logo

Mở bài hay cho các tác phẩm văn học 9

Để có một mở bài hay cho một bài viết không hề dễ dàng, hay ở đây không chỉ là nội dung thể hiện đủ đúng ý mà mở bài hay còn được thể hiện qua việc sử dụng ngôn từ viết hay, ngôn ngữ của mỗi người là khác nhau vì cách cảm nhận văn học trong mỗi người là khác nhau nên trau dồi về kiến thức văn học cũng quan trọng. Sau đây, Toploigiai sẽ mang đến cho các bạn một số mẫu mở bài hay cho các tác phẩm văn học 9. Mời bạn đọc tham khảo!


1. Cách viết mở bài hay cho các tác phẩm văn học 9

Thông thường có hai cách mở bài:

a. Cách viết mở bài trực tiếp (cách này thường dành cho các bạn học sinh trung bình): Là cách đi thẳng vào vấn đề cần nghị luận. Nghĩa là sau khi đã tìm hiểu đề và tìm được vấn đề trọng tâm của bài nghị luận, ta nêu thẳng vấn đề đó ra bằng một luận điểm rõ ràng. Tuy nhiên khi mở bài trực tiếp, ta cũng phải trình bày cho đủ ý, không nói thiếu nhưng cũng không nên nói hết nội dung, phải đáp ứng đủ các yêu cầu của một phần mở bài đúng mực trong nhà trường. Đặt vấn đề theo cách trực tiếp dễ làm, nhanh gọn, tự nhiên, dễ tiếp nhận, tuy nhiên thường khô khan, cứng nhắc, thiếu hấp dẫn cho bài viết.

Nếu đề bài yêu cầu nghị luận về tác phẩm thì mở bài phải giới thiệu được tên tác giả, phong cách thơ tác giả, tên tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, trích dẫn khổ thơ, hoặc giới thiệu vấn đề nghị luận.

b. Cách viết mở bài gián tiếp

Người viết phải dẫn dắt vào đề bằng cách nêu lên những ý có liên quan đến luận đề để gây sự chú ý cho người đọc sau đó mới bắt sang luận đề. Người viết xuất phát từ một ý kiến, một câu chuyện, một đoạn thơ, đoạn văn, một phát ngôn của nhân vật nổi tiếng nào đó,...dẫn dắt người đọc đến vấn đề sẽ bàn luận trong bài viết.

Mở bài theo cách này tạo được sự uyển chuyển, linh hoạt cho bài viết, hấp dẫn người đọc.

>>> Tham khảo: Kết bài hay cho các tác phẩm văn học 9

Mở bài hay cho các tác phẩm văn học 9

2. Tổng hợp những mở bài hay cho các tác phẩm văn học 9

- Chị em Thúy Kiều

Xanh Bơ-vo đã nói, đại ý: nếu chọn nhà văn tiêu biểu cho từng nước, nước Anh sẽ không ngần ngại chọn Secxpia, nước Pháp – Molie và nước Đức – Gớt. Còn tôi, nếu có quyền được chọn, tôi sẽ không đắn đo nêu tên Nguyễn Du cùng kiệt tác Đoạn trường tân thanh. Đó là một trong những đỉnh cao chói ngời của nền văn học Việt Nam, nền văn học thế giới, làm nên giá trị bất hủ của tác phẩm này có nhiều nguyên nhân song một điều không ai có thể phủ nhận là tài nghệ miêu tả và khắc họa tính cách nhân vật sắc sảo đến mức các nhà viết tiểu thuyết hiện đại cũng khó lòng theo kịp Nguyễn Du. Và giờ đây chúng ta cùng khám phá tài năng đỉnh cao ấy qua trích đoạn “Chị em Thuý Kiều” để thấy được quả thực ông xứng đáng được người đời ca tụng với cái tên “Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du”.

- Cảnh ngày xuân

Thời gian vẫn trôi đi và bốn mùa luôn luân chuyển. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật đích thực…thì vẫn còn mãi mãi với thời gian. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm nghệ thuật như thế, đặc biệt là đoạn thơ viết về Cảnh ngày xuân – một mùa xuân mới mẻ, tinh khôi và giàu sức sống.

- Kiều ở lầu Ngưng Bích

Trong dòng chảy văn học trung đại Việt Nam đã từng xuất hiện nhiều nhà thơ kiệt xuất, từng có nhiều áng thiên cổ hùng kì bút lưu giữ ngàn đời. Nếu như đương thời chỉ có một Hồ Xuân Hương “học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoá” hay một Phạm Thái tài hoa mà ngang tàng, ngang tàng mà chân thực, chân thực mà ngông nghênh, bảo thủ. Và đương nhiên cũng chỉ có một Tố Như “lời văn tả hình như có máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy”, một Tố Như “có con mắt trong thấu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” mới có thể tạo nên một “Đoạn trường tân thanh” bất hủ đến vậy! Đến với đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” của tác phẩm, ta sẽ thấy bút pháp miêu tả tài hoa, tinh tế khiến đời đời kiếp kiếp phải nể phục mà xứng tên ông rằng “đại thi hào dân tộc Nguyễn Du”!

- Đồng chí

Văn chương luôn tiếp cận với hiện thực và xuất phát từ những tình cảm chân thật. Đến với Đồng chí của Chính Hữu, tác giả đã khắc họa hình ảnh “anh bộ đội cụ Hồ” hiện lên đầy giản dị với những phẩm chất đẹp đẽ.

- Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Phạm Tiến Duật là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ những năm kháng chiến chống Mĩ. Bản thân là anh bộ đội Trường Sơn, tác giả cảm thông và hiểu rõ tâm tình người lính, nhất là người chiến sĩ vận tải dọc Trường Sơn chở vũ khí, quân trang từ hậu phương lớn ra tiền tuyến lớn. Cùng với thế hệ thanh niên hăng hái "Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai" Phạm Tiến Duật mang niềm vui hăm hở của tuổi trẻ ra chiến trường. Nhà thơ đã tạo cho mình một giọng điệu thơ rất lính : khỏe khoắn, tự nhiên, tràn đầy sức sống, tinh nghịch tươi vui mà giàu suy tưởng. Bài thơ về tiểu đội xe không kính là tác phẩm tiêu biểu nhất của giọng thơ ấy, của hồn thơ ấy.

- Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

“Truyện Lục Vân Tiên” là một tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của “nhà thơ mù” Nguyễn Đình Chiểu, truyện ra đời vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19 trở thành một tác phẩm nổi tiếng được lưu bố rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Bài thơ “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” là một đoạn trích nằm ở phần đầu của truyện Lục Vân Tiên. Nội dung đoạn trích xoay quanh hai nhân vật chính là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, đặt trong bối cảnh Lục Vân Tiên đánh cướp cứu giúp Kiều Nguyệt Nga tác giả đã khắc họa những phẩm chất tốt đẹp của hai nhân vật đồng thời qua đó thể hiện một khát vọng hành đạo trượng nghĩa, giúp dân giúp đời của tác giả.

- Viếng lăng Bác

Bác Hồ- tiếng gọi sao mà thân thương đến thế! Người là một nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca Việt Nam, thơ về người rất nhiều nhưng mỗi bài thơ lại dẫn ta đến những vùng đất khác nhau. Nếu “Sáng tháng năm” của Tố Hữu là tình cảm tha thiết, sôi nổi của nhà thơ với Bác khi ở chiến khu, hay “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ là niềm xúc động của ông trước tình thương bao la mà Bác dành cho mọi người,… Trong khi đó “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương lại là bài ca chân thành, cảm động của nhà thơ đối với Người, bài thơ như chạm đến tim người đọc, để lại trong ta niềm xúc động đến nghẹn ngào kèm theo chút nỗi buồn man mác: ôm cả non sông chọn kiếp người, Bác đã đi rồi sao Bác ơi!

- Đoàn thuyền đánh cá

Thơ ca phải bắt nguồn từ cuộc sống. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận đã thể hiện được điều đó qua bức tranh thiên nhiên giàu có của đất nước, cũng như không khí lao động sôi nổi của con người vùng biển.

>>> Tham khảo: Mở bài hay cho các tác phẩm văn học 8

Mở bài hay cho các tác phẩm văn học 9

- Mùa xuân nho nhỏ

Mùa xuân luôn là nguồn cảm hứng vô tận của các thi nhân. Nguyễn Bính đã từng đánh thức người nhà quê trong mỗichúng ta bằng “Mùa xuân xanh”, Hàn Mạc Tử thì bâng khuâng xao xuyến nơi đất khách quê người với “Mùa xuân chín”. Còn ‘‘Mùa xuân xuân nho nhỏ’’ của Thanh Hải lại là tâm nguyện sau cùngcủa ông về tình yêu cuộc sống, về khát vọng được cống hiến sức lực của mình cho đất nước khi ông sắp lâm chung.

- Ánh trăng

Nguyễn Duy là thơ tiêu biểu trong lớp nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước và tiếp tục bền bỉ sáng tác. Trong số các tác phẩm của ông, chắc hẳn ai cũng đều biết đến bài thơ “Ánh trăng” được sáng tác năm 1978. Bài thơ đã gửi gắm một thông điệp ý nghĩa dành cho mỗi người, đó là cần phải biết sống thủy chung, tình nghĩa.

- Làng

Kim Lân là nhà văn có vốn sống vô cùng phong phú và sâu sắc về nông thôn Việt Nam. Các sáng tác của ông đều xoay quanh cảnh ngộ và sinh hoạt của người nông dân. Văn bản “Làng” được sáng tác vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với nhân vật chính là ông Hai, một lão nông hiền lành, yêu làng, yêu nước và gắn bó với kháng chiến.

- Sang thu

Cũng như mùa xuân, mùa thu luôn là đề tài gợi nhiều cảm xúc cho các thi nhân. Mỗi người lại có cách nhìn cách miêu tả rất riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân của mình. Có nhà thơ, mùa thu là dáng liễu buồn, là màu áo mờ phai, là tiếng đạp lá vàng cuả con nai ngơ ngác. Hữu Thỉnh cũng góp vào tuyển tập thơ mủa thu của dân tộc 1 cái nhìn mới mẻ. Ông là nhà thơ viết nhiều, viết hay về những con người, cuôc sống ở nông thôn, về mùa thu. Những vẩn thơ thu của ông mang cảm xúc bâng khuâng vương vấn trước đất trời trong trẻo đang chuyển biến nhẹ nhàng. Điều này thể hiện rõ qua bài "Sang thu" được ông sáng tác cuối năm 1977.

- Lặng lẽ Sa Pa

Đến với Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long muốn làm nổi bật hình ảnh những con người lao động thầm lặng nhưng thật đáng tự hào. Giống như nhà văn từng chia sẻ: “Trong cái không khí lặng im của Sa Pa. Sa Pa mà ta nhắc tới người ta chỉ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi lại có những con người ngày đêm lao động hăng say, miệt mài lặng lẽ, âm thầm, cống hiến cho đất nước”.

- Chiếc lược ngà

Đối với mỗi người, tình cảm gia đình vô cùng thiêng liêng. Và tác phẩm Chiếc lược ngà - một truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, là một trong những tác phẩm viết về thứ tình cảm đó. Truyện đã thể hiện tình cảm cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.

- Con cò

Chế Lan Viên là một nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Thơ của Chế Lan Viên giàu tính triết lý. Và bài thơ "Con cò" là một trong những thi phẩm nổi bật cho phong cách sáng tác ấy. Bài thơ đã tái hiện tình mẫu tử thiêng liêng và cảm động qua hình ảnh cánh cò trong những câu ca dao.

- Bến quê

Nguyễn Minh Châu là "người mở đường tinh anh" và tài năng của nền văn học hiện đại, sau chiến tranh, nhà văn là ngòi bút tiên phong trong việc khám phá, tìm hiểu những khía cạnh đa dạng, đa chiều của cuộc sống thời hậu chiến. Bến quê là truyện ngắn xuất sắc, tiêu biểu cho phong cách và quan niệm sáng tác của Nguyễn Minh Châu giai đoạn sau đổi mới. Truyện kể về cuộc sống và bi kịch tinh thần của nhân vật Nhĩ trong những ngày nằm trên giường bệnh, qua đó nhà văn đã gửi gắm những suy nghĩ, những triết lí sâu sắc về cuộc đời và con người, thức tỉnh con người trong việc nhận thức và trân trọng những vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống xung quanh, đó là gia đình, quê hương.

- Những ngôi sao xa xôi

Xuất hiện trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Lê Minh Khuê cũng đã có những đóng góp tiêu biểu, làm nên tầm vóc của nền văn học giai đoạn này. “Những ngôi sao xa xôi” là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn. Vẫn lấy bối cảnh là cuộc sống và chiến đấu anh dũng của các thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn, nhưng Lê Minh Khuê đã có một góc nhìn thật mới mẻ, trẻ trung về tuổi trẻ Việt Nam anh hùng.

Là cây bút chuyên về truyện ngắn, trong chiến tranh, Lê Minh Khuê viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn. “Những ngôi sao xa xôi” là tác phẩm đầu tay của bà, được viết năm 1971 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang diễn ra rất ác liệt. Truyện giúp ta hiểu hơn về cuộc sống của những cô gái thanh niên xung phong trên một cao điểm ở tuyến đường Trường Sơn.

- Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Những người mẹ Việt Nam trong chiến tranh tuy là những người phụ nữ bình thường nhưng chẳng hề tầm thường. Ở họ, không chỉ có sự yêu thương, đức hy sinh cao cả mà còn có lòng dũng cảm, sự bền bỉ và kiên cường của những người lính cụ Hồ. Em đã từng rung động trước tình thương của người mẹ khi đọc những vần thơ của Chế Lan Viên trong "Con cò", từng tự hào biết bao trước bóng hình mẹ Suốt, ngày ngày vững tay lái đưa đò những người chiến sĩ qua sông trong thơ Tố Hữu. Và càng thương hơn, cảm phục hơn nữa những người mẹ Việt Nam anh hùng khi được học bài thơ "Khúc hát Ru những em bé lớn trên lưng mẹ", bài thơ được viết vào năm 1948, những ngày kháng chiến khói lửa với thực dân.

- Hoàng Lê nhất thống chí

Việt Nam - một đất nước nhỏ bé phải bao lần oằn mình dưới gót giày ngoại xâm nhưng chưa bao giờ cúi đầu làm nô lệ. Việt Nam - một đất nước anh hùng đã bao phen đánh đuổi các đế quốc xâm lược ra khỏi bờ cõi, làm chấn động năm châu, rung chuyển địa cầu. Việt Nam - một đất nước đã biến những tổn thương thành những chiến tích vàng son khiến người người cúi đầu nể phục. Trận chiến thần tốc đại phá quân Thanh của vua Quang Trung là một trong những trận chiến xuất sắc đã trở thành một dấu son chói lọi sáng ngời trong lịch sử nước nhà.

- Nguyễn Dữ là một gương mặt tiêu biểu điển hình cho nền văn học trung đại Việt Nam ở thế kỉ thứ XVI. Mặc dù, sự nghiệp sáng tác văn chương của Nguyễn Dữ chỉ vẻn vẹn có tập truyện “Truyền kì mạn lục” nhưng tập truyện lại có một vị trí đặc biệt, được đánh giá là “thiên cổ kì bút” (bút lạ nghìn đời), “là áng văn hay của bậc đại gia”. Đây là tập truyện viết bằng chữ Hán, khai thác các truyện cổ dân gian và các truyền thuyết lịch sử, dã sử Việt Nam. “Chuyện người con gái Nam Xương” là thiên thứ 16, trong tổng số 20 truyện của “Truyền kì mạn lục”. Thông qua bi kịch Vũ Nương, truyện thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ. Tác phẩm là một áng văn độc đáo, đánh dấu sự thành công về nghệ thuật dựng truyện; khắc họa miêu tả nhân vật và sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình, giữa yếu tố hiện thực và kì ảo.

------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn tìm hiểu về những mở bài hay cho các tác phẩm văn học 9 . Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 24/08/2022 - Cập nhật : 24/08/2022