logo

Lý thuyết GDCD 6: Bài 16. Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, thân thể, sức khỏe và nhân phẩm


Bài 16. Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, thân thể, sức khỏe và nhân phẩm


* Nội dung bài học:

a. Đối với con người tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm là quí giá nhất.

-  Mọi việc làm xâm hại đến thân thể, tính mạng của người khác đều là phạm tội và đều xử phạt nghiêm khắc 

b. Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm: là quyền cơ bản của công dân. Quyền đó gắn liền với mỗi con ngưòi và là quyền quan trọng nhất và đáng quí nhất của mỗi công dân. 

Lý thuyết GDCD 6: Bài 16. Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, thân thể, sức khỏe và nhân phẩm - Chi tiết, hay nhất

* Pháp luật nước ta quy định:

a. Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không ai được xâm phạm tới thân thể người khác. Việc bắt giữ người khác phaỉ theo qui định của pháp luật. 

b. Công dân có quyền được pl bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Điều đó có nghĩa là mọi người phải tôn trọng tính mạng, sức khoẻ, danh dự của người khác. 

c. Mọi việc làm xâm hại đến tính mạng sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người khác đều bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc.

* Trách nhiệm của công dân: 

- Chúng ta phải biết tôn trọng tính mạng, thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của người khác.

- Phải biết bảo vệ quyền của mình, phê phán tố cáo những việc làm sai trái với qui định của pháp luật.


HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Trong đêm thanh vắng, tiếng xe máy gầm gú dữ dội, những người đi làm về muộn vội tấp vào lề đường, một tốp chừng hai chục chiếc xe máy lao qua như tên bắn cùng với những tiếng gào thét điên cuồng của những tay lái và các cô gái ngồi sau chỉ khoảng 16, 17 tuổi. Cơn lốc nguy hiểm qua đi, mọi người có vẻ bất bình đến phẫn nộ, nhưng có người lại gật đầu ra vẻ tấm tắc : " Giới trẻ bây giờ can đảm và giỏi quá!"

Em có ý kiến gì về việc đua xe và các lời nhận xét của người đi đường?

Trả lời:

Việc đua xe trái phép là một trong những tệ nạn nguy hiểm. Nó không chỉ gây tai nạn cho chính các tay đua mà còn đối với người đi đường. Vì  thế có thể nói đua xe trái phép là vi phạm quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, thân thể và sức khỏe. Pháp luật nước ta xử lí rất nghiêm khắc đối với các trường hợp đua xe trái phép

2. Tan học, bé Hoa vẫn chưa về, cả nhà hốt hoảng đi tìm. Mãi đến gần tối, nhờ sự giúp đỡ của các chú công an phường, gia đình đã tìm thấy bé Hoa đang đứng khóc và sợ hãi ở góc phố vắng. Hỏi ra mới biết bé bị một người phụ nữ lạ mặt hăm dọa rồi bắt đi. Đến nơi vắng vẻ, người phụ nữa đã lấy hết bông tai, vòng vàng trên người em đeo rồi bỏ đi. Về đến nhà, bà ngoại bé Hoa thở phào mừng rỡ. Bà an ủi mọi người : "Thôi của đi thay người"

Em có đồng ý với cách nghĩ của bà ngoại bé Hoa không ? Vì sao ? Qua câu chuyện này, em rút ra được bài học gì?

Trả lời:

- Không đồng ý với cách nghĩ của bà ngoại bé Hoa. Bởi cách nghĩ ấy thể hiện sự dung túng cho hành vi xâm hại tính mạng, thân thể và sức khỏe của con người và không tích cực đấu tranh với sự xâm hại đó

- Qua tình huống trên, chúng ta rút ra bài học là đối với lứa tuổi học sinh tuyệt đối không được mang đồ trang sức, đặc biệt là đồ trang sức quý hiếm để khỏi thu hút sự chú ý của kẻ xấu. Nâng cao cảnh giác đối với người lạ khả nghi . Tan học là về nhà ngay và khi gặp kẻ xấu, cần bình tĩnh và không khéo tìm cách báo tin cho người lớn biết để được giúp đỡ.

3. Tan học, bé Nam đến nhà bạn Hùng chơi. Ham vui, bé Nam ở mãi đến tối. Vừa thấy con về, ông bố nổi cơn thịnh nộ lao vào bạt tai, túm tóc, dập đầu vào tường rồi chửi mắng : " Mày đã làm bố mẹ phải mất ăn mất ngủ.". Thằng bé mặt tái xanh, người co rúm lại như mớ giẻ rách. Hàng xóm thấy vậy can ngăn : "Đánh con dã man như vậy là phạm pháp đấy!" Nghe thế, ông bố hùng hổ : "Phạm gì ? Con tôi, tôi có quyền đánh. Có đánh như thế nó mới chừa cái tật xấu đi."

Em có nhận xét gì về cách hành xử và cách nghĩ của ông bố?

Trả lời:

Cách cư xử của ông bố trong tình huống trên không chỉ vi phạm chuẩn mực đạo đức mà còn vi phạm quyền được pháp luật bảo hộ tính mạng, thân thể, sức khoẻ và danh dự. Ngoài ra, ông bố còn vi phạm quyền được sống còn, quyền được bảo vệ và quyền phát triển của trẻ em. (Theo Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em và Luật Bảo vệ và chăm sóc của trẻ em Việt Nam)

Cách hành xử của ông bố đáng bị phê phán và lên án mạnh mẽ

4. Thấy bà T nhà bên cạnh đem xô nước bẩn đổ ra ngoài đường cho chảy qua cửa nhà mình để rơi xuống cống, ông H và vợ liền lên tiếng can ngăn và phê bình. Hai bên lời qua tiếng lại, càng lúc càng nặng nề hơn. Một cuộc hỗn chiến đã xảy ra giữa hai gia đình. Hậu quả ông H bị đánh trọng thương, kết quả giám định cho thấy ông bị thương tật vĩnh viễn với tỉ lệ 45% còn mấy người kia thì bị truy tố trước pháp luật và lãnh án một cách nghiêm khắc.

Em có suy nghĩ gì khi đọc tình huống trên?

Trả lời:

Tình huống  trên cho thấy :

- Pháp luật trừng phạt rất nghiêm khắc đối với các hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, sức khoẻ và danh dự của công dân.

- Việc hiểu được những quyền liên quan đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự được pháp luật bảo hộ là rất quan trọng để mỗi người biết kiềm chế tính nóng nẩy của mình. Mỗi người dân cần phải có hiểu biết về pháp luật để sống và làm theo pháp luật.

- Trong đời sống cần gìn giữ tình làng nghĩa xóm, biết tôn trọng người khác và lịch sự, tế nhị khi giao tiếp với nhau.

Tham khảo thêm Lý thuyết GDCD 6: Bài 17. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021