logo

Phân tích đoạn thơ sau: “Mọc giữa dòng sông xanh... Cứ đi lên phía trước”

Mùa xuân vốn là một trong những đề tài quan trọng của thơ ca Việt Nam. Viết về mùa xuân có biết bao vần thơ hay nhưng mượn mùa xuân để thể hiện tình cảm và khát khao của mình thì rất ít những vần thơ lắng đọng và ý nghĩa như bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải. Qua việc Phân tích đoạn thơ sau: “Mọc giữa dòng sông xanh............... Cứ đi lên phía trước” chúng ta sẽ thấy rõ được điều này.


Dàn ý Phân tích đoạn thơ sau: “Mọc giữa dòng sông xanh… Cứ đi lên phía trước”

1, Mở bài

- Giới thiệu bài thơ, tác giả và vị trí của đoạn thơ trong mạch cảm xúc chung của cả bài.

2, Thân bài

- Phân tích khổ thơ đầu tiên, chú ý phép đảo ngữ, động từ “mọc” ở đầu khổ thơ => nhấn mạnh sự vận động mạnh mẽ của thiên nhiên.

+ Bức tranh mùa xuân rực rỡ với màu xanh của sông, màu tím của hoa và rộn rã với âm thanh của tiếng chim chiền chiện.

+ Cảm xúc ngây ngất trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước thông qua hành động “đưa tay tôi hứng”

- Phân tích khổ thơ thứ hai, chú ý từ đa nghĩa “lộc”, mùa xuân của dân tộc bắt đầu từ hai đối tượng quan trọng: người cầm súng và người ra đồng.

- So sánh “đất nước như vì sao” gợi hình ảnh đẹp về sức sống mạnh mẽ của đất nước trong 4000 năm lịch sử.

- Khái quát giá trị nghệ thuật của bài thơ: sử dụng hình ảnh chọn lọc, gợi cảm, so sánh, đảo ngữ, từ đa nghĩa, thể thơ 5 chữ ngắn gọn, gieo vần, ngắt nhịp linh hoạt, cảm xúc thiết tha chân thành.

3, Kết bài

- Khẳng định vẻ đẹp và giá trị của bài thơ.

- Liên hệ bản thân, đánh giá tài năng của tác giả.


Phân tích đoạn thơ sau: “Mọc giữa dòng sông xanh....Cứ đi lên phía trước”

      Thanh Hải sáng tác bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” thời điểm đặc biệt khi ông đang trên giường bệnh. Cũng chính là thời điểm đặc biệt ấy ông đã thể hiện những khát khao cháy bỏng được cống hiến cho cuộc đời bằng tất cả sự tự nguyện, chân thành. Bài thơ có nhiều khổ song khổ thơ dưới đây đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

…………………….

Cứ đi lên phía trước

      Khung cảnh mùa xuân được hiện ra với một vẻ đẹp thật bình dị, đơn sơ nhưng cũng không kém phần nên thơ, trữ tình. Bức tranh được chấm phá chỉ với một vài nét nhưng đã gợi ra được cái hồn và sức sống đậm đà. Động từ mọc được đảo lên đầu câu thơ nhấn mạnh sự vận động chậm rãi, từ từ nhưng đầy sức sống. Giữa dòng sông xanh mọc lên một bông hoa tím biếc, màu xanh và màu tím đã tạo lên một bức tranh tràn trề màu sắc. Hoa tím ở đây có thể hiểu là bông hoa súng đang độ nở, cánh hoa bung xoè trên dòng sông nước xanh ngắt đậm đà. Bông hoa tím biếc nhỏ xinh nhưng cũng đủ sức để làm bừng tỉnh cả một không gian thiên nhiên ấy. 

Phân tích đoạn thơ sau: “Mọc giữa dòng sông xanh............... Cứ đi lên phía trước”

      Đến khổ thơ thứ hai là âm thanh trong trẻo ngân nga của tiếng chim chiền chiện. Một âm thanh rất đỗi quen thuộc của mùa xuân

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

      Tiếng hót của chim chiền chiện làm cho không gian của mùa xuân thêm rực rỡ và tràn ngập sức sống. Mùa xuân của thiên nhiên giờ đây đã không còn vắng lặng, im ả nữa mà nhờ có tiếng chim hót nó trở nên rộn rã, tươi vui hẳn lên. Bức tranh ấy cũng được mở ra với nhiều chiều từ mặt đất đến bầu trời, vì thế nó trở nên khoáng đạt và rộng lớn hơn. Từng giọt long lanh rơi ở đây gợi ra nhiều cách hiểu, có thể là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện, nếu vậy thì nó sẽ theo logic từ câu thơ trên, vì tiếng chim hót nên sẽ có âm thanh rơi ra, tan vào không trung. Nhưng cũng có thể là cách hiểu thứ hai, giọt long lanh ấy chính là giọt mưa, giọt sương của mùa xuân, giọt long lanh được nhà thơ cảm nhận bằng hành động đưa tay hứng, đón nhận một cách nâng niu, trân trọng “Tôi đưa tay tôi hứng” Hai lần điệp từ tôi được lặp lại, nhấn mạnh cảm xúc hân hoan, phấn khởi của nhà thơ khi đón nhận giọt mùa xuân của đất trời. Đó là cảm xúc sung sướng đến ngây ngất của nhà thơ trước khung cảnh đất trời vào xuân.

      Như vậy chỉ bằng một vài nét chấm phá quen thuộc Thanh Hải đã vẽ ra trước mắt người đọc một khung cảnh thật rực rỡ, đầy màu sắc và âm thanh của mùa xuân đất trời. Tiếp nối mạch cảm xúc ấy chính là mùa xuân của con người và mùa xuân của đất nước

Mùa xuân người cầm súng

Lộc dắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ.

      Mùa xuân của con người và đất nước được nhà thơ cảm nhận trên hai đối tượng chính. Thứ nhất đó là người cầm súng - những người trực tiếp ra trận để bảo vệ bình yên cho tổ quốc; thứ hai đó là người ra đồng - chính là những người nông dân đang trực tiếp sản xuất để chi viện cho chiến tuyến. Đây là hai giai cấp và lực lượng chủ đạo trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta. Chính họ đã làm nên mùa xuân của dân tộc. Người cầm súng thì dắt đầy lộc trên lưng, người ra đồng thì lộc trải dài trên từng nương mạ. Từ lộc là một từ đa nghĩa được dùng rất đắt. Lộc nghĩa gốc vừa là cành, chồi non, lá non, gợi sức sống của cây cối vạn vật. Lộc ở đây còn mang nghĩa là sự may mắn, phước lành đang đến với con người trong cuộc kháng chiến vĩ đại này. Điệp từ  “mùa xuân” được lặp lại liên tiếp ở hai câu thơ nhấn mạnh đến mốc thời gian quan trọng, và khẳng định chính con người đã làm nên mùa xuân của đất nước.

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

      Mạch thơ lắng đọng hơn và nâng lên thành triết lý, chiêm nghiệm về sức sống của dân tộc, suy nghĩ về 4000 năm vất vả nhưng anh dũng của đất nước ta. Trải qua 4000 năm lịch sử phát triển và trưởng thành, chống lại các thế lực thù địch phương Bắc, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, có thể nói đất nước ta đã chịu đủ mọi đau thương và khốn khổ. Suy nghĩ về quãng thời gian đó nhà thơ cảm nhận vẻ đẹp trường tồn của đất nước “Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước” Phép so sánh thật đắt giá, đất nước như vì sao, giống như những gì tinh túy nhất trên bầu trời, mãi trường tồn, bất diệt, tuy khiêm nhường nhưng lúc nào cũng toả sáng lấp lánh trên bầu trời. Đặc biệt là hình ảnh cứ đi lên phía trước càng khẳng định sức sống mãnh liệt của đất nước và cũng là của dân tộc ta, dù trong chông gai vẫn khẳng định vẻ đẹp và sức sống trường tồn của mình.

Phân tích đoạn thơ sau: “Mọc giữa dòng sông xanh............... Cứ đi lên phía trước”  ảnh 2

      Một khổ thơ ngắn, tác giả gợi nhiều hơn tả, nhưng đã vẽ ra một không gian thiên nhiên mùa xuân thật tràn trề sức sống. Thể thơ 5 chữ với cách ngắt nhịp và gieo vần chân hoàn toàn phù hợp với việc thể hiện cảm xúc của nhà thơ. Phép điệp ngữ, đảo, so sánh được vận dụng linh hoạt. Đặc biệt việc sử dụng những hình ảnh chọn lọc, giàu sức gợi như “sông xanh”, “hoa tím”, “lộc”... đã góp phần thể hiện trọn vẹn cảm xúc của nhà thơ được gửi gắm qua tác phẩm.

      Thông qua khổ thơ này chúng ta hiểu thêm về con người Thanh Hải, một hồn thơ gắn bó tha thiết với quê hương, đất nước. Đặt trong bối cảnh sáng tác đặc biệt khi ông đang nằm trên giường bệnh càng hiểu được tâm hồn khát khao được sống và cống hiến của nhà thơ đáng quý biết nhường nào. Thông qua khổ thơ này hẳn mỗi người cũng thấy thêm yêu quê hương, đất nước, trân trọng những khoảnh khắc bình dị của cảnh sắc xung quanh mình.

-----------------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã hướng dẫn Phân tích đoạn thơ sau: “Mọc giữa dòng sông xanh............... Cứ đi lên phía trước” nằm trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải. Đây là một khổ thơ hay đã thể hiện trọn vẹn mùa xuân tươi đẹp của đất nước và tình yêu, sự say sưa trước cuộc đời của nhà thơ Thanh Hải.

icon-date
Xuất bản : 20/05/2023 - Cập nhật : 19/08/2023