logo

Phân tích nhân vật Phương Định qua đoạn trích sau: "Vắng lặng đến phát sợ cát lạo xạo trong miệng"


Đề bài: Phân tích nhân vật Phương Định qua đoạn trích sau:

“…Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ theo dõi mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới.

Quả bom nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Đầu này có vẽ hai vòng tròn màu vàng…

Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặc là mặt trời nung nóng.

[…]

Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai? Tôi nghĩ thế, nghĩ thêm: đứng cẩn thận, mảnh bom ghim vào cánh tay thì khá phiền. Và mồ hôi thấm vào môi tôi, mằn mặn, cát lạo xạo trong miệng.

(Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi, Ngữ văn 9, tập hai, trang 117-118)

Để tìm hiểu sâu hơn về giá trị tác phẩm Những ngôi sao xa xôi, mời các em tham khảo một số bài văn mẫu phân tích nhân vật Phương Định sau đây.


1. Dàn ý phân tích nhân vật Phương Định - Những ngôi sao xa xôi

a. Mở bài: Giới thiệu về nhân vật Phương Định

Lê Minh Khuê là một nhà thơ nổi tiếng về các tác phẩm ngắn, các tác phẩm của bà luôn mang một vẻ tươi sáng, một niềm mong ước tươi đẹp. Các tác phẩm tiêu biểu của Lê Minh khuê như: Cao điểm mùa hạ, Đoạn kết, Một chiều xa thành phố, Tôi đã không quên , Bi kịch nhỏ, Trong làn gió heo may, Màu xanh man trá, Những dòng sông, buổi chiều, cơn mưa, Một mình qua đường, Những ngôi sao, Trái đất, dòng, Nhiệt đới gió mùa,…. Trong những tác phẩm của bà, có một tác phẩm tôi rất thích đó là Những ngôi sao xa xôi, và nhân vật Phương Định là một hình tượng của cả truyện.

b. Thân bài: Phân tích về nhân vật Phương Định

* Giới thiệu tác phẩm Những ngôi sao xa xôi:

Tác phẩm nói về 3 cô thanh niên xung phong

Nhiệm vụ của các cô là phá bom trong thời kỳ chống Mỹ

Dù công việc của họ rất khó khăn nguy hiểm nhưng họ vẫn lạc quan và yêu đời

Nêu cao tình thần đồng đội và yêu nước

* Nhân vật Phương Định trong truyện:

- Trước khi đi làm nhiệm vụ:

Cô là một cô gái thành phố nhưng mong muốn mặc quân phục vì cho đó là bộ đồ đẹp nhất

Cô thuộc rất nhiều bài hát và hay hát

Cô rất hay mơ mộng và nghĩ vẩn vơ

- Khi vào quân ngũ:

Cô làm quen với quân ngũ và và sự căng thẳng hằng ngày

Cô cho rằng mỗi ngày là một thử thách

Cô làm công việc của mình một cách thuần thục và nhanh chóng, nhanh gọn

Cô không quan tâm đến tính mạng của mình, chỉ nghĩ đến có gỡ được bom không

- Tình cảm của cô đối với đồng đội:

Cô yêu thương Nho

Dành tình cảm quý mến và tôn trọng chị Thao

Còn chăm sóc đồng đội rất nhiệt tình và chu đáo

Cô thích mưa và trở nên trẻ con khi gặp mưa

Một người sống tình cảm

c. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Phương Định

Một cô gái lạc quan yêu đời và yêu nước

Có tâm hồn trong trắng, hồn nhiên

>>> Xem thêm: Hoàn cảnh sáng tác Những ngôi sao xa xôi?


2. Những bài văn mẫu hay nhất phân tích nhân vật Phương Định - Những ngôi sao xa xôi


Bài văn mẫu số 1:

"Những ngôi sao xa xôi" là một trong số những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết vào năm 1971. Lúc cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt. Trong truyện có nhân vật Phương Định là nhân vật tiêu biểu trong lớp thanh niên xung phong Việt Nam. Đó là một cô gái hồn nhiên nhưng rất dũng cảm, gan dạ - một cô gái thanh niên xung phong trẻ trung, hay mơ mộng. Qua đó, ta thấy được phần nào những nét đẹp của Phương Định và thấy được sự nổi bật của câu chuyện. Để hiểu rõ hơn về những nét đẹp đó của Phương Định, chúng ta hãy cùng nhau bước vào phần phân tích.

Phân tích nhân vật phương định qua đoạn trích vắng lặng đến phát sợ cát lạo xạo trong miệng

Truyện kể về nhóm nữ trinh sát mặt đường gồm Thao, Nho và Phương Định. Công việc của họ cực kỳ nguy hiểm và có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Đó là quan sát máy bay thả bom của giặc, đo đất đá, san lấp hố bom, kiểm tra những quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc nguy hiểm là thế nhưng họ vẫn luôn yêu đời, hồn nhiên, thích ca hát, tâm hồn mơ mộng, đặc biệt là nhân vật Phương Định. Họ luôn gắn bó, yêu thương nhau như chị em dù cho tính nết mỗi người mỗi khác. Cơn mưa đá ở cuối chuyện để lại trong lòng Phương Định bao xuyến xao, hoài niệm.

Cũng như bao cô gái mới lớn khác, Phương Định rất nhạy cảm và hay quan tâm đến ngoại hình của mình. Cô tự đánh giá về mình: "Tôi là cô gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn tôi là một cô gái khá. Có hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như hoa loa kèn". Còn đôi mắt của cô được các anh lính lái xe nhận xét: "Cô có cái nhìn sao mà xa xăm". Cô biết mình được nhiều người nhất là các anh lính lái xe để ý và có thiện cảm. Điều đó làm cô vui và tự hào. Nhưng cô không hay biểu lộ tình cảm của mình, cô luôn kín đáo giữa đám đông.

Trong khi các cô gái khác vây quanh các anh bộ đội còn cô thì: "Thường đứng ra xa, khoanh tay trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt tưởng như kiêu kỳ". Nhưng thực ra trong suy nghĩ của cô những người đẹp nhất, thông minh, can đảm, cao thượng nhất là những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ. Và cô còn dành tình yêu, niềm cảm phục cho những người lính chiến sĩ hàng đêm cô gặp trên trận địa.

Bên cạnh đó Phương Định là một cô gái hồn nhiên, trong sáng và có nhiều ước mơ về tương lai. Cô hay mơ mộng và rất thích hát. Thường cứ thuộc điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời bài hát. Lời bài hát đôi lúc lộn xộn, ngớ ngẩn đến cô cũng ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình. Cô thích ngồi bó gối mơ màng và thường nhớ về kỉ niệm bên mẹ và gia đình, đặc biệt qua một trận mưa đá, ta cảm nhận được sự hồn nhiên của cô. Cô reo lên vui mừng khi phát hiện mưa đá: "Mưa đá! Cha mẹ ơi! Mưa đá!…". Và cô tiếc thẫn thờ khi mưa tạnh và cảm thấy nhớ "nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố".

Dù mơ mộng hồn nhiên nhưng Phương Định vẫn là một cô gái rất gan dạ, dũng cảm có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Điều đó thể hiện qua một lần phá bom. Mặc dù đã quen với công việc nguy hiểm này, thậm chí một ngày có thể phá bom đến bốn, năm lần nhưng mỗi lần vẫn là một thử thách từ thần kinh đến cả ý nghĩ. Từ khung cảnh và không khí chứa đầy sự căng thẳng: "Vắng lặng đến phát sợ, cây xơ xác, đất nóng khi đen dật dờ trong không trung…". Đến cảm giác "cảm thấy có ánh mắt của các anh chiến sĩ dõi theo mình nên cô sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể đàng hoàng mà bước tới".

Đến lúc ở bên quả bom đào, xới, với những cảm giác hồi hộp, căng thẳng và thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt. Cô rùng mình và nhận ra sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí, vỏ quả bom nóng lên, một dấu hiệu chẳng lành". Trong lúc chờ bom nổ, cô có thoáng nghĩ đến cái chết nhưng là một cái chết mờ nhạt. Cô không sợ hi sinh mà chỉ sợ bom không nổ vì nếu như vậy sẽ không thông đường cho đoàn xe ra trận được.

Qua đó, có thể thấy Phương Định là một hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt. Cùng với cô là tính cách của sự hồn nhiên, lạc quan, dũng cảm và gan dạ, không sợ hi sinh vì tương lai tươi sáng của đất nước. Qua Phương Định, ta cảm nhận sự anh hùng của dân tộc và cuộc chiến đấu đầy ác liệt và gian khổ.

Góp phần xây dựng thành công trong câu chuyện, tác giả đã sử dụng ngôi kể thứ nhất, người kể cũng chính là nhân vật chính. Nghệ thuật miêu tả tâm lý, sinh động thể hiện được thế giới nội tâm phong phú của nhân vật trong chuyện.

Gấp trang sách lại nhưng hình ảnh Phương Định trong "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê cứ lung linh trong tâm trí chúng ta. Nó khiến ta bồi hồi, xúc động, họ – những cô gái thanh niên xung phong cho ta thấy được một bức tranh thời chiến tranh thật đáng tự hào và cảm phục biết bao dân tộc Việt Nam anh hùng. Chúng ta hiện giờ tuy vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng cần phải luôn luôn nỗ lực, gia sức học tập, rèn luyện đạo đức thật tốt để trở thành những người chủ của đất nước trong tương lai.


Bài văn mẫu số 2:

Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê được sáng tác năm 1971 – thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Truyện kể về cuộc sống, chiến đấu của ba cô gái Nho, Thao, Phương Định để từ đó làm nổi bật vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn, vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời kì chống Mĩ cứu nước.

Phương Định là nhân vật chính trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê. Cô và 2 người đồng đội của mình sống ở chân một cao điểm trên tuyến lửa Trường Sơn. Công việc hàng ngày của cô là “Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom” . Phá bom là công việc hằng ngày của cô. Có ngày 5 lần, ngày nào ít thì 3 lần. Và Lê Minh Khuê cũng đã tái hiện lại một cách cụ thể và sinh động một lần Phương Định phá bom như thế để từ đó làm nổi bật vẻ đẹp trong tâm hồn cô.

Phân tích nhân vật phương định qua đoạn trích vắng lặng đến phát sợ cát lạo xạo trong miệng

Vẻ đẹp đầu tiên mà chúng ta nhận ra ở Phương Định trong đoạn trích này chính là phẩm chất  kiên cường và lòng dũng cảm. Mặc đù phá bom đã trở thành công việc quen thuộc của cô nhưng là một cô gái trẻ trong khoảnh khắc đối diện với cái chết, cô cũng không tránh được sự sợ hãi. Chính sự sợ hãi ấy đã làm cho các giác quan của cô trẻ nên nhạy bén. Cô cảm nhận được “Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung”. Chi tiết này cho thấy Lê Minh Khuê rất am hiểu tâm lí của con người. Nếu nhà văn để cho Phương Định không có cái cảm giác sợ hãi kia thì có vẻ như không phù hợp với tâm lí của một cô gái trẻ. Để cho Phương Định cũng cảm thấy sợ hãi không chỉ phù hợp với tâm lí con người mà còn làm nổi bật lòng dũng cảm trong cô. Dù sợ hãi thế nhưng cô đã dũng cảm để chiến thắng được nỗi sợ hãi của mình và bình tĩnh phá bom. Phá bom là một công việc không hề đơn giản. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, chỉ một phúc chậm chễ là có thể mất mạng.

Phải thật sự dũng cảm  cô mới dám  nhận nhiệm vụ ấy. Và cũng vì hiểu được sự nguy hiểm trong công việc của mình nên Phương Định nhanh chóng đào đất phá bom. Có những lúc cô thấy rùng mình vì nghe thấy một tiếng động sắc đến gai người, vì cảm nhận được vỏ quả bom nóng. Thế nhưng bằng sự kiên cường và lòng can đảm của mình cô đã hoàn thành xong công việc. Trong đoạn văn miêu tả tâm lí của Phương Định khi phá bom nổ chậm, Lê Minh Khuê đã sử dụng hàng loạt các câu đặc biệt với nhịp điệu nhanh hơn bình thường. Cách diễn đạt như thế giúp người đọc cảm nhận được cái không khí và cảm giác căng thẳng của Phương Định khi thực hiện công việc phá bom nổ chậm. Không khí càng căng thẳng bao nhiêu ta càng nhận ra lòng dũng cảm của cô bấy nhiêu.

Chưa dừng lại ở đó, tinh thần dũng cảm của Phương Định còn tiếp tục được bộc lộ ở đoạn văn tiếp theo qua suy nghĩ của cô. Phá bom là đối diện với thần chết nhưng Phương Định lại nói “Tôi cũng nghĩ đến cái chết ,nhưng một cái chết rất mờ nhạt”. Nhà văn tỏ ra khá am hiểu tâm lí nhân vật .Cô cũng như bao người khác yêu tha thiết cuộc sống này , không phải không nghĩ đến cái chết nhưng một cái chết mờ nhạt, nghĩa là không đậm nét, không ám ảnh đến nỗi sợ hãi . Bởi đã chấp nhận đi thanh niên xung phong vào Trường Sơn là đi theo một lí tưởng cao đẹp ,sẵn sàng hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho tổ quốc.

Quay trở lại với Phương Định sau khi phá bom nổ chậm. Mặc dù đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng cô luôn lo lắng “liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai”. Cái suy nghĩ “làm thế nào để châm mìn lần hai” thật đáng để ta cảm phục. Châm mìn lần hai còn nguy hiểm hơn gấp ngàn vạn lần so với lần châm mìn thứ nhất. Bởi bom có thể nổ bất cứ lúc nào. Chỉ cái suy nghĩ ấy thôi cũng cho thấy được lòng dũng cảm tuyệt với của cô gái Hà Thành Phương ĐỊnh. Người đọc tự hỏi điều gì đã khiến một cô gái trẻ trung, mơ mộng, lãng mạn như PĐ lại trở nên gan dạ, dũng cảm đến thế? Phải chăng đó chính là tình yêu tổ quôc. Chính lòng yêu nước đã thôi thúc cô vào chiến trường và giờ đây cũng chính tình cảm ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho cô để cô trở nên mạnh mẽ, kiên cường để hoàn thành nhiệm vụ.

Không chỉ dũng cảm, kiên cường, Phương Định còn là một cô gái giàu lòng tự trọng, luôn muốn hình ảnh cảu mình đẹp đẽ trong mắt mọi người nhất là các anh pháo thủ.  Cô kể: “Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ theo dõi mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Cô không muốn hình ảnh của mình xấu đi trong mắt các chiến sĩ. Dù nguy hiểm hiếm đến đâu cũng không được phép run sợ .Cô tự nhủ với chính mình: “Tôi sẽ không đi khom , các anh ấy không thích cái kiểu đi khom “. Như vậy coi trọng danh dự đã tiếp thêm cho cô nghị lực để cô thực hiện công việc của mình. Nét đẹp ấy của Phương Định thật đáng để ta trân trọng.

Bằng hàng loạt các câu trần thuật đơn, câu rút gọn, câu đặc biệt , nhịp ngắt dồn dập, nghệ thuật độc thoại nội tâm, phân tích tâm lí nhân vật độc đáo, tình huống kịch tính, điểm nhìn của tác giả hòa lẫn vào điểm nhìn tâm trạng của nhân vật để tạo nên không khí căng thẳng, hiểm nguy và khắc họa tâm lí Phương Định. Thông qua đó, ta thấy rõ phẩm chất anh dũng, kiên cường của nhân vật. Đó là phẩm chất tiêu biểu cho thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ.

Đoạn trích đã miêu tả thành công diễn biến tâm lí Phương Định trong một lần phá bom để từ đó làm nổi bật phẩm chất anh hùng dũng cảm của cô cũng như của cả thế hệ trẻ Việt Nam – thế hệ dàn hàng gánh trên vai đất nước. Đoạn trích cũng như toàn bộ tác  đã khơi gợi trong lòng người đọc không ít những tình cảm đẹp. Nó khiến ta càng thêm cảm phục trước tài năng của nhà văn Lê Minh Khuê, càng thêm yêu mến, trân trọng những con người đã cống hiến cho độc lập dân tộc. Từ hình ảnh của Phương Định trong đoạn trích trên, Lê Minh Khuê đã đem đến cho người đọc những bài học vô cùng sâu sắc. Đó là bài học về lòng dũng cảm, về lý tưởng sống đẹp của con người. Và phải chăng chính vì thế mà sau bao thăng trầm của lịch sử, “ Những ngôi sao xa xôi” của  Lê Minh Khuê   vẫn còn mãi trong lòng bạn đọc.


Bài văn mẫu số 3:

Viết về người lính và chiến tranh là nguồn cảm hứng của rất nhiều nhà thơ, nhà văn. Với Phạm Tiến Duật, ta được đến với sự trẻ trung, ngang tàng của các chiến sĩ Trường Sơn qua “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Gặp “Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ, ta lại bắt gặp những cô gái mở đường không tiếc thân mình “đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom”. Và đến với “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê ta lại không khỏi thán phục trước tinh thần dũng cảm, tình đồng đội nồng ấm, tâm hồn lạc quan trong sáng của ba nữ thanh niên xung phong mà để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong em là Phương Định.

Phương Định cùng Nho và Thao – những cô gái thanh niên xung phong sống trên cao điểm mênh mông khói bụi Trường Sơn và bom đạn hủy diệt của kẻ thù.Công việc của chị và đồng đội trong tổ trinh sát mặt đường là “đo khối lượng đất đá lấp hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom” để bảo vệ con đường cho những đoàn xe băng về phía trước,góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Công việc của chị thật vinh quang nhưng cũng đầy hi sinh gian khổ. Song chính hoàn cảnh gian khó hiểm nguy ấy đã làm cho chúng ta cảm nhận được những phẩm chất đáng quý của chị.

Cảm nhận đầu tiên về nhân vật Phương Định là vẻ đẹp của tinh thần dũng cảm, thái độ bình tĩnh vượt lên mọi hiểm nguy. Hằng ngày, chị thường xuyên phải chạy trên cao điểm bị bom đạn cày nát mà còn ẩn dấu những quả bom chưa nổ. Điều đó cũng có nghĩa chị luôn phải đối mặt với thần chết. Mỗi ngày, chị phải phá từ 3-5 lần bom, nguy hiểm là vậy nhưng chị vẫn bình thản thậm chí còn thấy thú vị dù trên mình còn có vết thương chưa lành miệng. Cứ mỗi lần phá bom, đất rắn, tiếng xẻng va chạm vào cỏ quả bom nghe sắc lạnh đến ghê người. Ngay cả lúc ấy, chị vừa trách vừa nhắc nhở mình “phải nhanh hơn chút nữa”, nếu không vỏ quả bom nóng lên hoặc nóng từ bên trong quả bom hay nóng do mặt trời khi đó sẽ rất nguy hiểm”. Xác định được tính chất nguy hiểm, song với tinh thần dũng cảm cùng tình yêu Tổ quốc, chị đã vượt qua tất cả. Thao tác, tư thế, thái độ bình tĩnh khi phá bom là vẻ đẹp đáng quý ở Phương Định nói riêng và những cô gái trẻ nói chung. Có những lúc, chị cũng nghĩ đến cái chết nhưng cái chết này mờ nhạt. Còn ý nghĩa cháy bỏng là “Liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Làm thế nào để châm mìn lần thứ hai?” Mục đích hoàn thành nhiệm vụ luôn được chị đặt lên trên hết.

Trong chị luôn thường trực tình đồng đội, đồng chí nồng ấm. Tấm lòng vị tha của chị luôn quan tâm tới đồng đội. Khi chị Nho và Thao ở trên cao điểm, phải ở nhà trực máy nhưng trong lòng Phương Định luôn lo lắng, sốt ruột,đứng ngồi không yên. Chị lo lắng đến mức chạy ra chạy vào lắng nghe cả tiếng súng hỗ trợ của các anh bộ đội pháo binh.sự lo lắng ấy khiến chị cáu với cả đội trưởng “trinh sát chưa về”. Điều đó thể hiện lòng quan tâm, lo lắng của chị với đồng đội thật sâu sắc. Chị luôn trìu mến, yêu thương bạn bè, chẳng thế mà chị đã nhận xét về người đồng đội trẻ tuổi Nho, chị phát hiện ra vẻ dễ thương của Nho “nhẹ, mát mẻ như một que kem trắng”. Chị còn hiểu rất rõ sở thích của bạn, của đồng đội. Chị Thao thích ghi bài hát mặc dù chị hát toàn sai nhạc,chị ghi tới ba cuốn sổ dày bài hát, chị Thao còn thích tỉa đôi lông mày nhỏ như que tăm, chị hiểu được sự cương quyết, táo bạo nhưng rất đáng gờm trong công việc của chị Thao. Tuy vậy chị Thao rất sợ máu và vắt. Chị hiểu được ở Nho thích thêu thùa, trên ngực áo của Nho luôn có một bông hoa. Chị còn hiểu được tâm trạng của đồng đội như khi Nho bị thương, chị Thao thì cuống quýt lên còn Nho lại bình tĩnh, gan dạ. Phương Định băng bó, tiêm thuốc và pha sữa cho Nho. Tình cảm đồng đội,đồng chí là ngọn lửa sưởi ấm lòng, là niềm tin, là động lực, là nguồn động viên khích lệ các chị thêm vững lòng trên mặt trận đầy gian nguy này. Ngược lại, chị Phượng Định cũng rất cần sự cổ vũ, động viên của đồng đội. Chị cảm thấy ấm lòng và tự tin hơn khi cảm thấy ánh mắt dõi theo, khích lệ của các anh chiến sĩ pháo binh. Chị được rất nhiều chiến sĩ cảm mến. Điều đó càng làm tình đồng đội, đồng chí trong chị thêm sâu đậm biết bao!

Nét nổi bật và cũng là điểm hấp dẫn nhất của Phương Định với người đọc chúng ta là tâm hồn trong sáng, giàu mơ mộng, là sự hồn nhiên như trẻ thơ của chị. Chị là cô gái Hà Nội vào chiến trường khói lửa, chị vẫn hay nhớ nhà, nhớ những kỉ niệm tuổi thơ. Chị hay hát, hay cười một mình, ngắm mình trong gương. Chị tự đánh giá mình là “một cô gái khá”. Chị có cái điệu đà của người Hà Nội nhưng là cái điệu thật đáng yêu vì nó hồn nhiên và vô cùng chân thực.

Qua nhân vật Phương Định, ta càng hiểu thêm về những vẻ đẹp đáng quý của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn nói riêng và thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng hào hùng ấy. Âm vang của những câu hát sau sẽ luôn vang vọng trong con người Việt Nam với lòng tự hào đầy trân trọng: “Cô gái mở đường ra đi cứu nước. Tiếng hát ai vang vọng núi rừng…..”

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn phân tích nhân vật Phương Định qua đoạn trích trên. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 03/06/2022 - Cập nhật : 10/10/2023