logo

Phân loại truyện cổ tích

Câu hỏi: Phân loại truyện cổ tích

Trả lời: 

Phân loại truyện cổ tích: truyện cổ tích được chia thành ba loại sau

    + Cổ tích về loài vật

    + Cổ tích thần kì

    + Cổ tích sinh hoạt

Cùng Top lời giải tìm hiểu về truyện cổ tích nhé!


1. Truyện cổ tích Việt Nam

Truyện cổ tích Việt Nam là những truyện cổ tích được người Việt truyền miệng trong dân gian để kể lại những câu chuyện tưởng tượng xoay quanh một số nhân vật và sự kiện khác nhau. Vì là truyện cổ tích nên chúng thường mang yếu tố hoang đường, kì ảo, thể hiện ước mơ của người Việt về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, sự công bằng thay cho sự bất công trong xã hội. Những truyện cổ tích Việt Nam được xét vào thể loại hư cấu và khuyết danh, dù một vài câu chuyện có thể là lời giải thích cho một số sự vật, hiện tượng trong đời sống nhưng chúng không được xem là cứ liệu khoa học, mà nó thuộc vào phạm trù văn hóa Việt Nam.

Phân loại truyện cổ tích chính xác nhất

2. Đặc trưng của truyện cổ tích

- Truyện cổ tích xây dựng một thế giới hư cấu, kì ảo. Cũng giống như thần thoại, truyền thuyết...truyện cổ tích có sự tham gia của các yếu tố kì ảo vào quá trình phát triển cốt truyện.

- Yếu tố kì ảo trong truyện cổ tích:

+ Là những con vật, sự vật có phép màu: cây đàn, nồi cơm Thạch Sanh, lọ xương cá bống của cô Tấm, con chim trong Cây khế...

+ Là năng lực siêu phàm của nhân vật: sự biến hóa của cô Tấm, Sọ Dừa...

+ Là những nhân vật siêu thực: Tiên, Bụt...

- Truyện cổ tích có cốt truyện khá chặt chẽ, hoàn chỉnh.

Sự vận hành cốt truyện của cổ tích khá hoàn chỉnh với các thang bậc: mở đầu, thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút như một cốt truyện hiện đại.

Ví dụ: Sự phát triển của cốt truyện trong truyện cổ tích Tấm Cám:

+ Mở đầu: giới thiệu về nhân vật Tấm trong mối quan hệ với nhân vật Cám và dì ghẻ.

+ Thắt nút, phát triển xung đột: những lần Tấm bị đối xử bất công: trộm giỏ tép, bị bắt mất cá bống, bị trộn thóc lẫn gạo bắt nhặt, không cho đi xem hội. Nhờ sự giúp đỡ của Bụt, cuối cùng Tấm cũng đến hội, gặp vua và trở thành hoàng hậu.

+ Cao trào: Tấm bị sát hại, vùng lên đấu tranh qua những lần hóa thân: thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửu, quả thị.

+ Mở nút: nhà vua tìm thấy Tấm, đón về hoàng cung, trừng trị mẹ con Cám.

- Truyện cổ tích có tính giáo huấn cao, mỗi câu chuyện là một bài học về đạo đức, ứng xử, về lẽ công bằng, thưởng phạt công minh.

Giá trị của truyện cổ tích nói riêng và văn học dân gian nói chung là ý nghĩa giáo dục. Tác giả gửi gắm trong mỗi câu chuyện một hoặc nhiều bài học nhân sinh sâu sắc. Đó là những bài học về đạo lí làm người, bài học về tình yêu cuộc sống, bài học về tình cảm gia đình, về ý thức đấu tranh với cái xấu, cái ác... Những bài học đó giúp con người hoàn thiện nhân cách, định hướng giá trị bản thân.

Ví dụ: Truyện Tấm Cám là bài học về lẽ sống ở hiền gặp lành, bài học về ý thức đấu tranh giành lại sự sống và hạnh phúc cho bản thân trước sự chà đạp của các thế lực tàn ác. Truyện Sự tích quả dưa hấu lại là bài học về đức tính cần cù, tự nỗ lực, về giá trị của sức lao động chân chính...


3. Phân loại truyện cổ tích

- Truyện cổ tích được chia thành ba loại sau

    + Cổ tích về loài vật

Loại truyện cổ tích này thường là truyện ngụ ngôn những con vật nuôi trong nhà, khi miêu tả đặc điểm các con vật thường nói đến nguồn gốc các đặc điểm đó: Trâu và ngựa, Chó ba cẳng...; và hệ thống truyện về con vật thông minh, dùng mẹo lừa để thắng các con vật mạnh hơn nó: Cóc kiện Trời, Sự tích con sam, Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho, Sự tích con dã tràng, truyện Công và Quạ. Truyện dân gian Nam Bộ về loài vật có: Tại sao có địa danh Bến Nghé, Sự tích rạch Mồ Thị Cư, Sự tích cù lao Ông Hổ...; chuỗi Truyện Bác Ba Phi: Cọp xay lúa...

    + Cổ tích thần kì

Dòng truyện Cổ tích thần kỳ kể lại những sự việc xảy ra trong đời sống gia đình và xã hội của con người. Đó có thể là những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình phụ quyền, vấn đề tình yêu hôn nhân, những quan hệ xã hội như Tấm Cám, Ăn khế trả vàng, Sự tích con khỉ, Sự tích Trầu Cau,....hoặc là Nhóm truyện về các nhân vật tài giỏi, dũng sĩ, nhân vật chính lập chiến công, diệt cái ác, bảo vệ cái thiện, mưu cầu hạnh phúc cho con người (Thạch Sanh, Người thợ săn và mụ Chằng). Nhóm truyện về các nhân vật bất hạnh: về mặt xã hội, họ bị ngược đãi, bị thiệt thòi về quyền lợi, về mặt tính cách, họ trọn vẹn về đạo đức nhưng thường chịu đựng trừ nhân vật xấu xí mà có tài (Sọ Dừa, Lấy vợ Cóc, Cây tre trăm đốt).

Đặc trưng của truyện cổ tích thần kỳ:

  + Là loại truyện cổ tích có nội dung phong phú và số lượng nhiều nhất.

    + Đặc trưng quan trọng của cổ tích thần kì là sự tham gia của các yếu tố thần kì vào tiến trình phát triển của câu chuyện.

    + Thể hiện ước mơ cháy bỏng của nhân dân lao động về hạnh phúc gia đình, về lẽ công bằng trong xã hội, về phẩm chất và năng lực tuyệt vời của con người.

    + Cổ tích sinh hoạt

Truyện tiếu lâm, Truyện cũng kể lại những sự kiện khác thường ly kỳ, nhưng những sự kiện này rút ra từ thế giới trần tục. Yếu tố thần kỳ, nếu có, thì không có vai trò quan trọng đối với sự phát triển câu chuyện như trong cổ tích thần kỳ.

Nhóm truyện có đề tài nói về nhân vật bất hạnh (Trương Chi, Sự tích chim hít cô, Sự tích chim quốc...); nhóm có nội dung phê phán những thói xấu: (Đứa con trời đánh, Gái ngoan dạy chồng...); nhóm truyện về người thông minh: (Quan án xử kiện hay Xử kiện tài tình, Cậu bé thông minh, Cái chết của bốn ông sư, Nói dối như Cuội...); nhóm truyện về người ngốc nghếch: (Chàng ngốc đi kiện, Làm theo vợ dặn, Nàng bò tót...)

icon-date
Xuất bản : 26/01/2022 - Cập nhật : 04/02/2022