logo

Phân tích bài thơ Chiều An Ninh của tác giả Liên Nam

An Ninh là một xã thuộc huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Đây là một trong những địa danh đẹp của tỉnh Phú Yên. Nơi có những ghềnh đá, những rừng rương đại ngàn, nơi chứng kiến rất nhiều trận đánh lịch sử của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để tìm hiểu rõ hơn về thi phẩm này các em hãy cùng phân tích bài thơ Chiều An Ninh của tác giả Liên Nam nhé.


Dàn ý Phân tích bài thơ Chiều An Ninh của tác giả Liên Nam

1, Mở bài

- Giới thiệu tác giả và tác phẩm

- Đánh giá khái quát về tác phẩm: bài thơ tả cảnh đẹp của An Ninh, gián tiếp bộc lộ những tâm sự của tác giả.

2, Thân bài

- Lần lượt phân tích bài thơ theo chiều ngang (phân tích cả nội dung và nghệ thuật lồng ghép).

- Bốn câu thơ đầu: tập trung tả cảnh của An Ninh vào buổi chiều. Những hình ảnh đẹp, gợi không gian hoang sơ, thanh bình.

- Bốn câu thơ tiếp: hình ảnh những con người của An Ninh: những người em gái, những người con trai cất cao tiếng hò để kéo thuyền về bến… tiếng hò say sưa thể hiện niềm vui lao động của con người.

- 5 câu thơ tiếp là suy nghĩ của nhà thơ về cuộc đời của con người nơi đây: những mảnh đời gắn chặt với biển, với sóng gió, dẫu vất vả vẫn hiên ngang trước cuộc đời

- 5 câu thơ cuối cùng: Thông báo về sự tàn phá, xâm lược của Mỹ đến An Ninh

3, Kết bài

- Khẳng định giá trị của tác phẩm.

- Đánh giá tài năng và tấm lòng của tác giả.


Phân tích bài thơ Chiều An Ninh của tác giả Liên Nam

      Nhà thơ Liên Nam tên thật là Đặng Nam Phong, quê ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, Phú Yên. Liên Nam trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và có rất nhiều những vần thơ hay thể hiện những suy nghĩ của ông về cuộc đời con người trong những năm chiến tranh ác liệt. Chiều An Ninh là một trong những bài thơ như thế.

      Bài thơ tập trung tái hiện cảnh và con người của An Ninh dưới đôi mắt của nhân vật trữ tình tôi - cũng là nhà thơ trong một buổi chiều. Thời điểm buổi chiều cũng là gần kết thúc của một ngày, thường gợi ra không gian tâm trạng nhiều hơn, sâu sắc hơn. Mở đầu bài thơ là hình ảnh thiên nhiên của An Ninh với những nét rất đặc trưng:

Chiều An Ninh những ghềnh đá nhấp nhô

Cát sỏi tới chân trời sóng vỗ

Những rừng dương reo gió

Mặt trời treo trên núi ca

      Nhân vật trữ tình tôi như đang đứng rất gần, trên những mỏm đá để quan sát, lắng nghe tiếng sóng vỗ vào mạn đá. Thiên nhiên của An Ninh hiện ra với vẻ gai góc, hoang sơ nhưng cũng đầy thi vị của ghềnh đá nhấp nhô, của cát sỏi, sóng vỡ, những rừng dương đang vẫy reo cùng gió, của mặt trời đang khuất dần sau chân núi. Thủ pháp nhân hoá, liệt kê gợi ra một không gian thiên nhiên rộng, khoáng đạt, bát ngát của nhiều cảnh biển, rừng, trời. Thiên nhiên không hề tĩnh lặng mà rất sôi động với tiếng sóng vỗ, tiếng rừng reo, tiếng hát ca của mặt trời.

Phân tích bài thơ Chiều An Ninh của tác giả Liên Nam

Nghe tiếng em hò trên biển mặn

Kéo ghe về đậu bến quê ta

Tiếng hát bay quanh cột buồm gió đánh

Cột buồm gầy như dáng ông cha

      Động từ “nghe” được đặt lên đầu câu thơ nhấn mạnh tư thế chủ động say sưa của tác giả để bắt trọn âm thanh của cuộc đời. Sau động từ ấy là cuộc sống thường nhật của con người An Ninh mở ra trước mắt người đọc: đó là tiếng hò của người em gái trên thuyền để giục kéo lưới trở về sau một ngày lao động miệt mài. Tiếng hát cất cao, say sưa như tan ra trong đất trời, gió biển. Phép so sánh cột buồm gầy như dáng ông cha độc đáo thể hiện tình cảm và sự chiêm nghiệm sâu sắc của tác giả về lịch sử hào hùng của dân tộc. Có vất vả, có mất mát và thương đau nhưng ông cha ta vẫn kiên trì, bền bỉ để gây dựng lên cuộc sống này. Trong câu thơ cũng có gì đó như ngậm ngùi, xót xa của tác giả về nhưng vất vả gian lao mà ông cha đã trải qua.

Có những người em phiêu bạt

…………………………………

Và gọi tên từng con thuyền kiêu hãnh

      Trường suy nghĩ và liên tưởng mở rộng ra hơn với những người em phiêu bạt trên biển, lênh đênh cùng sông nước để mưu sinh. Dù cuộc sống có vất vả khó khăn nhưng con người An Ninh vẫn vô cùng tự hào và kiêu hãnh “Gọi tên từ những ngôi nhà và gọi tên từng con thuyền kiêu hãnh” bám biển để làm nên cuộc sống này.

Thuyền quay về giương hết cánh buồm ra

Gió giật nổi lên

Dừa xù lông nhím

Mía sột soạt lau gươm

Chiều An Ninh

                         Mỹ đến

      Thế rồi cả An Ninh sôi sục trong khí thế chiến đấu. Cuộc sống êm đềm bị phá vỡ, giặc Mỹ đến mang theo bao đau thương, súng ống, bom đạn, sự tàn bạo, độc ác… Người dân An Ninh không hề nhụt chí mà sẵn sàng trong tư thế chiến đấu “giương hết cánh buồm ra” như để khiêu chiến với bè lũ xâm lược. Thiên nhiên An Ninh cũng như cảm nhận được cuộc sống của con người, sẵn sàng cùng với con người “gió giật”, “dừa xù lông”, “mía lau gươm”... phép nhân hoá làm cho hình ảnh thiên nhiên thêm gần gũi, khắc hoạ không khí chiến đấu của con người An Ninh. Với biển cả họ mềm dẻo, ôn hoà là thế nhưng với giặc Mỹ thì kiên quyết đối đầu không khoan nhượng. Khổ thơ tách các câu chữ khá đặc biệt, có câu chỉ còn hai tiếng như “Mỹ đến” khác hẳn với những câu thơ ⅞ tiếng ở bên trên. Dường như cả thiên nhiên và con người An Ninh đang nín thở để chờ giặc đến, sẵn sàng tư thế để nghênh chiến với giặc, như thế hiện khí thế khẩn trương, sôi sục của dân tộc trong cuộc kháng chiến với quân giặc.

Phân tích bài thơ Chiều An Ninh của tác giả Liên Nam (ảnh 2)

      Bài thơ khép lại bằng hình ảnh bọn giặc đến tàn phá An Ninh nhưng mở ra cả một không khí đấu tranh sôi sục của con người nơi đây. Bằng sự quan sát tỉ mỉ và đồng cảm sâu sắc, Liêm Nam đã bắt trọn được tư thế chiến đấu dũng cảm, không lùi bước của người An Ninh trước gót giày xâm lược. Người đọc cũng tự hào vì khí thế chiến đấu ấy của con người nơi đây, tự hào với vùng đất An Ninh - Phú Yên anh hùng trong kháng chiến chống giặc Mỹ.

--------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Phân tích bài thơ Chiều An Ninh của tác giả Liên Nam. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 16/04/2023 - Cập nhật : 13/07/2023