logo

Kể tên các tác phẩm Văn học dân gian tiêu biểu?

Câu hỏi: Kể tên các tác phẩm Văn học dân gian tiêu biểu?

Trả lời:

Các tác phẩm Văn học dân gian tiêu biểu:

* Truyện:

- Truyền thuyết: Con rồng cháu tiên, bánh chưng bánh giầy, Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Sự tích Hồ Gươm.

- truyện cổ tích: Sọ Dừa, Thạch Sanh.

- Ngụ ngôn: Ếch ngồi đáy giếng, Thấy bói xem voi, Đeo nhạc cho mèo, Chân, tay,
tai, mắt, miệng.

* Ca dao - dân ca:

- Những câu hát về tình cảm gia đình.

- Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người.

- Những câu hát than thân.

- Những câu hát châm biếm.

* Tục ngữ:

- Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất.

- tục ngữ về con người và xã hội.

* Sân khấu (chèo): Quan Âm thị Kính.

Ngoài ra, các em cùng Top lời giải tìm hiểu thêm về một số đặc điểm của dòng văn học dân gian nhé!


1. Văn học dân gian là gì?

Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng được tập thể sáng tạo, nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho những sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng. Với người Việt Nam, văn học dân gian là nguồn sữa trong lành nuôi dưỡng bao thế hệ trẻ lớn lên trong chiếc nôi tre Việt Nam, trong tiếng ru ầu ơ dân tộc. Văn học dân gian không chỉ góp phần thể hiện đời sống lao động và tâm hồn người bình dân mà còn là mảnh đất màu mỡ chắp cánh cho vườn hoa tình yêu tỏa hương khoe sắc. Qua văn học dân gian, ta cảm nhận rõ hơn sự kỳ diệu của ngôn ngữ tình yêu, thấy thương hơn gốc lúa, vườn rau, thương hơn cuộc sống quanh ta.

Kể tên các tác phẩm Văn học dân gian tiêu biểu?

2. Các thể loại văn học dân gian

a. Thần thoại

+ Hình thức văn xuôi tự sự

+ Thường kể về các vị thần nhằm giải thích các hiện tượng tự nhiên; thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên và phản ánh quá trình sáng tạo văn hóa của người Việt cổ.

+ Ví dụ: Thần trụ trời, Nữ thần Mặt trăng, Thần mặt trời, …

b. Sử thi

+ Hình thức văn xuôi tự sự (có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần nhịp, kiểu văn xuôi, văn vần hoặc kết hợp cả hai).

+ Xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng để kể về một hoặc nhiều biến cố lớn lao diễn ra trong đời sống cộng đồng của nhân dân thời cổ đại; qua đó thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh của nhân dân đối với những người có công với cộng đồng.

+ Ví dụ: Sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường, Sử thi Đăm Săn của dân tộc Ê – đê, …

c. Truyền thuyết

+ Hình thức văn xuôi tự sự

+ Kể về sự kiện và nhân vật lịch sử (hoặc có liên quan đến lịch sử) cụ thể theo xu hướng lí tưởng hóa; qua đó thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn vinh người có công với đất nước, dân tộc hoặc cộng đồng dân cư của một vùng. Bên cạnh đó, truyền thuyết cũng vừa đề cao, vừa phê phán các nhân vật lịch sử.

+ Ví dụ: truyền thuyết Hùng Vương; An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy; Bánh chưng bánh dày....

d. Cổ tích

+ Hình thức văn xuôi tự sự

+ Cốt truyện và hình tượng được hư cấu có chủ đích, kể về số phận của những con người bình thường trong xã hội có phân chia đẳng cấp, thể hiện tinh thần nhân đạo và lạc quan cảu nhân dân lao động.

+ Ví dụ: Thạch Sanh, Tấm Cám, Cây khế...

e. Truyện cười

+ Hình thức văn xuôi tự sự (dung lượng ngắn, có kết cấu chặt chẽ, kết thúc bất ngờ)

+ Kể về những sự việc, hiện tượng xấu, trái tự nhiên trong cuộc sống làm bật lên tiếng cười, nhằm mục đích giải trí hoặc phê phán xã hội.

+ Ví dụ: Tam đại con gà, Nhưng nó phải bằng hai mày, …

g. Truyện ngụ ngôn

+ Hình thức văn xuôi tự sự (rất ngắn gọn, kết cấu rất chặt chẽ)

+ Truyện thông qua các ẩn dụ để kể về những sự việc liên quan đến con người, từ đó rút ra những kinh nghiệm và triết lí sâu sắc.

+ Ví dụ: Treo biển, Trí khôn, ...

h. Tục ngữ

+ Hình thức: Câu/lời nói có tính nghệ thuật (ngắn gọn, hàm súc, phần lớn có hình ảnh, vần, nhịp)

+ Đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn, thường được dùng trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của nhân dân.

+ Ví dụ: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, Gần mực thì đen gần đèn thì sáng, Nuôi lợn ăn cơm nằm/Nuôi tằm ăn cơm đứng,...

i. Câu đố

+ Hình thức: Bài thơ hoặc câu nói có tính có vần

+ Mô tả vật bằng những hình ảnh, hình tượng khác lạ để người nghe tìm lời giải thích nhằm mục đích giải trí, rèn luyện tư duy và cung cấp những tri thức về cuộc sống.

+ Ví dụ: “Không miệng mà lại biết kêu /Không tội mà lại bị treo lên xà”. Đáp án: (cái chuông)

k. Ca dao

+ Hình thức: thơ trữ tình (thường kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng)

+ thể hiện thế giới nội tâm con người.

+ Ví dụ: 

“Anh đi anh nhớ quê nhà,

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.

Nhớ ai dãi nắng dầm sương,

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”.

l. Vè

+ Hình thức: Văn vần có lời thơ mộc mạc.

+ Phần lớn nói về những sự kiện, sự việc của làng, nước mang tính thời sự, nhằm thông báo và bình luận.

+ Ví dụ: ‘‘Vè thách cưới’’, ‘‘Vè bão năm Tỵ’’, ‘‘Vè sai đạo’’, ‘‘Vè thầy Thông Chánh’’...

m. Truyện thơ

+ Hình thức: thơ, văn vần

+ Phản ánh số phận và khát vọng của con người về hạnh phúc lứa đôi và sự công bằng trong xã hội.

+ Ví dụ : Truyện Kiều (Nguyễn Du), Truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu), …

n. Chèo (Các hình thức diễn xướng dân gian)

+ Hình thức: kịch hát dân gian kết hợp với yếu tố trữ tình và trào lộng

+ Ca ngợi những tấm gương đạo đức phê phán đả kích mặt trái của xã hội.

+ Các thể loại sân khấu dân gian khác : tuồng, cải lương, múa rối, …

+ Ví dụ: Chèo Quan Âm Thị Kính, Suý Vân giả dại, …


3. Đặc trưng của văn học dân gian

a. Tính nguyên hợp

- Tính nguyên hợp của văn học dân gian thể hiện ở sự hòa lẫn những hình thức khác nhau của ý thức xã hội trong các thể loại của nó. Văn học dân gian được xem là bộ bách khoa toàn thư của nhân dân.

- Tính nguyên hợp về nôi dung của văn học dân gian phản ánh tình trạng nguyên hợp về ý thức xã hôi thời nguyên thuỷ, khi những lĩnh vực sản xuất tinh thần chưa được chuyên môn hoá. Nguyên nhân là do đại bộ phận nhân dân , tác giả văn học dân gian , không có điều kiện tham gia vào các lãnh vực sản xuất tinh thần khác nên họ thể hiện những kinh nghiệm , tri thức , tư tưởng tình cảm của mình trong văn học dân gian, một loại nghệ thuật không chuyên.

- Văn học dân gian có tính nguyên hợp, được xem như bách khoa toàn thư của nhân dân
Tính nguyên hợp của văn học dân gian còn được thể hiện ở mặt nghệ thuật. Đây không chỉ là nghệ thuật ngôn từ thuần túy mà là sự kết hợp của nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau.

- Theo những chuyên gia phân tích, biểu hiện cụ thể của tính nguyên hợp là tính biểu diễn. Văn học dân gian có ba dạng tồn tại: tồn tại ẩn, tồn tại cố định, tồn tại hiện ( tồn tại thông qua diễn xướng). Trong đó, tồn tại bằng diễn xướng là dạng tồn tại đích thực của văn học dân gian .

b. Văn học dân gian mang tính tập thể

- Những tác phẩm văn học dân gian là sáng tác của nhân dân, nhưng không phải tất cả nhân dân đều là tác giả của văn học dân gian. Tính tập thể thể hiện chủ yếu trong quá trình sử dụng tác phẩm. Quan trọng là nó được mọi người biểu diễn, thưởng thức hay không, nó đã đạt mức thành tựu hay không. Trong quá trình đó, tập thể nhân dân tham gia vào công việc đồng sáng tạo tác phẩm.

- Hai đặc trưng cơ bản nêu trên có liên quan chặt chẽ với các đặc trưng khác của văn học dân gian như : tính khả biến tính truyền miệng , tính vô danh .

c. Văn học dân gian – một loại nghệ thuật gắn liền với sinh hoạt của nhân dân

Loại hình văn học này nảy sinh và tồn tại như một bộ phận hợp thành của sinh hoạt nhân dân. Có thể nói, sinh hoạt nhân dân là môi trường sống của tác phẩm văn học dân gian. Những tác phẩm văn học dân gian có tính ích dụng .Bài hát ru gắn với việc ru con ngủ- một hình thức sinh hoạt gia đình, những bài dân ca nghi lễ, các truyền thuyết gắn với tín ngưỡng, lễ hội…Từ đặc trưng này mà văn học dân gian có tính đa chức năng , trong đó, đặc biệt là chức năng thực hành sinh hoạt.


4. Những giá trị cơ bản của văn học dân gian Việt Nam

a. Văn học dân gian là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc

- Tri thức dân gian thuộc mọi lĩnh vực: tự nhiên, xã hội và con người.

- Tri thức dân gian phần lớn là những kinh nghiệm lâu đời được nhân dân đúc kết từ thực tiễn.

- Tri thức dân gian thể hiện trình độ và quan điểm nhận thức của nhân dân vì vậy có sự khác biệt so với nhận thức của giai cấp thống trị cùng thời, đặc biệt là về vấn đề lịch sử, xã hội.

b. Văn học dân gian có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người

- Văn học dân gian giáo dục con người tinh thần nhân đạo và lạc quan.

- Văn học dân gian góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp: yêu quê hương, đất nước; tinh thần bất khuất kiên trung, tính cần kiệm…

c. Văn học dân gian có giá trị thẩm mĩ to lớn, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc

- Văn học dân gian được chắt lọc, mài giũa qua không gian và thời gian.

- Nhiều tác phẩm trở thành mẫu mực về nghệ thuật để chúng ta học tập.

- Trong tiến trình lịch sử, văn học dân gian đã phát triển song song cùng văn học viết, làm cho nền văn học Việt Nam trở nên phong phú.

icon-date
Xuất bản : 10/03/2022 - Cập nhật : 10/03/2022