logo

Nội dung chính truyện Vợ nhặt

Đề bài: Nội dung chính truyện Vợ nhặt

    Giữa lúc nạn đói đang hoành hành, Tràng (một chàng trai nghèo đói, lại là dân xóm ngụ cư) dẫn một người đàn bà lạ về nhà khiến mọi người đều ngạc nhiên. Trước đó, chỉ hai lần gặp gỡ, với mấy câu đùa vu vơ, vài bát bánh đúc, Thị đã chấp nhận theo Tràng về làm vợ. Về đến nhà, Tràng vẫn còn ngỡ ngàng. Mẹ Tràng từ ngạc nhiên đến lo lắng, xót thương, rồi cũng mừng lòng đón nhận nàng con dâu. Sáng hôm sau, vợ và mẹ Tràng dậy sớm thu dọn nhà cửa. Trông thấy cảnh tượng ấy, Tràng thấy thương yêu và gắn bó với gia đình của mình. Trong bữa cơm ngày đói, nghe tiếng trống thúc thuế, hình ảnh đoàn người đi phá kho thóc và lá cờ đỏ hiện lên trong óc Tràng.
=> Qua tác phẩm, Kim Lân không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện đưuọc bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ: ngay trên bờ vực của chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Các em cùng Toploigiai tìm hiểu thêm về tác phẩm Vợ nhặt nhé!


1. Tác giả Kim Lân

a. Cuộc đời

Nội dung chính truyện Vợ nhặt

    Kim Lân – tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 01 tháng 08 năm 1920 – mất 20 tháng 07 năm 2007. Quê quán ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn (nay thuộc làng Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

    Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, chỉ học được hết tiểu học là phải tự đi làm để phụ giúp gia đình.

    Dù ra đời lúc còn rất nhỏ tuổi nhưng Kim Lân rất chịu khó và chăm chỉ, ông đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau để sinh sống như thợ sơn guốc, khắc tranh bình phong, …

   Tuy học không cao nhưng với tính chịu khó quan sát và suy ngẫm và được đi nhiều nơi nên ông đã hiểu rất rõ cuộc sống cơ cực, gian nan ở những vùng nông thôn, miền quê.

    Năm 1941, ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình với thể loại truyện ngắn và một số tác phẩm của ông đã được đăng trên các báo như: Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật.

Năm 1944, Kim Lân tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng và gia nhập Hội văn hóa cứu quốc.

    Sau Cách Mạng tháng Tám, ông tiếp tục hoạt động văn nghệ, tham gia viết văn, làm báo, diễn kịch, đóng phim nhằm phục vụ kháng chiến và cách mạng.

b. Thành tựu văn học

    Có thể thấy Kim Lân là một nhà văn rất thành công về chủ đề nông thôn với hình ảnh người nông dân cực khổ, cam chịu cùng vẻ đẹp chân thực, bình dị trong cuộc sống. Nhờ biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật cùng lối văn phong giản dị, sâu sắc và mang đậm màu sắc nông thôn nên tất cả các tác phẩm của ông đều được rất nhiều thế hệ độc giả yêu thích.

    Giai đoạn trước cách mạng tháng 8 năm 1945, những sáng tác của ông đều tái hiện lại những nếp sống sinh hoạt, những trò chơi dân gian tao nhã vô cùng phong phú và sinh động ở thôn quê đó là: đánh vật, chọi gà, thả chim…. thông qua một số tác phẩm như: Đôi chim thành, Con mã mái, Chó săn…

Ngoài ra ở giai đoạn này ông còn sáng tác một số truyện ngắn như:

- Vợ nhặt

- Đứa con người vợ lẽ

- Đứa con người cô đầu

- Cô Vịa

    Sau Cách Mạng tháng Tám, Kim Lân vẫn tiếp tục chuyên về thể loại truyện ngắn và vẫn viết về làng quê Việt Nam bằng tình cảm, tâm hồn của một người nông dân chính hiệu. Đây có lẽ là giai đoạn thành công nhất của Kim Lân với những tác phẩm ghi được dấu ấn lớn và được nhiều người biết đến như:

- Làng năm 1948

- Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955)

- Vợ nhặt in trong tập truyện Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962).

Đặc biệt, Vợ nhặt và Làng là hai tác phẩm đã được đưa vào trong sách giáo khoa ở Việt Nam nhờ có giá trị rất lớn về nội dung và có tính giáo dục rất cao.

Ngoài khả năng sáng tác văn học, Kim Lân còn có năng khiếu làm diễn viên, ông đã tham gia đóng rất nhiều bộ phim và kịch.

Một số vai diễn tiêu biểu của ông là:

- Lão Hạc (trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy)

- Lý Cựu (trong phim Chị Dậu)

- Cả Khiết (trong vở Cái tủ chè của Vũ Trọng Can)

- Lão Pẩu (trong phim Con Vá)

- Cụ lang Tâm (trong phim Hà Nội 12 ngày đêm).

   Với những đóng góp vô cùng giá trị về văn học, năm 2001 ông đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng về văn học nghệ thuật

   Là một nhà văn trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống cùng với những biến cố s về lịch sử, Kim Lân đã để lại những di sản tinh thần có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nhân dân. Qua đó cho chúng ta thấy rõ cuộc sống và con người làng quê Việt Nam nghèo khổ nhưng tâm hồn luôn trong sáng, lạc quan, thật thà.


2. Hoàn cảnh sáng tác Vợ nhặt

- In trong tập Con chó xấu xí (1962).

- Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư - được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954), ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.


3. Ý nghĩa nhan đề Vợ nhặt

- Vợ là sự trân trọng, người vợ có vị trí trung tâm để xây dựng tổ ấm.

- Ở đây là nhặt được vợ, không phải lấy vợ đàng hoàng, có ăn hỏi cưới xin mà như nhặt được đồ vật người ta đánh rơi hay quên.

=> Cái giá con người trở nên rẻ rúng. Đồng thời cũng cho thấy trong hoàn cảnh khốn cùng con người ta vẫn luôn khao khát được sống hạnh phúc, niềm tin cuộc sống trong họ thật mãnh liệt.


4. Tình huống truyện trong Vợ nhặt

- Vợ nhặt đã xây dựng được một tình huống truyện éo le, độc đáo, đau xót thấm đẫm tình người:

+ Anh Tràng - con nhà nghèo, xấu xí, ngây ngô, dân xóm ngụ cư bỗng dưng có vợ theo về mà lại là vợ nhặt trên đường trên chợ.

+ Việc Tràng có vợ khiến cả người dân xóm ngụ cư, bà cụ Tứ (mẹ Tràng) và cả chính Tràng cũng ngạc nhiên.

- Tình huống truyện là lời tố cáo chế độ thực dân, phát xít đã đẩy con người vào hoàn cảnh khốn cùng, đồng thời mang giá trị nhân bản sâu sa dù hoàn cảnh bi thảm đến đâu con người ta vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng và tin tưởng vào tương lai.


5. Phân tích giá trị hiện thực trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân

    Viết về đề tài người nông dân trước cách mạng trên văn đàn Việt Nam đã có rất nhiều những tác phẩm và những cây bút xuất sắc, nhưng ở mỗi một tác giả, tác phẩm ta lại thấy một khía cạnh riêng, mang tính cá nhân của người viết. Ví như Nguyễn Công Hoan là giọt nước mắt đau đớn, nỗi khốn khổ của người nông dân dưới những mẩu truyện ngắn cười ra nước mắt ví như Tinh thần thể dục hay Kép tư bền. Hay Ngô Tất Tố là nỗi đớn đau, xót xa cho những kiếp người cùng cực dưới nạn thuế má trong Tắt đèn. Hoặc một Nam Cao lạnh lùng, với hiện thực trần trụi đau đớn với kiếp sống đầy bi kịch của Chí Phèo. Và rồi đến với Kim Lân, một tác giả có số lượng tác phẩm cực ít thế nhưng lại là một trong 10 tác giả tiêu biểu nhất của nền văn học hiện thực Việt Nam với hai tác phẩm Làng và Vợ Nhặt. Thành công của Kim Lân đến từ sự khác biệt trong lối hành văn và cách tư duy, ông dùng cái hiện thực để làm nổi bật lên những cá tính và phẩm chất tốt đẹp của con người. Lấy tư tưởng nhân văn nhân đạo phát triển lên, không chỉ có tính phản ánh mà còn mở ra cho nhân vật của mình một lối thoát mới ấy là Cách mạng, thứ mà những nhà văn viết về đề tài này trước đó chưa khai mở được. Trong tác phẩm Vợ nhặt bức tranh hiện thực hiện lên dưới ngòi bút của Kim Lân bằng những câu văn nhẹ nhàng, nhưng vô cùng ám ảnh và u ám.

    Bối cảnh trong Vợ nhặt là một bối cảnh rất đặc biệt, là giai đoạn đau thương trong lịch sử dân tộc. Kim Lân đã phản ánh một cách chân thực tình cảnh khốn khổ của người nông dân trong nạn đói những năm 1944-1945 thông qua ba nhân vật Tràng, thị và bà cụ Tứ. Người nông dân đầu tiên hiện lên ấy là Tràng, một chàng trai còn trẻ, vô tư, nhưng cuộc sống nghèo khổ, sống vật vờ lay lắt như một cành củi khô dưới bầu trời u ám, ngày ngày lao động quần quật với công việc kéo xe. Cái đói, cái khổ những năm tháng ấy khiến một anh con trai vốn sức vóc cũng trở nên tiều tụy, mệt mỏi “Tràng cúi đầu bước từng bước chậm chạp”, tàn tạ vô cùng. Còn thị, một người đàn bà, bị cái đói hành hạ đến độ cong cớn, sưng sỉa vì miếng ăn, rồi cuối cùng vì 4 bát bánh đúc mà đánh đổi cả một đời làm vợ người. Thị đã ở bên bờ vực của cái chết, nên thị phải chấp nhận mang trên mình cái danh người “vợ nhặt”, tựa như cọng rơm, cọng rác vứt đâu đó ngoài xó chợ. Cuối cùng là bà cụ Tứ, một người đàn bà tội nghiệp, tuổi cao sức yếu, đáng lý ra nên ở nhà bồng cháu, bồng chắt, thế nhưng bà vẫn đăm đăm nỗi lo không lấy được vợ cho đứa con trai duy nhất, rồi cả nỗi lo đói kém, bà vẫn phải lao động miệt mài, với một tương lai u ám và một tia niềm tin còn lóe sáng, rằng cầm cự được qua cơn đói này tương lai sẽ tốt hơn. 

    Đó là nạn đói qua số phận ba nhân vật chính, nhưng nó còn khủng khiếp hơn khi người ta nhìn ra ngoài kia, nơi những con người của xóm ngụ cư đang đếm từng bước đến nghĩa địa. Có thể nói rằng chưa từng có một nhà văn nào lại có thể vẽ ra một bi kịch nạn đói kinh hoàng và ám ảnh đến thế, những người dân tản cư, bồng bế, dắt díu nhau nhếch nhác “xanh xám như bóng ma”, “ngổn ngang khắp lều chợ”, cảnh “người chết như ngả rạ”, “không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Khung cảnh thê lương, tối tăm và lạnh lẽo, “bóng người đói dật dờ lặng lẽ đi lại như bóng ma”, cùng với “tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi khủng khiếp”, như tiếng vẫy gọi đầy ám ảnh của tử thần. Có thể nói rằng nạn đói đã biến một ngôi làng thành nơi mà cái chết hiện diện, bao trùm khắp không gian và thời gian, khiến con người ta không thể trốn chạy, vật vờ, ngột ngạt và tuyệt vọng. Bức tranh hiện thực của Kim Lân hiện lên tàn khốc đến nỗi con người ở đây dường như đã nhìn thấy cái chết của mình, và đang chậm rãi chờ nó tới “khó ai có thể tin mình sống nổi” trong đó có cả 3 con người đang cầm cự là Tràng, thị và cụ Tứ. Bởi dẫu Chí Phèo dù đã ở dưới đáy của xã hội, nhưng vẫn có lúc tin vào hạnh phúc với Thị Nở, còn mẹ con Tràng và những con người ngoài kia thậm chí còn chẳng tin vào việc sống sót chứ đừng nói đến hạnh phúc gia đình. Xóm ngụ cư ấy dường như đã bước một bàn chân sang nghĩa địa, sự sống và cái chết chỉ là một bức màn mỏng, mong manh vô cùng, động một cái thôi là đã có vài người ngã xuống, thảm hại và bi thương.

    Bi kịch nạn đói còn thể hiện cả trong đời sống của gia đình Tràng, “bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại, giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, một đĩa muối ăn với cháo”. Nếu trong cảnh khác, mà không phải nạn đói, có lẽ chẳng ai nuốt nổi bữa cơm “đạm bạc” ấy, thế nhưng cả nhà Tràng đều ăn rất ngon lành vui vẻ. Nhưng gây ấn tượng và có giá trị phản ánh hiện thực sâu sắc nhất vẫn là hình ảnh nồi cháo cám mà bà cụ Tứ bảo là món “chè khoán” mừng tân hôn. Vị đắng ngắt, nghẹn bứ nơi cổ họng của Tràng chính là mùi vị khốn khổ của những năm tháng kinh hoàng ấy, con người ta tàn tạ đến mức phải ăn cả thức ăn của gia súc để giành giật lại sự sống. Và còn biết bao nhiêu cảnh đời khốn khổ vật vạ, không có cả cám để ăn rồi chờ thần chết đến đến mang mình đi. Rồi ám ảnh đến mức trong đêm tân hôn của Tràng và thị Kim Lân vẫn đặt vào đó “Tiếng ai hờ khóc ngoài xóm lọt vào tỉ tê lúc to lúc nhỏ”, u ám và thiểu não càng làm nổi bật lên cái hiện thực khốc liệt của người nông dân trong nạn đói. 

    Vợ nhặt của Kim Lân là một tác phẩm văn học hiện thực xuất sắc, người ta thấy ở đó một nạn đói kinh hoàng với những sinh linh bé nhỏ, tàn tạ bước từng bước lần về nghĩa địa, thấy được cái không khí tang thương, u uất, tràn ngập mùi tử thi bao trùm trên xóm nhỏ. Đồng thời có ý nghĩa phản ánh sự tàn ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật những kẻ đã gây ra thảm kịch cho hơn hai triệu đồng bào.

icon-date
Xuất bản : 11/09/2021 - Cập nhật : 20/11/2022