logo

Mục đích của Duy Tân hội là gì

Năm 1904, Phan Bội Châu thành lập Hội Duy tân nhằm mục đích: Đánh đuổi giặc Pháp, giành độc lập, thiết lập một chính thể quân chủ lập hiến ở Việt Nam. Cùng Toploigiai tìm hiểu về Hội Duy tân qua bài viết dưới đây nhé!


Quá trình thành lập Hội Duy tân

Tổ chức này gắn liền với cái tên Phan Bội Châu (1867-1940), nhà yêu nước- nhà văn hóa lớn, nhân vật trung tâm của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Ngày 8/4/1904, từ Nam Kỳ trên đường trở về quê nhà (Nghệ An), Phan Bội Châu cùng với những người cùng chí hướng với mình như Cường Để, Đặng Thái Thân và khoảng hơn 20 đồng chí khác họp tại nhà riêng của Nguyễn Hàm (Nguyễn Thành, Nguyễn Tiểu La) tại Nam Thịnh sơn trang (Thăng Bình, Quảng Nam) thành lập một tổ chức có tên là Duy Tân Hội. Ngay tại cuộc họp thành lập, cương lĩnh và mục tiêu hành động của Duy Tân Hội được xác định: “ Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục được Việt Nam, lập ra một chính phủ độc lập…”, đồng thời đề ra ba nhiệm vụ trước mắt:

- Phát triển thực lực về người cũng như về tài chính

- Xúc tiến việc chuẩn bị bạo động và các công việc sau khi phát đi lệnh bạo động

- Chuẩn bị xuất dương cầu viện, xác định phương châm và thủ đoạn xuất dương

Nhiệm vụ thứ ba được coi là quan trọng nhất giao cho Nguyễn Thành và Phan Bội Châu trù liệu. Với danh xưng hợp pháp là “duy tân” (đổi mới) nhưng nội dung hoạt động và nhiệm vụ của Duy Tân Hội đã được xác định là “ chuẩn bị bạo động” và chuẩn bị “ xuất dương cầu viện”, phản ánh tư tưởng cách mạng bạo lực, biện pháp bạo lực, con đường tất yếu và tất thắng nhằm thực hiện mục tiêu đấu tranh của mình. “Giữ bí mật tuyệt đối” với kẻ thù xâm lược và tay sai của chúng trong hoàn cảnh lịch sử xã hội đương thời là một thách thức, đầy gay go đối với Duy tân Hội trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của mình. Về nhân sự của Hội cũng được phân định rõ ràng: tất cả các cử tọa đều nhất trí tôn Cường Để làm minh chủ; Phan Bội Châu là người lãnh đạo và chịu trách nhiệm chung; Tiểu La Nguyễn Thành (người Quảng Nam), Đặng Thái Thân (người Nghệ An) làm nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động và tổ chức các hoạt động của Hội theo các nhiệm vụ đã nêu trên.

Mục đích của Duy Tân hội là gì

Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (bên trái) và Phan Bội Châu tại Nhật Bản năm 1907.


Duy Tân hội hoạt động ở nước ngoài

Đầu năm 1905, chương trình kế hoạch hoạt động của Duy Tân Hội được triển khai không chỉ ở trong nước mà còn ở cả nước ngoài. Cụ thể là Chi hội ở Nhật được thành lập với tên Công Hiến Hội, tại Hồng Kông và Xiêm (Thái Lan) thành lập chi nhánh của Duy Tân Hội; đồng thời chuẩn bị kế hoạch đưa Phan Bội Châu vượt biển sang Nhật Bản, cùng đi có Đặng Tử Kính (người Nghệ An), Tăng Bạt Hổ (người Bình Định) là người hướng dẫn Phan Bội Châu đến Nhật Bản. Năm 1906, Hội nghị lần thứ II của Duy Tân Hội họp ở Hồng Kông, đánh dấu sự tiến bộ của hội trên các mặt hoạt động nói chung và quan hệ đối ngoại nói riêng. 

Từ đó lãnh đạo Duy Tân Hội không ngừng quan tâm tuyên truyền nội dung Cương lĩnh của Hội dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là qua thơ văn và những tài liệu quan trọng của Phan Bội Châu như: Lưu cầu huyết lệ tân thư (1903): lấy các nhân vật quan trọng trong bộ máy quan lại triều Nguyễn làm đối tượng phản ánh, tỏ thái độ về khoa cử, thuế má, đề cập đến tầng lớp giàu có trong xã hội, ít nhiều ảnh hưởng qua Tân Thư của Trung Quốc thời đó; Hải ngoại huyết thư (1906): Phần mở đầu đã chỉ ra ba tệ nạn đưa Việt Nam tới mất nước: “ vua của nước không biết có dân; tôi của nước không biết có dân; dân của nước không biết có nước”. Lẽ ra “dân là gốc của nước”, kẻ làm “vua phải lấy dân làm trời”, thì trái lại vua quên mất đi điều căn bản đó. Tác phẩm đã kêu gọi tất cả mọi người trong cả nước đồng lòng yêu nước, căm thù giặc, nêu cao tinh thần “ đồng tâm cứu nước”, “ vai trò quốc dân nỗ lực, đồng tâm cứu nước”. Tất cả các tài liệu trên đều dịch từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ, lưu hành trong thanh niên du học ở Nhật, Hồng Kông và gửi về nước, tán phát trong quần chúng nhân dân.

Mục đích của Duy Tân hội là gì (ảnh 2)
Tiểu La Nguyễn Thành (1863-1911), một trong những yếu nhân sáng lập Duy Tân Hội.

Về chủ trương xuất dương du học của Duy Tân Hội đã gây ảnh hưởng lớn trong nhân dân, không chỉ ở Trung Kỳ mà ở cả Nam Kỳ lục tỉnh, nơi hội tụ nhiều nhân sĩ, trí thức ở địa phương đồng tình ủng hộ như: Nguyễn An Khương và Nguyễn An Cư, thân sinh và thúc phụ của Nguyễn An Ninh (Hóc Môn-Gia Định), Võ Công Tồn (Tân An, Long An), Nguyễn Quang Diêu (Cao Lãnh, Đồng Tháp)…

Năm 1906, Cường Để đến Nhật được bố trí vào học ở trường Trấn Võ. Cho đến năm 1908, số học sinh sang Nhật du học lên tới 200 người, sinh hoạt chung trong một tổ chức có quy củ có tên là Việt Nam Cống hiến hội. Ngoài việc tuyển chọn các thanh niên đưa đi du học, Duy Tân Hội còn tổ chức các hoạt động như: tuyên truyền, vận động các sĩ phu, nhà doanh nghiệp và người dân yêu nước lập ra các hội nông, hội buôn, hội học với mục đích nhằm tập hợp quần chúng và kiếm nguồn kinh phí cho hội; Chuẩn bị vũ khí để tiến tới bạo động, nhưng rất khó khăn, bàn đi tính lại mãi vẫn không có hướng giải quyết nên hội đề ra hướng xuất dương cầu viện; Tổ chức liên kết với các tổ chức kháng chiến khác như liên lạc với phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh, thuyết phục Hoàng Hoa Thám-thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Yên Thế gia nhập Duy Tân Hội. 

Như vậy Duy Tân Hội đã có những hoạt động trên qui mô rộng lớn khắp cả nước, không còn bó hẹp tại hai trung tâm là Quảng Nam và Nghệ An như trước. Với các hoạt động của mình hội ngày càng đi vào quần chúng nhân dân, uy tín của Phan Bội Châu và các đồng chí cùng chí hướng với hoạt động đối ngoại ngày càng có ảnh hưởng trong dư luận xã hội đương thời. Nhận thấy được mức nguy hiểm của Duy Tân Hội, nhất là sau khi phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ nổ ra rầm rộ ở Quảng Nam rồi nhanh chóng lan ra các tỉnh khác, thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp và bắt bớ. lần lượt các yếu nhân của hội sa vào tay chúng. 

Để tận diệt phong trào Đông Du, tháng 9/1908 Pháp ký với Nhật một hiệp ước mà theo đó Pháp sẽ cho Nhật vào Việt Nam mua bán, đổi lại Nhật sẽ không cho các nhà cách mạng và lưu học sinh ở Nhật nữa. Chính quyền Nhật đã cử cảnh sát đến trường Đông Á đồng văn thư viện để giải tán học sinh người Việt, đến tháng 3/1909, Phan Bội Châu và Cường Để bị trục xuất. 

Ở nhiều nơi trong nước, mọi hoạt động quyên góp tài chính và chuẩn bị vũ trang bạo động của Duy Tân Hội cũng bị Pháp cho quân đàn áp dữ dội. Đến tháng 6/1912 tại một cuộc họp ở Quảng Đông (Trung Quốc), có đông đủ đại biểu ba kỳ đã quyết định giải tán Duy Tân Hội và thành lập Việt Nam Quang phục hội với tôn chỉ mới là “đánh đuổi quân Pháp, khôi phục Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa Dân quốc kiến lập Việt Nam” cho phù hợp với tình hình chuyến biến trên trường quốc tế.

----------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn tìm hiểu Mục đích của Duy Tân hội là gì?. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 12/06/2021 - Cập nhật : 15/12/2022