logo

Phân tích khổ cuối bài thơ Đất Nước( Những người vợ nhớ thương chồng...hết)

Tuyển chọn những bài văn hay Phân tích khổ cuối bài thơ Đất Nước (Những người vợ nhớ thương chồng...hết).Với những bài văn mẫu ngắn gọn, chi tiết, hay nhất dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý Phân tích khổ cuối bài thơ Đất Nước 

Phân tích khổ cuối bài thơ Đất Nước( Những người vợ nhớ thương chồng...hết)

Nội dung: Phân tích phần còn lại của đoạn trích để làm nổi bật lên tư tưởng cốt lõi của toàn chương Đất Nước: Đất Nước của Nhân dân. Tư tưởng ấy được nhà thơ tiếp tục triển khai trên những phát hiện thú vị, độc đáo của các bình diện: địa lí, lịch sử, văn hoá, tinh thần, truyền thống của dân tộc. Tác giả tiếp tục lí giải: Ai làm ra đất nước?

Đoạn thơ dài, học sinh cần tách khổ, xác lập ý sao cho sát hợp với cảm xúc của nhà thơ. Cụ thể như sau:

+ Tư tưởng đất nước của nhân dân qua các thời đại.

+ 12 câu đầu: Sự hoá thân của nhân dân vào đất nước.

+ 34 câu còn lại: Dồn nén, hội tụ đỉnh cao của cảm xúc trữ tình: Đất Nước của Nhân dân — Đất Nước của ca dao, thần thoại.

(Học sinh khá giỏi, khi viết bài có thể thêm luận điểm 1, học sinh trung bình vận dụng linh hoạt hơn).

Phương pháp lập luận: Phân tích kết hợp với chứng minh.

Tư liệu: Chủ yếu dẫn trong đoạn thơ, có thể dẫn một số tư liệu thơ khác cho bài viết thêm sâu sắc.


Phân tích khổ cuối bài thơ Đất Nước - Bài mẫu 1

Phân tích khổ cuối bài thơ Đất Nước( Những người vợ nhớ thương chồng...hết) (ảnh 2)

    Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Trường ca “Mặt đường khát vọng” là tác phẩm xuất sắc, mang vẻ đẹp độc đáo của ông, được sáng tác vào năm 1971 tại núi rừng chiến khu Trị — Thiên. Bài “Đất Nước” là chương V của trường ca này. Tác giả đã sử dụng một cách sáng tạo các chất liệu – thi liệu từ tục ngữ, ca dao dân ca, từ truyển thuyết cổ tích đến phong tục, ngôn ngữ… của nền văn hóa dân tộc để khơi nguồn cảm hứng về Đất Nước, một Đất Nước có nguồn gốc lâu đời, một Đất Nước của Nhân Dân vĩnh hằng muôn thuở.

    Đoạn thơ 12 câu này trích trong phần II bài “Đất Nước” đã ca ngợi Đất Nước hùng vĩ, tự hào khẳng định những phẩm chất cao đẹp ta, tộc ta. Câu thơ mở rộng đến 13, 14, 15 từ, nhưng vẫn thanh thoát, nhịp nhàng, giàu âm điệu và nhạc điệu gợi cảm:

    “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

    …

    Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”.

    Tám câu thơ đầu nói về tượng hình Đất Nước, một Đất Nước hùng vĩ, một giang sơn gấm vóc. Khắp nơi trên mọi miền Đất Nước ta, ở đâu cũng có những danh lam thắng cảnh. Núi Vọng Phu, hòn Trống Mái đã đi vào huyền thoại cổ tích. Nguyên Khoa Điềm đã có một cái nhìn khám phá, nhân văn. Núi ấy, hòn ấy là do “những người vợ nhớ chồng”, hoặc “cặp vợ chồng yêu nhau” mà đã “góp cho”, đã “góp nên” làm đẹp thêm, tô điểm thêm Đất Nước:

    “Những người vợ nhớ chổng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

    Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái”.

    Núi Vọng Phu ở Lạng Sơn, Thanh Hóa, Bình Định,… hòn Trống Mái ở Sầm Sơn không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Vợ có “nhớ chồng”, cặp vợ chồng có “yêu nhau” thì mới “góp cho Đất Nước”, mới “góp nên” những núi Vọng Phu, hòn Trống Mái ấy. Tình yêu lứa đôi có thắm thiết, tình nghĩa vợ chồng có thủy chung thì Đất Nước mới có tượng hình kì thú ấy, Tác giả đã vượt lên lối liệt kê tầm thường để có một cách nhìn, một cách diển đạt mới mẻ, nhân văn.

    Hai câu thơ tiếp theo ca ngợi vẻ đẹp Đất Nước về mặt lịch sử và truyền thống. Cái “gót ngựa của Thánh Gióng” đã “để lại”cho Đất Nước ta bao ao đầm ở vùng Hà Bắc ngày nay! 99 núi con Voi ở Phong Châu đã quần tụ, chung sức chung lòng “góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương”. Các từ ngữ: “đi qua còn… để lại”, “góp mình dựng” đã thể hiện một cách bình dị mà tự hào về sự thiêng liêng của Tổ quốc, về khí phách anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ Đất Nước:

    “Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

    Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương”.

    Đất Nước ta có núi cao, biển rộng, sông dài. Có sông Hồng Hà “đỏ nặng phù sa”. Có sông Mã “bờm ngựa phi thác trắng”.Và còn có Cửu Long Giang với dáng hình thơ mộng, ôm ấp huyền thoại kiêu sa:

    “Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm”.

    Rồng “nằm im”từ bao đời nay mà Nam Bộ mến yêu có “dòng sông xanh thẳm” cho quê hương nhiều nước ngọt phù sa, nhiều tôm cá, mênh mông biển lúa bốn mùa. Phải chăng nhà thơ trẻ qua vẻ đẹp dòng sông Chín Rồng để ca ngợi giang sơn gấm vóc, con người Việt Nam rất đỗi tài hoa?

   Quảng Nam, Quảng Ngãi quê hương của Hoàng Diệu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng,… có núi Ân sông Đà, có núi Bút non Nghiên. Ngắm núi Bút non Nghiên, Nguyễn Khoa Điềm không nói về “địa linh nhân kiệt” mà nghĩ về người học trò nghèo, về truyền thống hiếu học và tấm lòng tôn sư trọng đạo của nhân dân ta:

    “Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình Bút, non nghiên”.

    “Nghèo” mà vẫn “góp cho” Đất Nước ta núi Bút non Nghiên, làm rạng rỡ nền văn hiến Đại Việt. Nghèo vật chất mà giàu trí tuệ tài năng.

    Hạ Long trở thành kì quan, thắng cảnh là nhờ có “con cóc, con gà quê hương cùng góp cho”.Và những tên làng, lên núi, tên sông như Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm… ở vùng cực Nam Đất Nước xa xôi đã do “những người dân nào đã góp tên”, đã đem mồ hôi, xương máu bạt rừng, lấn biển, đào kênh, bắt sấu, bộ hổ… làm nên? Nhà thơ đã có một cách nói bình dị mà thấm thìa ca ngợi đức tính cần cù, siêng năng, dũng cảm trong lao động sáng tạo của nhân dân ta, khẳng định nhân dân vô cùng vĩ đại, người chủ nhân đã “làm nên Đất Nước muôn đời”:

    “Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cánh

    Những người dân nào đã góp tên ông Đốc, ông Bà Đen, Bà Điểm”.

    Tám câu thơ với bao địa danh và cổ tích huyền thoại được nhà thơ nói đến thể hiện niềm tự hào và biết ơn Đất Nước cùng Nhân dân. Các thi liệu – hình ảnh: người vợ, cặp vợ chồng, gót ngựa, 99 con voi, con rồng, người học trò nghèo, con cóc con gà, những người dân nào… dưới ngòi búi của Nguyễn Khoa Điềm mang ý nghĩa tượng trưng cho tâm hồn trung hậu, cho trí tuệ và tài năng, đức tính cần cù và tinh thần dũng cảm,…của nhân dân ta qua trường kì lịch sử. Chính nhân dân vĩ đại đã “góp cho”, “góp nên”, “để lại”, “góp mình”, “cùng góp cho”, “đã góp tên”,… đã làm cho Đất Nước ngày thêm giàu đẹp. Nhà thơ đã đem đến cho những động từ – vị ngữ ấy (góp cho, góp nên…) nhiều ý nghĩa mơi mẻ, nhiều sắc thái biểu cảm với bao liên tưởng đầy tính nhân văn. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

    “Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào

    Thấy nghìn núi trăm sông diễm lệ”.

           (“Chim lượn trăm vòng”)

    Bốn câu thơ cuối đoạn, giọng thơ vang lên say đắm, ngọt ngào. Từ cụ thể, thơ được nâng lên tầm khái quát, tính chính luận kết hợp một cách hài hòa với chất trữ tinh đằm thắm:

    “Và ở đâu trên khắp ruộng đồng, gò bãi

    Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

    Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

    Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…”.

    Ruộng đồng gò bãi… là hình ảnh của quê hương đât nước. Những tên núi, tên sông, tên làng, tôn bản, tên ruộng đồng, tên gò bãi… bất cứ ở đâu trên đất nước Việt Nam thân yêu đều mang theo “một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha”. Hình tượng đất nước cũng là điệu tâm hồn, phong cách, ước mơ hoài bão của ông cha ta, tổ tiên ta bốn nghìn năm lịch sử dựng nước. “Những cuộc đời đã hóa núi sông ta” là một câu thơ rất hay, rất đẹp ca ngợi tâm hồn Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam. Chữ “một” được điệp lại 3 lần, chữ “ta” được láy lại 2 lần, kết hợp từ cảm thán đã tạo nên những vần thơ du dương về nhạc điệu, nồng nàn, say đắm tự hào về cảm xúc. Vừa đĩnh đạc hào hùng, vừa thiết tha lắng đọng, vẻ đẹp nhân văn chan hòa trên những dòng thơ tráng lệ. Tầm vóc của Đất Nước và dân tộc được hiện diện một cách sâu sắc rộng lớn không chi trên bình diện địa lí “mênh mông” mà còn ở dòng chảy của thời gian và lịch sử bốn nghìn năm “đằng đẵng”.

    Đoạn thơ trên đây tiêu biểu cho cái hay, cái đep của hồn thơ Nguyễn Khoa Điểm trong bài “Đất Nước”. Câu thơ mở rộng đậm đặc chất văn xuôi, Yếu tố chính luận và chất chữ tình, chất cảm xúc hoà quyện, làm cho chất thơ dào dạt, ý tưởng sâu sắc, mới mẻ. Đất nước hùng vĩ, nhân dân anh hùng, cần cù, hiếu học, ân nghĩa thủy chung… được nhà thơ cảm nhận với tất cả lòng yêu mến tự hào.

    Chất liệu văn hóa dân gian được tác giả vận dụng sáng tạo. Qua hình tượng Đất Nước mà nhà thơ ca ngợi tâm hồn Nhân Dân, khẳng định bản lĩnh nòi giống và dáng đứng Việt Nam. Thiên nhiên Đất Nước đã được Nhân Dân sáng tạo nên. Nhân Dân là chủ nhân của Đất Nước.

    Thơ đích thực khơi gợi hồn người trở nên trong sáng, phong phú và cao thượng. Đoạn thơ như một tiếng nói tâm tình “dịu ngọt”, nhà thơ như đang đối thoại cùng ta về Đất Nước và Nhân Dân. Đọc lại đoạn thơ, lòng mỗi chúng ta bâng khuâng, xúc động nghĩ về hai tiếng Việt Nam thân thương:

    “Ôi! Việt Nam! Yêu suốt một đời…”

 

           (Tố Hữu)

    Ta cảm thấy hãnh diện và lớn lên cùng Đất Nước.


Phân tích khổ cuối bài thơ Đất Nước - Bài mẫu 2

Mở bài

    Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ mặc áo lính trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất suy tư, trữ tình — chính luận. Trường ca Mặt đường khát vọng là một trong những thi phẩm viết về đề tài đất nước trong những năm chiến tranh. Tác phẩm đã để lại nhiều dấu ấn đặc sắc trong lòng người đọc, đặc biệt chương Đất Nước có nhiều đoạn hay và được nhiều người yêu thích. Trong đó tác giả bày tỏ cảm nhận, nhận thức của mình về đất nước: Đất Nước của Nhân dân, Nhân dân làm ra Đất Nước. Từ đó thức tỉnh nhận thức của tuổi trẻ về Đất Nước trong những năm chống Mĩ cứu nước và vai trò, trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc – Đất Nước.

Đoạn thơ được phân tích sau đây là hội tụ, là đỉnh cao của tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”.

Thân bài

–Quan niệm về đất nước qua mỗi thời đại.

+ Thời trung đại, đất nước gắn liền với đế vương: “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư”, gắn với các triều đại (Đinh, Lí, Trần, Lê…) nhưng một số tướng lĩnh, quan lại như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đã nhận thấy vai trò to lớn của nhân dân đối với đất nước. Trần Hưng Đạo đã từng dâng kế sách cho vua: muốn đánh thắng giặc phải biết khoan thư sức dân, sâu rễ bền gốc trong dân. Nguyễn Trãi đã thấy: “Lật thuyền mới biết sức dân như nước”. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nói: “Cổ lai quốc dĩ dân vi bản”.

+ Thòi cận đại, Phan Bội Châu cũng nhận định: “Dân là dân nước, nước là nước dân”, “Một lãnh thổ không thể gọi là đất nước nếu không có nhân dân”.

+ Thời đại Hồ Chí Minh: Bác luôn nhắc nhở Đảng ta lấy: “Dân là gốc”.

=> Như vậy, dù ờ thời đại nào thì các nhà tư tưởng lớn vẫn nhìn thấy vai trò, sức mạnh to lốn của nhân dân đối vối đất nước. Nhân dân gánh trên đôi vai của mình đất nước đi suốt cuộc trường chinh cũng như những cuộc khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi làm ra đất nước… Điều này cũng được các nhà văn, nhà thơ hiện đại ý thức sâu sắc hơn ai hết.

    Khi dân tộc ta tiến hành hai cuộc trường chinh vĩ đại chống Pháp và Mĩ, tư tưởng “Đất nước của Nhân dân” được ý thức rõ hơn trong các tác phẩm. Nhưng phải đến Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm tinh thần ấy mới càng được sáng rõ. Nó đem lại cho người đọc nhận thức về đất nước một cách cụ thể, sâu sắc, thấm thìa, toàn diện hơn: “Để Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân/ Đất Nước của ca dao, thần thoại”.

    Nếu như các phần trước của trích đoạn Đất Nước, nhà thơ lí giải: Đất Nước có từ bao giờ? Đất Nước là gì? Đất Nước ở đâu? thì ở phần này, nhà thơ tiếp tục lí giải Ai làm ra Đất Nước?

+ Thực ra xuyên suốt mạch cảm xúc trong chương Đất Nước là tư tưởng Đất Nước của Nhân dân. Tư tưởng ấy được triển khai trên những bình diện: địa lí, lịch sử, văn hóa, truyền thông, tinh thần của dân tộc thật thú vị, độc đáo. Nét nổi bật trong phần cuối này vẫn tiếp tục trên những phát hiện ấy nhưng các yếu tố văn hóa, văn học dân gian lại được vận dụng rất sáng tạo trong tư duy hiện đại, tạo ra màu sắc thẩm mĩ vừa quen thuộc vừa mới mẻ.

    Mười hai câu là sự hoá thân của nhân dân vào đất nước:

 

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên

Con cóc, con gà quê hương cũng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn nằm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hoá núi sông ta… ”

 

+ Phát hiện mới mẻ, độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm về những cảnh quan kì thú của non sông gấm vóc: đá Vọng Phu, hòn Trống Mái, núi Bút, non Nghiên… không chỉ là tặng vật của thiên nhiên tạo hóa mà đã gắn với cuộc sống con người, với văn hóa, lịch sử của dân tộc qua những áng ca dao, những truyền thuyết, cổ tích; qua những cuộc vệ quốc vĩ đại của nhân dân.

    Nếu không có những người vợ mòn mỏi chờ chồng qua những cuộc chiên tranh li tán thì làm sao có được cảm nhận về những đá Vọng Phu.

    Nếu không có truyền thuyết về người anh hùng Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc thì làm sao có cảm nhận về những ao đầm để lại chính là gót ngựa của Người.

    Nếu không có truyền thuyết Hùng Vương dựng nước thì làm sao có được cảm nhận về vẻ đẹp hùng vĩ của núi non quanh đất Phong Châu như chín mươi chín con voi chầu về đất Tổ.

    Nét đặc sắc ở đây, cái nhìn của nhà thơ thấm sâu ý thức về nhân dân. Sự hóa thân của nhân dân vào Đất Nước: những người vợ chờ chồng như đá Vọng Phu, cặp vợ chồng yêu nhau như hòn Trống Mái; những học trò nghèo nhưng hiếu học qua hình tượng núi Bút, non Nghiên; những tên đất tên làng như Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm… thật bình dị nhưng họ là những người làm nên Đất Nước.

=> Nhà thơ không cảm nhận những cảnh quan kì thú đơn thuần là thắng cảnh thiên nhiên mà trong đó là chiều sâu số phận, cảnh ngộ, công lao của mỗi người đã đóng góp, hóa thân vào Đất Nước. Đất Nước thấm sâu tâm hồn, máu thịt của nhân dân.

    Từ đó nhà thơ đưa đến một khái quát sâu sắc giàu chất suy tư và triết luận về sự hoá thân của nhân dân vào đất nước:

 

“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”

 

=> Thế giối nghệ thuật thơ Nguyễn Khoa Điềm là thế giới vừa mộc mạc, dân dã, vừa đẹp lấp lánh những chất liệu văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian đã thấm vào ngôn ngữ và cấu trúc hình tượng trong đoạn thơ, để hình tượng nhân dân hiện diện khắp nơi trên ruộng đồng gò bãi, trong lối sống, trong ao ước, khát vọng, trong suốt dọc dài đất nước hơn 4000 năm… đã trở thành chủ nhân, linh hồn của lịch sử dân tộc, của đất nước.

    Đoạn còn lại 34 câu: dồn nén, hội tụ đỉnh cao của cảm xúc trữ tình – Đất Nước của Nhân dân – Đất Nước của ca dao, thần thoại.

    Đi suốt cuộc trường chinh đầy máu lửa của dân tộc là hình tượng nhân dân anh hùng, những con người vô danh – họ là lực lượng nòng cốt xây dựng, bảo vệ làm ra đất nước.

+ Nhìn về bốn nghìn năm lịch sử, Nguyễn Khoa Điềm không ngợi ca các triều đại: Đinh, Lí, Trần như trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi; không nói đến những anh hùng lưu danh sử sách như Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung… trong Tinh thần yêu nước của nhân dân ta của Hồ Chí Minh, mà tập trung nói đến những con người vô danh, bình dị:

 

“Em ơi em

Hãy nhìn rất xa

Vào bốn nghìn năm Đất Nước

Năm tháng nào củng người người lớp lớp

Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

Nhiều người đã trở thành anh hùng

Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ

Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái, con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”

 

 

    Vẫn giọng điệu tâm tình, tha thiết “Em ơi em”, Nguyễn Khoa Điềm hướng người đọc nhìn về chiều sâu quá khứ bốn ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước của nhân dân. Năm tháng nào cũng người người, lớp lớp , họ bằng tuổi chúng ta bây giờ, khi đất nước hòa bình, họ cần cù lao động; khi đất nước có chiến tranh, họ sẵn sàng xả thân, bất luận con trai hay con gái, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước được hòa bình. Biết bao nhà thơ đã viết về họ:

 

“Chúng con đi từng trận gió rừng

Cả thế hệ xoay trần đánh giặc”.

“Chúng tôi đi không tiếc đời mình

(Nhưng tuổi hai mươi thì làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”

                                                            (Thanh Thảo)

 

 

    Thế đấy! Họ đã sống và chết, giản dị và bình tâm, họ đã trở thành anh hùng, không ai nhớ mặt đặt tên chỉ giản đơn như người ta thường gọi: chiến sĩ vô danh nhưng họ là những người bất tử, hoá thân cho dáng hình xứ sở trường tồn.

+ Không chỉ lao động, bảo vệ và xây dựng đất nước, nhân dân còn có trách nhiệm truyền lại cho con cháu mai sau những giá trị văn hoá, tinh thần, vật chất của đất nước: từ hạt lúa, ngọn lửa, tiếng nói, tên làng, tên đất; từ việc phải biết cấy trồng, đắp đập be bờ, giữ gìn cuộc sống đến việc chống thù trong, giặc ngoài giữ yên đất nước. Từ đó, nhà thơ đưa ta đến tư tưởng ngọn nguồn của vẻ đẹp văn hóa dân gian: “Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân/ Đất Nước của Nhân dân, Đất nước của ca dao, thần thoại”.

    Đây là điểm hôi tụ và cũng là đỉnh cao của cảm xúc trữ tình tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” – Cụm từ được lặp đi lặp lại như nhấn mạnh, khắc sâu vào tâm trí người đọc về tinh thần ấy. Cái mới mẻ trong cách nhìn của Nguyễn Khoa Điềm so với thơ chống Mĩ là cách nhìn rất tự nhiên, trở về với ngọn nguồn của dân tộc: “Đất Nước của Nhân dân – Đất Nước của ca dao thần thoại”.

+ Thật giản dị và độc đáo, cả kho tàng ca dao dân ca, nhà thơ chỉ chọn ba câu nói về ba phương diện quan trọng của vẻ đẹp tâm hồn, tính cách và truyền thống dân tộc:

 

“Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu”.

 

 

Thật đắm say trong tình yêu.

Biết quý trọng tình nghĩa.

Quyết liệt trong căm thù và chiến đấu.

=> Nguyễn Khoa Điềm không lặp lại nguyên văn những câu ca dao mà chỉ sử dụng ý và hình ảnh để gợi nhớ về ca dao, để nói lên phẩm chất đẹp đẽ, anh hùng của nhân dân, đất nước mình. Thật thú vị, những nét đẹp tâm hồn ấy thấm đẫm trong thi liệu dân gian được nhà thơ vận dụng thật khéo léo, tài hoa. Phải là người thấu hiểu, trân trọng giá trị văn hóa dân tộc đến độ máu thịt, nhà thơ mới có thể có cái nhìn sâu sắc, mới mẻ đến vậy trong quan niệm “Đất Nước của Nhân dân”.

Kết bài

    Tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” cũng đã được các nhà thơ trẻ nhận thức sâu sắc về vai trò, về những đóng góp, những hi sinh to lớn của nhân dân trong các cuộc đấu tranh lâu dài, ác liệt của dân tộc. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã góp thêm một thành công trong dòng thơ về đất nước thời chống Mĩ, làm sâu sắc hơn về nhận thức tư tưởng ấy.

    Với cảm xúc trữ tình – chính luận vừa sâu lắng vừa giàu chất suy tư, với hình thức trò chuyện tâm tình tha thiết của đôi trai gái, nhà thơ đã gợi ra được cả không khí, không gian nghệ thuật đầy màu sắc sử thi, có tác dụng đưa người đọc vào thế giới của truyền thuyết của ca dao, thần thoại nhưng lại mới mẻ trong cách cảm nhận và hình thức thơ tự do, phóng khoáng. Từ đó có nhận thức đúng về đất nước và trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước, Tổ quốc trong mọi thòi đại.

---/---

Mời các em tham khảo Phân tích khổ cuối bài thơ Đất Nước (Những người vợ nhớ thương chồng...hết) ngắn gọn, chi tiết, hay nhất của Top lời giải dưới đây để nắm được các ý chính cần triển khai cho bài văn cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng, qua đó củng cố thêm kiến thức về tác phẩm, và tự viết cho mình một bài văn mẫu hay nhất. Cùng tham khảo nhé!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021