logo

Kết bài hay cho các tác phẩm văn học 11

Kết bài là một phần khá quan trọng trong bài văn bởi đây là phần sẽ tạo dư âm cho bài viết. Nếu kết bài có sức nặng sẽ tạo nên những cảm xúc rất tốt cho người đọc. Kết bài là phần kết thúc bài viết, vì vậy, nó tổng kết, thâu tóm lại vấn đề đã được đặt ra ở mở bài và phát triển ở thân bài, đồng thời mở ra hướng suy nghĩ mới, tình cảm mới cho người đọc. Phần kết bài có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá vấn đề đặt ra ở mở bài và đã giải quyết ở thân bài. Phần này góp phần tạo tính hoàn chỉnh, trọn vẹn cho bài văn. Dưới đây, Toploigiai sẽ mang đến cho các bạn một số mẫu kết bài hay cho các tác phẩm văn học 11. Mời bạn đọc tham khảo!


1. Hướng dẫn chung về cách viết kết bài

Phần kết bài có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá vấn đề đặt ra ở mở bài và đã giải quyết ở thân bài. Phần này góp phần tạo tính hoàn chỉnh, trọn vẹn cho bài văn. Tùy mục đích nghị luận, người viết có thể sử dụng một trong các cách kết bài sau đây:

- Kết bài bằng cách tóm lược: Là kiểu kết bài mà ở đó người viết tóm tắt quan điểm, tổng hợp những ý chính đã nêu ở thân bài. Cách kết bài này dễ viết hơn và thường được sử dụng nhiều hơn.

- Kết bài bằng cách bình luận mở rộng và nâng cao: Là kiểu kết bài trên cơ sở quan điểm chính của bài viết, bằng liên tưởng, vận dụng, người viết phát triển, mở rộng nâng cao vấn đề.

>>> Tham khảo: Mở bài hay cho các tác phẩm văn học 11


2. Mẹo viết kết bài khi rơi vào tình thế cấp bách

Tình thế cấp bách ở đây là khi sắp hết giờ, hoặc khi tâm lí căng thẳng, chúng ta không thể trau chuốt cho phần kết bài được. Chúng ta có thể lựa chọn cách kết bài chung chung bằng việc tóm lược. Tất nhiên, nếu làm như vậy sẽ không được điểm cao, nhưng “có còn hơn không”, chúng ta sẽ gỡ được điểm bố cục và không gây cụt hứng, mất thiện cảm ở người chấm.

Ranh giới giữa thân bài và kết bài rất mong manh, đôi khi, chúng ta “lỡ” khái quát vấn đề luôn ở thân bài, nên đến kết bài thì rơi vào tình trạng “hết vốn” và không biết viết thế nào nữa. Lời khuyên dành cho các bạn là hãy cứ triển khai những ý như dự định ban đầu nhưng trình bày với lời lẽ và câu văn khác. Dù viết gì cũng phải gắn chặt với nhiệm vụ của kết bài là tổng kết, đánh giá lại vấn đề.

>>> Tham khảo: Kết bài hay cho các tác phẩm văn học 12


3. Tổng hợp kết bài hay cho các tác phẩm văn học 11

+ Vào phủ chúa Trịnh

Qua đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh, Lê Hữu Trác không chỉ vẽ nên cuộc sống xa hoa nơi phủ chúa với cung cách sinh hoạt hết sức rườm rà, cuộc sống đầy yếm khí ở nơi đây. Nhưng đồng thời sau những dòng chữ ấy còn cho thấy những nỗi niềm, cảm xúc của tác giả trước lối sống giàu sang, phú quý và tấm lòng, nhân cách cao cả của một bậc lương y.

+ Tự tình

Người ta nói rằng thơ là tâm trạng, là một bức thông điệp thẩm mĩ. Đọc “Tự tình”, là thấu hiểu được tâm sự ẩn chứa bi kịch của Hồ Xuân Hương. Là một nhân cách luôn khao khát hạnh phúc, là một tâm hồn tràn đầy sức sống, yêu đời lại bắt gặp toàn những dở dang, bất hạnh, điều đó tạo nên trong thơ bà có khi là một tiếng thở dài. Một tiếng thở dài đáng quý của một người có hoài bão nhưng không thể thực hiện được, trách nhiệm là ở phía xã hội phong kiến, một xã hội mà hạnh phúc riêng đã đối lập thật gay gắt với cơ cấu xã hội chung. Trong chiều hướng ấy, “Tự tình" là một bài thơ đòi quyền hạnh phúc, một lời phản kháng độc đáo lại chứa chan tiếng nói bênh vực của người phụ nữ, tạo được sự thấu hiểu, đồng cảm với những cảnh ngộ éo le, trắc trở.

Kết bài hay cho các tác phẩm văn học 11

+ Câu cá mùa thu

Bài thơ Câu cá mùa thu đã thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn của tác giả, một con người bình dị, gắn bó sâu sắc với quê hương và con người, biết rung động trước những cái đẹp của tạo hóa, hướng về những điều thanh sạch từ cuộc sống và luôn có tinh thần trách nhiệm với cuộc sống. Bài thơ câu cá mùa thu là một bài thơ hay và ý nghĩa. Không gian thu thật là ảm đạm và buồn, hiện trong đó là hình ảnh con người với đầy những nỗi lo toan bộn bề từ cuộc sống.

+ Thương vợ

Chỉ bằng những lời thơ giản dị, đời thường kết hợp với những yếu tố dân gian quen thuộc, nhà thơ Tế Xương trong bài thơ Thương vợ đã hoàn thiện bức chân dung thật đẹp, cũng thật đáng trân trọng về một người vợ tần tảo, giỏi giang, cả đời thầm lặng hi sinh về chồng con mà không một lời oán thán.

Bên cạnh những câu thơ tha thiết, thấm đượm tình cảm yêu thương, trân trọng là những vần thơ trào phúng đầy xót xa của nhà thơ với sự “vô tích sự” của bản thân. Sự đan xen giữa yếu tố trữ tình và trào phúng đã mang đến cho người đọc những dòng cảm xúc phong phú, đó không chỉ là sự xúc động trước sự hi sinh của một người vợ mà còn là sự trân trọng dành cho nhân cách, con người của nhà thơ.

+ Khóc Dương Khuê

Khóc Dương Khuê là bài thơ cảm động và sâu sắc của Nguyễn Khuyến viết để tưởng nhớ về người bạn quá cố, qua đó thấy được những tình cảm đáng quý, thiết tha sâu nặng giữa những người tri kỷ, đồng thời ca ngợi tình bạn thiêng liêng, trăm năm có một của nhà thơ. Bằng thể thơ song thất lục bát, giọng thơ êm đềm, chậm rãi, ngôn từ giản dị, tác gỉa tinh tế sử dụng các điển tích điển cố một cách khéo léo đã làm tăng sức hấp dẫn của bài thơ, diễn tả thành công nỗi buồn của thi nhân đầy xót xa, suy tư và trầm lắng.

+ Vịnh khoa thi Hương

Nhiều người có cùng một nhận xét là trong thơ Trần Tế xương, sự kết hợp hài hoà, chặt chẽ giữa tính hiện thực và tính trữ tình được thể hiện khá rõ. Có thể coi bài Vịnh khoa thi Hương này là một ví dụ tiêu biểu. Đằng sau tiếng cười châm biếm mang ý nghĩa xã hội sâu xa là tiếng khóc ngậm ngùi, nuối tiếc cho nền Hán học suy tàn và tất cả những gì từng được coi là tinh hoa của nó đã bị đẩy lùi trước làn sóng văn hoá phương Tây đang tràn vào nước ta theo bước chân của đạo quân viễn chinh xâm lược Pháp.

+ Bài ca ngất ngưởng

“Bài ca ngất ngưởng” với bút pháp nghệ thuật đặc sắc sử dụng các điệp từ, câu cảm thán làm cho ngữ điệu nói bộc lộ rõ, nó làm cho tính chủ thể của lời văn nhất quán và xuất hiện giọng điệu khẳng khái ngang tàn, ngạo nghễ, thách thức. Sử dụng tiếng thô, tiếng lóng trong sinh hoạt hàng ngày tạo ra giọng nói sống động pha tạp vừa thanh vừa tục. Trong một bài thơ tính cả nhan đề có đến năm lần nhà thơ dùng từ “ngất ngưởng” thể hiện cá tính ngông của ông.

Bài thơ đã khắc họa chân dung của cụ Nguyễn Công Trứ một con người tài ba, lỗi lạc vừa làm trọn phận bề tôi, vừa thỏa chí của bản thân mình. Bài thơ đã góp phần làm cho thể thơ hát nói được thể hiện đúng với cấu trúc, chức năng của mình.

+ Bài ca ngắn đi trên bãi cát

Tóm lại bài thơ "Bài ca ngắn đi trên cát" được thể hiện theo cách đa chiều. Khi thì được miêu tả như một khách thể, khi thì lại như một người đối thoại. Thậm chí tác giả còn cho ẩn chủ thể. Mục đích là nhằm có những tâm trạng khác nhau, thái độ khi đứng trước những hoàn cảnh khác nhau. Nó biểu lộ sự chán ghét của một người trí thức đối với con đường danh lợi và niềm khao khát thay đổi cuộc sống.

+ Lẽ ghét thương

Đoạn trích Lẽ ghét thương đã bộc lộ rõ quan điểm yêu nước, thương dân sâu sắc thông qua quan niệm ghét - thương của ông Quán, từ đó thể hiện tấm lòng nhân nghĩa, tư tưởng nhân đạo, mong muốn cho nhân dân một cuộc sống tốt đẹp, con người đối xử với nhau bằng chữ “nghĩa”, bằng tình yêu thương chan hòa, cao thượng. Với lời thơ thẳng thắn, bộc trực, thể thơ lục bát dân tộc giản dị, kết hợp với các yếu tố lịch sử, các nhân vật nổi tiếng, nội dung  và ý nghĩa của bài thơ dễ dàng xâm nhập và để lại trong lòng những ấn tượng sâu sắc về tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân của tác giả Nguyễn Đình Chiểu.

+ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Chính những điều đó đã khắc họa được hình tượng người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc – những con người anh dũng dám hy sinh vì nghĩa lớn với một lòng nồng nàn yêu nước. Tinh thần ấy, con người ấy trở thành hình tượng đẹp, đáng nể phục và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Nếu như trước khi thực dân Pháp xâm lược thơ văn của Đồ Chiểu chủ yếu là thể loại truyện thơ dài với nhân vật tiêu biểu là Lục Vân Tiên để truyền bá đạo lí và tư tưởng làm người thì ở giai đoạn sau năm 1858 thơ văn Đồ Chiểu là lá cờ đầu cho văn thơ chống Pháp đầu thế kỉ XIX, cổ vũ lòng yêu nước. Bài văn tế đã góp phần để Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao sáng thực sự tỏa sáng theo cách của riêng mình trong bầu trời văn nghệ của dân tộc.

+ Chiếu cầu hiền

“Chiếu cầu hiền” với những giá trị nghệ thuật độc đáo đã giúp văn học Việt Nam có thêm nhiều màu sắc. Tác phẩm đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của tác giả, nhà vua và triều đình Tây Sơn trong việc chiêu dụ người tài, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Giúp cho triều đại Tây Sơn có được nhiều thành tựu quan trọng trong tương lai.

+ Hai đứa trẻ

Dòng suối mát lành ấy cứ thấm dần rồi thẩm thấu vào trái tim mỗi người đọc về sự xót thương, về tình yêu nồng nàn đối với những con người nghèo khổ. Thạch Lam rất đỗi tinh tế trong việc miêu tả sự biến đổi của cảnh vật và nhân vật mà cụ thể ở đây là cô bé Liên. Một cô bé mới chín tuổi nhưng đã phải học cách trưởng thành trong cuộc sống khó khăn, vất vả, tù túng, biết cảm thương cho những mảnh đời khốn khổ khiến người đọc xúc động. Với truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, Thạch Lam đã làm được giá trị đích thực của văn chương, giá trị thanh lọc tâm hồn con người, cho nó sức sống ngàn đời bất diệt.

Kết bài hay cho các tác phẩm văn học 11

+ Chữ người tử tù

Vẫn là Nguyễn Tuân,vẫn cái chất tài hoa uyên bác sáng ngời trong từng câu chữ,nhà văn đã thực sự thành công khi xây dựng hình tượng mà bấy lâu ông hằng tìm kiếm.Huấn Cao và viên quản ngục- 2 nhân vật,ở 2 tầng lớp khác nhau,thế nhưng lại chung một ý nguyện yêu cái đẹp,nâng niu và say mê cái đẹp.Như vậy,họ lại là tri kỉ. Tác phẩm đã trở thành đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ,đúng như cái tên mà Nguyễn Tuân từng được ví” cây đại thụ của ngôn ngữ”.

+ Chí Phèo

Chí Phèo – một tấn bi kịch của một người nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội cũ, một con người điển hình. Ở cuối tác phẩm, “đột nhiên thị thoáng thấy hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người qua lại…”, chi tiết ấy muốn nói với chúng ta rằng, một ngày gần đây thôi, Thị Nở lại bụng mang dạ chửa vượt cạn giữa đồng không mông quạnh, giữa con mắt thờ ơ của người dân làng Vũ Đại, lại một Chí Phèo con xuất hiện. Điều này chứng tỏ rằng “Chí Phèo” không phải là bi kịch của một con người mà là bi kịch của người nông dân tồn tại trong lòng nông thôn trước Cách mạng tháng Tám. Mang đậm giá trị tố cáo rất cao, lên án giai cấp phong kiến thống trị tha hoá, những bị kịch như vậy sẽ còn tiếp.

+ Hạnh phúc của một tang gia

Với “ Số đỏ”,mỗi chương truyện là một màn hài kịch,mỗi nhân vật là một chân dung biếm họa. Bước vào “ Hạnh phúc của một tang gia” ta như bươc vào một thế giới của những điều hài hước đến kệch cỡm.Mượn tiếng cười làm vũ khí sắc bén để phê phán,Vũ Trọng Phụng đã thực sự thành công trên con đường trào phúng mang ý vị thật sâu cay.

+ Vội vàng

Rót vào những trang văn những giọt mật thật quyến rũ,Xuân Xiệu đã đưa người đọc vào từng chặng đường của hạnh phúc,vòng tay của thi nhân đang dang ra quấn quýt,níu giữ cuộc đời.Cất lên tiếng lòng giục giã hãy sống nhanh,sống gấp,sống trọn từng phút giây để tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình, “ Vội vàng” đã mang tấm lòng trần gian đến một tình yêu dạt dào nhựa sống,say đắm cảnh trời,say đắm thiên nhiên,sống vội vàng,cuống quýt…

+ Tràng giang

Có hai thứ ấn tượng còn đọng lại sau khi đọc xong bài thơ là không gian vô cùng, vô tận của ngoại cảnh và nỗi buồn, nỗi cô đơn không giới hạn của lòng người. Cả hai như cùng kích ứng để càng rộng, càng lớn thì càng buồn, càng cô đơn khiến bài thơ như chất chứa, tích tụ nỗi sầu của cả ngàn năm lại vậy. Nhưng vượt lên trên hết, bút pháp đặc trưng và nhuần nhuyễn giữa chất cổ điển và hiện đại đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên thật đẹp dẫu có buồn. Song người đọc vẫn nhìn thấy một tình yêu quê hương đất nước thầm kín hiện lên trong Tràng giang.

+ Đây mùa thu tới

Đọc qua nhiều thi phẩm của nhà thơ Xuân Diệu, ít khi chúng ta bắt gặp cái khắc khoải trong hồn thơ của ông nhưng khổ thơ cuối trong "Đây mùa thu tới" đã mang lại cảm xúc mới lạ đó. Bức tranh mùa thu không còn mang nét tươi vui mà thay vào đó là "chiếc áo" trầm ngâm, suy tư. Qua hình ảnh mùa thu, tác giả bộc lộ thái độ tiếc nuối trước sự trôi chảy của thời gian, ý thức trân trọng, tình yêu mãnh liệt của một con người say mê đối với thiên nhiên, với cuộc sống.

-------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn tìm hiểu về kết bài hay cho các tác phẩm văn học 11. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt! 

icon-date
Xuất bản : 24/08/2022 - Cập nhật : 24/08/2022