logo

Nhà văn Kim Lân có lần tâm sự về ông Hai – nhân vật chính trong truyện ngắn Làng của ông: Đó là người nông dân nghèo khổ...

Để tìm hiểu sâu hơn về giá trị tác phẩm Làng, mời các em tham khảo một số hướng dẫn về bài viết Nhà văn Kim Lân có lần tâm sự về ông Hai – nhân vật chính trong truyện ngắn “Làng” của ông: “Đó là người nông dân nghèo khổ..." sau đây. Hi vọng với các gợi ý ngắn gọn, chi tiết, hay nhất này các em sẽ có thêm tài liệu, cách triển khai để hoàn thiện bài viết một cách tốt nhất!


Nhà văn Kim Lân có lần tâm sự về ông Hai – nhân vật chính trong truyện ngắn “Làng” của ông: “Đó là người nông dân nghèo khổ có những nét rất mới không giống bất kỳ người nông dân nào trong các truyện ngắn, truyện dài nào trước kia”. (Theo “Nhà văn nói về tác phẩm”,Hà Minh Đức,NXB Giáo dục,2004,tr.264)
Dựa vào truyện ngắn “Làng” và những hiểu biết về người nông dân trước Cách mạng trong các truyện đã học, hãy làm sáng tỏ những nét “rất mới” ở nhân vật này.

Nhà văn Kim Lân có lần tâm sự về ông Hai – nhân vật chính trong truyện ngắn Làng của ông: Đó là người nông dân nghèo khổ... (ngắn gọn, hay nhất)

 Đề bài có yêu cầu rất rõ ràng: Dựa vào truyện ngắn “Làng” và những hiểu biết về người nông dân trước Cách mạng trong các truyện đã học, hãy làm sáng tỏ những nét “rất mới” ở nhân vật ông Hai.

- Với đề bài trên, người viết cần so sánh những điểm giống, khác nhau giữa nhân vật ông Hai với các nhân vật trong những truyện ngắn trước Cách mạng đã học như lão Hạc (“Lão Hạc”), chị Dậu (“Tắt đèn”). Từ đó, tìm ra “những nét rất mới” ở nhân vật ông Hai.

+ “Họ đều là những người nông dân nghèo thương con”. Nhưng tình thương con của mỗi người có biểu hiện và kết cục khác nhau: chị Dậu thương con mà không bảo vệ được con, phải bán con lấy tiền nộp sưu cứu chồng; lão Hạc phải tìm đến cái chết để giữ mảnh vườn cho con; còn ông Hai, khi nghe tin làng theo giặc lại lo cho con vì chúng nó cũng là con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?...Rõ ràng, ông đặt tình cảm riêng trong mối quan hệ với làng, với nước; ông hiểu danh dự của mỗi con người – dù còn ít tuổi – cũng gắn với danh dự của làng, gắn với vận mệnh của đất nước.

+ “Họ đều có sức phản kháng, đấu tranh”. Trong hoàn cảnh xã hội trước Cách mạng tháng Tám, chị Dậu phản kháng một cách tự phát, để bảo vệ chồng trước sự dã man vô nhân đạo của những kẻ đại diện cho cái gọi là “nhà nước” bấy giờ. Còn ông Hai, ông có ý thức trách nhiệm với làng, có tinh thần kháng chiến rất rõ ràng: ông trực tiếp tham gia các hoạt động kháng chiến ở làng, ông muốn trở về làng để được cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá…khi đi tản cư ông vẫn lo cho các công việc kháng chiến ở làng.

- Đặc biệt, cần phân tích để thấy những chuyển biến “rất mới” trong tình cảm của ông Hai đối với làng. Ở ông Hai, “tình yêu làng mang tính truyền thống đã hòa nhập với tình yêu nước trong tinh thần kháng chiến của toàn dân tộc”.

+ Tình yêu làng thể hiện ở việc hay khoe làng của ông. Phân tích để thấy sự thay đổi ở việc khoe làng ấy: trước Cách mạng, ông khoe sự giàu có, hào nhoáng của làng; sau Cách mạng tháng Tám, ông khoe không khí cách mạng ở làng ông…Ông tin vào ý thức cách mạng của người dân làng ông cũng như thắng lợi tất yếu nếu giặc đến làng nên nghe giặc “rút ở Bắc Ninh, về qua làng chợ Dầu…” thì ông hỏi ngay “ta giết được bao nhiều thằng?”.

+ Tình yêu làng gắn với tình yêu nước của ông Hai bộc lộ sâu sắc trong tâm lí ông khi nghe tin đồn làng theo giặc. Từ khi chợt nghe tin đến lúc về nhà, nhìn lũ con; rồi đến những ngày sau…nỗi tủi hổ ám ảnh ông Hai thật nặng nề, mặc cảm tội lỗi ngày một lớn hơn. Tình yêu làng, yêu nước của ông còn thể hiện sâu sắc trong cuộc xung đột nội tâm gay gắt. Ông thấy tuyệt vọng vì ở nơi tản cư có tin không đâu chứa người làng Chợ Dầu. Lòng trung thành với cách mạng, với đất nước thật mạnh mẽ, hiểu rõ những điều quý giá mà cách mạng đã mang lại cho mình cũng như trách nhiệm với cách mạng nên ông Hai đã quyết định dứt khoát “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù”.

+ Tình cảm với kháng chiến, với cụ Hồ của ông Hai được thể hiện cảm động, chân thành khi ông tâm sự với đứa con út. Và, tinh thần kháng chiến, niềm tự hào về làng Chợ Dầu kháng chiến được thể hiện cụ thể khi ông Hai nghe tin cải chính về làng.

- Phân tích để thấy “nguyên nhân của những đổi thay rất mới đó ở nhân vật ông Hai”. Những đổi thay đó là do tác động của hoàn cảnh lịch sử. Sự mở rộng và thống nhất giữa tình yêu quê hương với tình yêu đất nước là nét rất mới trong nhận thức và tình cảm của người nông dân sau Cách mạng tháng Tám mà nhà văn Kim Lân đã thể hiện qua nhân vật ông Hai. Tình cảm ấy có được bởi cách mạng đã mang lại cho người nông dân cuộc sống mới, họ được giác ngộ và cũng có ý thức tự giác vươn lên cho kịp thời đại. Vậy nên, tầm nhìn, suy nghĩ của ông Hai đã được mở rộng, đúng đắn.

- Bố cục bài viết cần chặt chẽ, lập luận sắc sảo, diễn đạt mạch lạc và có cảm xúc.
Trên đây là một vài gợi ý về hướng giải quyết đề. Với một đề thi, có thể còn nhiều cách giải quyết khác, các em hãy mạnh dạn suy nghĩ và thực hành để có được một bài viết mang dấu ấn riêng.

---/---

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những gợi ý ngắn gọn cho bài viết Nhà văn Kim Lân có lần tâm sự về ông Hai – nhân vật chính trong truyện ngắn “Làng” của ông: “Đó là người nông dân nghèo khổ..." để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021