng cách vùi xác ở một bờ bụi nào đó. Nhưng không, bằng tài năng và trái tim nhân đạo của một nhà văn lớn, tác giả Nam Cao đã để cho nhân vật của mình được trở về sống kiếp người một cách tự nhiên. Trong một lần say rượu đã vô tình đưa Chí Phèo đến gặp thị Nở – một người đàn bà được đánh giá là người quá lứa lỡ thì, xấu nhất làng Vũ Đại. Lần say rượu cùng với trận ốm thập tử nhất sinh đã khiến cho nhân vật Chí Phèo có những biến đổi mạnh mẽ. Tình thương yêu mộc mạc cùng cử chỉ giản dị chân thành đã đốt cháy lên ngọn lửa lương tri còn sót lại trong tâm hồn Chí. Lâu lắm rồi hắn mới cảm nhận được cuộc sống đời thường với những cảnh sắc, âm thanh bình dị như: tiếng cười nói của những người đi chợ, tiếng đuổi cá của những anh chài, tiếng chim hót líu lo... Đúng lúc Chí đang vẩn vơ nghĩ mãi thì Thị mang một bát cháo hành còn nóng nguyên vào. Thấy vậy, Chí đã rất ngạc nhiên và xúc động đến mức trào nước, cũng bởi đây là lần đầu tiên mà hắn được một người đàn bà nấu cho ăn. 

Ấy thế nhưng con đường trở lại làm người lương thiện vừa được mở ra trước mắt Chí thì đã lại bị đóng sầm lại. Bà cô của thị kiên quyết ngăn cản mối tình này, bà không đồng ý cho cháu bà đâm đầu đi lấy “con quỷ dữ” của làng Vũ Đại – đây không chỉ là cách nhìn nhận của bà cô thị mà đó là cách nhìn của tất cả người dân làng Vũ Đại đối với Chí. Mặc dù, khi nghe những lời bà cô mắng thì thị Nở thấy lộn cả rột nhưng cũng chẳng còn cách nào khác nên đành phải nghe theo. Sau khi nghe thị thuật lại tất cả những lời của bà cô khiến Chí ngẩn người vì thất vọng, chua xót trước một sự thật phũ phàng. Khi thị ra về, hắn đuổi theo, nắm lấy tay nhưng bị thị gạt ra. Điều đó chứng tỏ sâu trong con người Chí vẫn luôn luôn khao khát tình yêu, khao khát được trở về với cuộc đời lương thiện. Từ khoảnh khắc này, Chí đã thật sự thấm thía sâu sắc bi kịch bị từ chối làm người. Chí đau đớn và tuyệt vọng, ôm mặt khóc rưng rức. Những giọt nước mắt của sự đau đớn, hối hận. Không còn cách nào khác, Chí lại tìm đến rượu giải sầu. Nhưng bởi ý thức đã trở về, vậy nên càng uống lại càng tỉnh ra, càng thấm thía nỗi đau vô hạn của thân phận.

Trong cơn khủng hoảng và bế tắc, Chí Phèo lại càng đau khổ, càng thấm thía hơn tội ác của cái kẻ đã cướp đi của cuộc sống, con người mình. Càng nghĩ càng tức, vậy nên Chí Phèo đã xách dao ra ngoài. Hành động muốn trả thù của Chí rất dữ dội và quyết liệt khiến Chí đi đến một suy nghĩ là đâm chết cả nhà nó. Nhưng nó là ai? Tiềm thức mách bảo Chí đó chính là Bá Kiến người đã khiến bản thân chí lâm vào bước đường cùng. Trước đó, Chí định đến nhà Thị Nở để tìm rồi đâm chết thị và bà cô thị cho hả giận nhưng cuối cùng Chí lại đến nhà bá Kiến. Tới nơi, Chí trợn mắt chỉ thẳng tay vào mặt lão, đanh thép mà kết tội tên cáo già này đòi làm người lương thiện. Chí Phèo hét lớn: “Ai cho tao lương thiện?” câu hỏi ấy không chỉ chất chứa bao sự phẫn uất của Chí Phèo, mà còn làm day dứt bao tâm hồn bạn đọc: làm thế nào để con người có thể tồn tại được trong cái xã hội tàn bạo, ngột ngạt, vùi dập nhân tính ấy? Thế rồi, Chí thẳng tay đâm chết kẻ thù. Đó là cái hành động làm tên địa chủ nổi tiếng khôn ngoan, gian hùng cũng không thể lường trước được. Đây là cách hành động của một kẻ đang say, tuy nó không theo đúng như dự kiến ban đầu, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, Chí Phèo cũng đã lờ mờ hiểu ra cái nguyên nhân sâu xa khiến Chí biến thành kẻ mà mọi người đều kì thị, bị người mình yêu từ chối. Đó đâu phải là vì Thị Nở hay bà cô thị mà cái kẻ đã khiến Chí không còn là anh canh điền hiền lành, chân chất chính là Bá Kiến. Giờ đây, khi đến đòi quyền làm người lương thiện là phải đòi ở nơi lão, mà không đòi được thì phải trả thù. Tuy bản thân là tay sai cho Bá Kiến nhưng ngọn lửa căm phẫn vẫn âm ỉ cháy trong nhân vật Chí Phèo. Khi đã hoàn toàn thức tỉnh, khi đã hiểu ra nguồn gốc bi kịch của mình, vì qua tức giận nên ngọn lửa căm hờn lại càng bùng lên dữ dội. Bởi vậy, hành động Chí Phèo đâm chết bá Kiến không hắn là vì đang say rượu mà có thể chính bởi mối thù đã bừng cháy. Sau khi đâm chết Bá Kiến, Chí Phèo cũng tự kết liễu đời mình. Cái chết ấy chứng tỏ sự khao khát trở về cuộc sống lương thiện, đồng thời qua đó nhà văn Nam Cao cũng đã phản ánh, tố cáo mạnh mẽ cái xã hội thực dân nửa phong kiến không chỉ đẩy những con người lương thiện vào con đường bần cùng hóa, lưu manh hóa mà còn đẩy họ vào cái chết.

Qua việc xây dựng hình tượng nhân vật Chí Phèo, tác giả Nam Cao đã mở ra bi kịch của người nông dân trước cách mạng, hai lần tố cáo sự thối nát cái xã hội thực dân phong kiến. Từ đó nhà văn Nam Cap thể hiện sự cảm thông sâu sắc của mình cùng với những khát vọng giản dị, lương thiện trong con người và sự bế tắc của những khát khao trong hiện thực xã hội ấy. Không chỉ vậy, thi phẩm còn đặt ra một vấn đề nhân sinh mang tính triết lí cực kì sâu sắc: làm thế nào để con người có thể sống đúng nghĩa là người trong một cái xã hội tàn bạo phi nhân tính đương thời? Với sự thành công của kiệt tác Chí Phèo này, Nam Cao đã thành công trở thành cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện thực trong những năm 1930 đến 1945.

icon-date
Xuất bản : 08/04/2022 - Cập nhật : 27/05/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads