Câu 4: Nêu các nguồn gây ô nhiễm khí quyển, cần phải làm gì để phòng ngừa nạn ô nhiễm khí quyển?
Lời giải
* Nguồn gây ô nhiễm:
– Ô nhiễm tự nhiên (do các hiện tượng tự nhiên gây ra):
+ Núi lửa phun trào đưa vào khí quyển nhiều tro bụi.
+ Gió mạnh cuốn theo bụi, đất đá, xác thực vật vụn,… bay vào khí quyển.
+ Các quá trình thối rữa xác động, thực vật trong tự nhiên cũng thải ra các chất khí độc hại vào khí quyển.
– Nguồn ô nhiễm nhân tạo (do các hoạt động kinh tế của con người gây nên):
+ Nguồn ô nhiễm từ công nghiệp: khói các nhà máy thải vào không khí nhiều chất độc hại (C02, N02,…) hoặc quá trình bốc hơi, rò rỉ từ dây chuyền sản xuất.
+ Nguồn ô nhiễm từ nông nghiệp: thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,…
+ Nguồn ô nhiễm từ giao thông vận tải: khí thải từ hoạt động của các động cơ xe, tàu biển,… đặc biệt là khí thải từ hoạt động của các máy bay đã gây tổn hại tầng ô dôn.
+ Nguồn ô nhiễm do sinh hoạt của con người: đun nấu bằng bếp củi, than, dầu hỏa,…; sử dụng các chất tẩy rửa, thuốc diệt côn trùng, thuốc xịt phòng,…
* Biện pháp phòng ngừa nạn ô nhiễm khí quyển:
– Có biện pháp quản lí và kiểm soát chất lượng môi trường không khí bằng pháp luật, bằng tiêu chuẩn chất lượng về môi trường,…
– Khai thác hợp lí đi đôi với việc bảo vệ rừng và trồng thêm rừng mới.
– Áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất, lắp đặt các thiết bị thu lọc bụi
– Thay thế dần các động cơ sử dụng nhiều nhiên liệu xăng, dầu bằng các động cơ sử dụng các nguồn năng lượng mới, ít gây ô nhiễm môi trường như năng lượng điện, năng lượng Mặt Trời,…
– Chống chiến tranh bằng vũ khí hạt nhân, chiến tranh hóa học.
– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường.