logo

Phân tích bài thơ Hai tiếng gia đình

Hai tiếng gia đình thân thương, gần gũi và thiêng liêng. Đó là lý do vì sao những bài thơ về gia đình luôn có sức hút mãnh liệt với bất kỳ ai. Qua việc phân tích bài thơ Hai tiếng gia đình các em sẽ hiểu rõ hơn về vai trò và tầm quan trọng của gia đình đối với cuộc đời của mỗi người.


Dàn ý Phân tích bài thơ Hai tiếng gia đình

1. Mở bài

- Giới thiệu bài thơ “Hai tiếng gia đình” và tác giả Phạm Đình Huân.

- Khái quát chủ đề, thông điệp bài thơ: tầm quan trọng và ý nghĩa của gia đình với cuộc đời mỗi người.

2. Thân bài

- Khổ 1: gia đình hai tiếng thiêng liêng - nơi mọi người đều hết lòng yêu thương nhau.

- Khổ 2, 3, 4: gia đình nơi mang đến nhiều điều giá trị và ý nghĩa với mỗi người : cuộc sống tinh thần, chăm bẵm nâng niu, huy hoàng quang vinh…nhấn mạnh cha mẹ đã hy sinh hết lòng vì ta để ta có thể bước tới những vinh quang của cuộc đời

- Khổ cuối: để gia đình êm ấm mọi người càng phải gắn bó, yêu thương nhau.

- Nghệ thuật: các câu thơ 6 chữ xen lẫn 8 chữ, gieo vần chân, sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, điệp từ, hình ảnh giản dị, tình cảm trong sáng, chân thành.

3. Kết bài

- Khẳng định thông điệp ý nghĩa của bài thơ: gia đình là bến bờ bình yên, là nơi cho đi vô điều kiện.

- Liên hệ bản thân: trân trọng mái ấm gia đình


Phân tích bài thơ Hai tiếng gia đình

      Nguyễn Đình Huân nổi tiếng với những bài thơ đậm chất trữ tình độc đáo hiếm có. Những trang thơ của anh luôn được bạn đọc đón nhận và ưu ái. Anh có rất nhiều những bài thơ hay, dạt dào cảm xúc trong đó bài thơ “Hai tiếng gia đình” cũng là một ví dụ điển hình. Bài thơ khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của gia đình với cuộc đời mỗi người thông qua ngôn ngữ trong sáng và tình cảm chân thành, giản dị được gửi gắm trong những câu chữ.

      Ngay từ câu đầu tiên của bài thơ là hình ảnh  “thiêng liêng hai tiếng gia đình” câu thơ như ấn định vai trò quan trọng, ý nghĩa của hai tiếng gia đình trong cuộc đời của mỗi người. Gia đình là nơi mọi người sống hết mình vì nhau. Từ con cháu cho đến cha mẹ, ông bà, tất cả đều là người thân, ruột thịt, là giọt máu đào, vì thế gia đình càng thiêng liêng với mỗi người.

Phân tích bài thơ Hai tiếng gia đình

      Ba khổ thơ tiếp theo mạch thơ triển khai theo hướng phân tích những điều tuyệt vời mà gia đình mang đến cho cuộc đời của mỗi người. Bằng phép điệp ngữ nhà thơ chỉ rõ gia đình là nơi cho ta cuộc sống đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần, nuôi nấng chúng ta mỗi ngày. Đặc biệt bài thơ còn nhấn mạnh sự hy sinh vô điều kiện của cha mẹ dành cho mỗi người

Yêu thương ta nhất từ khi lọt lòng

Mẹ cho ta bú ẵm bồng
Cha nuôi ta lớn tính công thế nào

Như là biển rộng trời cao
Cha làm bệ phóng dẫn vào tương lai

Vì con chẳng ngại chông gai
Cha mẹ ta đó cả hai sẵn sàng

      Trước hết cha mẹ luôn là người yêu thương chúng ta nhất từ khi lọt lòng. Ngày chúng ta cất tiếng khóc chào đời cha mẹ đã hạnh phúc biết chừng nào. Và rồi theo tháng năm khôn lớn của mỗi người cha mẹ chẳng quản ngại chông gai, vất vả để chăm lo. Mẹ thì vỗ về, bú mớm bằng những dòng sữa ngọt ngào; cha nuôi khôn lớn, dạy dỗ, bảo ban những điều hay, lẽ phải. Cha mẹ đấng sinh thành chẳng ngại những chông gai khó khăn mà sẵn sàng hy sinh để làm bệ đỡ cho chúng ta bước vào đời. Phép so sánh “như là biển rộng trời cao” nhấn mạnh công ơn trời biển của cha mẹ, làm người đọc liên tưởng đến bài ca dao:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

      Cha mẹ - người có công sinh thành, nuôi dưỡng chúng ta luôn sẵn sàng vun vén cho con cái những điều tốt đẹp nhất. Bởi vậy đạo làm con phải luôn khắc ghi công ơn cha mẹ, cố gắng học hành chăm chỉ, tu dưỡng đạo đức để báo đáp công ơn trời biển của cha mẹ đã dành cho mình. Bài thơ khép lại bằng hình ảnh khăng khít của các thành viên trong gia đình:

Bên nhau gắn bó ngày đêm

Gia đình hạnh phúc càng thêm mặn nồng.

      Cũng là lời nhắc nhở với mỗi người hãy trân trọng tình cảm gia đình, hãy biết sống vun vén để gia đình ngày càng hạnh phúc, ấm êm, thuận hòa.

      Bài thơ sử dụng những câu 6 chữ xen vào một vài câu 8 chữ ở kết thúc mỗi khổ thơ. Sự đan xen có quy luật giữa các câu thơ dài ngắn kết hợp với cách gieo vần ở cuối các dòng thơ và chủ yếu là vần bằng như ta - bà; thân - thần; nào - cao; sàng - đàng gợi âm hưởng tha thiết, dạt dào cho bài thơ. Ngôn ngữ gần gũi, đời thường thể hiện tình cảm chân thành của tác giả. 

      Hai tiếng gia đình tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình của Nguyễn Đình Huân - một hồn thơ tinh tế, nhạy cảm, luôn trân trọng những điều bình dị nhưng thiêng liêng của cuộc sống. Thông qua bài thơ mỗi người chúng ta thấy được vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của gia đình, từ đó biết trân trọng và vun vén để gia đình ngày càng thuận hoà, ấm êm.

-----------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Phân tích bài thơ Hai tiếng gia đình. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 23/03/2023 - Cập nhật : 13/07/2023