Tổng hợp nội dung trả lời Ca dao là gì? mục đích sáng tác, đặc điểm, phân loại ca dao? ngắn gọn, hay nhất, giúp các bạn học tốt môn Ngữ văn.
Ca dao là những lời thơ trữ tình dân gian được sáng tác để diễn tả thế giới nội tâm của con người, và khi diễn xướng thì người ta sẽ kết hợp với âm nhạc để có giai điệu hay hơn. Có thể hiểu, ca dao cũng chính là thơ nhưng chúng có giai điệu, âm hưởng như lời nhạc.
Ca dao được truyền miệng từ đời này qua đời khác nên không ai biết tác giả của ca dao là ai? Bắt nguồn từ đâu? Cho đến nay, ca dao vẫn thường xuất hiện rất nhiều trong giao tiếp hàng ngày, trong các tác phẩm văn học và được mượn để nhắc tới vấn đề nào đó nhằm nói giảm nói tránh mà vẫn thể hiện được phép lịch sự.
Mục đích sáng tác của ca dao là nhằm thể hiện đời sống tinh thần của nhân dân lao động và tích lũy những kinh nghiệm quý báu trong đời sống, sản xuất hàng ngày
* Thể hiện đời sống tinh thần của nhân dân lao động
Từ xa xưa, ca dao đã có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt sản xuất của nhân dân lao động. Nó được coi như một "món ăn tinh thần" giúp con người giải tỏa những căng thẳng và mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc vất vả. Đồng thời, ca dao còn là nơi để những người dân nghèo giãi bày sự uất ức, tủi nhục và bất công trong xã hội xưa. Họ không biết kêu than với ai mỗi khi bị khinh thường nên đành phải gửi gắm qua những câu ca dao. Không chỉ có vậy, ca dao còn thể hiện tinh thần sống lạc quan, cố gắng nỗ lực vượt lên trên số phận, không gục ngã trước hoàn cảnh để làm chủ cuộc đời mình của những người dân lao động xưa.
* Tích lũy những kinh nghiệm quý báu trong đời sống, sản xuất hàng ngày
Ca dao được sáng tác ngẫu nhiên, tùy hứng ngay cả lúc làm việc vất vả thì ông cha ta vẫn sáng tác thành ca dao. Chính vì thế mà nội dung của ca dao tích lũy những kinh nghiệm quý báu trong đời sống, sản xuất hàng ngày. Đó có thể là bài học về tình yêu quê hương đất nước, về tình cảm vợ chồng, tình yêu đôi lứa,…hay những kinh nghiệm sản xuất (trồng lúa, trồng đậu,…), cách đối nhân xử thế, ý chí vươn lên,… cũng được ông cha ta lồng ghép khéo léo vào ca dao để truyền lại cho những thế hệ sau học tập.
* Về nội dung:
- Nội dung của ca dao chủ yếu diễn tả đời sống tinh thần, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình mẫu tử, tình thầy trò,…
- Phản ánh phong tục tập quán, lối sống của nhân dân lao động, lịch sử đất nước.
- Giãi bày sự uất ức, tủi nhục và bất công trong xã hội cũ với những bài ca ai oán đầy cay đắng.
- Ngoài ra vẫn có những bài ca dao hài hước, vui vẻ thể hiện niềm hứng khởi, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi.
- Nhiều bài ca dao trào phúng, phê phán con người và chế độ của xã hội xưa.
* Về nghệ thuật:
- Thể loại thường dùng trong ca dao là thể thơ lục bát hay lục bát biến thể.
- Ca từ ngắn gọn, giản dị, quen thuộc và mộc mạc như lời ăn tiếng nói hàng ngay nên rất dễ nhớ.
- Sử dụng hình ảnh ẩn dụ, so sánh mang đậm sắc thái dân gian giúp người đọc dễ hình dung.
- Do được lan truyền bằng hình thức truyền miệng nên ca dao có nhiều dị bản tùy theo từng vùng miền nhưng vẫn cùng diễn đạt trọn vẹn 1 ý.
- Đồng dao: thể loại này thường gặp trong các bài đồng dao cho trẻ em. Đặc điểm của đồng đao là câu từ ngắn gọn, có vần, có nhịp điệu rất dễ nhớ. Chúng thường xuất hiện trong các trò chơi của trẻ em. Ví dụ:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương ngũ đế
Bắt dế đi tìm
- Ca dao lao động: sáng tác trong quá trình lao động sản xuất của người dân, gắn liền mới nhịp lao động, tích lũy kinh nghiệm quý báu của người dân lao động
Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời êm bể lặng mới yên tấm lòng.
- Ca dao ru con: xuất hiện từ thời xa xưa khi người mẹ phải bồng bế con trên lưng để đi làm nương, làm ruộng, không có thời gian để trông nom con. Người xưa đã gửi gắm qua những lời ru, tiếng hát với mong muố con mình ngủ ngoan để còn làm việc, sau này khôn lớn sẽ làm người có ích, đỡ đần mẹ cha.
Ru con, con ngủ cho say
Để u dệt vải cho thầy nhuộm nâu
Cắt quần cắt áo u khâu
Để thầy con mặc dãi dầu mùa chiêm.
- Ca dao than thân: thể hiện tiếng nói của những người thấp cổ bé họng trong xã hội cũ phải chịu cảnh đau khổ, cùng cực, lầm than mà không biết kêu than với ai.
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
- Ca dao về lễ nghi, phong tục tập quán: gắn với nghi lễ, phong tục tập quán của từng địa phương, vùng miền.
+ Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba
+ Thịt Mỡ dưa hành câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
- Ca dao trữ tình: Thể hiện tình cảm nam nữ, tình yêu đôi lứa. Thể loại ca dao này thường được dùng để bộc lộ tình cảm, tỏ tình với đối phương. Thời xưa, chuyện tình cảm nam nữa rất tế nhị, họ không nói trực tiếp mà sẽ nhờ ca dao để thay lời muốn nói tới người thương của mình.
+ Ai làm cái nón quai thau
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh
+ Chàng về để áo lại đây,
Phòng khi em nhớ, cầm tay đỡ buồn.
- Ca dao trào phúng, hài hước: Đó là những câu ca dao dí dỏm, hài hước, bông đùa thể hiện tinh thần lạc quan vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra cũng có những câu ca dao châm biếm, trào phúng nhằm phê phán thói hư tật xấu của con người.
Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho
Đêm nằm thì ngáy o o
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm
Trên đầu những rác cùng rơm
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.
Ngoài ra còn có ca dao về tình yêu quê hương đất nước, tình thầy trò, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta như:
+ Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
+ Sự đời phải nghĩ mà răn
Phải nuốt lời bạn, phải ăn lời ttầy
Dốt kia thì phải cậy thầy
Vụng kia cậy thợ thì mày làm nên.
Như vậy, thông qua bài viết ca dao là gì và mục đích sáng tác của ca dao Toploigiai hy vọng mang đến cho bạn nhiều thông tin bổ ích về ca dao. Nhờ có ca dao mà kho tàng văn học dân gian Việt Nam thêm phong phú và đa dạng.