Câu hỏi: Nếu yêu thích môn Sinh học, em sẽ chọn lĩnh vực nào của ngành Sinh học? Tại sao?
Trả lời:
- Trong các lĩnh vực của ngành Sinh học, lĩnh vực mà em thấy yêu thích nhất là Động vật học, vì lĩnh vực này giúp em hiểu hơn về các tập tính của động vật như tập tính bẩm sinh, tập tính học được và tập tính hỗn hợp.
- Lĩnh vực em thích nhất trong ngành Sinh học là ngành Công nghệ sinh học, vì hiện nay ngành Công nghệ sinh học tạo ra các loại thuốc để chữa bệnh có hiệu quả cao, tạo ra được nhiều thực phẩm mang lại giá trị dinh dưỡng theo đúng yêu cầu của con người…
Tìm hiều thêm về ngành Công nghệ Sinh học
1. Khái niệm Công nghệ sinh học và ngành công nghệ sinh học
Công nghệ sinh học (tiếng Anh là Biotechnology) là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống với sự kết hợp giữa quy trình nghiên cứu và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các quy mô công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật.
Ngành Công nghệ sinh học là bộ môn công nghệ nghiên cứu về sinh vật sống. Thông qua nghiên cứu và các thiết bị công nghệ để tạo nên những sản phẩm sinh học phù hợp và sản xuất theo quy mô công nghiệp lớn.
Những sản phẩm sinh học này phải mang lại lợi ích cho con người, giúp phát triển kinh tế, xã hội và còn phải thân thiện với môi trường.
Các sản phẩm này chính là những thứ các bạn có thể dễ dàng bắt gặp ngoài đời như thuốc, thức ăn, hóa chất công nghiệp, giống cây, vật nuôi, hay cao siêu hơn là trong ứng dụng di truyền học, xét nghiệm y khoa, giải quyết ô nhiễm môi trường…
2. Những tố chất phù hợp với ngành Công nghệ sinh học
Để có thể học tốt và thành công trong ngành Công nghệ sinh học, người học cần có những tố chất sau:
Có đam mê với khoa học công nghệ: Vì là ngành học thường xuyên tiếp xúc với những công nghệ hiện đại, đòi hỏi bạn phải thực sự có đam mê khám phá thì mới có thể đi đến thành công.
Học tốt các môn tự nhiên như Toán, Hóa, Sinh: Bởi những kiến thức này vững chắc thì mới tạo cho bạn nền tảng để tiếp thu các kiến thức chuyên sâu về ngành Công nghệ sinh học.
Tư duy logic, tính tỉ mỉ, cẩn thận luôn là tố chất quan trọng cho những bạn muốn gắn bó lâu dài với ngành này. Do đặc thù công việc thường xuyên thực hành trong phòng thí nghiệm, tham gia vào quy trình công nghệ sản xuất, chế biến với những chi tiết nhỏ hay trải qua quy trình nghiêm ngặt nên bạn cần phải cẩn thận và chi tiết.
Để thành công trong bất cứ ngành nghề nào thì bạn cũng nên trau dồi kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ của mình vững chắc.
3. Công nghệ sinh học tốt nghiệp ra trường làm gì?
Giảng viên tại các trường Cao đẳng, Đại học
Sau khi tốt nghiệp công nghệ sinh học , với những bạn trẻ có niềm đam mê với môi trường sư phạm có thể trở thành giảng viên Công nghệ sinh học ở các trường Đại học, Cao đẳng, và Trung học Chuyên nghiệp. Là giảng viên bạn sẽ luôn có cơ hội được làm việc với những nhóm nghiên cứu mạnh trong trường, được thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ trong nước và nước ngoài.
Nghiên cứu viên tại các Trung tâm và Viện nghiên cứu
Một số đơn vị nghiên cứu uy tín trong lĩnh vực Công nghệ sinh học có thể kể đến là: Viện Sinh học Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Công nghệ sinh học và Viện Nghiên cứu hệ gen, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Công nghiệp Thực phẩm, Viện Nghiên cứu Ngô…
Nhân viên Phát triển sản phẩm tại phòng R&D của các công ty
Trong những năm gần đây, hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) đã và đang được đầu tư mạnh mẽ cả trong khối các doanh nghiệp Nhà nước và các công ty tư nhân. Việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu mới, phát triển các dòng sản phẩm mới đang được các công ty giao phó cho phòng R&D và trực tiếp triển khai là các nhân viên Phát triển sản phẩm.
Kỹ thuật viên xét nghiệm – Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm
Nơi làm việc sẽ là Labo xét nghiệm tại các Bệnh viện, Trung tâm Y tế dự phòng các tuyến từ Trung ương tới huyện, các Bệnh viện và phòng khám tư nhân…
Các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm chủ yếu làm việc tại các phòng thí nghiệm phân tích, phòng kiểm nghiệm, phòng KCS, phòng QC của các trung tâm kiểm nghiệm, công ty sản xuất dược và thực phẩm chức năng, công ty sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học, các trung tâm xét nghiệm ADN huyết thống tư nhân…
Bộ môn công nghệ sinh học và Khoa dược, cùng với trạm y tế của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng vừa điều chế thành công dung dịch rửa tay nhanh
Giáo viên dạy môn Sinh học
Nhiều bạn sinh viên sau khi ra trường đã lựa chọn về địa phương làm giáo viên dạy môn Sinh học tại các trường phổ thông và Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Đây là lựa chọn hợp lý với các bạn muốn có một môi trường làm việc sư phạm nhưng không yêu cầu nhiều về nghiên cứu khoa học chuyên sâu.
Chuyên viên quản lý Khoa học và Công nghệ
Trở thành chuyên viên quản lý Khoa học và Công nghệ là một lựa chọn đối với các Kỹ sư, Cử nhân Công nghệ sinh học. Do đặc thù của cơ quan quản lý khoa học nên mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ và trực thuộc Bộ sẽ có những tiêu chí riêng về trình độ và bằng cấp đào tạo. Ngoài yêu cầu về chuyên môn thì các chuyên viên quản lý cần được bồi dưỡng thường xuyên về kỹ năng liên quan đến quản lý nhà nước như quản trị dự án, quản trị thông tin…
Kinh doanh hóa chất và thiết bị vật tư Công nghệ sinh học
Trong xu hướng phát triển những năm gần đây, các công ty nhập khẩu và phân phối hóa chất, thiế bị khoa học công nghệ đã tập trung nhiều vào mảng R&D và dịch vụ sau bán hàng. Vì vậy, họ rất cần những nhân viên bán hàng có sự am hiểu sâu sắc về công nghệ của thiết bị cung cấp và những chuyên gia kỹ thuật có khả năng đảm nhận tốt các dịch vụ chăm sóc kỹ thuật sau bán hàng.