logo

Phân tích nhân vật Phương Định


Phân tích nhân vật Phương Định

       Nhà văn khi sáng tác, là hành trình nỗ lực đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn nhân vật, để rồi tỏa sáng vẻ đẹp ấy trên trang sách của mình. Nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã thật sự được khắc họa thật đẹp và ấn tượng dưới ngòi bút của tác giả.

Phân tích nhân vật Phương Định | Văn mẫu 9 hay nhất

        Trước hết, cái khiến nhân vật này ấn tượng với độc giả là vẻ đẹp trong trẻo, tươi mới của cô gái đất Hà Thành, khói lửa đạn bom của nhiệm vụ sinh tử không làm mất đi nét đẹp tự nhiên ấy ở chị, trái lại càng tạo nên nét riêng, nét độc đáo cho cô gái ấy “Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”. Còn mắt tôi thì các lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”, vẻ đẹp yêu kiều rất duyên dáng ấy đã khiến cho biết bao tâm hồn cũng thầm thương trộm nhớ cô ”các anh pháo thủ và lái xe hay hỏi thăm tôi”. Chính nhờ chi tiết này, người đọc thấy nhân vật hiện lên rất đỗi đời thường, ấm áp, quen thuộc xen lẫn vẻ đẹp dũng cảm, đầy bản lĩnh anh hùng của chị. Từ đó có thể thấy một cái nhìn mới mẻ của tác giả dành cho nhân vật này, trước đó, trong những tác phẩm văn học mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, nhân vật trung tâm, mang lí tưởng thường là hình mẫu cao cả, nét anh hùng, kì vĩ, phi thường thường là nét nổi bật nhất, ấn tượng nhất, nhân vật bao giờ cũng hiện lên ở tầm vóc mới tuy nhiên ở đây nhà văn đã chiếu cái nhìn chân thật bình dị đối với Phương Định, từ đó làm cho hình ảnh cô tuy đẹp, tuy đầy tính biểu tượng nhưng không khuôn mẫu mà vẫn có nét đẹp riêng.

        Xưa nay, trong xã hội trọng nam khinh nữ, và đặc biệt là trong quan niệm của phần đông, phụ nữ thường là thân phận chân yếu tay mềm, do đó, cần được bảo vệ, nhưng nhìn theo chiều hướng của kẻ yếu. Ở đây, Phương Định tuy là một cô gái bé nhỏ, nhưng chị không cần sự bảo vệ của người khác, thậm chí còn đang làm công việc vô cùng nguy hiểm cái chết luôn cận kề để bảo vệ sự sống của hàng nghìn người. Đó là công việc ngày ngày đối mặt với đầy rẫy hiểm nguy, cái chết cận kề “sống và chiến đấu trên một cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Chị phải chạy trên cao điểm đánh phá của máy bay địch. Sau mỗi trận bom, chị cùng đồng đội phải lao ra trọng điểm, đo và ước tính khối lượng đất đá bị bom địch đào xới, đếm những quả bom chưa nổ và dùng những khối thuốc nổ đặt vào cạnh nó để phá”. Sự tàn khốc đến đau thương của chiến tranh đã lấy đi sức mạnh của nhiều người, nhưng đối với cô gái bé nhỏ này, tất cả chỉ càng làm dày dạn thêm kinh nghiệm chiến trường, tôi rèn thêm bản lĩnh của một người chiến sĩ, luôn trách nghiệm tận tâm với công việc: “Tôi đến gần quả bom... đàng hoàng mà bước tới. Ở bên quả bom, kề sát với cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác của con người như cũng trở nên sắc nhọn hơn.” Rõ ràng, Phương Định đang kể về những lần đối đầu với hố bom, thế nhưng với giọng kể hết sức bình tĩnh, giống như đó là công việc hàng ngày, giống như một lần thách thức lại cả lưỡi hái của thần chết. Sự điềm tĩnh, đường hoàng ấy của Phương Định khi phá bom gợi lên vẻ đẹp đầy kiêu hãnh, tâm thế và tư thế vô cùng tự hào, bản lĩnh của người chiến sĩ. Ta bỗng nhớ đến những câu thơ rất thấm thía của Tố Hữu:

“Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

không giết được em người con gái anh hùng”

        Có ai sống trên đời mà không trân quý và muốn bảo vệ sự sống, mạng sống của mình đến cùng, thế nhưng cô gái trẻ ấy không chỉ hi sinh tuổi xuân, mà còn sẵn sàng hy sinh mạng sống để vì tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, vì những người đang chiến đấu ở ngoài xa. Phương Định chiến đấu và chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình vì hàng nghìn người đang đặt niềm tin vào chị. Đó là tinh thần đồng đội, là quyết tâm vững vàng, và một trái tim sắt đá cái chết, sự sống đặt trong thế đối với nhau để càng làm sắc nét hơn hình tượng quả cảm, biểu tượng cho thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ kháng chiến. Họ sợ cái chết, nhưng họ không chọn ở lại, họ chọn đứng lên, chiến đấu, và chiến thắng. Họ chọn tổ quốc hơn cá nhân, họ chọn sự sống của cộng đồng hơn sự sống của chính mình, điều mà sau này khi Thanh Thảo viết ta mới thấy thật thấm thía:

“Chúng tôi đi không tiếc cuộc đời mình

Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc”.

         Bên cạnh đó, Phương Định còn là cô gái có trái tim đầy yêu thương, chân thành rất mực dành cho các đồng chí, đồng đội xung quanh, cũng như yêu thương tha thiết quê hương, gia đình mình. Chị yêu kính và ngưỡng mộ những người chiến sĩ mà mình đã gặp trên cao điểm. Rồi cả sự quan tâm rất ân cần với Nho, những xúc cảm rất tinh tế và ngọt ngào dành cho người bạn của mình. Với gia đình thân thương, những kỉ niệm thuở ấu thơ, những miền ký ức dịu hiền thi thoảng dội về trong tâm trí, như dòng suối ngọt ngào xoa dịu nỗi đau của chiến tranh, như làm vơi dần những mất mát đau thương bị đánh đổi.

         Phương Định lấp lánh như một ngôi sao, những ngôi sao xa xôi mang trong mình niềm kiêu hãnh và sự tự tin của người chiến sĩ, nó tỏa sáng cả trang truyện, và Lê Minh Khuê thực sự đã để lại nhớ thương rất nhiều cho nhân vật này:

“Em nằm dưới đất sâu

Như khoảng trời nằm yên trong đất

Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng

Những vì sao ngời chói lung linh”.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021