logo

Phân tích bài thơ: Bài ca ngất ngưởng


Phân tích bài thơ: Bài ca ngất ngưởng

Phân tích bài thơ: Bài ca ngất ngưởng | Văn mẫu 11 hay nhất

       “Điều còn lại với mỗi nhà văn chính là giọng nói riêng của mình, cái giọng riêng không tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác”. Đúng vậy, đã bước chân vào văn đàn nghệ thuật, nếu không có một cái tôi riêng một gương mặt nghệ thuật riêng thì sớm muộn, anh sẽ chẳng có chỗ đứng và bị đào thải. Được biết đến là một trong những cái tôi ngông, đầy bản lĩnh, Nguyễn Công Trứ đã khắc họa đậm nét dấu ấn nghệ thuật của mình qua “Bài ca ngất ngưởng”.

      Mở đầu bài thơ, Nguyễn Công Trứ đã xác lập tư thế và tâm thế của một kẻ thị tài:

“Vũ trụ nội mạc phi phận sự”

        Ý muốn khẳng định, trong vũ trụ này, không có việc gì ngoài ta. Câu thơ tuy ngắn gọn nhưng phần nào toát lên được tư thê và tâm thế của Nguyễn Công Trứ, ông biết rõ và hiểu rõ địa vị, giá trị chân tài thực lực của mình, do đó tự tin khẳng định mình trước thiên hạ. Phận nam nhi, đã làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông, đó là cái nợ làm trai, nhưng cũng là cái đã thôi thúc những dòng thơ đầy mạnh mẽ khẳng định đóng góp của ông cho tổ quốc giang sơn:

“Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

Khi thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

Lúc bình Tây, cờ đại tướng,

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên."

       Các chức sắc trong câu thơ thứ hai là những chức quan mà Nguyễn Công Trứ đã làm, nếu không phải là một người tài giỏi, giàu tri thức, kinh nghiệm thao trường sao có thể đảm đương được những công việc cao cả ấy? Nếu như câu thơ mở đầu là luận điểm khẳng định ý thức thị tài, khẳng định tầm vóc và trí lực của bản thân, thì những câu thơ ở dưới như những luận chứng sinh động khẳng định luận điểm đã nêu ở phía trên, đồng thời một lần nữa khẳng định tài năng vượt trội hơn người của ông.

       Cái tôi ngất ngưởng, thích chơi ngông ấy không chỉ chơi ngông khi ông đương nghiệm tại quan, mà cả khi từ mũ quan trở về quê, sống cuộc đời dân giã cũng vẫn rất ngông, cũng vẫn nên tay ông ngất ngưởng:

“Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng"

"Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng"

        Con người ta vốn đều có lòng tham không đáy, nhưng thái độ ngất ngưởng này của Nguyễn Công Trứ như phần nào khẳng định cái tôi bất chấp danh lợi, không ham phú quý cao sang của mình, không còn bị luẩn quẩn, gò ép theo những lễ nghi nơi cung vua phủ chúa, không còn phải cúi trên nhìn dưới đầy gò bó mà được tự do tự tại sống theo lí tưởng mà mình theo đuổi:

"Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng

Không Phật, không Tiên, không vướng tục"

       Không vướng tục, không để những được mất của thế gian làm vướng bận, một lòng yêu cái bình thường, vui thú với cuộc sống tự do tự tại, đó chính là cái tôi Nguyễn Công Trứ ta bắt gặp trong hai câu thơ, vừa tự tại phiêu diêu, vừa phóng khoáng, hào hoa.

       Ba câu thơ cuối như vế đỡ, khép lại toàn bộ lời khẳng định đầy ngất ngưởng phía trên, đồng thời nâng cao nó, khẳng định cái tôi ngất người cao hơn, vượt lên mọi bờ cõi và giới hạn:

"Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo xơ chung

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!"

       Vẹn đạo xơ chung, đó là biểu hiện của một bậc quân thần, trí dũng vô song. Trong xã hội phong kiến xưa, nam nhi thể hiện tình yêu nước của mình ở cái tôi chung. Ở đây, chân lý ấy, niềm tin và lý tưởng của cả một thời kỳ lịch sử lại được khẳng định rõ nét trong câu thơ của Nguyễn Công Trứ. Những câu thơ cuối vừa lập luận, mà vừa bổ sung cho câu thơ trước đó, ông là một bậc quân thần tôi trung, ông tôn trọng luật vua phép nước, nhưng ông phải kẻ tầm thường chịu quy phục, mà vẫn đậm chất ngông, mang đậm dấu ấn và cái tôi của mình ở trong đó.

       Tóm lại, qua bài thơ “Bài ca ngất ngưởng”, cái tôi của Nguyễn Công Trứ một lần nữa được khẳng định và nhấn mạnh. Một bản sắc riêng, không trộn lẫn, vì thế mà vẫn đằm sâu gương mặt nghệ thuật của mình qua dòng chảy văn học lịch sử.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021
/* */ /* */
/*
*/