logo

Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa học sinh giỏi (10 điểm)

Tuyển chọn những bài văn hay, nâng cao Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa học sinh giỏi. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn tại các lớp chuyên và thi học sinh giỏi. Cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa học sinh giỏi

1. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về:

+ Tác giả: vị trí của Nguyễn Minh Châu trong nền văn học hiện đại Việt Nam cùng tính chất “tuyên ngôn nghệ thuật” mới mẻ qua các sáng tác của nhà văn.

+ Tác phẩm – nhân vật: viết về những con người đời thường, những số phận bi kịch đang bế tắc. Đặc biệt là nhân vật người đàn bà với cuộc sống đầy ngang trái, bất công, bất hạnh…

2. Thân bài

a) Khái quát chung

- Hoàn cảnh sáng tác: ra đời trong hoàn cảnh xã hội đăc biệt, tác phẩm được sáng tác vào tháng 8/1983.

- Xuất xứ: in trong tập truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, năm 1987.

- Tóm lược tác phẩm: Truyện kể lại chuyến đi thực tế của một người nghệ sĩ nhiếp ảnh tên Phùng cùng với những chiêm nghiệm sâu sắc của anh về nghệ thuật và cuộc đời.

b) Nội dung phân tích

* LĐ1: Hoàn cảnh, ngoại hình, số phận – Người đàn bà vô danh.

- Người phụ nữ vô danh, trạc ngoài 40 tuổi, thân hình cao lớn, thô kệch.

- Từ nhỏ đã là một đứa con gái xấu xí, lại rỗ mặt, kết hôn với anh con trai của một nhà hàng chài giữa phá.

- Số phận người phụ nữ bất hạnh.

* LĐ2: Phẩm chất, tính cách nhân vật – Vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài. 

- Vẻ đẹp của một người từng trải sâu sắc: đẹp nhất nhưng đặc biệt nhất

- Vẻ đẹp khoan dung, nhân hậu, độ lượng: thiên chức của người phụ nữ.

- Vẻ đẹp tình mẫu tử thiêng liêng.

+ Nhẫn nhục, chịu đựng

+ Giàu đức hy sinh, yêu thương con tha thiết

+ Người phụ nữ giàu lòng vị tha, bao dung, sắc sảo và thấu hiểu lẽ đời.

=>“Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu đã vẽ lên một bức tranh hiện thực mà ở đó hiện lên số phận những con người cả một đời lầm lũi, quẩn quanh với những lo toan của cuộc sống. Họ chính là nạn nhân của nhau

c) Đánh giá nghệ thuật

- Nét độc đáo trong cách xây dựng cốt truyện của Nguyễn Minh Châu

- Nghệ thuật khắc họa nhân vật. Ngôn ngữ kể chuyện …

3. Kết bài

- Tổng kết nội dung phân tích.

- Nêu cảm nhận.


Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa học sinh giỏi - Bài mẫu 1

        Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút tài hoa của nền văn học hiện đại Việt Nam cùng tính chất “tuyên ngôn nghệ thuật” mới mẻ qua các sáng tác. Nhà văn đã viết lên tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” về những con người đời thường, những số phận bi kịch đang bế tắc, quẩn quanh trong nghèo đói, thất học. Đặc biệt là nhân vật người đàn bà với cuộc sống đầy ngang trái, bất công, bất hạnh.

        Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất được in trong tập truyện cùng tên, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, năm 1987. Truyện thể hiện rõ phong cách  nghệ thuật “tự sự - triết lý” của Nguyễn Minh Châu. Truyện kể lại chuyến đi thực tế của một người nghệ sĩ nhiếp ảnh tên Phùng. Trong chuyến đi đó anh đã có cho mình những “chiêm nghiệm” sâu sắc về cuộc đời và con đường nghệ thuật của người một nghệ sĩ chân chính. Khung cảnh sáng sớm trên biển quả là một bức tranh tuyệt bích. Cứ ngỡ anh đã tìm ra chân lý nghệ thuật, nhưng nó đã dập tắt khi chiếc thuyền ngoài xa tiến gần vào bờ. Chỉ vài giây phút trước nó vẫn còn là những giá trị tuyệt mĩ, vậy mà giờ đây Phùng đã phải chứng kiến câu chuyện đau lòng của gia đình làng chài ấy. Trước mắt anh là bóng dáng của một người đàn bà “trạc ngoài bốn mươi tuổi”, thân hình thì cao lớn, gương mặt tái ngắt, có lẽ người đàn bà ấy đã phải thức trắng đêm để kéo lưới.

        Đọc toàn bộ tác phẩm, ta nhận thấy một điều là người đàn bà tội nghiệp ấy không có lấy một cái tên, Nguyễn Minh Châu đã gọi một cách phiếm định, lúc thì gọi là người đàn bà hàng chài, khi thì gọi chị ta, lúc lại gọi mụ. Tuyệt nhiên không phải nhà văn “bí” ngôn ngữ đến mức không thể đặt cho chị một cái tên. Phải chăng điều này nằm trong dụng ý nghệ thuật của tác giả? Cách tác giả gọi tên nhân vật như vậy vừa khái quát lại vừa cụ thể, vừa xác định lại vừa phiếm chỉ. Điều đó như một lời dự báo không lành về một cuộc đời ngang trái, một số phận bất hạnh bị vùi dập giữa cuộc sống bộn bề những lo toan.

        Quả thực như vậy, số phận cùng cực, đau khổ của người phụ nữ vùng biển dường như đã được lột tả rõ thông qua người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”. Nguyễn Minh Châu không chỉ miêu tả vẻ bề ngoài của nhân vật người đàn bà hàng chài mà qua ngòi bút thấm đượm giá trị nhân văn của ông đã đem đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về cuộc sống người dân lao động. Ngòi bút tài hoa ấy tựa như một mũi tên lách thật sâu vào từng ngõ ngách cuộc đời để khám phá cho bằng được cái mạch ngầm hiện thực về số phận bất hạnh của người đàn bà hàng chài ấy.

        Trước hết hình tượng người phụ nữ hàng chài gây ấn tượng ở vẻ đẹp của một người phụ nữ từng trải. Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã là một đứa con gái xấu xí. Đến khi tới tuổi cập kê chị được cha mẹ gả cho anh con trai của nhà hàng chài giữa phá, cũng chính từ đó những sóng gió trong cuộc đời chị đã trỗi dậy. Chị câm nín không một lời van xin trước những trận đòn roi vô cớ của lão chồng vũ phu. Khiến ai biết được cũng phải phẫn nộ và không thể nào cầm được nước mắt vì sức chịu đựng của chị là quá lớn. Nhưng ẩn sâu trong đó là vẻ đẹp khuất lấp của người phụ nữ với vẻ đẹp khoan dung, nhân hậu, độ lượng - thiên chức của người phụ nữ. Chị luôn cam chịu tất cả là vì gia đình.

        Phùng và Đẩu đã là những chiến sĩ, họ từng chiến đấu và đã chiến thắng kẻ thù. Phùng – một người nghệ sĩ chân chính muốn bảo vệ người đàn bà tội nghiệp. Đẩu – một quan tòa muốn lấy lại công bằng về quyền sống của con người. Họ đã tìm cách giải quyết, song họ đã thất bại. Vì sao? Nói như Nguyễn Minh Châu thì là do “cuộc đời vốn đa sự, con người thì đa đoan”. Chính lời giãi bày giản dị nhưng sâu xa của người đàn bà ở tòa án huyện đã khiến Phùng và Đẩu hiểu ra sự thật câu chuyện về cuộc đời của chị. Nó như một lời giải đáp cho Phùng và Đẩu, bởi những giây phút ấy thực sự thấm thía, giúp họ hiểu được nguyên do của những điều tưởng chừng như vô lí trong cách hành xử của người đàn bà hàng chài cam chịu ấy. Chính những lời giãi bày từ gan ruột người đàn bà ấy đã thức tỉnh trong Phùng một chân lí: một người nghệ sĩ chân chính không được phép “dễ dãi” trong việc nhìn nhận hiện thực của đời sống. Phùng đã phát hiện ra bên trong người đàn bà thô kệch ấy là một vẻ đẹp khuất lấp của một người phụ nữ có trái tim nhân hậu-một vẻ đẹp tâm hồn mà không phải ai cũng có thể nhìn nhận ra được. Vẻ đẹp tâm hồn đẹp đẽ ấy hoàn toàn đối lập với bức tranh thiên nhiên trên biển vào lúc sáng sớm. Qua đó người đọc có thể cảm nhận được rằng phía sau cái dáng hình thô kệch, xấu xí của chị hàng chài là cả vẻ đẹp tâm hồn cao thượng ẩn sâu trong đáy lòng của người đàn bà hàng chài này.

        Tiếp đó, vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà ấy còn thể hiện ở tình yêu thương con hết mực, đó chính là vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý. Trong đau khổ,bất hạnh người đàn bà ấy vẫn tìm được cho mình một niềm vui đó chính là những đứa con thân yêu mà chị dứt ruột đẻ ra “Vui nhất là khi nhìn thấy đàn con chúng tôi được ăn no …Ông trời sinh ra đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn”. Người đàn bà hóa ra không hề cố chấp cam chịu một cách vô lí mà là người có suy nghĩ thấu đáo mọi chuyện. Ở chị, ta thấy thấp thoáng những phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng của người phụ nữ Việt Nam được gìn giữ tự bao đời: thủy chung, nhân hậu, giàu lòng vị tha, giàu đức hy sinh vì chồng, vì con. Chị là một người phụ nữ giàu lòng vị tha, bao dung, sắc sảo và thấu hiểu lẽ đời.

        “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu đã vẽ lên một bức tranh hiện thực mà ở đó hiện lên số phận những con người cả một đời lầm lũi, quẩn quanh với những lo toan của cuộc sống. Họ chính là nạn nhân của nhau, nhưng đống thời, nhìn rộng ra, họ là nạn nhân của hoàn cảnh – một hiện thực nghiệt ngã mà chỉ có Nguyễn Minh Châu mới dám nói lên vào thời điểm sáng tác “nhạy cảm” ấy. Trong đó, người đàn bà hàng chài là nạn nhân chính. Người đàn ông vũ phu ấy vừa là thủ phạm lại vừa là nạn nhân. Còn những đứa con của họ là nạn nhân, và rất có thể chúng sẽ lại là những thủ phạm khác trong tương lai?

        Nhờ những nét độc đáo trong cách xây dựng cốt truyện của Nguyễn Minh Châu và nghệ thuật khắc họa nhân vật. Ngôn ngữ kể chuyện chân thực, tinh tế. Nhà văn như muốn gửi gắm tới người đọc một thông điệp: Trước một hiện thực đời sống phức tạp, trước những số phận còn nhiều éo le, để giải quyết vấn đề này không đơn giản! Người nghệ sĩ muốn phản ánh chân thực cuộc sống cần thay đổi cách nhìn một chiều, phiến diện. Trách nhiệm của người cầm bút, lương tâm của nhà văn để văn chương “cận nhân tình” hơn…

        Lối “kết mở” của tác phẩm cũng là một gợi ý của Nguyễn Minh Châu muốn đặt ra: Trước xã hội – nhất là những người có trách nhiệm, cần quan tâm cụ thể, thiết thực mới giải quyết được nạn đói, nạn dốt, và mới đem lại được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, công bằng, dân chủ cho những “con người đời thương” sau khi trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt, đau thương. Không thể say sưa với chiến thắng, càng không thể xa rời thực tiễn trước mắt. Qua đó, Nguyễn Minh Châu không chỉ giúp ta hiểu hơn về sức sống mãnh liệt của người dân hàng chài mà còn phản ánh về bi kịch chung của những người phụ nữ luôn cam chịu vì một mái ấm gia đình trọn vẹn.


Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa học sinh giỏi - Bài mẫu 2

        Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) – là nhà văn quân đội và là niềm kiêu hãnh của những người cầm bút. Ông được đánh giá là vị khai quốc công thần của triều đại văn học Việt Nam thời kì đổi mới khiến nhà văn Nguyên Ngọc phải khẳng định rằng: “Nguyễn Minh Châu thuộc số nhà văn mở đường tinh anh và tài năng của văn học ta hiện nay”. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” ra đời vào năm 1983 chính là một minh chứng. Nằm trong số những tác phẩm văn học của Nguyễn Minh Châu được sáng tác sau năm 1975, “Chiếc thuyền ngoài xa” thể hiện sự thay đổi quan niệm của nhà văn về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật, giữa hiện thực và con người. Điều đó được giảng giải  qua cuộc sống đầy nghịch lí của một người đàn bà làng chài thất học, nghèo đói, lam lũ.

        Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được tác giả sáng tác vào tháng 8 năm 1983. Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh xã hội đăc biệt, khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã giành được thắng lợi, đất nước thống nhất trong nền độc lập. Trước đó, một thời gian dài người ta cho rằng hiện thực cuộc sống đã được nhận thức đầy đủ trong đường lối của nhà nước và chỉ cần thực hiện đúng chính sách là cải tạo được hiện thực, đem lại cho người dân lao động cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhưng trên thực tế thì không phải vậy. Đó cũng là bài học rút ra từ thiên truyện này. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất được in trong tập truyện cùng tên, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, năm 1987. Truyện thể hiện rõ phong cách  nghệ thuật “tự sự – triết lý” của Nguyễn Minh Châu.

        Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” kể lại chuyến đi thực tế của một người nghệ sĩ nhiếp ảnh tên Phùng cùng với những chiêm nghiệm sâu sắc của anh về nghệ thuật và cuộc đời. Theo lời đề nghị của trưởng phòng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đã đi thực tế chụp bổ sung một bức ảnh với cảnh biển buổi sáng có sương mù cho bộ lịch về thuyền và biển. Và nơi Phùng chọn để thực hiện bô ảnh lại là chiến trường cũ của anh thời kháng chiến chống đễ quốc Mĩ. Tại đây anh đã được gặp lại Đẩu – người bạn chiến đấu năm xưa, giờ là chánh án tòa án huyện. Khi đến anh bắt gặp một bức tranh tuyệt đẹp đó là hình ảnh của thuyền và biển trong sương sớm. Nhưng trong bức tranh tuyệt diệu ấy Phùng lại tìm ra hai phát hiện.

        Phát hiện thứ nhất của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đầy thơ mộng trước vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm sương mờ. Là một phóng viên yêu nghề, có đam mê và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, Phùng đã trải qua khoảnh khắc hạnh phúc tột cùng khi được thấy một cảnh “đắt” trời cho: “trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào…”. Khung cảnh ấy quả thực đã chạm tới xúc cảm của người nghệ sĩ. Nó đem đến cho ta một vẻ đẹp đơn giản và toàn bích khiến cho Phùng phải bối rối, anh cảm nhận được trong trái tim như có cái gì đó thắt vào. Đó là khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn. Phùng nhanh chóng nhấc máy ảnh lên và chụp lại khoảnh khắc ấy. Phát hiện đầy thơ mộng với cảnh bình minh trên biển mang đến một bức tranh thiên nhiên hoàn mĩ mà không thể nào tìm thêm một từ ngữ nào khác để ca ngợi vẻ đẹp cổ điển mà lãng mạn của nó. Qua phát hiện thứ nhất ta thấy Phùng Phùng là người nghệ sĩ chân chính có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước cái đẹp. Anh đã khám ra chân lí của sự hoàn thiện, cho rằng bản thân của cái đẹp chính là đạo đức. Cái đẹp phải thực sự có tính hướng thiện.

        Nhưng sau khi chứng kiến những gì diễn ra trên bờ biển trong buổi sáng hôm ấy, Phùng đã có những thay đổi trong nhận thức về nghệ thuật. Đó chính là phát hiện thứ hai của người nghệ sĩ nhiếp ảnh – một phát hiện trước bức tranh cuộc sống đầy bất ngờ và nghịch lí. Một cảnh đời ngang trái đã diễn ra khi chiếc thuyền tiến vào bờ và Phùng đã chứng kiến tất cả câu chuyện đau lòng của gia đình làng chài ấy. Xuất hiện trước mắt anh là hình ảnh một người đàn bà trạc ngoài bốn mươi tuổi, thân hình cao lớn, rỗ mặt, gương mặt tái ngắt, hiện lên sự mệt mỏi sau một đêm dài thức trắng kéo lưới. Và tiếp đó là hình ảnh người đàn ông đi sau với tấm lưng rộng và cong như một chiếc thuyền, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ…. Than ôi! Còn đâu nữa nét đẹp cổ điển và lãng mạn của bức tranh thiên nhiên “toàn bích” khi mà Phùng tận mắt chứng kiến một trận lôi đình của lão đàn ông hùng hổ. Chẳng rõ cơ sự thế nào mà anh chỉ thấy lão rút chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa rồi chẳng nói chẳng rằng cứ thế quật tới tập vào tấm lưng của người phụ nữ lam lũ ấy. Điều anh bận tậm nhất chính là việc người đàn bà bị người chồng vũ phu và độc ác đánh đập hàng ngày mà không hề kêu ca, chống đối gì cả. Phải chăng đó là một sự chịu đựng hoàn toàn tự nguyện? Mọi chuyện xảy ra đột ngột khiến người nghệ sĩ nhiếp ảnh không khỏi kinh ngạc. Vấn đề lớn nhất mà người nghệ sĩ này nhận ra đó là khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống. Hóa ra cuộc sống của những con người lao động nơi đây không hề viên mãn như khung cảnh sáng sớm bình minh đẹp mê hồn ấy. Phùng với những khám phá sâu sắc về cuộc sống và con người, anh nhận ra người nghệ sĩ phải có cái nhìn toàn diện, đa chiều, đi sâu vào khám phá bản chất bên trong chứ không phải chỉ đứng từ “ngoài xa” để quan sát vẻ bề ngoài.

        Vậy là người nghệ sĩ đã có những phát hiện mới mẻ trong bức tranh thiên nhiên hoàn mĩ là bức tranh cuộc sống đầy nghịch lí và bất ngờ. Từ một chiếc thuyền đẹp như mơ đến cảnh tượng bạo lực của người đàn ông độc ác khiến ai cũng phải sững sờ, hoảng hốt. Thương thay cho số kiếp lênh đênh, khốn cùng của người đàn bà làng chài. Phùng không thể đứng yên khi thấy người đàn bà bị đánh đập dã man và anh cũng muốn khám phá những bí ẩn về thân phận của một con người luôn giống như một ẩn số với anh. Và đó chính là phát hiện thứ ba của người nghệ sĩ nhiếp ảnh với câu chuyện của người đàn bà ở toà án huyện.

        Phùng là một người tốt bụng, nhân hậu. Câu chuyện cuộc đời của người đàn bà làng chài đã khiến anh vỡ lẽ ra biết bao điều về con người và cuộc sống: Những thân phận đau khổ, những vẻ đẹp khuất lấp, những nghịch lí chưa thể giải quyết của đời sống hiện thực… Qua đấy ta thấy Phùng là một con người sâu sắc, anh mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và tình thương yêu con người. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh ấy đã có những động thái tác động vào đời sống: can thiệp vào việc người đàn bà bị đánh trên bờ biển, gặp gỡ trò chuyện với con trai của chị – thằng Phác, cùng với chánh án Đẩu tìm cách giải thoát cho người đàn bà. Nhưng tất cả những điều đó dường như chưa đủ sau khi nghe người đàn bà kể lại câu chuyện cuộc đời mình tại tòa án huyện. Người đàn bà đã từ chối dứt khoát thiện ý của người đại diện cho công lí là muốn giúp chị được giải phóng khỏi cái ách nặng nề  của người chồng vũ phu, tàn bạo. Tới đây thiên truyện được mở nút bằng lời giải của người đàn bà nghèo khổ. Thứ nhất chị làm vậy là vì tình thương đối với lũ con, chúng là tất cả niềm vui và niềm hạnh phúc của chị, chị cam chịu vì con cái. Thứ hai là vì cuộc sống dân chài luôn phải chống chọi với những bất trắc của biển cả nên việc có người đàn ông chèo chống trong gia đình rất cần thiết. Đó là những lời lí giải mà có lẽ những ai có cái nhìn giản đơn, duy ý chí sẽ không thể nào mà hiểu được.

        Phùng – nhân vật chính của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”. Anh là nơi mà tác giả gửi gắm những thông điệp sâu sắc, ý nghĩa về nghệ thuật, những thấu hiểu và lo âu hết sức đáng quý của một người nghệ sĩ trước cuộc đời: tránh mọi cái nhìn chủ quan, phiến diện một chiều, hay lãng mạn hóa hiện thực. Ta phải nhìn thẳng vào hiện thực bởi hiện thực và con người rất phức tạp, đầy bí ẩn, không thể coi là cái đã biết trước.

        Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu viết về những “con người đời thường”, những số phận bi kịch đang bế tắc, quẩn quanh trong cái đói, cái nghèo và thất học. Đại diện cho cuộc sống đó là nhân vật người đàn bà làng chài. Bằng những miêu tả chân thực của Phùng, chị hiện lên với hình ảnh người đàn bà xấu xí, thân hình cao lớn với những nét thô kệch. Từ nhỏ đã là một đứa con gái xấu xí, lại rỗ mặt, kết hôn với anh con trai của một nhà hàng chài giữa phá. Nhưng ẩn sâu trong đó là vẻ đẹp khuất lấp của người phụ nữ cam chịu luôn vì gia đình. Người đàn bà yêu thương con hết mực, thị cam chịu cũng chỉ vì con cái mà thôi! Câu chuyện về cuộc đời của chị tại tòa án huyện khiến Phùng và Đẩu phải thay đổi suy nghĩ. Người đàn bà hóa ra không hề ngờ nghệch, cố chấp cam chịu một cách vô lí mà là người sâu sắc. Chị biết chắt chiu hạnh phúc. Trong chị, ta thấy thấp thoáng những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam: nhân hậu, bao dung, giàu đức hy sinh vì chồng, vì con.

        Bằng tài năng của mình, Nguyễn Minh Châu đã khắc họa thành công hình ảnh các nhận vật phụ như người chồng độc ác hay chị em thằng Phác. Từ đó góp phần làm cho thiên truyện thêm phần kịch tính, hấp dẫn. Ta thấy ở người đàn đông là một người chồng độc ác, luôn dở thói vũ phu với vợ, dáng vẻ khắc khổ, lời nói cục cằn, hung dữ… Còn chị thằng Phác là một cô bé yếu ớt mà can đảm, yêu thương mẹ và em. Cuối cùng là cậu bé Phác – người luôn muốn bảo vệ mẹ khỏi những trận đánh đập tàn bạo của người cha, có những hành động bảo vệ mẹ của một đứa trẻ miền biển.

        Tất cả những nhân vật ấy càng chứng tỏ một điều rằng họ là nạn nhân của nhau. Nhưng đồng thời nhìn rộng ra thì họ chính là nạn nhân của hoàn cảnh, một hiện thực nghiệt ngã mà chỉ Nguyễn Minh Châu mới dám nói lên vào thời điểm sáng tác “nhạy cảm” ấy. Người đàn bà là nạn nhân chính, người đàn ông vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân … Đứa con là nạn nhân, mà cũng có thể Phác sẽ là một thủ phạm khác trong tương lai?

        Chiếc thuyền ngoài xa là một ẩn dụ về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật, là cách nhìn nhận và tiếp cận nghệ thuật chân chính: xa và gần, ngoài và thẳm sâu. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Minh Châu các nhận vật trong truyện hiện lên sinh động qua lối văn giản dị mà sâu sắc. Cách khắc họa hình tượng nhân vật vô cùng độc đáo, xây dựng cốt truyện, sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, sáng tạo. Góp phần làm nổi bật chủ đề – tư tưởng tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”

        Quả thực truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” như là một “tuyên ngôn về nghệ thuật” trong thời kỳ Đổi Mới của văn học Việt Nam hiện đại, những năm 80 của thế kỷ XX. Qua tác phẩm chúng ta có thể rút ra bài học sâu sắc rằng: trước một hiện thực đời sống phức tạp, trước những số phận còn nhiều éo le ta phải có một cái nhìn toàn diện, tuyệnt đối tránh chủ nghĩa chủ quan duy ý chí. Ta không thể say sưa với chiến thắng mà quên đi thực tiễn trước mắt. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” sẽ còn để lại trong ta nhiều suy ngẫm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.

---/---

Trên đây là các bài văn mẫu Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa học sinh giỏi do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

icon-date
Xuất bản : 10/05/2021 - Cập nhật : 26/10/2022