logo

Cảm nhận Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc


Mở bài Cảm nhận Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

        Mượn ngòi bút làm vũ khí chiến đấu, thơ Nguyễn Đình Chiểu không chỉ khơi dậy niềm đồng cảm cho sự hi sinh của những người anh hùng dân tộc mà dường như đã trở thành bản hùng ca của một thời kì lịch sử, đậm tô vẻ đẹp tâm hồn của những người lính đã ngã xuống vì quê hương đất nước. Trong mạch nguồn thiêng liêng ấy, bài thơ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là những nét họa riêng về hình tượng ng lính nông dân mộc mạc giản dị mà hào hùng biết bao.

Cảm nhận Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc | Văn mẫu 11 hay nhất


Thân bài Cảm nhận Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

         Ngay từ những dòng văn đầu tiên, không khí của thời loạn đã choán lấy tâm trí người đọc, và đồng thời báo hiệu những sự kiện oanh liệt hào hùng sắp xảy tới. Và quả đúng là như vậy, ở những câu văn tiếp, nhà thơ tập trung khắc hoạt cốt cách và khí thái của người lính nông dân mộc mạc nhưng hiên ngang dũng cảm và hi sinh cả mạng sống của mình vì tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc.

         Họ vốn dĩ không phải con nhà binh, cũng không phải những người được rèn luyện bài bản chuyên nghiệp trên trận mạc, họ đơn giản chỉ cui cút làm ăn và gắn bó với mảnh đất nghèo cằn cỗi, thế giới quanh họ từ bao đời nay vốn là những gì bình dị, hiền lành như thế. Quanh năm suốt tháng những người nông dân ấy bận rộn với công việc nhà nông: “việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm” còn những việc “tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ mắt chưa từng ngó”. Thế nhưng, sự bình yên trong cuộc sống bình dị và quen thuộc ấy, họ chấp nhận hy sinh từ bỏ nó, chấp nhận đứng lên cầm cây gươm cây giáo để chiến đấu chống lại những kẻ lòng lang dạ sói muốn cướp nước, đó cũng là hành động mà họ đứng lên chiến đấu vì tổ quốc, vì sự sống và vì lòng tự tôn dân tộc đã hun đúc qua hàng ngàn thế hệ.

          “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ”. Những người lính nông dân không chỉ ra chiến trường giết giặc với tâm thế chủ động, mà họ còn ý thức được sâu sắc kẻ thù của mình chứ không hề bị mụ mị và lừa gạt, cũng như dễ dãi tin vào triều đình nhu nhược. Câu văn trên gợi cho ta nhớ đến thái độ căm tức phẫn uất của Hưng Đạo Đại Vương trong Hịch Tướng sĩ, điều đó đủ để ta thấy rằng, dù thời đại nào thì lòng căm thù giặc vẫn là một biểu hiện muôn thuở và vô cùng dữ dội quyết liệt của tinh thần yêu nước. Họ đứng lên, hi sinh sự sống vì tổ quốc, không phải là sự gượng ép, bởi đó không phải là một cuộc chiến tranh có tính chất phi nghĩa như trong văn học phong kiến đã từng dựng nên về hình tượng người chinh phu trên đường ra chiến đường: Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình, chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ. Đó là sự chủ động đã làm nên tư thế và tâm thế, cốt cách của người con dân tộc.

          Nhưng thêm những chi tiết về vũ khí chiến đấu thô sơ của người lính Cần Giuộc ta mới thấy hết được những mất mát và sự kiên cường, vĩ đại của họ. Họ ra đi băng tay không, có chăng chỉ là một trái tim yêu nước: Ngoài cật có một manh áo vải, trong tay cầm một ngọn tầm vông, hỏa mai đánh bằng rơm con cúi...Một bức tranh đối lập đầy ngậm ngùi chua xót đã được dựng lên, để ta càng thấy tấm gương hy sinh vĩ đại của những người lính nông dân lúc bấy giờ. So với vũ khí tinh nhuệ và hiểm độc của quân địch thì quả thật vũ khí trong tay họ chẳng khác gì lấy trứng chọi với đá. Thế nhưng tưởng như đã rơi vào sự tuyệt vọng, nhưng thần khí và tinh thần chiến đấu của họ không hề bị chùn bước chỉ bởi sự dọa dẫm hào nhoáng đến từ kẻ thù.  Họ vẫn đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không, xô cửa xông vào liều mình như chẳng có, Đâm ngang chém ngược làm cho mã tà ma ní hồn kinh...Bằng việc dựng nên tương quan đối lập khủng khiếp giữa quân ta và quân địch, tác giả đã đậm tô tầm vóc hùng vĩ, hào hùng của những người lính nông dân, có thể làm khiếp đảm lũ giặc hèn nhát, chỉ có vũ khí nhưng không có dũng khí chiến trận.

          Để rồi, đến tận cả những dòng thương tiếc cuối cùng, tấm lòng và sự hi sinh, sự lựa chọn đầy cao khiết của họ một lần nữa sáng mãi.: Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ. Câu thơ không chỉ khái quát và đúc rút lại tinh thần vinh nghĩa và tư tưởng yêu nước của một thế hệ những người lính nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc, mà còn là châm ngôn, là tư tưởng triết lí yêu nước sống của hàng ngàn người lính đã ngã xuống vì quê hương, xứ sở. Bài văn tế vừa hào hùng, nhưng cũng đượm dư vị chua xót và thương cảm của tác giả trước sự ra đi của những người lính nông dân. Do đó, thấm thía và đong đầy trong từng nhịp điệu mạch văn.


Kết bài Cảm nhận Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

        Một nét đẹp rất riêng trong bài văn Tế này đó là thứ ngôn ngữ giản dị, dùng ngôn ngữ mộc mạc và chân chất của người nông dân Nam Bộ để khắc họa tấm lòng và tầm vóc của họ, đó chính là cách mà hình tượng người lính Cần Giuộc tỏa sáng vĩnh hằng trên trang viết của Nguyễn Đình Chiểu.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021