logo

Top 3 bài Nghị luận chúng ta có nên bước qua các ranh giới trong cuộc sống

icon_facebook

Hướng dẫn lập dàn ý và Top 3 bài văn mẫu Nghị luận chúng ta có nên bước qua các ranh giới trong cuộc sống hay nhất giúp các em học tốt môn Ngữ văn lớp 11 


Dàn ý Nghị luận chúng ta có nên bước qua các ranh giới trong cuộc sống

a) Mở bài

Dẫn dắt giới thiệu được vấn đề cần nghị luận.

b) Thân bài

* Giải thích:

-  Ranh giới: Đường phân giới hạn giữa hai khu vực, hai địa hạt, hai phạm trù… liền nhau.

- Bước qua ranh giới: Vượt qua, phá vỡ làn đường giới hạn để chuyển từ bên này sang bên kia.

* Bàn luận:

- Có những ranh giới không nên, không thể bước qua. Đó là những ranh giới giúp ta giữ được giá trị làm người; đảm bảo sự an toàn, phát triển tốt đẹp của xã hội. Nếu bị phá vỡ hậu quả sẽ khôn lường.

(Lấy dẫn chứng thực tế làm sáng tỏ vấn đề)

- Đôi khi cần bước qua ranh giới để mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, khẳng định giá trị của bản thân, tạo nên những thay đổi cần thiết, tăng tính hiệu quả, tìm ra cái mới mang tính đột phá, đi được xa hơn, có được nhiều hơn trên một địa hạt khác. Đó là những ranh giới kìm hãm con người, xã hội. 

(Lấy dẫn chứng thực tế làm sáng tỏ vấn đề)

- Ranh giới trong cuộc sống nhiều khi rất mong manh. Để không phá bỏ hay vượt qua được ranh giới luôn cần có sự tỉnh táo, sáng suốt, bản lĩnh… 

- Phê phán những hành động liều lĩnh, cực đoan bất chấp ranh giới; sự hèn nhát, thu mình… 

c) Kết bài

- Bài học nhận thức và hành động. 


Nghị luận chúng ta có nên bước qua các ranh giới trong cuộc sống - Mẫu số 1

Có rất nhiều người lưỡng lự trước câu hỏi “Chúng ta có nên bước qua các ranh giới trong cuộc sống?”. Cũng là một câu nói liên quan đến vấn đề đó, nhà văn Nguyễn Khải đã từng viết : " Cuộc đời không có những giới hạn, chỉ có những ranh giới. Vấn đề là ta có đủ can đảm để bước qua những ranh giới đó hay không". Thật vậy, chúng ta đều có hoặc không thể bước qua ranh giới bởi nó còn tùy thuộc ranh giới bạn nhắc đến là gì. “Nói một cách đơn giản, ranh giới là giới hạn hoặc khoảng cách giữa bạn và một người khác; là khoảng trống nơi bạn bắt đầu và là điểm kết của người khác. Hãy nghĩ về nó như một hàng rào sân sau nhà bạn. Bạn là người gác cổng và quyết định người bạn giữ lại và người bạn tiễn đi, người mà bạn cho họ vào hẳn toàn sân sau, hoặc là người mà bạn chỉ cho họ bước qua khỏi cửa chính. Bạn có thể vẫn giữ khoảng cách, nhưng bạn đang cho họ cơ hội chứng minh rằng họ đáng tin cậy cả về mặt thể chất lẫn tình cảm. Mục đích của việc thiết lập ranh giới lành mạnh, tất nhiên, là để bảo vệ và chăm sóc tốt bản thân bạn.”, có ai đó đã từng nói như vậy. Qủa thực, ranh giới là đường phân đoạn giữa hai khu vực, hai con người, hai sự việc,...và bước qua ranh giới là vượt qua, phá vỡ làn đường giới hạn để chuyển từ bên này sang bên kia. Bàn về chuyện có nên vượt qua ranh giới hay không thì có lẽ câu trả lời sẽ là cả có và không. Thực tế thì có những ranh giới mà khi bước qua con người dễ bị xoáy vào vòng tròn cạm bẫy, mất đi giá trị đạo đức, nhân phẩm con người. Với những điều như thế cần ở con người là sự tỉnh táo, biết đâu là bạn đâu là thù, hãy biết giữ khoảng cách với chúng đừng để đi quá giới hạn của bản thân. Lúc đó có hối hận thì cũng không kịp nữa. Cũng đừng vì tính cố chấp mà lừa mình dối người rồi sự việc lại không thể cứu vãn. Tuy nhiên, không phải ranh giới nào cũng tiêu cực. Con người ta có cơ hội được tiếp cận với những ranh giới nơi mà ta có thể tự mình vượt qua, vượt qua một cách mạnh mẽ để giành lấy phần hơn, giành lấy sự tiến bộ, thắng lợi và ánh hào quang. Cũng chính ngay tại đây lại cần một con người đủ bản lĩnh để bước qua. Chỉ khi đủ tâm, đủ tầm thì bước qua giới hạn mới thực sự mang lại nhiều ý nghĩa đích thực. Một người bạn luôn nhút nhát vào một ngày nọ đã dám giơ tay phát biểu ý kiến, đó cũng là một biểu hiện tốt trong việc bước ra khỏi giới hạn của bản thân. Hay diễn viên, ca sĩ mà đặc biệt là thí sinh tham dự các cuộc thi lớn nhỏ họ thậm chí phải thử cả những tiết mục, tiểu phẩm, bài hát không thuộc vào sở trường của mình để chứng tỏ bản thân, bước qua giới hạn tài năng vốn có để tiến cao tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp. Cuộc đời là một bài toán khó, là một con đường không bằng phẳng, nhưng chính những cái chông gai, những cái tưởng như là bước đường cùng ấy lại là sự rèn luyện, giúp con người trở nên mạnh mẽ, cường đại hơn trước cuộc sống. Giới hạn cũng vậy, nó được thiết lập để con người có cơ hội trải mình. Chín chắn trong suy nghĩ, hoàn thiện trong tư duy là những hành trang cần thiết để bước ra khỏi giới hạn, đột phá và thành công hơn. Chỉ có nỗ lực vượt qua những ranh giới thì chúng ta mới có thể chạm tay đến ước mơ, hoài bão, khát vọng, giúp chúng ta sống có ích và hạnh phúc hơn trong cuộc đời và không có người thành công nào chưa từng cảm thấy bế tắc, chán nản và tuyệt vọng nhưng họ đã vượt qua nó bằng chính ý chí và quyết tâm mạnh mẽ, bằng một trái tim kiên cường, bằng một niềm tin chắc thắng. Những người than thở, chán nản và cho rằng cuộc sống đang dồn họ đến đường cùng chỉ cho thấy rằng họ là một kẻ yếu đuối, thiếu tự tin và nhu nhược trước cuộc đời. Bản thân chúng ta khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường cũng phải tự ý thức mà rèn luyện cho mình một tâm thế vững chắc, một nội tâm mạnh mẽ, một tấm lòng kiên trì không đổi, tự xác định cho mình một ước mơ hoặc một niềm đam mê để chúng ta thấy cuộc sống có hy vọng có đích đến, để rồi lấy đó làm động lực.


Nghị luận chúng ta có nên bước qua các ranh giới trong cuộc sống - Mẫu số 2

Cuộc sống luôn tồn tại những ranh giới. Ranh giới chật hẹp không tồn tại ở những nẻo đường, trong những ngôi nhà mà nằm ngay trong chính chúng ta. Dùng những đường biên để tạo hình và phản ánh thực trạng phân chia giai tầng trong xã hội, Parasite (Kí sinh trùng) bộ phim Hàn Quốc làm nên lịch sử khi giành tượng vàng Oscar (2020) đã đặt ra những gạch ngang lớn trong lòng người xem, khiến ta phải trăn trở, suy ngẫm. Đường biên ấy, liệu có phải chỉ đơn thuần là ranh giới giữa giàu và nghèo chăng?

Bộ phim đã khéo léo đưa những đường thẳng được sắp đặt tự nhiên mỗi khi nhân vật thuộc gia đình nhà giàu và nhà nghèo xuất hiện cùng lúc. Đường biên đó đã đẩy họ về hai phía đối lập. Lấy bối cảnh Hàn Quốc, Parasite đã nêu lên thực trạng tồn tại trong đất nước này. Hàn Quốc như hiện diện ở hai thái cực song song giữa tầng lớp giàu có và nghèo khổ. Từ đó, những khái niệm thìa vàng, thìa đất ra đời để chỉ những người con sinh ra ở hai tầng lớp trên. Không đơn thuần là ranh giới về vật chất, trong bộ phim, ta còn thấy được sự ngăn cách rõ rệt giữa một bên gia đình nhà giàu tốt bụng, không vì của cải mà kiêu căng với một bên nhà nghèo nhưng không hề có ý chí tự thân vươn lên mà chỉ tìm mọi cách để kí sinh. Dẫu biết rằng mỗi người khi sinh ra đều có một điểm xuất phát khác nhau, ta không thể lựa chọn một bệ phóng cho riêng mình nhưng hoàn toàn có thể chọn lựa thay đổi cách sống của bản thân. Cuộc sống vẫn luôn tồn tại những đường biên, không chỉ là gạch nối giữa giàu nghèo mà còn là thành công thất bại và nỗ lực từng ngày ỷ lại, ăn bám.

Bạn không chết đuối vì bạn ngã xuống nước mà vì bạn cứ ở đó (Sinh ra là một bản thể, đừng chết như một bản sao). Tâm lí của những người sinh ra trong thiệt thòi thường bất mãn về sự đầu thai kém may mắn của bản thân. Đó có thể là thiếu thốn về vật chất, về thể xác, về tinh thần, Đứng ở vạch xuất phát sau, nhiều người dễ chùn bước trên chặng đường đời khi phải nhìn theo bóng lưng của những kẻ đi trước. Ta cứ thế chết ngạt trong cái ao lầy vì chẳng thể thoát khỏi chính ranh giới mà mình đặt ra. Trong khi đó, cuộc sống đặt ra những ranh giới là để vượt qua. Thời gian đã chứng minh khả năng của con người là vô hạn. Ta mãi không thể bước qua chỗ đứng hiện tại của bản thân thì ranh giới, đường biên vẫn luôn nằm đó.

Nghị luận chúng ta có nên bước qua các ranh giới trong cuộc sống

Không ai sinh ra đã hoàn hảo, trong chúng ta mỗi người đều tồn tại một chữ khuyết. Khuyết về vật chất, cậu học trò nghèo An Kim Bằng vẫn xuất sắc giành được huy chương vàng Toán học quốc tế. Khuyết về thể xác, Nick Vujicic, sinh ra đã mất tứ chi điều hiển nhiên với người bình thường, vẫn có thể bơi lội, chơi thể thao, và trở thành một diễn giả nổi tiếng. Họ sinh ra đã khuyết nhưng tự biết làm đầy cho mình, từ chối việc than trách số phận, sống ỷ lại, dựa dẫm.

Trên con đường vượt qua ranh giới của bản thân để vươn đến thành công, ta không chỉ đối mặt với những đường biên, vòng vây của chính mình mà còn từ xã hội. Những định kiến vẫn còn đó, điều quan trọng, ta có dũng cảm vượt qua. Nếu như mặc cảm, tự ti về chính bản thân, nếu như sợ hãi trước hủ tục lạc hậu, HHen Niê bây giờ sẽ không phải là một hoa hậu mà là một bà mẹ nghèo khổ với đàn con nheo nhóc. Chính những quan niệm xưa cũ đã khiến những người dân tộc thiểu số không thể vươn ra thế giới mà mãi quẩn quanh trong buôn làng. Dẫu biết rằng đường biên giữa mình và thế giới ngoài kia còn rất lớn nhưng HHen Niê vẫn không ngừng vươn lên mạnh mẽ, ngày càng lấp đầy mình bằng học vấn để rồi tự tin bước lên ngôi vị hoa hậu danh giá. Tôi làm được. Bạn cũng làm được! câu nói đã khiến bao người được thúc đẩy, có thêm sức mạnh vượt qua đường biên của chính mình.

Xuất phát trong hình dạng người con trai nhưng mang tâm hồn con gái, những người được gọi là gay phải đối diện với bao đường biên, bao nỗi sợ hãi từ bên trong lẫn bên ngoài. Suy cho cùng, dù là ai, cái đích mà ta muốn vươn tới trong cuộc sống đều là thành công. Nhưng xã hội vẫn còn đó những quan niệm khinh miệt, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT, đẩy họ ra ngoài vòng xã hội, trói họ vào đường biên nhỏ hẹp. Nhiều người không biết rằng, trong số họ, có rất nhiều người vẫn vươn lên từng ngày và đạt được những chỗ đứng vững chắc trong xã hội mà không giới hạn nào có thể trói buộc được. Ai bảo LGBT không có quyền giàu, hãy đặt ra trước mặt họ tám tỷ USD mà David Geffen đang sở hữu. Ai bảo LGBT không có quyền thành công, hãy lấy ghế CEO Apple của Tim Cook ra mời họ ngồi.

Mặt khác, cuộc sống luôn có những đường biên mà ta không thể vượt qua. Ta không thể vì ghen ăn tức ở, ích kỉ mà đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu, vươn lên, vượt qua giới hạn bằng mọi giá. Quá trình từ khuyết thành đầy không chỉ đi qua những ranh giới về tri thức và trí tuệ mà còn phải biết dừng lại ở ranh giới đạo đức, lẽ phải. Chúng ta vượt qua đường biên của bản thân bằng chính mình chứ không phải bằng cách giẫm lên vai của kẻ khác. Xin đừng biến mình trở thành người được in ảnh trên các mặt báo, không phải là người thành công mà với danh xưng một tên tội phạm giết người, cướp của để nuôi thành công!

Ranh giới giữa con người bạn ở hiện tại và con người bạn muốn trở thành là lựa chọn về cách sống. Dẫu bạn là sư tử hay linh dương, mỗi ngày thức dậy, bạn đều phải chạy. Vượt qua giới hạn của bản thân, của xã hội, đích thành công ngay trước mắt. Kẻ khôn ngoan là kẻ biết mình khuyết ở đâu để tự hoàn thiện, trau dồi và rèn luyện. Trên chặng đường đó, dù có gặp thất bại, xin hãy nhớ: nếu bạn không thất bại chứng tỏ việc bạn làm quá dễ dàng.

Bộ phim Parasite đã xuất sắc xây dựng một chi tiết đầy ám ảnh thứ mùi kì lạ bốc lên từ những người nhà nghèo. Mùi đó phải chăng chỉ đơn thuần là mùi của sự nghèo khổ? Không, đó còn là mùi của những kẻ không biết cố gắng, sống dựa dẫm, sống kí sinh. Đó là mùi mà những người thành công không bao giờ có!


Nghị luận chúng ta có nên bước qua các ranh giới trong cuộc sống - Mẫu số 3

Việc phá vỡ những giới hạn nhận thức thông thường trong cuộc sống. Giới hạn là những phạm vi, mức độ nhất định, không thể hoặc không được phép vượt qua. Nhận thức thông thường chính là  sự tiếp thu, am hiểu kiến thức thường có, thường thấy, không có gì đặc biệt. Đó chính là ý nghĩa, vai trò của việc vượt lên những nhận thức phổ biến, theo đám đông, theo lối mòn tư duy. Với cá nhân,  việc phá vỡ giới hạn về nhận thức thông thường, phổ biến như bao người khác sẽ giúp chúng ta thoát khỏi lối mòn nhận thức, phát huy hết trí tuệ bản thân, vượt qua thử thách để thành công. Với cộng đồng, phá vỡ giới hạn nhận thức thông thường mang đến những phát minh mới, những thành tựu tiến bộ, thậm chí những bước ngoặt cho nhân loại. Thức tế chứng minh có rất nhiều những phát minh vĩ đại, ở tại thời điểm nó ra đời bị cười nhạo là ngớ ngẩn, ngu ngốc. Nhưng đến những thế kỉ sau, chính sự tiến bộ, sự vượt trội của người phát minh lại được ngợi ca.   Tuy nhiên, phá vỡ giới hạn không có nghĩa là con người sống gấp, sống vội, bỏ qua những giới hạn đạo đức, đốt cháy mình. Tự phá vỡ giới hạn chỉ có ý nghĩa khi cái giới hạn đó chật hẹp, đi ngược với xu thế tiến bộ. Để làm được điều đó đòi hỏi con người phải không ngừng học hỏi, khám phá, phải quyết tâm đẩy xa các giới hạn nhận thức, phải biết chấp nhận sự chỉ trích, cười nhạo,…

icon-date
Xuất bản : 04/06/2022 - Cập nhật : 05/06/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads