logo

Ôn tập Học kì 1 SGK trang 157 Văn 10 Kết nối tri thức

Hướng dẫn Ôn tập Học kì 1 SGK  trang 157 Văn 10 Kết nối tri thức ngắn gọn, hay nhất. Trả lời toàn bộ câu hỏi trong bộ Sách mới Kết nối tri thức Ngữ văn lớp 10 chi tiết. Hi vọng qua bài soạn trên các bạn đã nắm vững được nội dung bài học và chuẩn bị bài trước khi đến lớp tốt nhất.


Mục lục nội dung

Bài viết tham khảo

Đề bài: Câu nào trong bài viết khái quát đầy đủ đặc trưng của cảnh vật được gợi lên từ bài thơ Thiên Trường vãn vọng.

Lời giải 

    Câu văn khái quát đầy đủ đặc trưng của cảnh vật được gợi lên từ bài thơ Thiên Trường vãn vọng: “Không thể nào khác là một cảnh thanh bình, yên ả, phơn phớt chút tươi vui hiền lành, thầm lặng phát ra từ một cuộc sống có phần ấm no, hạnh phúc.”

Đề 1

Hãy viết bài văn nghị luận phân tích/đánh giá một tác phẩm văn học mà bạn yêu thích.

 Lời giải 

  Bài thơ “Mộ” tức “Chiều tối” là một bài thơ hay trong tập “Nhật ký trong tù”. Tác phẩm được sáng tác trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, đó là khi nhà thơ bị giam cầm, tù đầy trong nhà lao ở Trung Quốc. Thế nhưng toàn bộ bài thơ chúng ta không thấy cái tâm trạng đau đớn, khổ sở, cái không khí ngột ngạt của người tù mà chỉ thấy hình ảnh rất đỗi bình dị, thân quen của cảnh làng quê trong một buổi chiều tối.

Bài thơ ghi lại khoảnh khắc mà chủ tịch Hồ Chí Minh bị giải từ nhà lao Thiên Bảo đến Long Tuyền vào năm 1942. Cảm hứng chủ đạo trong bức tranh này là phông nền của thiên nhiên, của cuộc sống con người khi hoàng hôn sắp buông xuống. Có thể nói người tù - nhà thơ cách mạng thật tinh tế, sâu sắc đã diễn tả cuộc sống nơi núi rừng một cách bình dị và nhẹ nhàng đến thế:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

Hai câu thơ đầu là nét chấm phá, phác thảo khung cảnh của thiên nhiên. Cảnh buổi chiều hiện ra qua một vài nét, nét nào cũng có cảnh buồn man mác. Đó là một cảnh miêu tả bầu trời trên cao, với chú chim đang mỏi cánh, tìm về với cánh rừng để kiếm chỗ ngủ. Là chòm mây cô đơn, trôi nhẹ lẫng lờ trong bóng trời chiều. Bản dịch khá hay nhưng đã bỏ rơi mất chữ “cô” và chỉ dịch là “chòm mây” làm cho câu thơ mất đi cái cô đơn, lẻ loi vốn có.

Hoàng hôn buông xuống, ánh mặt trời cũng đã khuất xuống núi, đây là lúc vạn vật đều muốn tìm chỗ nghỉ ngơi sau một ngày dài vất vả. Cánh chim bay cả ngày thì sẽ mỏi cánh, muốn tìm một chỗ trú yên bình. Chòm mây cô đơn nhẹ nhàng trôi. Giữa thiên nhiên bao la, cô quạnh vạn vật đều như dừng lại, chỉ có chòm mây trôi nhẹ giống như con người trong cảnh tù tội vẫn phải độc bước đi. Thân xác người tù mỏi rã rời vì nay phải rời nơi này, mai lại phải đi sang nơi kia. Thế nhưng chúng ta thấy vẫn có tinh thần thật lạc quan, một nghị lực thép kiên định để giúp nhà thơ, người tù cách mạng có được sức mạnh và ý chí để vượt qua những tháng ngày gian khổ, khó nhọc ấy, trong thơ ca người ta vẫn gọi đó là tinh thần thép.

Trong khung cảnh thiên nhiên ấy, có một nét vẽ về sinh hoạt của con người  nơi xóm núi hoang vắng:

"Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng."

Bản dịch khá hay nhưng đánh mất đi sắc thái trang trọng trong cụm từ “sơn thôn” ; Sơn thôn là hình ảnh người thiếu nữ miền sơn cước. Có thể nhà thơ bắt gặp trên con đường đi chuyển trại giam. Giữa cảnh chiều muộn hoang vu nơi rừng núi cô gái nơi xóm núi hiện lên như một điểm nhấn độc đáo, khiến bức tranh trở nên sinh động, vui tươi, bớt đi cái vẻ buồn, cô quạnh trước đó. Đó chính là nét hiện đại trong thơ cổ điển của Hồ Chí Minh. Bức tranh vừa có cảnh vật, lại vừa có con người, với hoạt động lao động mạnh mẽ, dứt khoát, thể hiện những nét đẹp đáng quý của người lao động. Ở đây cô gái nơi xóm núi đang xay ngô để chuẩn bị cho bữa cơm tối. Động tác xay ngô nhịp nhàng , khoẻ khoắn, từng vòng tay đều “ma bao túc” rồi lại “bao túc ma hoàn”. Chữ “hồng” chốt lại bài thơ có thể coi là “nhãn tự” của bài thơ này. Nó vừa chỉ thời gian vừa tối, vì tối mới thấy lò than rực hồng, vừa xua tan cái lạnh giá, khắc nghiệt của mùa đông nơi núi rừng cô quạnh. Một chữ hồng làm bừng sáng cả bài thơ.

Như trên đã nói bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt khi người tù bị giải từ nhà lao nọ sang nhà lao kia. Chắc chắn trên con đường ấy người tù cách mạng phải bị xiềng xích, thiếu thốn đủ thứ, bị giày vò về thể xác lẫn tinh thần. Thế nhưng chúng ta không thấy tiếng kêu ai oán, khổ sở, không thấy khổ đau, nước mắt, chỉ thấy ý chí và tinh thần thép kiên cường của người tù cách mạng. Nhẹ nhàng, chẳng cần lên gân nhưng chúng ta cũng cảm nhận được điều đó.

 Bao trùm toàn bài thơ là một hình ảnh bình dị, thân quen nơi núi rừng, trung tâm trong đó là vẻ đẹp khỏe khoắn của người lao động được cảm nhận qua cái nhìn của người tù cách mạng. Thông qua bài thơ chúng ta thấy ánh lên một trái tim yêu đời, tinh thần lạc quan cách mạng, một tấm lòng giàu tình yêu thương dành cho vạn vật trên thế giới.

Ôn tập Học kì 1 SGK  trang 157 Văn 10 Kết nối tri thức

 Đề 2

Khi được học về thần thoại và sử thi, vấn đề gì đã khiến bạn thật sự thấy hứng thú và muốn tìm hiểu sâu hơn? Hãy viết một báo cáo nghiên cứu về vấn đề đó.

Lời giải 

1. Đặt vấn đề

Đam San là một sử thi kinh điển của dân tộc Việt Nam nói chung và của đồng bào Ê đê nói riêng. Sử thi ra đời trong quá trình xã hội đã có sự phân hoá giai cấp, chế độ mẫu hệ vẫn chiếm độc tôn, nhưng đã bắt đầu có sự trỗi dậy của các  đấng nam nhi mới, trẻ khỏe như Đam San. Có thể nói sử thi Đam San là một bức tranh toàn diện, sâu sắc và phong phú, phản ánh những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Ê đê.

2. Giải quyết vấn đề

a) Khái quát một số nét tiêu biểu của đồng bào dân tộc Ê đê

Đồng bào dân tộc Ê đê là một dân tộc thiểu số,sống chủ yếu ở miền Trung Việt Nam và Đông Bắc Campuchia. Người Ê đê có nét văn hoá rất đặc trưng, nổi bật là một cộng đồng có xu hướng tương đối thống nhất ý thức dân tộc, đồng thời là  một cộng đồng dân tộc-tôn giáo khá rõ nét với hơn 70% dân số ảnh hưởng của đạo Tin Lành.

Người Ê đê sống bằng nghề nương rẫy là chính. Ngoài trồng trọt còn chăn nuôi, săn bắt, hái lượm. Ngày nay đồng bào Ê đê gắn liền với trồng cây nông sản như cà phê, tiêu đen, cao su… nên kinh tế cũng phát triển hơn

b) Trang phục của người Ê đê

Trang phục của người Ê đê có đầy đủ các thành phần trang phục và phong cách của người Tây Nguyên. Trang phục truyền thống có màu đen, điểm xuyết thêm những hoa văn sặc sỡ.  Đàn bà trùm khăn lên đầu, mặc áo, quấn váy (iêng). Người Đàn ông Êđê ngoài trang phục cổ truyền gồm có áo liền nút,  khố kteh và đầu quấn khăn được binh lính và nông dân tầng lớp thấp mặc, thì các thủ lĩnh hoặc các quý tộc Êđê  thường mặc Čhum Kpin. 

c) Nhà dài của người Ê-đê

Nhà sàn Ê đê có hình ảnh của con thuyền dài , cửa chính sẽ ở sang phía trái của nhà, cửa sổ mở ra phía hông. Bên trong nhà có trần gỗ giống với hình mui thuyền. Có nhiều buôn Ê Đê cư trú với hàng trăm ngôi nhà dài trông như một hạm đội thuyền, vốn là một nét đặc trưng có hầu hết ở các tộc người nói tiếng Mã Lai. Nhà người Ê Đê thuộc loại hình nhà dài sàn thấp, dài từ 15 đến khoảng 100m tùy theo gia đình nhiều người hay ít người. Nhà Ê Đê có có nhiều nét đặc trưng riêng khác với nhà của các cư dân khác ở Tây Nguyên.Đó là nhà của gia đình theo chế độ mẫu hệ. Bộ khung có kết cấu tương đối đơn giản. Cái được coi là đặc trưng của nhà Ê Đê là: hình thức của cầu thang cột sàn và cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt. 

d) Một số nét văn hóa của dân tộc Ê-đê.

Chế độ mẫu hệ là một điểm nhấn đặc sắc trong văn hoá của người Ê đê. Chế độ này được hình thành từ thời xa xưa, dựa trên đặc điểm của truyền thống quần hôn nguyên thuỷ. Khi đó người ta tôn thờ người phụ nữ, vì họ là những người mang nặng đẻ đau, nắm giữ nguồn sống trong gia đình. .H’Nhí và H’Bhí trong sử thi Đăm Săn là những người phụ nữ tiêu biểu cho sức mạnh của chế độ mẫu hệ. Họ nắm trong tay mọi của cải, sự quyết định trong gia đình đều thuộc về hai chị em. Nếu ở các dân tộc  khác, nhà trai đi hỏi cưới nhà gái về làm vợ thì dân tộc Ê đê ngược lại. Lễ cưới - hỏi của họ chịu sự chi phối của chế độ mẫu hệ nên người con gái đi chủ động đi hỏi và cưới chồng. Hai chị em H’Nhí và H’Bhí cùng các anh trai của mình sang tận nhà Đăm Săn để hỏi cưới làm chồng. Đam Săn đồng ý đã đến nhà họ ở rể, tập trung làm lụng, đánh đuổi giặc để bảo vệ cộng đồng dân làng.

Chế độ mẫu hệ của người Ê đê còn in đậm trong lối kiến trúc trang trí căn nhà, cầu thang. Chúng được trang trí đôi ngực và hình vầng trăng khuyết - những biểu tượng sống động của tính nữ. Văn hóa người Ê đê còn mãi với tục nối dây- một luật tục cổ truyền trong hôn nhân của người Ê đê. Tục quy định khi chồng chết, phụ nữ có quyền lấy chồng khác về để thay thế. Ngược lại khi vợ chết, người chồng chỉ được lấy một người con gái trong gia đình vợ, miễn là người đó chưa có chồng.

Núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, nhiều bí ẩn đã tạo nên sức mạnh và ý thức đấu tranh của những con người để bảo vệ cộng đồng. Từ bao đời nay người Ê đê vẫn quây quần bên bếp lửa để nghe kể về sử thi Đam San, Xinh Nhã với bao chiến công hiển hách, lẫy lừng. Có thể nói sử thi Đam San, Xinh Nhã là một trong những kho tàng lưu giữ những nét đẹp văn hoá, tinh thần của người Ê đê.

3. Kết luận

       Những nét văn hoá đặc sắc của người Ê đê như trang phục, nhà ở, văn hoá mẫu hệ đều phản ánh những nét độc đáo, riêng biệt của đồng bào dân tộc nơi đây. Việc nghiên cứu những nét văn hoá này chính là chìa khoá để chúng ta mở rộng cánh cửa tìm hiểu những  nét đặc sắc không của riêng dân tộc Ê đê mà còn của 54 dân tộc anh em khác ở nước ta.

4. Tài liệu tham khảo.

a) GS.TS Nguyễn Xuân Kinh, Quá trình sưu tầm và nhận thức lí luận đối với sử thi ở Việt Nam, Viện nghiên cứu văn hoá.

b) Phan Việt (2021),Những nét đẹp văn hóa trong đời sống của người dân tộc Ê đê, 

Đề 3

Bạn đã ý thức như thế nào về trách nhiệm của bản thân trong việc tham gia xây dựng một môi trường sống có văn hóa hơn? Hãy thể hiện điều bạn ý thức được đó bằng bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm mà bạn cho là không phù hợp với chuẩn mực chung mà cộng đồng tạo dựng.

Lời giải 

   Hút thuốc lá là một thói quen xấu đã và đang tồn tại ở trong xã hội. Có rất nhiều người hút thuốc lá ở nhà ở, nơi công cộng và gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của những người xung quanh. Dẫu đây là một hành vi có hại, đã được Tổ chức y tế khuyến cáo thế nhưng nhiều người vẫn cố tình làm ngơ, coi thường sức khỏe của bản thân và người khác. Vậy làm thế nào để từ bỏ thói quen hút thuốc lá đây?

 Tổ chức y tế thế giới cho biết, hút thuốc lá giống như bạn đang đưa chất độc vào cơ thế, nó không thấy hậu quả ngay nhưng nó tàn phá dần dần, từ từ và càng về sau càng nghiêm trọng. Các hoạt chất gây nghiện có trong thuốc lá khiến phổi đen xì, hoạt động kém đi và hậu quả là khiến con người bị ho hen, lao phổi, tắc nghẽn mạch máu, bệnh tim mạch thậm chí ung thư phổi… Nghiêm trọng hơn thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người hút nó mà còn ảnh hưởng đến những người hút thuốc thụ động, tức là những người xung quanh, khi hút phải khói thuốc sẽ bị ảnh hưởng tương đương như những người hút thuốc. Chúng ta thử hình dung trong gia đình ông hút thuốc, bố hút thuốc thì ai sẽ là những người gián tiếp phải chịu hậu quả? Đó là bà, là vợ, là những đứa trẻ nhỏ trong gia đình? Nơi công cộng như công viên, trường học, uỷ ban, bến xe… chỉ một người hút thuốc nhưng tất cả những người xung quanh đều phải gánh chịu hậu quả… thật khủng khiếp biết chừng nào. Đâu đâu cũng có biển cấm hút thuốc lá nơi công cộng, thế nhưng nhiều người vẫn cố tình làm ngơ. Tại sao vậy?

 Thực tế gần như 100% những người hút thuốc lá đều thây tác hại nghiêm trọng của thói quen này nhưng việc bỏ nó lại không thể. Bởi trong thuốc lá có chất cocain tương tự như trong thuốc phiện, nó là một chất gây nghiện, khi đã hút vào thì rất khó để cai nó. Rồi nhiều người cho rằng, hút thuốc lá không quá nguy hiểm, tôi vẫn hút nó bao nhiêu năm nay nhưng sức khoẻ vẫn tốt, có làm sao đâu, tại sao tôi phải bỏ; nhiều người bỏ thuốc lá thì thấy thèm, rồi thấy cơ thể tăng cân rồi lại hút tiếp… Như vậy là do ý thức chủ quan của mỗi người, xem nhẹ tác hại của thuốc lá, nghiện nặng và không thể bỏ được.

Rõ ràng việc hút thuốc lá về lâu về dài sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Hàng năm có hàng nghìn người chết vì thuốc lá, hàng nghìn người phải nhập viện để điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá như lao phổi, viêm xoang, tim mạch… gây ra những gánh nặng cho xã hội. Hậu quả nhãn tiền và sau này đều vô cùng nghiêm trọng, ai ai cũng thấy nhưng bỏ thuốc lá làm sao để thực hiện được?

Tôi đã biết có rất nhiều trường hợp người  nghiện thuốc lá lâu năm đã từ bỏ được nó, vì sao vì họ có nghị lực và ý chí. Họ thấy được tác hại của thuốc lá ảnh hưởng đến sức khoẻ của bản thân và những người xung quanh, nên họ mạnh mẽ và quyết tâm từ bỏ thuốc lá. Vậy tại sao bạn lại không làm được. Bạn hãy bỏ từ từ, nay hút nửa bao thì mai chỉ hút hai ba điếu, ngày kia còn một điếu, ngày kìa nửa điếu rồi cuối cùng dần dần từ bỏ nó, dứt khoát không hút nữa. Thời gian đầu sẽ thấy khó chịu nhưng tôi tin bằng sự kiên trì bạn sẽ bỏ được.  Nhiều người nghiện thuốc phiện nặng còn cai được cớ gì thuốc lá bạn không bỏ được? Hãy động viên mình như thế, tôi tin chắc chắn bạn sẽ làm được.

     Vì một thế giới khoẻ mạnh, không bệnh tật, vì tương lai của con cháu, giống nòi chúng ta, tôi và các bạn hãy chung tay đẩy lùi thuốc lá ngay hôm nay.

>>> Xem trọn bộ: Soạn Văn 10 Kết nối tri thức

-----------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn Ôn tập Học kì 1 SGK  trang 157 trong bộ SGK Kết nối tri thức theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Top lời giải đã có đầy đủ các bài soạn cho các môn học trong các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 23/07/2022 - Cập nhật : 03/07/2023