logo

Phân tích bài: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc


Phân tích bài: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Phân tích bài: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc | Văn mẫu 11 hay nhất

        Sôi sục trong mạch chảy văn học hàng nghìn năm chinh là tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Ở mỗi giai đoạn tinh thần yêu nước và đặc biệt là hình ảnh người chiến sĩ yêu nước lại được biểu hiện khác nhau. Đến với “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, ta lại càng cảm khái và xúc động nghẹn ngào trước sự hi sinh và tấm lòng yêu nước của người lính nông dân xưa.

       Trước hết, mở đầu tác phẩm , Nguyễn Đình Chiểu tái hiện lại sục sôi không khí thời đại lịch sử lúc bấy giờ: “Súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ”. Câu văn ngắn, nhịp nhanh càng phần nào thấy được cái không khí sục sôi, lửa cháy của thời đại gửi gắm vào trong đó. Giữa bối cảnh nghìn cây treo sợi tóc ấy, vẻ đẹp người lính nông dân xưa như càng được đậm tô rõ nét:

“Nhớ linh xưa:

Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó,

Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;

Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.

Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm;

Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng”

       Không phải là những người lính đã quen với việc binh đao, họ đều là những người dân nghèo lương thiện, cui cút làm ăn, ấy thế nhưng một khi tổ quốc cần, thì trái tim họ một lòng hướng về dân tộc. Họ chấp nhận hi sinh, thậm chí cả tính mạng, sự sống của mình để hi sinh vì nghĩa lớn, vì tiếng gọi thiêng liêng của dân tộc. Thậm chí biết là hiểm nguy, nhưng họ không ngần ngại dấn thân, không cần một kẻ thủ lĩnh, vẫn tự đứng lên ra chiến trường, vẫn hào hùng hào sảng với khí thế quật cường của chính mình:

“Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình - Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”.

         “Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi”, câu văn của Nguyễn Đình Chiểu phải chăng đang muốn nhắc lại một thực tế đau buồn thời xưa, đó là người lính đi chiến trường, không hẳn lo tự nguyện, mà là họ bị ép vào cuộc chiến tranh phi nghĩa, vậy nên khi giã từ gia đình “chân bước xuống thuyền nước mắt như mưa”. Hai câu văn của Nguyễn Đình Chiểu phần nào cho thấy sự đối lập hoàn toàn giữa tư thế và tâm thế của người lính khi tham gia các cuộc chiến tranh vì hòa bình và tương lai thiên thu vạn đại của dân tộc, với những cuộc chiến tranh phi nghĩa đầy bạo tàn, hủy diệt  đã tàn phá bao nhiêu cuộc sống của người dân lầm than khốn khổ.

        Dẫu trong hoàn cảnh thời chiến xưa, lực lượng của ta và địch là một sự chênh lệch vô cùng lớn, là tương quan đầy đối lập và không cân sức. Nhưng những người lính nông dân áo vải chân lấm tay bùn, chất phác thô sơ ấy vẫn xông lên, vẫn chiến đấu bằng tất cả sức bình sinh của mình. Thậm chí còn lập những chiến công lừng lẫy:

“Chỉ với những vũ khí thô sơ như:

Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia,

Gươm đeo dùng bằng lười dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.

Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ni hồn kinh.”

        Đó là những chiến tích huy hoàng, đánh đổi bằng biết bao xương máu của người lính nông dân, đồng thời, hình ảnh của họ cũng là đại diện cho sức mạnh của dân tộc, một dân tộc quật cường, đánh bại cả những đối thủ sừng sỏ nhất. Có thể thấy, trước Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi cũng đã từng ca ngợi và khẳng định sức mạnh của nhân dân trong Bình ngô đại cáo, tuy nhiên ở đó, nhà thơ Nguyễn Trãi vẫn nhìn người nông dân là những “dân đen con đỏ”, những người dân manh lệ cần được bảo vệ. Đến Nguyễn Đình Chiểu, cái mới ở đây là ông đã cho người đọc thấy được sức mạnh thực sự của nhân dân, họ không chỉ yếu mềm cần được bảo vệ, mà họ đầy dũng mãnh, cao cả.

      Bằng tấm lòng của một cá nhân yêu nước, những vần thơ của Nguyễn Đình Chiểu trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” vẫn sẽ sáng mãi trên bầu trời văn học Việt Nam, cùng tinh thần yêu nước và sự hi sinh vĩ đại của họ.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021