logo

30+ Mẫu mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà cho học sinh giỏi

Mẫu số 1

Vũ Ngọc Phan từng đưa ra một nhận định về Nguyễn Tuân: “Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức”. Những lời ấy quả thật đã miêu tả một cách đúng đắn phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân luôn được nhắc đến là một người nghệ sĩ chân chính suốt đời đi tìm cái đẹp. Cái đẹp trong văn chương Nguyễn Tuân chỉ có thể được cảm nhận bằng một đôi mắt đa chiều và một góc nhìn đầy sáng tạo. Thời gian trôi qua, bốn mùa luân chuyển không ngừng, vạn vật bị cuốn vào guồng xoay của tạo hóa, sinh ra, tồn tại, để rồi lại trở về với đất mẹ. Quy luật của thời gian khắc nghiệt không bỏ qua một ai. Nhưng dường như nét đẹp mỹ miều và đậm chất văn của Nguyễn Tuân đã thoát khỏi sự băng hoại của thời gian một cách kỳ diệu. Đặc biệt là khi đến với tùy bút “Người lái đò sông Đà” của tác giả, nét đẹp được gắn liền với hình ảnh con sông Đà hiện lên không phải là một tạo vật vô giác của thiên nhiên mà là một sinh thể sống động có sức sống và tính cách hẳn hoi, thậm chí là phức tạp và mâu thuẫn như nét tính cách của một con người lắm tật: vừa hung bạo lại vừa thơ mộng trữ tình.

Mẫu số 2

“Trong cái vội vàng, cẩu thả của những tác phẩm xuất bản gần đây, những tác phẩm đã hạ thấp văn chương xuống mức giá trị của sự đua đòi, người ta lấy làm sung sướng khi thấy một nhà văn kính trọng và yêu mến cái đẹp, coi công việc sáng tạo là công việc quý báu và thiêng liêng” là lời nhận xét chân thành và đúng đắn của Thạch Lam đối với người nghệ sĩ đã giữ vững thiên chức cao cả dành cả cuộc đời để đi tìm cái đẹp và thổi hồn vào văn chương. Nguyễn Tuân là một người nghệ sĩ đa tài, danh xứng với thực với phong cách nghệ thuật độc đáo, tài hoa và uyên bác. Khi đến với thế giới văn chương của Nguyễn Tuân, người đọc như thể được trở thành một du khách bước vào một thế giới mới khi tham quan sự nghiệp văn học của Nguyễn Tuân. Ấy là một thế giới tràn ngập cái đẹp thi vị, trữ tình và độc đáo, giúp người đọc được đắm mình trong dòng chảy của những tinh hoa dưới một góc nhìn hoàn toàn mới của tác giả. Và rồi ở một khoảnh khắc thoáng qua, ta bắt gặp trong quyển tùy bút “Người lái đò sông Đà” hình ảnh một dòng sông sống động như một sinh thể tràn đầy nhựa sống với những nét tính cách đối lập một cách thú vị, khi thì hung bạo, khi lại thơ mộng trữ tình.

mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà

Mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà ngắn gọn

Mẫu số 1

Nguyễn Quang Trung từng nhận định: “Ông lái đò Nguyễn Tuân đã chở con đò chữ không chỉ bằng bàn tay khéo dùng từ, đặt câu mà còn bằng tình yêu tha thiết thiên nhiên và con người lao động xây dựng cuộc đời”. Nhận định ấy quả thật đúng đắn lắm thay! Ông lái đò Nguyễn Tuân đã đưa người đọc bằng qua mọi miền sông nước với cái tài năng nghệ thuật đậm chất tài hoa, uyên bác của mình. Trên suốt chuyến thủy trình, người đọc đã bắt gặp nhiều bến bờ mới lạ, được mở mang tri thức. Đặc biệt khi con đò cập bến tùy bút “Người lái đò sông Đà”, người đọc có cảm tưởng như chính bản thân cũng đang trên hành trình xuôi theo con sông Đà khó hiểu khi thì hung bạo, khi lại thơ mộng trữ tình.

Mẫu số 2

“Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu). Quả thật, tác phẩm nào cũng được góp nhặt từ những chi tiết từ hiện thực cuộc sống, nhưng khi đi vào văn chương, chúng lại khoác lên mình một lớp áo mới lộng lẫy hơn. Với đôi mắt sắc sảo, với góc nhìn độc đáo và sáng tạo, cái đẹp ở cuộc sống khi đi vào văn chương Nguyễn Tuân càng trở nên đẹp đẽ hơn gấp nhiều lần. Nguyễn Tuân là người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, có biết bao cái đẹp ở đời đã đi vào tác phẩm của ông. Và người ta không thể không nhớ đến một nét đẹp táo bạo và thú vị của con sông Đà hùng vĩ, hung bạo nhưng cũng không kém phần thơ mộng trữ tình như chuyện cổ tích trong quyển tùy bút “Người lái đò sông Đà”.


Mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà 

Mẫu số 1

Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ. Đối với ông, văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, và đã là nghệ thuật thì phải có phong cách độc đáo. Đúng vậy! Với phong cách tự do phóng túng và ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân, Nguyễn Tuân đã tìm đến tùy bút như một điều tất yếu. Sức hấp dẫn của tùy bút xét đến cùng tùy thuộc vào cái tôi của người cầm bút có thực sự độc đáo, phong phú và tài hoa hay không. Điều ấy nói rằng không phải ai cũng trở thành bậc thầy như Nguyễn Tuân. Chỉ cần một văn phẩm “Người lái đò sông Đà” đã có thể tôn vinh Nguyễn Tuân là một cây tùy bút độc đáo, tài hoa, uyên bác.

Mẫu số 2

Nói đến Nguyễn Tuân là người ta nghĩ ngay đến một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp. Cái đẹp trong các tác phẩm của ông phải là cái đẹp đạt đến độ hoàn thiện, hoàn mỹ. Sự nghiệp cầm bút của Nguyễn Tuân đạt được rất nhiều thành tựu kể cả trước và sau cách mạng. “Người lái đò sông Đà” trích từ tập tùy bút “Sông Đà” là một trong những sáng tác tiêu biểu của Nguyễn Tuân sau cách mạng tháng Tám.

Mẫu số 3

Nguyễn Tuân sinh năm 1910, mất năm 1987 là một nhà nghệ sĩ lớn của dân tộc Việt Nam. Vốn là một người tri thức giàu lòng yêu nước lại am hiểu sâu rộng nền văn hoá dân tộc, ông viết nên những tác phẩm rất mực uyên bác và giàu giá trị. Nếu như trước cách mạng, văn học của Nguyễn Tuân chạm đến lòng người bởi vẻ đẹp tài hoa của những con người "một thời vang bóng" như Huấn Cao thì sau cách mạng, Nguyễn Tuân khiến người đọc rung cảm bởi sự tinh tế và tài năng trong việc vẽ nên những nét đẹp gân guốc nhưng gần gũi, bình dị với thiên nhiên và đời sống con người. Tuỳ bút "Người lái đò sông Đà" là một thành công tiêu biểu cho phong cách văn học ấy.

Mẫu số 4

Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của những người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp. Nguyễn Tuân là một nhà văn như thế. Ông quan niệm: “Văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, và đã là nghệ thuật thì phải có phong cách độc đáo”.

Mẫu số 5

Nguyễn Tuân được biết đến là một cây bút tài hoa, uyên bác, cả đời say mê tìm kiếm vẻ đẹp của cuộc sống. Ông có sở trường về thể loại tuỳ bút. Một trong những sáng tác tiêu biểu của ông là tùy bút “Người lái đò sông Đà”. Tác phẩm dường như đã khắc họa vẻ đẹp đa dạng vừa hung bạo vừa trữ tình của con sông Đà và ca ngợi người lái đò giản dị mà kì vĩ trên dòng sông.

Mẫu số 6

Nguyễn Tuân là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Mỗi tác phẩm của ông là một bài ca về cái đẹp của con người, của cuộc sống với tư tưởng, tình cảm gắn bó quê hương. Nguyễn Tuân được người đọc đặc biệt chú ý về phong cách nghệ thuật rất riêng và rất độc đáo của ông. "Người lái đò Sông Đà", đó là một bài tùy bút, cũng là một bài thơ bằng văn xuôi thể hiện rõ nhất những nét tiêu biểu về phong cách đó.

Mẫu số 7

Tây Bắc là một mảnh đất có nhiều duyên nợ với nhiều nhà văn, nhà thơ. Mỗi nhà văn, nhà thơ lại tái hiện và khắc họa hình ảnh Tây Bắc ở những góc độ khác nhau. Trong đó, Nguyễn Tuân đã khám phá được vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây, nhận thấy được “chất vàng 10” trong tâm hồn con người nơi đây. Tùy bút “Người lái đò sông Đà” chính là món quà đầy ý nghĩa mà ông dành cho mảnh đất Tây Bắc.

Mẫu số 8

Nguyễn Tuân là bậc thầy về ngôn ngữ trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Những tác phẩm của ông viết bằng cái “ngông” và bằng tình yêu tha thiết. “Người lái đò sông Đà” là bài tùy bút lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế. Hình ảnh con sông Đà được nhìn qua lăng kính tâm hồn nghệ sĩ với nhiều vẻ đẹp khác nhau mang lại ấn tượng độc đáo đối với người đọc. Nguyễn Tuân đã rất thành công khi xây dựng hình tượng sông Đà bằng chất liệu ngôn ngữ và tình cảm phong phú.

Mẫu số 9

Đến với tác phẩm của Nguyễn Tuân mỗi người sẽ tìm cho bản thân mình những xúc cảm riêng, là sự ngưỡng mộ, khám phá chờ mong. Dường như dưới đôi bàn tay tài hoa nghệ sĩ, ông đã khiến người đọc như chìm đắm, như được sống những phút giây thực sự với thiên nhiên khung cảnh nơi đó. Đây chính là cái tài sử dụng ngôn ngữ của ông. Đặc biệt qua đoạn trích “Người lái đò sông Đà” tài năng đó càng được bộc lộ rõ nét hơn.

Mẫu số 10

Nguyễn Tuân người nghệ sĩ suốt một đời đi tìm cái đẹp và trăn trở về cái đẹp. Nếu như trước cách mạng ông thoát li thực tại, tìm cái đẹp ở thời còn vang bóng, thì sau cách mạng cốt cách ấy vẫn duy trì nhưng ông tìm thấy cái đẹp trong cuộc sống này, ở những con người lao động hết sức bình dị. Người lái đò sông Đà được trích từ tập bút kí Sông Đà là những nét vẽ chân thực về vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc, và vẻ đẹp hào hùng của con người trong lao động.

mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà

Liên hệ mở rộng Người lái đò sông Đà mở bài

Mẫu số 1

Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy

Thì xa xôi gấp mấy vẫn lên đường.

Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương.

Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn.”

(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

Hòa chung với không khí sôi nổi của cả nước khi Miền Bắc tiên lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội với xu hướng đi đến những vùng cao để phục hồi kinh tế với tiếng hát đầy sông, đầy cầu thì Nguyễn Tuân đã lựa chọn Tây Bắc làm miền đất hứa để viết lên tuyệt tác của đời mình. Ông không đi theo lối mòn khi viết về những “cái tôi” còn buồn như Huy Cận, Chế Lan Viên – Những “cái tôi” luôn cô đơn trước vũ trụ, cô đơn giữa dòng đời. Nguyễn Tuân đã khéo léo để “cái tôi” cá nhân của mình hòa chung với “cái ta” của cộng đồng và mở ra một trào lưu văn học mới để rồi tất cả được kết tinh trong tập “Tùy bút Sông Đà” mà linh hồn của nó chính là “Tùy bút Người lái đò Sông Đà”.

Mẫu số 2

Đọc Người lái đò sông Đà, ta có ấn tượng rõ rệt về sự tự do của một tài năng, của một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ... Khi gân guốc, khi mềm mại, khi nghiêm nghị như một nhà bác học, khi hồn nhiên một đứa trẻ thơ, những trang viết, những câu văn của Nguyễn Tuân mang hơi thở ấm nóng của cuộc đời phức tạp, phong phú, đa dạng. Sự tự ý thức sâu sắc về tài năng của mình không phải là một biểu hiện tiêu cực, trái lại, nó tạo nên sự giải phóng năng lượng rất cần thiết để nhà văn có thể sáng tạo nên những tác phẩm kì vĩ.”

Mẫu số 3

Có một Đà giang đã từng chảy qua trang thơ của Quang Lâm:

"Sông chảy qua, lòng vang lên lời hát

Dòng Đà giang là lạ gió vùng cao"

(Nhớ sông Đà)

Đó cũng là con sông gợi thương gợi nhớ trong thơ Trần Quang Quý:

"Sông Đà dâng lên những quả đồi đất đỏ trung du

Tôi ôm dòng sông nghe giai điệu bè trầm ngàn xưa kể chuyện

Gác lên sông những lườn cong nhớ

Môi phù sa khép bóng hoàng hôn

mãi khuấy trong tôi nhịp những con thuyền"

(Sông Đà)

Như vậy, sông Đà không phải lần đầu tiên đi vào thơ văn. Nhưng qua cảm nhận của mỗi người nghệ sĩ, sông Đà lại được khám phá với những góc nhìn riêng, vẻ đẹp riêng. Bởi lẽ "Thế giới không phải được tạo lâp một lần mà mỗi một lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện là một lần thế giới lại được tạo lập", nên cũng là dòng sông ấy, qua trang văn tài hoa uyên bác của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên như một công trình mỹ thuật tuyệt vời của tạo hóa với hai vẻ đẹp đầy ấn tượng: Hùng vĩ, dữ dội và đằm thắm, trữ tình. Con sông của tạo hóa vốn đã độc lạ, con sông chảy qua trang văn Nguyễn Tuân còn độc lạ gấp nhiều lần. Với "Người lái đò sông Đà", ngòi bút Nguyễn Tuân như "tung hoành sảng khoái giữa dòng thác cuồn cuộn của ngôn từ, buộc ngôn từ dựng lên ghềnh thác, buộc nhịp điệu dựng lên sóng gió" khiến cho sự hung bạo dữ dằn của sông Đà khúc thượng nguồn hiện lên thật sống động và truyền cảm.


Mở bài Hình tượng sông Đà gián tiếp

Mẫu số 1

Tác giả Nguyễn Tuân đã xây dựng hình ảnh con sông Đà bằng chất liệu ngôn ngữ độc đáo, phong cách có chút “ngông” thể hiện sự quan sát tinh tế của mình với thiên nhiên, và con người. Thông qua sự quan sát của tác giả người đọc thấy hiện lên hình ảnh con sông Đà “lắm bệnh, lắm chứng, chốc dịu dàng…chốc lại bản tính và gắt gỏng thác lũ…”

Mẫu số 2

Bằng phong cách nghệ thuật độc đáo uyên bác và tài hoa, dựa trên một kho cảm xúc và liên tưởng phong phú và hỗn độn, ông đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm những từ ngữ xác đáng nhất, lay động người đọc nhất, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị lớn, trong đó có bài thơ Sông Đà. Một thành quả nghệ thuật được tác giả thực hiện trong chuyến đi về vùng Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc. Ông đã phát hiện ra chất vàng của thiên nhiên và chất vàng thứ mười được thử lửa, con sông Đà được thể hiện trong bài tùy bút Người lái đò Sông Đà đã được công nhận về tính hung bạo, chất trữ tình và chất thơ thuyết minh rất hay.

Mẫu số 3

Dưới ngòi bút miêu tả tài tình của Nguyễn Tuân con sông Đà hiện lên với 2 vẻ đẹp đối lập nhau, con sông Đà có lúc dữ dằn “hung bạo” nhưng chốc lại dịu dàng thơ mộng, hùng vĩ. Phải có con mắt quan sát tỉ mỉ và tâm hồn tinh tế, khéo léo lắm thì tác giả Nguyễn Tuân mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của con sông cũng như quá trình chuyển đổi phức tạp ấy. Ngay từ đầu đoạn trích, con sông Đà hiện lên với vẻ hung bạo, dữ dằn, nhiều thác ghềnh và hiểm trở, vẻ đẹp hùng vĩ của con sông Đà không chỉ có nhiều thác đá mà nó còn là những cảnh đá ở 2 bên bờ sông, đá dựng vách thành và những bức thành đá cao thành chẹt lấy lòng sông hẹp như một cái yết hầu. Với cách so sánh rất độc đáo, mới lạ nhưng cũng rất lạ lùng khi đem cái “yết hầu” của con người ra để ví von với những bức thành đá cao lớn ép chặt lấy lòng sông Đà.


Mở bài phân tích hình tượng người lái đò gián tiếp

Mẫu số 1

Nhà văn Nga Tolstoi từng viết: "Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu". Chính tình yêu cuộc sống, tình yêu thiên nhiên, lòng yêu thương con người là chất xúc tác thôi thúc người nghệ sĩ tìm thấy "chất vàng mười" cho văn chương của họ. Xuyên suốt chặng hành trình cùng với người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã thể hiện tình yêu da diết của mình cho những người lao động, cho thiên nhiên đất nước Việt Nam. Tác phẩm là kết quả của chuyến đi thực tế lên vùng Tây Bắc từ năm 1958 đến năm 1960, tất cả vẻ đẹp của sông Đà đã hiện lên rõ nét trong tùy bút này.

Mẫu số 2

Nguyễn Tuân là nhà văn có hai giai đoạn sáng tác trước và sau cách mạng. Trước 1945 ông nổi tiếng với các tác phẩm như Vang bóng một thời, Một chuyến đi… sau năm 1945 ông nổi tiếng với thể loại tùy bút mà tiêu biểu là các tác phẩm: Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, Tùy bút Sông Đà… Người lái đò sông Đà là tác phẩm trích trong Tùy bút Sông Đà được viết nhân chuyến thực tế Tây Bắc năm 1958. Tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc không chỉ là hình tượng con Sông Đà “hung bạo, trữ tình” mà còn là bởi hình tượng người lái đò hiên ngang trên thác dữ – một tay lái ra hoa.


Mở bài cảnh vượt thác gián tiếp

Mẫu số 1

Tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” là một trong những tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Tuân được in trong tập sông Đà (1960). Viết tùy bút này, Nguyễn Tuân tự coi mình là người đi tìm cái thứ vàng mười của màu sắc núi sông Tây Bắc và nhất là cái thứ vàng mười mang sẵn trong tâm trí tất cả những con người ngày nay đang nhiệt tình gắn bó với công cuộc xây dựng cho Tây Bắc thêm sáng sủa, được vui và vững bền. Chất vàng mười của con người ấy chính là người lái đò sông Đà. Điều đó được khắc hoạ thật ấn tượng mang cảm giác thật mãnh liệt qua cảnh vượt thác “có một không hai”.

Mẫu số 2

Tác phẩm “Người lái đò sông Đà” là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn đến Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958. Nguyễn Tuân đến với nhiều vùng đất khác nhau, sống với bộ đội, công nhân và đồng bào các dân tộc. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem đến cho nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo. Tác phẩm được in trong tập tùy bút sông Đà (1960). Văn bản trong sách giáo khoa gồm có ba phần. Phần một (từ đầu đến gậy đánh phèn) miêu tả sự dữ dội, hung bạo của sông Đà. Phần hai (tiếp đến dòng nước sông Đà) là cuộc sống con người trên sông Đà, hình tượng người lái đò. Phần cuối cùng là vẻ hiền hòa, trữ tình của sông Đà. Và cảnh vượt thác nằm ở phần thứ hai của tác phẩm với ba trùng vi chiến trận nối tiếp nhau làm nổi bật rõ tài năng của ông lái đò.

---/---

Trên đây là các bài văn mẫu Mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

icon-date
Xuất bản : 26/05/2021 - Cập nhật : 24/04/2024