logo

Phân tích nhân vật Ki-tô A-ya trong đoạn trích nhật ký "Một lít nước mắt"

Nghị lực sống của Ki-tô A-ya – cô gái như vầng dương qua đoạn trích từ nhật ký “Một lít nước mắt” đã để lại cho người đọc những suy tư sâu sắc. Hãy cùng Toploigiai đến với bài Phân tích nhân vật Ki-tô A-ya trong đoạn trích nhật ký “Một lít nước mắt” sau đây nhé!


Dàn ý Phân tích nhân vật Ki-tô A-ya trong đoạn trích nhật ký “Một lít nước mắt”

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm... 

- Giới thiệu đoạn trích, khái quát nội dung, nghệ thuật... 

- Giới thiệu nhân vật A-ya (hoàn cảnh, khái quát phẩm chất...)

2. Thân bài:

* Hoàn cảnh của nhân vật: phát hiện bị bệnh nan y trong độ tuổi đẹp nhất, mất dần khả năng điều khiển các bộ phận trên cơ thể mình... 

* Là cô gái phải chịu nhiều đau đớn, giày vò bởi bệnh tật, bất lực trước căn bệnh nan y. 

- Mất nhiều thời gian cho những việc bình thường mà mọi người làm trong chốc lát: gấp chăn, thay quần áo, đi vệ sinh... 

- Phản ứng chậm với mọi thứ: luôn cứng đờ mệt mỏi, không kịp chào hỏi người quen, bị ngã xuống sàn nhưng sau mới thấy đau khắp người... 

- Bị ngụp nước trong bồn tắm, dần dần không thể đi lại được nữa nhưng không làm được gì. 

- Đau đớn, không muốn nhìn mẹ buồn tự bỏ đến nhà vệ sinh nhưng không thể, òa khóc trong lòng mẹ, cho rằng mình thấp kém 

=> Vừa đau đớn về thể xác vừa suy sụp về tinh thần khi biết bệnh mỗi ngày một nặng nhưng không thể làm gì, ý thức rõ bệnh nhưng không thể chữa trị, chỉ chờ ngày tận cùng...

* Mặc dù bị hành hạ bởi bệnh tật, bệnh không có cách chữa trị nhưng A-ya vẫn không tuyệt vọng, vẫn trân trọng cuộc sống của mình. 

- Trân trọng thời gian cuối cùng ở kí túc xá, nỗ lực mang lại kỉ niệm đẹp cho mọi người vào Giáng sinh..., tự an ủi bản thân phải chống chọi với bệnh tật để không làm mẹ lo

- Cảm nhận mùa xuân qua đi với những chiếc lá rơi, ấm áp như lòng mẹ... 

- Mặc dù không thể làm gì ngoài khóc nhưng nhận thức được mình đang sống, đang hít thở và không thể chết

- Sợ hãi khi khóc sẽ làm mình xấu đi => mỗi khi nhìn vào gương luôn tự mỉm cười => Hãy sống!

3. Kết bài: Khái quát lại giá trị tác phẩm.


Phân tích nhân vật Ki-tô A-ya trong đoạn trích nhật ký “Một lít nước mắt”

Cuộc đời của mỗi con người là những trang nhật ký muôn màu bởi ai cũng có những dấu ấn riêng mà không lặp lại ở bất kì ai. Những trang nhật ký ấy thậm chí còn là nguồn động lực truyền cảm hứng cho các thế hệ sau. Ta đã vô cùng xúc động và khâm phục trước nghị lực sống của Ki-tô A-ya – cô gái như vầng dương qua đoạn trích từ nhật ký “Một lít nước mắt”.

Phân tích nhân vật Ki-tô A-ya trong đoạn trích nhật ký "Một lít nước mắt"

A-ya là một nữ sinh Nhật Bản mắc bệnh nan y – thoái hóa tiểu não (bại não). Từ cuộc sống vui vẻ của tuổi đôi mươi, được tự do, hạnh phúc bên người thân, bạn bè, A-ya phải liên tục vào bệnh viện điều trị. Bệnh tật khiến cô mất dần tiếng nói, khả năng điều khiển cơ thể. Trong những trang nhật ký của cô, cô kể về bệnh tật, đau đớn nhưng không bi lụy mà ngược lại cô càng nâng niu, trân trọng cuộc sống của mình. 

A-ya là cô gái phải chịu nhiều đau đớn, giày vò bởi bệnh tật, bất lực trước căn bệnh nan y. Buổi sáng là khởi đầu của ngày mới, tràn đầy năng lượng đối với mỗi người nhưng với A-ya, cô lại cảm thấy đáng sợ hơn buổi tối khi phải ngủ một mình. Cô biết rằng thời gian đang tỉ lệ thuận với tiến triển bệnh của cô, cô nhận thức rõ tình trạng xấu đi của bản thân nhưng không biết làm thế nào. A-ya phải mất nhiều thời gian cho những việc bình thường: hơn một tiếng đồng hồ để gấp chăn, thay quần áo, đi vệ sinh mất ba mươi phút, bốn mươi phút để ăn sáng. A-ya trở nên chậm với mọi thứ, luôn cứng đờ mệt mỏi, không kịp chào hỏi người quen, bị ngã xuống sàn nhưng sau vài ngày mới thấy đau khắp người. Phản ứng ngày một chậm của cô khiến cô mất đi sự nhanh nhẹn, nhạy bén của tuổi trẻ, cô ngày càng khác biệt, xa dần với đám bạn cùng trang lứa. Chính vì không còn kiểm soát cơ thể tốt nữa, cô không giữ được thăng bằng mà liên tục bị ngụp nước khi tắm. Tệ hơn nữa, cô mất dần khả năng di chuyển, chỉ có thể ngồi một chỗ bất lực. Trẻ em từ bò, ngồi, di chuyển nhưng cô lại đi ngược lại, bệnh tật khiến cô dù có cau mày, khó chịu nhưng cuối cùng vẫn phải chịu kết quả định trước. Nỗi lo sợ, bất lực cô chỉ có thể viết vào mảnh giấy đưa cho mẹ nhưng lại vội ngoảnh mặt đi vì không muốn thấy mẹ buồn. Không chỉ riêng cô, mẹ, gia đình, bạn bè đều đau đớn. Cô cố gắng bò đến nhà vệ sinh chỉ cách ba mét nhưng cũng không thể, lúc cô ngoảnh lại thấy mẹ, cảm xúc dồn nén trong cô đã vỡ òa. Cô ôm mẹ khóc nức nở, còn gì đau đớn hơn khi mơ ước cuộc sống bình yên, hòa nhập với xã hội ngoài kia nhưng lại bị giam nhốt bởi bệnh tật, tiêu diệt quãng đời đẹp nhất tại giường bệnh? 

Bệnh tật là thế, bất lực, đau đớn như vậy nhưng A-ya vẫn không tuyệt vọng, vẫn nâng niu cuộc sống của mình. Cô trân trọng thời gian cuối cùng ở kí túc xá, nỗ lực mang lại kỉ niệm đẹp cho mọi người vào Giáng sinh. Cô thấy mình rất bận rộn nhưng ý nghĩa mà cô mang lại cho mọi người khiến cô thấy vui vẻ và hài lòng với bản thân. A-ya tự động viên mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để chống chọi với bệnh tật và không làm mẹ lo. Cô cảm thấy xấu hổ khi toàn nghĩ đến chuyện trước mắt mà thôi. Trước bước đi của thời gian, cô nâng niu, đưa tay đón lấy những chiếc lá rơi ấm áp như lòng mẹ. Cô vẫn cảm nhận sự tươi đẹp, trong trẻo của cuộc sống mà không bi lụy, đầu hàng trước cán bệnh nan y. Khát vọng sống của A-ya còn thể hiện lúc cô bị ngụp nước khi tắm. Cô không hề cảm giác mình sẽ chết mà dường như cô đang ở thiên đường, cô thấy rằng mình vẫn sống, tim mình vẫn đập và hạnh phúc khi mình vẫn còn tồn tại trên thế giới này. Đến khi bệnh trở nặng, cô không thể làm gì ngoài khóc thì cô vẫn biết rằng mình đang sống và tiếp tục phải sống. Mặc dù nhận thức rõ tình hình bệnh trước mắt là không có cách chữa trị nhưng cô không buông xuôi cho số mệnh. Cô nỗ lực tự làm những việc cá nhân khi còn có thể, khó khăn trong di chuyển nhưng cô vẫn tự mình bò từng bước mà không hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ. Sau khi gục ngã và òa khóc trong lòng mẹ, cô lập tức lấy lại tinh thần, cô sợ hãi khi khóc sẽ làm mình xấu đi vì vậy mỗi khi nhìn vào gương luôn “nhe răng cười toe toét”. Cô dùng nụ cười để chiến thắng bệnh tật, dùng thái độ lạc quan để tiếp tục cuộc sống của mình. Kết thúc đoạn trích, A-ya đã viết “Hãy sống!”, đó vừa là mệnh lệnh, vừa là mục tiêu, sức mạnh để cô chống chọi với bệnh. Dòng chữ trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống của cô, cũng là “tuyên ngôn” truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tất cả mọi người. 

Như vậy, những trang nhật ký của A-ya vừa là cảm nhận, suy nghĩ của cô về bệnh tật nhưng cũng là thái độ lạc quan, trân trọng cuộc sống của cô. Sự kiên cường của cô là tấm gương sáng cho mọi thế hệ, để lại nhiều bài học quý giá cho bạn đọc.

icon-date
Xuất bản : 23/01/2024 - Cập nhật : 23/02/2024