logo

Mở bài hay cho các tác phẩm văn học 11

Nhà văn M.Gorki đã từng nói: “Khó hơn cả là phần mở đầu, cụ thể là câu đầu, cũng như trong âm nhạc, nó chi phối giọng điệu của tác phẩm và người ta thường tìm nó rất lâu”. Thật vậy, nhiều bạn trẻ thường gặp khó khăn trong việc mở đầu bài văn của mình. Một mở đầu hay sẽ giúp các bạn có thêm cảm hứng cho bài viết của mình, giúp bài viết được trôi chảy hơn. Mở bài hay còn tạo ấn tượng cho giám khảo. Và người đọc thấy được sự thích thú khi cảm nhận bài văn ngay từ phần mở đầu thì có thể khẳng định được chất lượng bài văn đạt giá trị cao. Sau đây, Toploigiai sẽ mang đến cho các bạn một số mẫu mở bài hay cho các tác phẩm văn học 11. Mời bạn đọc tham khảo!


1. Cách viết mở bài hay cho các tác phẩm văn học 11

Thông thường có hai cách mở bài:

a. Cách viết mở bài trực tiếp (cách này thường dành cho các bạn học sinh trung bình): Là cách đi thẳng vào vấn đề cần nghị luận. Nghĩa là sau khi đã tìm hiểu đề và tìm được vấn đề trọng tâm của bài nghị luận, ta nêu thẳng vấn đề đó ra bằng một luận điểm rõ ràng. Tuy nhiên khi mở bài trực tiếp, ta cũng phải trình bày cho đủ ý, không nói thiếu nhưng cũng không nên nói hết nội dung, phải đáp ứng đủ các yêu cầu của một phần mở bài đúng mực trong nhà trường. Đặt vấn đề theo cách trực tiếp dễ làm, nhanh gọn, tự nhiên, dễ tiếp nhận, tuy nhiên thường khô khan, cứng nhắc, thiếu hấp dẫn cho bài viết.

Nếu đề bài yêu cầu nghị luận về tác phẩm thì mở bài phải giới thiệu được tên tác giả, phong cách thơ tác giả, tên tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, trích dẫn khổ thơ, hoặc giới thiệu vấn đề nghị luận.

b. Cách viết mở bài gián tiếp

Người viết phải dẫn dắt vào đề bằng cách nêu lên những ý có liên quan đến luận đề để gây sự chú ý cho người đọc sau đó mới bắt sang luận đề. Người viết xuất phát từ một ý kiến, một câu chuyện, một đoạn thơ, đoạn văn, một phát ngôn của nhân vật nổi tiếng nào đó,...dẫn dắt người đọc đến vấn đề sẽ bàn luận trong bài viết.

Mở bài theo cách này tạo được sự uyển chuyển, linh hoạt cho bài viết, hấp dẫn người đọc.

>>> Tham khảo: Kết bài hay cho các tác phẩm văn học 11


2. Tổng hợp những mở bài hay cho các tác phẩm văn học 11

- Vào phủ chúa Trịnh

Lê Hữu Trác là một danh y lỗi lạc, một nhà văn tài hoa, dù đã có một thời gian ông theo nghề võ nhưng cuối cùng ông nhận thấy "ngoài việc luyện câu văn cho hay, mài lưỡi gươm cho sắc, còn phải đem hết tâm lực chữa bệnh cho người". Cũng bởi vậy, từ đó, ông chuyên sâu nghiên cứu y học và để lại cho thế hệ sau nhiều tác phẩm có giá trị, tiêu biểu trong số đó là tác phẩm "Thượng kinh kí sự" - một cuốn sách y học, một tác phẩm văn học đặc sắc. Với Thượng kinh kí sự, tác giả đã ghi lại một cách chân thực, sâu sắc cảm nhận của bản thân trước những gì tai nghe mắt thấy ở phủ Chúa. Và có thể nói, đoạn trích "Vào phủ chúa Trịnh" đã góp phần sâu sắc trong việc thể hiện giá trị của tác phẩm.

- Tự tình 2

Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam, được mệnh danh là “bà chúa thơ nôm”. Bà là một “thiên tài kì nữ” nhưng cuộc đời đầy éo le, bất hạnh. Thơ Hồ Xuân Hương là thơ của phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà vẫn rất trữ tình. Một trong những bài thơ tiêu biểu viết về tâm trạng, nỗi niềm của người phụ nữ trước duyên phận, cuộc đời mình là “Tự tình 2″. Bài thơ có giá trị sâu sắc về nội dung và nghệ thuật.

- Câu cá mùa thu

Trong nền thơ ca dân tộc có nhiều bài thơ tuyệt hay nói về mùa thu. Riêng Nguyễn Khuyến đã có chùm thơ ba bài: Thu vịnh, Thu ẩm và Thu điếu. Bài thơ nào cũng hay, cũng đẹp cho thấy một tình quê dào dạt. Riêng bài "Thu điếu", nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định là "điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam". "Thu điếu" là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc: Cảnh đẹp mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết.

>>> Tham khảo: Mở bài hay cho các tác phẩm văn học 12

Mở bài hay cho các tác phẩm văn học 11

- Khóc Dương Khuê

Nguyễn Khuyến và Dương Khuê sinh thời là hai người bạn cực kỳ thân thiết và thấu hiểu lẫn nhau, cùng làm quan dưới thời Nguyễn trong buổi đất nước có nhiều biến đổi, khiến các nhà trí thức đương thời có phần bất lực và chán nản, càng khiến hai người có chung niềm tâm sự, họ lại càng trở nên thân thiết hơn cả. Sự gắn bó, tri kỷ ấy quả thực là hiếm có của đời người, chính vì lẽ ấy nên khi nghe hung tin Dương Khuê mất vì bệnh nặng, Nguyễn Khuyến đã hết sức bàng hoàng và đau buồn bởi từ nay chẳng còn lấy một người tri âm, tri kỷ cùng ông chia sẻ những nỗi niềm riêng trong cuộc đời. Nguyễn Khuyến đã viết bài thơ Khóc Dương Khuê để tỏ nỗi lòng thương tiếc, xót xa của mình dành cho người bạn quá cố.

- Thương vợ

Tú Xương là một trong những nhà thơ có cảm quan nhạy cảm trước sự đối thay cá nhân tình thế thái. Xã hội thời Tú Xương sống là xã hội đang bị đảo lộn về tất cả ngay cả giá trị thiêng liêng nhất là tình thương cũng bị mai một, tình người với người chỉ còn là thứ tình cảm hời hợt bán mua, đổi chác quá ư dễ dàng. Giữa xã hội nhố nhăng ấy, nhà thơ tự giữ lại cho mình tình cảm cao quý nhất là tình yêu đối với người vợ. Thương vợ là bài thơ hay ghi lại tình yêu chân thành của nhà thơ dành cho người vợ vừa có sự cảm thông, chia sẻ và biết ơn vừa là lời tự thán, tự trách bán thân về trách nhiệm của người chồng.

- Vịnh khoa thi Hương

Tú Xương sinh năm 1870, năm 15 tuổi đã bắt đầu đi thi. Khoa Ất Dậu 1885 không đỗ. Khoa Mậu Tí 1888, khoa Tân Mão 1891 đều hỏng. Khoa Giáp Ngọ 1894, chỉ đỗ tú tài, năm đó 24 tuổi và từ đó đã chính thức thành tên là Tú Xương. “Thi không ăn ớt thế mà cay”. Tú Xương còn vác lều chõng thi tiếp 4 khoa nữa: Khoa Đinh Dậu 1897, khoa Canh Tí 1900, Khoa Quý Mão (1903) và khoa Bính Ngọ 1906. Nguyễn Tuân nói: “Thế rồi Tú Xương mất vào đầu năm sau (1907). Tức là Tú Xương thi chết thôi, thi cho đến chết mới thôi”.

- Bài ca ngất ngưởng

Bài ca ngất ngưởng là một tác phẩm nổi tiếng làm nên tên tuổi cho nhà văn Nguyễn Công Trứ. Tác giả muốn gửi gắm một quan niệm sống của mình. Đó là trong vũ trụ này không có việc gì không phải là phận sự của ta. Dường như ta thấy Nguyễn Công Trứ đang đề cao tâm thế của một nhà nho nhân chính. Nó nói lên sự ý thức tầm quan trọng cá nhân của ông và sự nhiệt huyết trong cuộc đời của ông.

- Bài ca ngắn đi trên bãi cát

Cao Bá Quát (1808 - 1855) là nhà thơ lỗi lạc của nước ta trong thế kỉ 19. Ông để lại trên một nghìn bài thơ chữ Hán và chữ Nôm; bài phú "Tài tử đa cùng phú" và bài thơ chữ Hán "Sa hành đoản ca" được nhiều người ca ngợi. "Sa hành đoản ca" nghĩa là bài ca ngắn đi trên bãi cát nói lên bi kịch của kẻ sĩ trên bước đường công danh. Bãi cát dài và con đường cùng trong "Sa hành đoản ca" được miêu tả đầy ám ảnh. Bãi cát dài được nhắc đi nhắc lại năm lần trong bài thơ. Con đường được nói tới là "đường cùng": "Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều".

- Lẽ gét thương

Cuối thế kỉ XIX chế độ phong kiến nhà Nguyễn đang bước vào giai đoạn của những “cơn hấp hối”, triều chính rối ren. Đó là nguồn cảm hứng để các nhà văn, nhà thơ phản ánh hiện thực, hoàn thành sứ mệnh “người thư kí trung thành của thời đại”. Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ, nhà văn tài ba sống trong giai đoạn ấy, bằng tài năng thi phú ông đã mượn chuyện bên Trung Hoa để tái hiện lại hiện thực xã hội đương thời và bộc lộ quan điểm, tư tưởng của mình qua những vần thơ. Đoạn trích “Lẽ ghét thương” trích trong truyện “Lục Vân Tiên” từ câu 473 đến câu 504 kể về cuộc nói chuyện giữa ông Quán và các nho sĩ trẻ tuổi, đồng thời thể hiện tình cảm chân thành thương ghét của tác giả.

Ông Quán trong đoạn trích là nhân vật tiêu biểu cho các nhà Nho ở ẩn. Ông bộc lộ suy nghĩ, tình cảm của mình trước việc đời mà ông chứng kiến. Đó là chuyện của bốn chàng nho sinh Bùi Kiệm, Trịnh Hâm, Tử Trực cùng bạn là Lục Vân Tiên. Họ uống rượu, thi tài làm thơ trong quán ông trước khi vào trường thi. Trịnh Hâm và Bùi Kiệm ba hoa, khoác lác bị thua còn nghi oan cho Lục Vân Tiên và Tử Trực gian lận. Nhân sự việc đó ông Quán bàn về lẽ ghét thương ở đời.

- Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương trong sáng, cao đẹp về nhân cách, nghị lực và ý chí về lòng yêu nước, thương dân và thái độ kiên trung, bất khuất trước kẻ thù. Thơ văn ông là bài ca đạo đức, nhân nghĩa, là tiếng nói yêu nước cất lên từ cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, là thành tựu nghệ thuật xuất sắc mang đậm sắc thái Nam Bộ và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc chính là một trong số đó. Bài thơ được viết theo yêu cầu của Đỗ Quang – Tuấn phủ Gia Định để tế những nghĩa sĩ đã hi sinh trong trận đồn quân Pháp ở Cần Giuộc đêm 16/12/1861. Nhưng thứ thật sự làm nên tên tuổi của Nguyễn Đình Chiểu cũng như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc có lẽ là cách ông đưa hình tượng người nông dân nghĩa sĩ vào bài thơ để ta có thể cảm nhận được công lao của người nông dân trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước to lớn tới mức nào.

- Chiếu cầu hiền

Có thể nói rằng trong kho tàng văn học nước ta thì không chỉ có những bài thơ ngôn từ hay và mượt mà, hay là những áng văn xuôi đậm chất trữ tình. Mà còn có những thể loại riêng nhưng lại có thể góp phần đa dạng và phong phú cho nền văn học chung của nước ta. “Chiếu cầu hiền” của vua Quang Trung được xem là một tác phẩm đặc sắc nó là một bản chiếu vua ban và có sức mạnh to lớn của một quốc gia dân tộc.

- Xin lập khoa luật

Nguyễn Trường Tộ (1830 - 1871) người làng Bùi Chu, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Là một trí thức yêu nước, lại sớm được tiếp xúc với văn hoá phương Tây nên ông có nhiều tư tưởng tiến bộ trong việc canh tân đất nước. Ông đã dâng lên vua Tự Đức nhiều bản điều trần có giá trị, tập trung trong Tế cấp bát điều, nhưng tiếc là những điều trần của ông không được chấp nhận. Đoạn Xin lập khoa luật đã đưa ra những lí do rất xác đáng về việc cần thiết phải mở khoa luật để dạy cho người Việt Nam. Văn bản đã cho thấy tài năng và tâm huyết của tác giả đối với đất nước.

- Hai đứa trẻ

Thạch Lam là cây bút truyện ngắn tài hoa trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Các sáng tác của ông thường hướng vào cuộc sống cơ cực của những người dân nghèo thị thành và vẻ đẹp nên thơ của cuộc sống thường nhật. "Hai đứa trẻ" tiêu biểu cho phong cách độc đáo của ông bởi chất hiện thực hòa quyện với lãng mạn, tự sự giao duyên với trữ tình để lại trong lòng độc giả những ấn tượng sâu sắc. Qua tác phẩm, Thạch Lam đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía niềm xót thương với những cuộc sống cơ cực, quẩn quanh nơi phố huyện nghèo trước Cách mạng đồng thời biểu lộ sự trân trọng ước vọng đổi đời mơ hồ trong họ.

- Chữ người tử tù

Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Nói đến Nguyễn Tuân là nói đến một nghệ sĩ tài hoa. Mỗi lời văn của Nguyễn Tuân đều là những nét bút trác tuyệt như một nét chạm khắc tinh xảo trên mặt đá quý của ngôn ngữ (Tạ Tỵ). Một trong những nét bút trác tuyệt đó là tác phẩm Chữ người tử tù. Nối bật lên trong tác phẩm là hình tượng nhân vật Huấn Cao và cảnh cho chữ - một cảnh tượng xưa nay chưa từng có.

- Hạnh phúc của một tang gia

Mỗi khi nhắc tới Vũ Trọng Phụng người ta đều nhớ tới ông là "ông vua phóng sự của đất Bắc Kì". Đúng vậy, ông có một công trình đồ sộ về phóng sự và tiểu thuyết, với các tác phẩm bất hủ như: Cạm Bẫy Người (1993), Giông tố (1936)...Nhưng có lẽ bạn đọc nhớ nhất đến tiểu thuyết "Số Đỏ" của ông. Với những sự thật xã hội bấy giờ được tác giả thêu dệt lại qua lăng kính của mình. Đặc biệt đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia đã nêu lên được những nét chủ đạo của câu chuyện và thấy được bút pháp trào phúng đặc sắc của Vũ Trọng Phụng.

- Chí Phèo

Khi “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố và “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan ra đời, chắc ít ai nghĩ rằng, thân phận người nông dân dưới ách đế quốc phong kiến lại có thể có một nỗi khổ nào hơn những nỗi khổ của chị Dậu, anh Pha. Những năm 40 của thế kỉ. Trên văn đàn hiện thực Việt Nam. Nam Cao nổi bật với những trang viết khai phá sâu sắc bi kịch của những khiếp người khổ đau trong bóng đêm của xã hội cũ. Những cuộc đời lầm than đi vào trang sách của Nam Cao đã sống mãi với thời gian. Gắn những nhân vật của mình vào không khí ngột ngạt tối tăm của chế độ thực dân phong kiến, nhà văn đã lột trần bộ mặt tàn bạo của giai cấp thống trị , thương cảm sâu sắc với nỗi đau của con người. Tấm lòng nhà văn hướng về cuộc sống lầm than cơ cực của người nông dân.Phát hiện trong quẩn quanh bế tắc là bi kịch khủng kiếp hủy hoại cả nhân tính lẫn nhân hình. Chí Phèo bước ra từ những trang sách của nhà văn Nam Cao thì người ta mới nhận ra rằng đây là hiện thân đầy đủ những gì gọi là khốn khổ, tủi nhục nhất của người dân cùng ở một nước thuộc địa. Chí Phèo là nhân vật thể hiện rõ nhất cái nhìn mới mẻ của Nam Cao về người nông dân trước Cách mạng.

- Vĩnh biệt cửu trùng đài

Trong làng kịch hiện đại Việt Nam, bên cạnh Lưu Quang Vũ tài năng, vực dậy cả một nền văn học kịch đang trên đà tuột dốc, ta cũng không thể không nhắc đến Nguyễn Huy Tưởng một trong những nhà viết kịch và tiểu thuyết xuất sắc. Các tác phẩm của ông thường đi khai thác các đề tài lịch sử và tác phẩm Vũ Như Tô là tác phẩm nổi bật nhất. Xung đột kịch được đẩy lên đến cao trào và được giải quyết ở hồi thứ 5 “Vĩnh biệt cửu trùng đài” qua đó thể hiện quan niệm sâu sắc của ông về cuộc đời và nghệ thuật.

- Tình yêu và thù hận

Uy-li-am Sếch-xpia là tác gia tiêu biểu của nền văn học châu Âu thời kì Phục hưng. Sống vào giai đoạn quá độ từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản, ông đã nhanh nhạy nắm bắt được hơi thở, mạch đập của thời đại và đưa vào tác phẩm của mình. Và sự nghiệp sáng tác của Sếch-xpia là sự phản ánh và phê phán cả hai chế độ đó. Chế độ tư bản với những quan hệ “trả tiền ngay” rất tàn nhẫn của giai cấp tư sản buổi ban đầu đã được khái quát và điển hình hoá ở hình tượng tên lái buôn Do Thái Sai-lốc trong vở Người lái buôn thành Vơ-ni-dơ và ở số phận vua Lia trong vở Vua Lia. Sự tàn bạo, lạc hậu, hủ lậu đầy thành kiến của chế độ phong kiến già nua đã được phơi bày trong một loạt bi kịch của ông như Mác-bét, Rô-mê-ô và Giu-li-ét, Ô-ten-lô…

- Lưu biệt khi xuất dương

Phan Bội Châu (1867-1940), ôi cái tên đẹp một thời. “Chúng ta có thể nói rằng trong lịch sử giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu là một nhân vật vĩ đại”. Bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” được viết bằng chữ Hán, thể thất ngôn bát cú Đường luật, bài thơ thể hiện vẻ đẹp lãng mạn, hào hùng trong đầu thế kỉ XX : táo bạo, nhiệt huyết lý tưởng giải phóng dân tộc luôn dâng cao. Ông đã cho người đọc thấy được không khí cách mạng sục sôi giai đoạn đầu thế kỉ XX của những con người yêu nước và tiến bộ của nước nhà.

- Hầu trời

Tản Đà xuất hiện trên thi đàn văn học như một làn gió mới cho nền văn học nước nhà, một hồn thơ phóng khoáng và đầy mạnh mẽ, chúng ta thấy khi chốn nước non này còn lặng lẽ vào những năm đầu thế kỉ XX, người ta bỗng thấy một nhà thơ đã làm xao động cả giới văn đàn. Ông được gọi là người “nằm vắt mình qua hai thế kỉ”, “gạch nối giữa hai thế kỉ”, người đặt nền móng đầu tiên cho thơ mới. Ông chính là Tản Đà. Điều ông mang tới là một hồn thơ lãng mạn, bay bổng mà vẫn đầy cảm thương, phong cách tài hoa, độc đáo mà vẫn giữ được cốt cách thơ ca dân tộc. Một trong những bài thơ tiêu biểu nhất cho cái tôi trong thơ ấy là Hầu Trời. Thi phẩm được in trong tập Còn chơi xuất bản vào năm 1921 đã tạo nên ấn tượng đặc biệt và khẳng định tài năng của nhà thơ.

- Vội vàng

Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới với hồn thơ tiêu biểu cho tiếng nói thiết tha, tình yêu cuộc sống, con người và rạo rực khát khao giao cảm với đời. Thơ Xuân Diệu tinh tế, gợi cảm, độc đáo trong chất liệu cũng như trong bút pháp thi ca. "Vội vàng" không chỉ là thi phẩm đặc sắc nhất trong tập thơ Thơ - bài thơ đầu tay Xuân Diệu dành tặng cho thế gian mà còn là bài thơ hay nhất cả cuộc sống sáng tác của ông. Bài thơ vừa như một nguồn cảm xúc trào dâng vừa là tuyên ngôn sống của một nhà thơ khao khát yêu đời. 13 câu đầu là đoạn thơ hay nhất thể hiện tình yêu thiết tha, niềm đắm say mãnh liệt của thi nhân với cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế.

- Tràng giang

Huy Cận (1919 – 2005), quê ở Hương Sơn – Hà Tĩnh. Là một trong những thi sĩ có công đưa phong trào này lên tới đỉnh cao. Ở độ chín nhất, phong cách thơ Huy Cận có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố cổ điển nhất là cổ điển Đường thi với yếu tố thơ Mới, cụ thể hơn là sự hòa hợp giữa nỗi sầu vũ trụ và thế nhân từng chan chứa trong thơ Đường với nỗi cô đơn của cái “tôi” cá nhân, cá thể trong thơ Mới tạo nên nỗi sầu vạn kỉ.

Bài thơ Tràng giang sáng tác năm 1939, in trong tập Lửa thiêng là bài thơ tiêu biểu và nổi tiếng nhất của Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám được xếp vào hàng kiệt tác.

- Đây thôn Vĩ Dạ

Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã có một nhận định rất sâu sắc về phong trào thơ Mới như sau: “Đời chúng ta nằm trong vòng một chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”.

- Chiều tối

Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đồng thời là một nhà thơ lớn, một nhà văn với phong cách nghệ thuật độc đáo, vừa đa dạng vừa thống nhất. Văn chính luận của người thường ngắn gọn, súc tích, lập luận sắc sảo, chặt chẽ, bằng chứng giàu thuyết phục và đa dạng về bút pháp. Thơ nghệ thuật Hồ Chí Minh có sự hòa hợp độc đáo giữa bút pháp cổ điển và hiện đại, gữa chất thép và chất tình, giữa sự trong sáng, giản dị và sự hàm súc sâu sắc. Tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh là tập thơ Nhật kí trong tù (1942-1943), và nếu phải chọn một viên ngọc trong số vô vàn viên ngọc của tập thơ này, người ta thường nghĩ đến thi phẩm Mộ (Chiều tối).

- Từ ấy

Bài thơ “Từ ấy” của  Tố Hữu được viết vào năm 1938, bài thơ là tiếng lòng của một người cách mạng trên con đường đi tìm lẽ sống thì gặp được ánh sáng của Đảng và của Bác. Bài thơ còn thể hiện được niềm vui và niềm hạnh phúc dâng trào với sự chuyển biến rất sâu sắc trong tình cảm cuả chính tác giả. Bài thơ được viết trong khoảng thời gian (1937 – 1946), đây là thời gian đầu của Tố Hữu tham gia cách mạng, trở thành một người chiến sĩ. “Từ ấy” là một bài thơ được viết trong giai đoạn này thì  cũng là bài thơ đã đánh dấu sự trưởng thành trong tâm hồn tác giả.

Mở bài hay cho các tác phẩm văn học 11

- Tôi yêu em

 Puskin là một trong số các đại diện nổi bật và xuất sắc nhất của nền Văn học Nga, cũng như thế giới trong suốt thế kỉ XIX. Puskin thành công trong nhiều thể loại tiêu biểu như trường ca, truyện ngắn, thơ trữ tình với các chủ đề chính mang tính nhân văn cao cả, tinh thần lãng mạn và đề cao khát vọng tự do, giải phóng con người. Với tác phẩm Tôi yêu em, lời tự tâm đầy đớn đau và xót xa dành cho mối tình đơn phương của chàng trai si tình, “là một ví dụ chân thực về thái độ tôn trọng của Puskin đối với phụ nữ”, cũng là một “tuyên bố tinh túy về chủ đề tình yêu đã mất”. Để sau này khi nhắc đến Puskin người ta thường nhớ đến ông với tư cách là một nhà thơ tình vĩ đại với tác phẩm thơ tình đã trở thành bất hủ trong thi ca.

- Người trong bao

Sê-khốp là nhà văn lớn, là cây đại thụ trong nền văn học Nga, ông đã để lại cho nhân loại một kho tàng những tác phẩm có giá trị vô cùng to lớn. Dưới ngòi bút của nhà văn, toàn cảnh xã hội Nga cuối thế kỷ XIX hiện lên một cách rất chân thật, đó là một đất nước ngột ngạt, tù túng, chuyên chế bảo thủ dưới thời kỳ nắm quyền của Nga hoàng. Nhà văn Sê-khốp có lối viết văn rất lôi cuốn, ngôn ngữ sinh động tự nhiên, phản ánh chân thực con người và xã hội Nga lúc bấy giờ. Truyện ngắn Người trong bao được ông viết năm 1898, đã khắc hoạ thành công hình tượng nhân vật Bê-li-cốp, một anh giáo chức tỉnh lẻ với cái đầu chứa đầy thành kiến, qua đó tác giả châm biếm và đả kích những người tri thức Nga với lối sống “trong bao” cổ hủ, lạc hậu, thích phê phán, bất an trước những gì vượt ra ngoài giới hạn cho phép của mình, và tự coi đó là lỗi lầm của người khác.

- Người cầm quyền khôi phục uy quyền

“Những người khốn khổ” của Vích-to-Huy-gô là tác phẩm đạt đến đỉnh cao của dòng văn học hiện thực Pháp cuối thế kỉ XIX. Phản ánh cuộc sống của những con người bất hạnh nghèo khổ, bên cạnh cuộc đời nhân vật chính Giăng Van-giăng thì nữ nhân vật Phăng-tin cũng đã để lại cho người đọc ấn tượng về trái tim yêu thương, tấm lòng bao la của người mẹ nói riêng và số phận của người phụ nữ Pháp lúc bấy giờ nói chung.

- Về lí luận xã hội ở nước ta

Như rất nhiều nhà cách mạng khác ở Việt Nam đầu thế kỉ XX. Mục đích cuốì cùng của Phan Châu Trinh cũng là giành độc lập tự do cho dân tộc. Tuy nhiên, mỗi người lựa chọn một con đường đi khác nhau. Bằng trực cảm, nhạy cảm của một trí thức, bằng tầm nhìn xa trông rộng của một người có tư tưởng dân chủ ông không lựa chọn con đường bạo lực mà kiên trì thực hiện: “Khai dân trí”, “Chấn dân chí”, “Hậu dân sinh” để tạo ra sức mạnh dân tộc. Tư tưởng ấy thể hiện rõ trong bài Đạo đức và luân lí Đông Tây, được viết năm 1925. Đoạn trích Về luân lí xã hội ở nước ta khá tiêu biểu cho tư tường này.

- Ba cống hiến vĩ đại của Các-mác

Phri-đrích Ăng-ghen (1820 – 1895), là nhà triết học Đức, nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của phong trào công nhân, đồng thời là người bạn thân thiết của Các Mác. ông đã đóng góp một phần quan trọng vào học thuyết về chủ nghĩa cộng sản khoa học, mở đường cho nhân loại bước vào kỉ nguyên mới xã hội chủ nghĩa. Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác chính là bài điếu văn do Ăng- ghen viết và đọc trước mộ Mác, ngày 14 – 3 -1895. Có thể coi đây là bản tổng kết về toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp lớn lao của vị lãnh tụ kiệt xuất Các Mác. Điều đáng lưu ý nằm ở chỗ bài điếu văn của Ăng-ghen là sự đánh giá của một vĩ nhân đối với một vĩ nhân.

- Một thời đại trong thi ca

Hoài Thanh bắt đầu viết văn từ những năm 30 của thế kỉ XX, khi mới ngoài hai mươi tuổi. Với những cống hiến hết mình, không mệt mỏi, ông được đánh giá là nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học xuất sắc nhất. Cuốn sách “Một thời đại trong thi ca” là tiểu luận mở đầu cho cuốn Thi nhân Việt Nam – một trong những công trình xuất sắc nhất trong sự nghiệp văn chương của tác giả Hoài Thanh. Nội dung của cuốn sách này đề cập đến rất nhiều vấn đề như nguồn gốc của thơ mới, cuộc tranh luận và so sánh giữa thơ mới- thơ cũ, vài nét về con đường phát triển Thơ mới, đặc điểm về hình thức thể loại và triển vọng trước mắt của Thơ mới; tinh thần cốt lõi của Thơ mới và hình ảnh cái tôi trong mỗi tác phẩm. Ở mỗi vấn đề, tác giả lại có những nhận định với những khía cạnh rất riêng với những ý kiến sắc sảo và tinh tế.

----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn tìm hiểu về những mở bài hay cho các tác phẩm văn học 11. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 24/08/2022 - Cập nhật : 24/08/2022