logo

Lực lượng đông đảo nhất trong phong trào chống Pháp ở xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 là

Nông dân là lực lượng tham gia đông đảo nhất trong phong trào dân tộc, dân chủ ở Việt Nam đầu thế kỉ XX.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp thực hiện cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919 - 1929) đã làm cho xã hội Việt Nam có sự biến đổi.

Giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam, bị thực dân và phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề. Tình cảnh bần cùng khốn khổ của giai cấp nông dân Việt Nam đã làm tăng thêm lòng căm thù đế quốc và phong kiến tay sai, tăng thêm ý chí cách mạng của họ trong cuộc đấu tranh giành lại ruộng đất và quyền sống tự do. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, đa số xuất thân từ giai cấp nông dân, có quan hệ trực tiếp và chặt chẽ với giai cấp nông dân, bị đế quốc, phong kiến áp bức bóc lột. 

Cùng Top lời giải tìm hiểu những chính sách bóc lột của đế quốc cũng như chế độ phong kiến ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân Việt Nam cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20:


1.Chính sách bóc lột của đế quốc và phong kiến đối với nông dân Việt Nam


a. Chính sách cướp đoạt ruộng đất

Trong thời kì Pháp thuộc, nông dân Việt Nam chiếm hơn 90% dân số, hoạt động kinh tế của họ chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp. Diện tích đất canh tác khá lớn, khoảng 4.550.000 ha (tính theo con số năm 1925-1929) . Tuy nhiên, thực dân Pháp cấu kết với tư sản mại bản, địa chủ bản xứ, trắng trợn cướp đoạt phần lớn ruộng đất của nông dân, biến họ thành những người “cùng đinh” trong xã hội (tá điền) “ở các thôn xã, ngoài bọn đại địa chủ ra, toàn bộ nông dân là tá điền. . . Phần lớn ruộng đất tốt, đều nằm trong tay bọn tư sản” . Số ruộng xấu, cằn cỗi ít ỏi còn lại chúng để lại cho người dân. “Phần lớn ruộng đất là của công, đáng lẽ phải đem cấp đều cho nhân dân các thôn xã. Nhưng trong thực tế, bọn tư sản chiếm lấy phần hơn, còn người nông dân bần khổ chỉ được nhận ít mảnh nhưng lại là phần ruộng đất xấu nhất. Việc thường xảy ra là những miếng ruộng đất rải rác khắp đó đây, khó làm và khó bảo vệ, nên người nông dân lại phải tậu ruộng của tư sản và của đại địa chủ” .

Thực dân Pháp không chỉ dung dưỡng tư sản mại bản, địa chủ, chúng còn tiếp tay cho giáo hội thỏa sức cướp đoạt ruộng đất, “Chỉ riêng ở Nam kì, hội thánh truyền đạo cũng đã độc chiếm đến 1/5 ruộng đất trong vùng” .

Tình trạng này diễn ra phổ biến ở hầu hết các nước thuộc địa như: Lào, Cao Miên, Ấn Độ, Trung Quốc. . . Điều đó chứng tỏ, chính sách ăn cướp của chúng đã mang tính hệ thống. Đơn cử như Trung Quốc: “Các công ti độc quyền ruộng đất giữ chặt nông dân nghèo dưới gót giày tàn bạo của chúng. Chúng cướp hết ruộng đất rồi sau đó cho thuê ruộng với mức lãi 80%” . Ở Ấn Độ, “70% đất đai canh tác thuộc quyền sở hữu của các đại, trung địa chủ, số này chỉ bằng một phần ba số nông dân, trong khi đó 90 triệu nông dân tuyệt đối không có một chút ruộng đất gì” .

Với thủ đoạn thâm độc, thực dân Pháp đã ban hành một loạt văn bản pháp lí để hợp thức hóa việc cướp đoạt và sử dụng ruộng đất. Điều 13 của Hiệp ước Pa-tơ-nốt cho phép công dân Pháp và những người được bảo hộ tự do mua tậu tài sản trên toàn cõi Bắc kì và các hải cảng ở Trung kì. Tháng 7 năm 1888, Toàn quyền Richaud buộc vua Đồng Khánh ban hành một đạo dụ cho phép khai khẩn đất hoang ở thượng du Bắc kì. Cùng lúc ấy, Richaud ra một nghị định dành riêng quyền được cấp nhượng đất hoang cho người Pháp. Tháng 9/1888, thực dân Pháp ra nghị định và chính thức xác lập quyền sử dụng đất công ở Bắc kì.v.v...

Công cuộc ăn cướp theo kiểu “hợp pháp” và “văn minh” của đế quốc thực dân, tự nó đã cho cả nhân loại thấy rõ bộ mặt “diều hâu”, “cá mập”, “rắn độc” của chúng. “Nền “văn minh” Pháp tại Đông Dương thể hiện ở những chiều hướng khác nhau. Trước hết, thông qua sự cướp bóc trơ tráo nhân dân bản xứ – những người nông dân nghèo An Nam và Cao Miên bị chiếm đoạt trắng trợn – nhằm thực hiện một nền kinh tế đồi bại đáng hổ thẹn” . “Cướp của giết người đối với bọn thực dân cá mập là những điều hợp pháp!”

Nói như Sê-nô trong cuốn Sai lầm và nguy hiểm ở Đông Dương thì “Công cuộc thực dân như vậy, thực chẳng đem thêm được chút gì vào sự giàu có cho xứ này. Nó chỉ làm tăng thêm sự nghèo khổ của những người An Nam mà thôi” 

Lực lượng đông đảo nhất trong phong trào chống Pháp ở xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 là

b. Chính sách bóc lột của đế quốc và phong kiến

Người nông dân thời thuộc địa không chỉ bị tước đoạt tư liệu sản xuất, họ còn bị chế độ “đáng nguyền rủa” bóc lột thậm tệ bằng tô thuế và sức lao động. . . “Ngoài việc bóc lột nông dân về kinh tế, bọn đế quốc Pháp còn bắt dân cày chịu biết bao thứ thuế nặng nề: thuế thân, thuế chợ, thuế ruộng đất, thuế xây dựng trường. . . Hằng năm mỗi người phải đi xâu 6 ngày không công cho chính phủ hoặc phải nạp một số tiền tương đương. Đặc biệt hai năm nay thuế má lại tăng lên rất nhiều. Bọn đế quốc Pháp để cho bọn quan lại và tư sản bóp nặn áp bức nông dân, chúng tìm hết cách để giữ vững chế độ thuộc địa của chúng” .

Tô, thuế là một trong những nỗi khiếp sợ của người nông dân thời này, mức độ ngày càng tăng cao, hình thức ngày càng đa dạng. . . “Ngoài thuế má nặng nề, tăng lên 550% trong khoảng mười năm, người dân bản xứ còn bị khổ sở với trăm nghìn thứ hạch sách” . Thậm chí, có những năm bị mất mùa, nạn đói bùng phát, nhưng chính quyền đô hộ lại tăng thuế lên 30%. Đôi khi, ruộng đất được phát canh qua nhiều tầng nấc rồi mới đến được với người nông dân nghèo, vì vậy, mức tô thuế bị độn lên rất cao “Có nhiều nơi, địa chủ cho bọn “quá điền” lĩnh canh, bọn này chia nhỏ ruộng đất đem phát canh lại cho nông dân. Bằng thủ đoạn ấy chúng càng nâng cao tô ruộng đất lên hơn nữa, nên người nông dân nghèo bị trói chặt với chúa đất gần như nông nô trước kia” .

Thực dân Pháp còn bắt dân ta nộp “thuế máu” (bắt người dân Việt Nam, chủ yếu là thanh niên ra khắp các chiến trường trên thế giới làm bia đỡ đạn), người chết rồi vẫn phải chịu thuế (người còn sống phải chịu thay), đứa trẻ mới chào đời đã phải đóng thuế. . . (Bản án chế độ thực dân Pháp). Chính sách thuế trở thành “những chiếc cùm đóng chặt người nông dân vào sự phá sản, bần cùng, là những khối tạ đánh vào sụn lưng họ. Nó là một trong những tai họa khủng khiếp nhất đối với dân quê. Gia đình li tán: vì thuế, tù tội: cũng vì thuế, đi đồn điền cao su, đi tân thế giới xa xôi: lại cũng vì thuế. Thuế! thuế! Tiếng kêu thống thiết ấy của hàng triệu nông dân ta không ngớt vang lên trong suốt 80 năm thuộc Pháp” .

Người nông dân còn bị bóc lột sức lao động đến cùng kiệt, “Cố nông làm việc suốt ngày không hạn định giờ giấc, mà vẫn không đủ nuôi thân và gia đình. Những người đi ở mỗi năm chỉ được nhận 10 đồng. Còn anh em phu đồn điền (cao su, cà phê, bông. . . ), thì bị đưa đi những nơi xa xôi, nước độc, ăn ở trong những lán trại bẩn thỉu, được trả công một phần bằng tiền, một phần bằng gạo. Thường thường công xá của những anh em đó bị cúp phạt hết. Khi làm việc họ lại bị đối xử đánh đập như con vật” . Họ còn phải biếu xén, bị ép buộc làm không công cho những tên chủ, “Ăn đã không đủ no vì địa tô quá nặng, những ngày lễ bái hoặc khi địa chủ mở tiệc tùng, người bần nông còn phải đem lễ vật đến kính biếu và làm công không cho chủ” . Các thế lực tôn giáo cũng lợi dụng “sức mạnh” của mình để bóc lột nông dân “Bên cạnh uy lực phần đời ấy, còn có những đấng cứu thế phần hồn nữa. Các đấng này, trong khi thuyết giáo “đức nghèo” cho người An Nam, cũng không quên làm giàu trên mồ hôi và máu của họ” .

Số hoa lợi có được quá ít, không đủ đảm bảo cho cuộc sống, tá điền thường phải đi vay nợ lãi để có ăn mùa này qua mùa khác và hi vọng vào sự khấm khá của vụ sau. Nhưng hiện thực rất bi đát, đế quốc và phong kiến đã dập tắt mọi hi vọng của họ, tá điền mãi không thoát ra được cái vòng luẩn quẩn khốn khổ ấy, “toàn bộ nhân dân đều bị thắt lại trong một cái lưới vay nợ”. “Khi phải vay mượn, họ phải trả lời rất cao “ít nhất là 100%” hoặc phải bán hoa màu non lấy có một nửa tiền hoặc đem cầm cố ruộng nương cho bọn vay ăn lãi” .

Các vùng quê thân thuộc cũng trở thành xa lạ và dữ dằn, những mặt tích cực trước kia ngày càng bị xói mòn, những cái xấu đua nhau xuất hiện. Đó là những phép tắc, thể lệ, hình phạt riêng mà bọn hương lí, hào mục trong làng đẻ ra. Người nông dân bị vùi dập dưới nhiều tầng áp bức. Ở Bắc kì, năm 1921, viên Thống sứ còn tăng thêm quyền lực cai trị cho bọn chức sắc địa phương bằng cách ban hành nghị định thành lập các Hội đồng tộc biểu trông nom việc trong làng xã.

Như vậy, Đế quốc, giáo hội và phong kiến đã hợp tác với nhau để vắt đến cùng kiệt sức lực của nhân dân, đặc biệt là nông dân. Chúng không từ một thủ đoạn nào để cướp lấy lợi nhuận và siêu lợi nhuận. “Người nông dân Việt Nam bị hành hình vừa bằng lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa, vừa bằng cây thánh giá của Hội thánh đĩ bợm” .


2. Đời sống của người nông dân Việt Nam


a. Đời sống vật chất

Đời sống vật chất của người nông dân được phản ánh chủ yếu qua thu nhập, ăn, mặc, ở...

Kĩ thuật canh tác thô sơ, lạc hậu, lại bị bóc lột thậm tệ, số hoa lợi có được của nông dân rất ít, thường bị lỗ vốn. So với một số quốc gia, năng suất lúa của Đông Dương thấp hơn rất nhiều. Sản lượng một hécta ở châu Âu lúc đó là 4.670 kilô thóc, ở Nhật Bản 3.320 kilô, ở Nam Dương 2.150 kilô, còn ở Đông Dương sản lượng chỉ có 1.210 kilô .Theo tính toán, người nông dân cày cấy mỗi mẫu ruộng sẽ lỗ mất 3 đ75, vậy “họ sống thế nào được và lấy gì mà đóng thuế?”. “Có thể trả lời đơn giản như thế này: sống thế nào cũng được, nhưng người nông dân vẫn phải sống và phải đóng góp”.

Thu nhập của người nông dân quá thấp, họ thường xuyên phải ăn đói, ăn độn, ăn hoa màu thay cho cơm, đôi khi là cháo cám, mọt cưa.“Suốt năm, phần lớn những người nông dân phải ăn rau, ăn khoai. Rất ít khi họ ăn cơm, chỉ trong những ngày giỗ tết chẳng hạn, thì họ mới dám động tới hạt cơm quý giá ấy” . P.Gourou (nhà nghiên cứu người Pháp) cũng phải thú nhận: “Sự khốn cùng và sự thèm ăn ấy đã buộc những người nông dân Bắc bộ và cùng với họ là tất cả những người nông dân Trung bộ phải cật lực lùng bắt những thứ sâu bọ mà họ ăn một cách thèm thuồng. Ở Bắc bộ, người ta lùng bắt châu chấu, dế, phù du, một vài thứ sâu nào đó, mọt tre, và người ta không ngần ngại gì mà không ăn nhộng. Mọi người đều thừa nhận rằng thực tế bao giờ họ cũng bị thiếu đói” .

Trong thời kì thực dân Pháp xâm lược và thống trị nước ta (1858-1945), nạn đói liên tiếp xảy ra, điển hình là những năm 1896, 1916, 1919, 1929... Khủng khiếp nhất là nạn đói năm 1945 “hơn hai triệu đồng bào miền Bắc bị chết đói”. Đối với bọn thực dân, tính mạng của người Việt Nam rẻ rúm không đáng một đồng xu. Chính sách thống trị mang tính hủy diệt, vừa giúp đế quốc thực dân vơ vét được nhiều của cải vật chất, vừa làm suy yếu sức đề kháng của dân tộc “chúng đã coi tính mạng người Đông Dương như cỏ rác” .


b. Đời sống tinh thần

Với dã tâm muốn giam hãm nhân dân An Nam trong vòng ngu dốt để dễ cai trị, thực dân Pháp đã xây dựng các nhà tù ở khắp mọi nơi và dùng rượu cồn, thuốc phiện để làm cho giống nòi ta suy nhược “lúc ấy, cứ 1000 làng thì có đến 1500 đại lí bán lẻ rượu và thuốc phiện. Nhưng cũng trong số 1000 làng đó lại chỉ có vẻn vẹn 10 trường học” và “hàng năm người ta cũng đã tọng từ 23 đến 24 triệu lít rượu cho 12 triệu người bản xứ, kể cả đàn bà và trẻ em” . Chúng bưng bít mọi thông tin đến với người dân, cách hữu hiệu nhất là giam hãm họ trong sự ngu dốt và tăm tối, hầu hết nông dân Việt Nam đều không biết chữ: “Nhân dân An Nam chúng tôi là những người nông dân bị nhấn chìm trong bóng đêm hết sức tối tăm. Không một tờ báo nào, không ai hiểu bây giờ trên thế giới đương diễn ra những gì; đêm tối, thực sự là đêm tối” .

Dưới chiêu bài “khai hóa văn minh”, kẻ xâm lược đã du nhập vào Việt Nam một thứ văn hóa nguy hiểm, độc hại. Chúng xui khiến người dân quay đầu với truyền thống và đạo lí tốt đẹp của dân tộc, nhất là khi họ đã gửi gắm cả linh hồn mình cho “đấng tối cao”, chúng dùng món đòn tôn giáo để ru ngủ nhân dân, nhằm cố nhét vào đầu dân ta thứ tâm lí “an phận thủ thường”. Thực tế “người nông dân An Nam bị hành hình vừa bằng lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa, vừa bằng cây thánh giá của giáo hội sa đọa làm ô danh Chúa” . Chúng còn dạy cho một bộ phận người dân phản bội lại dân tộc mình, trở thành tay sai, công cụ cho chúng. Văn hóa đồi trụy được lưu truyền, tệ nạn, các hủ tục được khuyến khích phát triển. . .

Người nông dân không được học “bằng sách vở và bằng diễn văn”. “Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của họ”, sự thiếu thốn về vật chất và tăm tối về trí tuệ đã biến một số người nông dân chất phác thành những “con quỷ” như Chí Phèo (nhân vật trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao). “Dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã đem vào Việt Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa” .


c. Thái độ chính trị, khả năng cách mạng của nông dân Việt Nam

Đau khổ, nhục nhã, tăm tối,. . . bị kẻ thù “đầu độc cả về tinh thần lẫn thể xác, bị bịt mồm và bị giam hãm”, người nông dân Việt Nam vẫn cho thấy sức sống mãnh liệt, sức mạnh phi thường và khả năng cách mạng to lớn khi đoàn kết lại “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.

Nhiều người không thấy, thậm chí không tin vào sức mạnh của người dân, phủ định những mặt tích cực của họ (như Phan Châu Trinh). Họ “tưởng rằng cái bầy người ấy (nhân dân Đông Dương) cứ mãi mãi bị dùng làm đồ tể tế cái ông thần tư bản, rằng bầy người đó không sống nữa, không suy nghĩ nữa và là vô dụng trong việc cải tạo xã hội” .

Chính sách thống trị thâm độc, sự khủng bố cực kì dã man của kẻ thù không thể tiêu diệt được sức sống của dân tộc Việt Nam và sự đi lên của cách mạng, trái lại “nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn”, “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sục sôi, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê ghớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến” .

Nông dân Việt Nam bị nhiều tầng áp bức, bóc lột, cho nên tinh thần đấu tranh của họ rất cao và quyết liệt “Vì bị áp bức mà sinh ra cách mệnh, cho nên ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết .

Nông dân cùng với công nhân được coi là chủ, là gốc của cách mạng – lực lượng nòng cốt, đội quân chủ lực của cách mạng. Tuy nhiên, nông dân chỉ có thể phát huy được sức mạnh (số đông) khi sát cánh bên cạnh công nhân (lãnh đạo) và ngược lại. Đây là mối liên minh chiến lược, là một trong những yếu tố cơ bản đảm bảo sự thành công của cách mạng. “Cách mạng dân tộc thực chất là cách mạng của nông dân do giai cấp công nhân lãnh đạo và chính quyền nhân dân thực chất là chính quyền của công nông. Vì vậy, trải qua các thời kì, Đảng ta nắm vững và giải quyết đúng đắn vấn đề nông dân, củng cố được liên minh công nông. Đảng ta đã đấu tranh chống những xu hướng hữu khuynh và “tả” khuynh đánh giá thấp vai trò của nông dân là quân chủ lực của cách mạng, là bạn đồng minh chủ yếu và tin cậy nhất của giai cấp công nhân, là lực lượng cơ bản cùng với giai cấp công nhân xây dựng chủ nghĩa xã hội” . Mặc dù vậy, thái độ chính trị của các bộ phận trong giai cấp nông dân có sự khác nhau nhất định. Dân cày nghèo (bần cố nông) là thành phần đáng tin cậy nhất của Đảng, cần “phải thu phục cho được đại bộ phận”; trung nông được xếp cùng với trí thức, tiểu tư sản, cần liên lạc, lôi kéo họ về phe cách mạng; Phú nông lại xếp cùng với tầng lớp trung gian: tiểu địa chủ, tư bản An Nam, cần phải lợi dụng, hoặc trung lập họ, “bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (như Đảng Lập hiến) thì phải đánh đổ” – Sách lược vắn tắt.

Khả năng cách mạng của giai cấp nông dân được phát huy nhiều hay ít còn phụ thuộc vào hành động tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ, lãnh đạo. . . của Đảng ta “Cần làm cho nông dân nhận thức rõ lực lượng và vai trò của mình. Họ phải hiểu được rằng hành động cá nhân hoặc mỗi xu hướng khủng bố đều trái với cương lĩnh hành động của mình. Đồng thời, phải giải thích cho nông dân hiểu rằng chỉ có một lực lượng mạnh mẽ và có tổ chức mới có thể đương đầu chống khủng bố trắng được” 

icon-date
Xuất bản : 12/06/2021 - Cập nhật : 18/06/2022