logo

Nội dung bài thơ Chợ Tết

Câu hỏi: Nội dung bài thơ Chợ Tết?

Trả lời: 

Nội dung của bài Chợ Tết là: 

   Bài thơ là một bức tranh chợ Tết miền trung du giàu màu sắc và vô vùng sinh động. Người đi chợ Tết ai cũng vui vẻ, từ cụ già cho tới các cô thiếu nữ, trẻ con, người mua kẻ bán tấp nập trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp đậm sắc xuân.

  Qua bức tranh phiên chợ Tết ta thấy được cảnh sinh hoạt nhộn nhịp, cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc của người dân quê. 

Cùng Top lời giải đọc lại bài thơ Chợ Tết, cảm nhận và luyện tập về bài thơ này nhé!


Bài thơ Chợ Tết

Chợ Tết

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ tết

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon

Vài cụ già chống gậy bước lom khom

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu

Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau

Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh

Người mua bán ra vào đầy cổng chợ


Ý nghĩa bài thơ Chợ Tết

   Bức tranh chợ Tết miền trung du giàu màu sắc và vô cùng sinh động đã nói về cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc của những người dân quê.

Nội dung bài thơ Chợ Tết

Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong bài thơ:

     - So sánh: Sương trắng so sánh với giọt sữa. Hiệu quả:

     + Tạo sự sinh động cho hình ảnh.

     + Nhấn mạnh dáng vẻ, sự ngọt ngào, thơm mát, tinh khiết… của giọt sương ban mai.

     - Nhân hóa: Tia nắng “nháy”, “ núi uốn mình”, trong chiếc “ áo the xanh”, “ đồi thoa son” –“nằm”: Cảnh vật vô tri trở nên sống động như con người: tia nắng như đứa trẻ tinh nghịch, reo vui, núi đồi như cô thiếu nữ đang trang điểm, làm duyên, làm dáng muốn hoà vào dòng người đi chợ tết. 

     - Ẩn dụ: “chiếc áo the xanh”: ngầm thể hiện sắc màu của cỏ cây hoa lá mọc trên núi, gợi sức sống tràn trề của mùa xuân.

=> Các biện pháp nghệ thuật đã tạo nên bức tranh sinh động, tươi tắn, có hồn và rực rỡ đầy sức sống của thiên nhiên, gợi được cả cái náo nức, vui vẻ của thiên nhiên trong buổi sáng mùa xuân tươi đẹp. Đoạn thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước tha thiết của nhà thơ…


Cảm nghĩ về bài thơ Chợ Tết

    Ngày nay có hội chợ; ngày xưa dân gian có chợ Tết. Chợ Tết thường họp vào những ngày cuối năm. Chợ Tết đông vui, nhiều hàng hóa, lương thực, thực phẩm. Đi chợ Tết để bán hàng, để mua sắm. Cũng có người, nhất là trẻ con đi chợ Tết để vui chơi.

       Bài thơ "Chợ Tết" của Đoàn Văn Cừ là một kiệt tác văn chương, vừa đẹp vừa vui. Đọc "Chợ Tết" ta tưởng như được sống lại không khí hội hè dân gian hàng trăm năm về trước. Bài thơ được viết theo thể thơ 8 chữ; đây là phần đầu bài thơ "Chợ Tết" :

"Dải mây trắng... ra vào đầy cổng chợ".

      Những câu thơ mở đầu gợi tả một sáng tinh mơ nơi làng quê trong ánh bình minh. Dải mây trắng trên đỉnh núi "đỏ dần" lên. Những giọt sương mai như viên ngọc "hồng lam" được nhân hóa, đang "ôm ấp" nóc nhà gianh nơi thôn ấp.

       Những con đường quê "viền trắng" uốn lượn mép đồi xanh. Đỉnh núi, đồi xanh, nóc nhà gianh, con đường, dải mây trắng, giọt sương hồng lam... tất cả đều ửng sáng, trông rất đẹp mắt. Nghệ thuật phối sắc của nhà thơ thật tài hoa:

"Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh

Trên con đường viển trắng mép đồi xanh"

      Trên con đường uốn mình, mềm mại như dải lụa ấy, có biết bao nhiêu con người, già trẻ gái trai từ các thôn ấp "kéo hàng" nối đuôi nhau đi chợ Tết với niềm vui náo nức. Cảnh đi chợ Tết "tưng bừng" đông vui như đi hội:

"Trên con đường viển trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc"

       Mỗi người đi chợ Tết đều có một dáng vẻ riêng. Đoàn Văn Cừ đã làm hiện lên trước mắt chúng ta những con người hiền lành, giản dị, đáng yêu bằng bao nét vẽ có hồn, rất sinh động. Mặc áo đỏ, áo mới, áo đẹp là những thằng cu "chạy lon xon" mừng vui tíu tít. Là vài cụ già, tay chống gậy, lung còng "bước lom khom" chậm rãi. Là cô thôn nữ xinh tươi với chiếc yếm thắm, duyên dáng và kín đáo "che môi cười lặng lẽ". Là những em bé lần đầu được đi chợ Tết, còn rụt rè sợ hãi "nép đầu bên yếm mẹ?"...ngơ ngác trước những con người lạ, cảnh lạ:

"Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon

Vài cụ già chống gậy bước lom khom

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ"

       Cảnh lợn, bò, gia súc "đi chợ Tết" thật ngộ nghĩnh, vội vàng và hối hả. Ta tưởng như nhà thơ đang nheo mắt tủm tỉm cười:

"Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu

       Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau".

        Dưới ánh hồng bình minh, mọi cảnh vật đều trở nên tráng lệ. Từ giọt sương trắng đến tia nắng tía, từ núi xanh đến đồi son, tất cả đều cựa quậy, náo nức, sáng bừng lên. Cảnh chợ Tết càng thêm đẹp:

"Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa 

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh"

       Cảnh vật được nhân hóa như mang tình người, hồn người, cùng khoe sắc chia vui với bà con các ấp "tưng bừng" đi chợ Tết. Các động từ được tác giả dùng rất đắt: "ró", "nháy hoài", "uốn mình", "thoa", "nằm"... Khép lại đoạn thơ là một hình ảnh đông vui của phiên chợ Tết ngày xưa:

 "Người mua bán ra vào đầy cổng chợ".

        Bức tranh dân gian "Chợ Tết" của Đoàn Văn Cừ mang vẻ đẹp vừa bình dị thân thuộc, vừa rực rỡ sắc màu. Tác giả đã làm sống lại cảnh vật và cuộc sống nơi đồng quê đậm đà màu sắc văn hóa dân gian với tất cả tấm lòng yêu thương nồng hậu. Nghệ thuật sử dụng từ ngữ chỉ màu sắc của ngòi bút nghệ thuật Đoàn Văn Cừ rất giàu có, tinh luyện: trắng, đỏ, hồng lam, viền trắng, xanh, biếc, đỏ, thắm, vàng, tía, the xanh, thoa son,... Đọc đoạn thơ, ta tưởng như mình cũng được đi chợ Tết cùng bà con các ấp hơn mấy chục năm về trước.

Luyện tập

1. Người các ấp đi chợ Tết trong khung cảnh đẹp như thế nào?

Người các ấp đi chợ Tết trong một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp:

Mặt trời lên làm đỏ dần những dải mây trắng và những làn sương sớm.

Những rặng núi xanh tươi, những ngọn đồi lấp lánh dưới ánh hồng của bình minh. Những tia nắng lấp lánh trong ruộng lúa...

---- > Đó là cảnh bình minh đang lên ở vùng trung du.

2. Mỗi người đến chợ Tết với những dáng vẻ riêng ra sao?

Mỗi người đến với chợ Tết với những dáng vẻ khác nhau:

- Những thằng cu áo đỏ thì chạy lon ton.

- Các cụ già chống gậy bước lom khom.

- Các cô gái lặng lẽ che môi cười.

- Em bé thì nép đầu bên yếm mẹ.

- Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu.

- Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.

3. Bên cạnh đáng vẻ riêng, những người đi chợ Tết có điểm gì chung?

Điểm chung của mọi người đi chợ Tết là họ đều vui vẻ hòa mình vào cái vẻ tưng bừng của chợ Tết.

4. Bài thơ là một bức tranh giàu màu sắc về chợ Tết. Em hãy tìm các từ ngữ đã tạo nên màu sắc bức tranh ấy.  

   Các từ ngữ đã tạo nên bức tranh giàu màu sắc về chợ Tết: trắng, đỏ, hồng lam, xanh biếc, thắm, vàng, tía, xanh, son.

  Nội dung: Bức tranh chợ Tết vùng trung du giàu màu sắc và sinh động, thể hiện cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc của người dân vùng trung du.

icon-date
Xuất bản : 27/12/2021 - Cập nhật : 29/12/2021