logo

Phân tích 3 khổ đầu bài Ánh trăng

Tuyển chọn những bài văn hay Phân tích 3 khổ đầu bài Ánh trăng. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Phân tích 3 khổ đầu bài Ánh trăng - Bài mẫu 1

      Trăng là đề tài muôn thuở của thi ca. Với ánh sáng hiền dịu, với chu kì tròn khuyết lạ lùng, trăng đã gợi cho các thi nhân cổ kim nhiều ý tưởng sâu xa. Nguyễn Duy là nhà thơ lớn lên từ đồng quê, trăng như một ám ảnh. Rồi xê dịch với thời gian, và không gian, trăng vẫn theo đuổi nhà thơ và thế là thành thơ, thành triết lí…

      Bài  thơ “Ánh trăng” được viết theo thể thơ năm chữ, nhịp điệu  linh hoạt  để thể hiện sự vận động  của không giạn, của thời gian. Nếu như trong bài thơ “Tre Việt Nam”, câu thơ lục bát có khi được tách ra thành 2 hoặc 3 dòng thơ để tạo nên hiệu quả nghệ thuật biểu đạt gây ấn tượng, thì bài thơ “Ánh trăng” này lại có một nét mới. Chữ đầu của dòng thơ, câu thơ không viết hoa. Phải chăng nhà thơ muốn cho cảm xúc được dào dạt trôi theo dòng chảy của thời gian kỉ niệm?

      Hai câu thơ đầu nhà thơ nói về vầng trăng của tuổi thơ và vầng trăng của thời chiến tranh.

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

      Vầng trăng tuổi thơ trải rộng trên một không gian bao la. Hai câu thơ 10 tiếng, gieo vần lưng (đồng – sông), từ “với” được điệp lại 3 lần nhằm diễn tả một tuổi thơ đi nhiều, được hạnh phúc cảm nhận những vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên, từng được ngắm trăng trên đồng quê, ngắm trăng trên dòng sông và ngắm trăng trên bãi bể. Ta thấy hồi ức được kể lại bằng hình ảnh. Hình ảnh chuyển rất nhanh, cái hay là bằng hình ảnh không gian đã diễn tả được sự vận động của thời gian.

Phân tích 3 khổ đầu bài Ánh trăng ngắn gọn, hay nhất

      Hai câu thơ tiếp theo nói về thời chiến tranh, vầng trăng của người lính, trăng đã thành tri kỉ.

Hồi chiến tranh ở rừng

Vầng trăng thành tri kỉ

      Tri kỉ là biết người biết mình, bạn tri kỉ là người bạn rất thân, hiểu biết mình. Trăng với người lính, với nhà thơ trong những năm ở rừng thời chiến tranh đã trở thành đôi bạn tri kỉ. Người chiến sĩ nằm ngủ dưới trăng, giữa rừng khuya sương muối, người chiến sĩ đứng chờ giặc tới. Con đường hành quân của người lính nhiều đêm đã trở thành con đường dát vàng. Trăng đã chia sẻ ngọt bùi hân hoan trong niềm vui thắng trận với người lính tiền phương. Đất nước đã trải qua những năm dài máu lửa, trăng với anh bộ đội đã vượt lên mọi tàn phá hủy diệt của bom đạn quân thù. Thật thú vị khi đọc những vần thơ của Nguyễn Duy vì nó đã mở ra trong lòng nhiều người một trường liên tưởng.

Hồi chiến tranh ở rừng

Vầng trăng thành tri kỉ

      Sang khổ thơ thứ 2 như một lời nhắc nhở của tác giả về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, với đất nước bình dị, hiền hậu. Bằng nghệ thuật ẩn dụ, so sánh nhà thơ làm nổi bật chất trần trụi, chất hồn nhiên của người lính những năm tháng ở rừng. Đó là cốt cách của các anh.

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

      Vầng trăng là biểu tượng của những năm tháng ấy, đã trở thành vầng trăng tri kỉ, vầng trăng tình nghĩa, ngỡ như  không bao gì có thể quên. Một ý thơ làm động đến tâm hồn như một thức tỉnh lương tâm đối với những kẻ vô tình.

      Sự thay đổi của lòng người thật đáng sợ. Hoàn cảnh sống thay đổi con người dễ thay đổi, có lúc trở nên vô tình, có kẻ dễ trở thành “ăn ở bạc”. Từ ở rừng, sau chiến tranh trở về thành phố được sống sung sướng ở buyn đinh cao ốc, quen ánh điện cửa gương, vầng trăng tri kỉ – vầng trăng tình nghĩa đã bị người lãng quên dửng dưng. Cách so sánh của tác giả làm chột dạ nhiều người.

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

      Trăng được nhân hóa lặng lẽ đi qua đường, trăng như người dưng đi qua chẳng còn ai nhớ, chẳng còn ai hay. Những câu thơ rất bình dị, giọng thơ thầm thì như trò chuyện, giãi bày tâm sự cho nên chất trữ tình của thơ trở nên sâu lắng chân thành.


Phân tích 3 khổ đầu bài Ánh trăng - Bài mẫu 2

      Nguyễn Duy là nhà thơ trường thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những sáng tác của ông đi vào lòng người đọc bởi sự nhẹ nhàng, gần gũi, mộc mạc của ngôn ngữ qua bài thơ “Hơi ấm ổ rơm”, “Tre Việt Nam”. Bài thơ “Ánh trăng” được rút ra từ tập thơ cùng tên, sáng tác năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh đã khiến người đọc có cách nhìn nhận chân thực và sâu sắc hơn về cuộc sống, về quá khứ qua hình ảnh trung tâm “ánh trăng”.

      Ánh trăng là hình ảnh xuyên suốt 4 khổ thơ, xâu chuỗi các dòng hoài niệm và suy nghĩ của một đời người về hiện tại và quá khứ. Có thể nói Nguyễn Duy đã rất tinh tế để xây dựng thành công hình tượng “vô tri vô giác” nhưng có sức mạnh đánh thức và lay động trái tim.

      Bài thơ được mở đầu bằng hình ảnh ánh trăng thân thuộc, gần gũi, gắn với những kỉ niệm đẹp gắn bó với tuổi thơ, với năm tháng chiến tranh ác liệt:

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ.

      Có thể nói hình ảnh “ánh trăng” đã thành biểu tượng xuyên suốt tuổi thơ của tác giả, gắn bó với những kỉ niệm khó quên. Ánh trăng tinh khiết, dịu nhẹ lan tỏa từ cánh đồng mênh mông, từ dòng sông bến nước – nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi chúng ta.

      Đến những năm tháng “hồi chiến tranh ở rừng” gian khổ, vất vả, ánh trăng từ kí ức tuổi thơ ấy đã thành “tri kỉ”, thành người bạn đồng hành, người bạn tâm tình đáng mến, thủy chung, son sắt. Có thể nói Nguyễn Duy đã rất khéo, rất tinh tế khi nhân hóa ánh trăng thành một người bạn tri kỉ của những anh bộ đội cụ hồ. Sự gắn bó quấn quýt, tình cảm chân thành và trong sáng giữa anh bộ đội và anh trăng thật đáng ngưỡng mộ.

      Hai dấu mốc thời gian “hồi nhỏ” và “hồi chiến tranh” đã khiến cho ánh trăng trở nên gần gũi và nghĩa tình ở khổ thơ tiếp:

Trần trụi giữa thiên nhiên

Hồn nhiên như cây cỏ

Ngỡ không bao giờ quên

Cái vầng trăng tình nghĩa

      Dù là ở đâu thì “ánh trăng” vẫn vẹn nguyên, gần gũi, phóng khoáng khiến cho tác giả có cảm giác “không bao giờ quên”, nhưng đó chỉ là “ngỡ” thôi. Vầng trăng tình nghĩa, chung thủy luôn là hình nhắc nhắc nhở tác giả không được phép quên đi.

      Nhưng chính từ “ngỡ” ấy chính là dấu hiệu cho một sự rạn nứt, quên lãng ở khổ thơ tiếp theo

Từ hồi về thành phố

Quen đèn điện của gương

Vầng trăng đi qua ngõ

Như người dưng qua đường

      Cuộc sống đô thị phồn hoa với đèn điện, cửa gương, với tiện nghi đầy đủ đã khiến cho tác giả quên mất đi người bạn tri kỉ ngày xưa đó. Ở hai câu thơ sau của khổ thơ này, giọng thơ chùng xuống khiến người đọc nghèn nghẹn. Và đặc biệt cách dùng từ “người dưng” đã gợi lên cảm giác xót xa đến tột độ. Từng là bạn tri kỉ, từng là “người” ngỡ như không quên, nhưng giờ đây tác giả vô tâm, vô tình, hờ hững xem như kẻ qua đường, không hơn không kém. Phép so sánh đấy đã khiến cho tứ thơ xoáy sâu vào lòng người nhiều nuối tiếc, day dứt, xót xa cho một sự thay đổi.

---/---

Trên đây là các bài văn mẫu Phân tích 3 khổ đầu bài Ánh trăng do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

icon-date
Xuất bản : 30/10/2021 - Cập nhật : 03/11/2021