logo

Phân tích bài thơ Nắng hồng của tác giả Bảo Ngọc

icon_facebook

Tham vấn chuyên môn bài viết

Giáo viên:

Hoàng Thị Dung

Học vị:

Giáo viên Ngữ Văn với 3 năm kinh nghiệm

Tham vấn chuyên môn bài viết

Giáo viên:

Hoàng Thị Dung

Học vị:

Giáo viên Ngữ Văn với 3 năm kinh nghiệm

Bài thơ Nắng hồng của tác giả Bảo Ngọc là một tác phẩm viết về tình mẫu tử. Với thể thơ 5 chữ ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, Nắng hồng đã đem đến cho bạn đọc những ấn tượng sâu sắc.

Phân tích bài thơ Nắng hồng của tác giả Bảo Ngọc

Viết về tình mẫu tử, bài thơ Nắng hồng của nhà thơ Bảo Ngọc là một tác phẩm mang đến sự hấp dẫn về mặt nghệ thuật nhưng vẫn chất chứa những tầng ý nghĩa sâu sắc về tình cảm thiêng liêng này. Với ngôn ngữ giàu cảm xúc và sự tinh tế trong cách thể hiện, tác giả không dùng những lời lẽ cứng nhắc, mà thay vào đó là những hình ảnh thơ dịu dàng nhưng lại giàu sức gợi, để người đọc có thể tự mình cảm nhận được hơi ấm tình mẹ.

Cả mùa đông lạnh giá
Mặt trời trốn đi đâu
Cây khoác tấm áo nâu
Áo trời thì xám ngắt

Se sẻ giấu tiếng hát
Núp sâu trong mái nhà
Cả chị ong chăm chỉ
Cũng không đến vườn hoa

Phân tích bài thơ Nắng hồng của tác giả Bảo Ngọc

Mở đầu bài thơ, không gian mùa đông hiện lên đầy xám xịt, lạnh lẽo, phủ màu ảm đạm. Trong khung cảnh đó, dường như mọi thứ đều tĩnh lặng và u buồn bởi những ngày này “mặt trời trốn đi đâu” để cho muôn loài phải thay đổi cả diện mạo bề ngoài lẫn lối sống thường nhật. Sự vật xung quanh cũng nhuốm màu của khung cảnh mà dần thay đổi: “Cây khoác áo màu nâu/ Áo trời thì xám ngắt”. Mùa đông đến còn biểu hiện trong nếp sinh hoạt khi những chị ong là loài cần mẫn, siêng năng, chăm chỉ chuyên đi tìm hoa làm mật cũng “không đến vườn hoa nữa”. Ngay cả những chú chim se sẻ hay bay nhảy và ríu rít tiếng hót cũng phải thay đổi cả lối sống của riêng mình khi “giấu tiếng hát”. Dường như mọi vận động cũng dần trở nên chậm chạp khi đông về.

Mưa phùn giăng đầy ngõ
Bảng lảng như sương mờ
Bếp nhà ai nhóm lửa
Khói lên trời đung đưa

Trong miêu tả của nhà thơ, những hiện tượng của mùa đông dần hiện hữu. “Mưa phùn giăng đầy ngõ/ Bảng lảng như sương mờ” là những câu thơ chỉ hiện tượng thời tiết khắc nghiệt của mùa đông. Nhà thơ cũng thể hiện sự chi tiết trong miêu tả khi mưa và gió lạnh đến nỗi “Bếp nhà ai nhóm lửa/ Khói lên trời đung đưa”. Thông thường, trong thực tế khói bếp mùa đông không thể bay thẳng một mạch lên trời như các mùa khác được mà muốn bay lên trời khói phải oằn mình uốn lượn nhiều lần bởi độ ẩm không khí quá cao lại cộng thêm tác động của mưa và gió. Những am hiểu thực tế đã làm cho hình ảnh thơ mang đến sự chân thật, sống động nhưng cũng khiến cho mùa đông thật đặc biệt so với những mùa còn lại trong năm. 

Màn sương ôm dáng mẹ
Chợ xa đang về rồi
Chiếc áo choàng màu đỏ
Như đốm nắng đang trôi

Mẹ bước chân đến cửa
Mang theo vạt nắng hồng
Trong nụ cười của mẹ
Cả mùa xuân sáng bừng.

Tuy nhiên, giữa cái giá lạnh của mùa đông như đang ôm lấy dáng mẹ từ chợ xa đi về, đã có một tia sáng nhỏ nhoi le lói rồi dần dần trở nên rực rỡ, ấm áp, thắp sáng cả bầu trời lẫn tâm hồn người con. Hình ảnh mẹ cùng chiếc áo choàng màu đỏ bình dị đó làm ấm lòng người con mỗi khi nhìn thấy vóc dáng mẹ xuất hiện từ xa, tựa như đốm nắng mùa xuân giữa trời đông lạnh giá. Khổ thơ này và khổ cuối nhà thơ Bảo Ngọc dùng ngôn ngữ thơ với những nét phác hoạ đầy tinh tế càng tô đậm nét thêm hình tượng của người mẹ. Đó chính là ánh nắng hồng, biểu tượng của tình mẹ - như một phép ẩn dụ tuyệt đẹp, tượng trưng cho tình yêu thương, sự quan tâm và chăm sóc vô bờ bến của mẹ. Mẹ là người luôn bên cạnh, làm dịu đi mọi giá lạnh của cuộc sống, mang đến cho con cảm giác an toàn và ấm áp. Chính bởi sự hiện diện của mẹ, không chỉ làm tan đi cái giá lạnh của mùa đông, mà còn làm dịu đi những lo âu, phiền muộn, cô đơn trong lòng người con, mang đến sự ấm áp, yêu thương vô bờ.

Qua cách so sánh đầy sáng tạo và tinh tế này, bài thơ không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của mẹ trong cuộc đời mỗi người con mà còn thể hiện tình yêu thương sâu đậm mà con dành cho mẹ. Khi đọc bài thơ, độc giả không chỉ cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng mà còn thấy mình như đang hòa vào câu chuyện, trở thành nhân vật người con trong thơ, để rồi cảm nhận được niềm hạnh phúc tràn đầy từ tình yêu thương của mẹ. Sự ngây thơ trong cảm nhận của người con vừa mang đến giọng điệu thơ gần gũi, giản dị, bình yên tạo nên một không gian đầy ấm áp và chân thành. Đặc sắc nghệ thuật trong từng hình ảnh, từng câu thơ đều được nhà thơ Bảo Ngọc gợi mở với tình cảm tha thiết, như một lời tri ân sâu sắc đến tình mẫu tử – tình yêu thiêng liêng và vĩnh cửu. Chính sự khéo léo trong ngôn ngữ và ý tưởng của tác giả đã làm cho “Nắng hồng” trở thành một tác phẩm ý nghĩa, chạm đến trái tim của mỗi người đọc, khiến ai cũng cảm nhận được tình mẹ vô cùng lớn lao, là nguồn sáng bất diệt trong cuộc đời con.

Tình mẫu tử được nhà thưo Bảo Ngọc khắc hoạ thật đặc biệt và đầy ý nghĩa. Qua những hình ảnh thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng, tác giả đã truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về sự thiêng liêng và ấm áp của tình mẹ. Không chỉ vì sự tinh tế trong ngôn từ, mà còn vì tình yêu thương đong đầy mà bài thơ đã mang lại. “Nắng hồng” không đơn thuần là một tác phẩm thơ, mà còn là một lời tri ân dành cho những người mẹ, những tia nắng hồng tỏa sáng trong cuộc đời mỗi người con.

icon-date
Xuất bản : 24/12/2024 - Cập nhật : 24/12/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads