logo

Hoạt đông giao tiếp bằng ngôn ngữ là gì?

Trả lời chi tiết, chính xác câu hỏi “Hoạt đông giao tiếp bằng ngôn ngữ là gì?” và phần kiến thức tham khảo là tài liệu cực hữu dụng bộ môn Ngữ văn 10 cho các bạn học sinh và các thầy cô giáo tham khảo.


Trả lời câu hỏi: Hoạt đông giao tiếp bằng ngôn ngữ là gì?

      Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ là hoạt động trao đổi thông tin của con người trong xã hội, được tiến hành chủ yếu bằng phương tiện ngôn ngữ. Hoạt động giao tiếp nhằm thực hiện ba mục đích cơ bản: nhận thức, tình cảm và hành động.


Kiến thức mở rộng về hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ


1. Thế nào là hoạt động giao tiếp (HĐGT) bằng ngôn ngữ?

*  Khái niệm hoạt động giao tiếp

- Trong xã hội, hoạt động giao tiếp nhằm trao đổi thông tin giữa người với người diễn ra thường xuyên. Hoạt động giao tiếp là hoạt động trao đổi tư tưởng, tình cảm, thông tin giữa con người với con người trong xã hội. Giao tiếp có thể được thực hiện bằng nhiều loại phương tiện, trong đó ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất. Nhờ ngôn ngữ và giao tiếp, con người có thể bộc lộ tình cảm, thể hiện thái độ, tạo lập quan hệ, tổ chức cuộc sống, thống nhất hành động, nâng cao hiểu biết,…

- Hoạt động giao tiếp bao gồm hai quá trình: quá trình sản sinh (quá trình phát – nói, viết) và quá trình nhận (đọc, nghe).

+ Quá trình tạo lập (hay sản sinh) lời nói, văn bản: do người nói hoặc người viết thực hiện nhằm thể hiện nhận thức, tư tưởng, tình cảm, quan hệ.

- Quá trình tiếp nhận (lĩnh hội) lời nói, văn bản: do người nghe hoặc người đọc thực hiện, nhằm lĩnh hội được nội dung của văn bản.

=> Hai quá trình này có quan hệ tương tác mật thiết, vì vậy khi xem xét các quá trình giao tiếp, chúng ta phải đặc biệt chú ý tới các tình huống giao tiếp cụ thể bởi các vai giao tiếp luôn luôn thay đổi.

Hoạt đông giao tiếp bằng ngôn ngữ là gì?

2. Các nhân tố chính trong HĐGT bằng ngôn ngữ

+ Nhân vật giao tiếp: Gồm người nói và người nghe.

+ Nội dung giao tiếp (thông tin trong văn bản nói, viết).

+ Mục đích, hoàn cảnh giao tiếp: Thời gian, không gian, văn hóa, lịch sử, xã hội...

+ Phương tiện và cách thức giao tiếp.


3. Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ mang màu sắc văn chương

- Sáng tạo và lĩnh hội các tác phẩm văn chương cũng là hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ. Với hai quá trình giao tiếp: quá trình thứ nhất là tác giả (nhà thơ, nhà văn) sáng tác tác phẩm, thứ hai là người đọc đón nhận tác phẩm.

- Hoạt động văn chương luôn diễn ra trong một ngữ cảnh nhất định, có hoàn cảnh sáng tác của tác giả và hoàn cảnh tiếp nhận của người đọc, với việc sử dụng ngôn ngữ làm chất liệu thể hiện nội dung và mục đích nhất định, từ đây cũng thực hiện chức năng trao đổi thông tin.

- Xét về mặt chức năng thẩm mĩ, tác phẩm văn chương hướng đến những giá trị chân - thiện - mĩ. Xét về đặc tính của nghệ thuật, nó không thể hiện một cách trực tiếp ý tưởng, nhận thức, tình cảm, cảm xúc mà thể hiện qua các hình tượng thẩm mĩ.

- Trong quá trình giao tiếp văn chương, người đọc và quá trình tiếp nhận đóng vai trò quyết định sự sống của tác phẩm. Vì khi nào có sự tiếp nhận của người đọc khi đó tác phẩm mới thực sự có sự sống.


4. Luyên tập

Bài 1: Phân tích các nhân tố giao tiếp trong câu ca dao:

“Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng:

- Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?”.

a. Nhân vật giao tiếp trong câu ca dao trên là một chàng trai và một cô gái.

b. Thời gian là vào một đêm trăng thanh, thích hợp với những cuộc chuyện trò tình tứ của nam nữ, của những buổi hát đối, hát ghẹo, hát giao duyên trong sinh hoạt dân ca.

c. Nhân vật anh nói về việc "Tre non đủ lá" dùng để "đan sàng". Mục đích là ướm hỏi, tỏ tình (nghĩa hàm ẩn; người đã đủ lớn khôn, nên kết duyên).

d. Cách nói của chàng trai rất tế nhị, phù hợp với đối tượng và mục đích giao tiếp.

Bài 2: Đọc đoạn đối thoại (giữa em nhỏ A Cổ với một ông già) SGK.

a. Các nhân vật đã thực hiện hành động nói cụ thể như chào, nói, thưa…

b. Trong lời nói của ông già, cả ba câu đều là câu hỏi, nhưng mục đích không phải đều để hỏi. Câu 1 (A cổ hả?) là câu hỏi thay chào, đáp lại lời chào của A cổ; câu 2 (Lớn tướng rồi nhỉ?) là lời khen, dùng để biểu thị tình cảm, không mang tính nghi vấn. Chỉ có câu 3 là có mục đích hỏi.

c. Lời nói của các nhân vật bộc lộ thái độ, tình cảm và quan hệ trong giao tiếp:

+ Tình cảm giữa hai người rất thân mật, tin cậy lẫn nhau.

+ Thái độ: Cậu bé rất kính trọng ông già, ông già rất quý mến cậu bé.

+ Hai người tuy tuổi tác cách xa nhưng có quan hệ rất tốt.

Bài 3:  Đọc bài thơ Bánh trôi nước (SGK) và thực hiện các yêu cầu:

a. Mục đích, vấn đề giao tiếp:

+ Nữ sĩ Hồ Xuân Hương miêu tả, giới thiệu bánh trôi nước với mục đích nói về thân phận của mình.

+ Con người có bề ngoài hấp dẫn nhưng số phận lại bất hạnh, không được chủ động quyết định hạnh phúc, tuy nhiên vẫn giữ được tấm lòng, phẩm chất trong mọi hoàn cảnh. Tất cả được diễn tả bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh (trắng, tròn, bảy nổi ba chìm, lòng son).

b. Căn cứ để lĩnh hội, cảm nhận bài thơ:

+ Căn cứ vào từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ.

+ Căn cứ vào cuộc đời của nữ sĩ để hiểu và cảm nhận bài thơ. Xuân Hương có tài, có tình nhưng số phận trớ trêu nên gặp bất hạnh. Hai lần lấy chồng thì cả hai lần "cố đấm ăn xôi lại hẩm". Tuy nhiên dù trong hoàn cảnh nào, bà vẫn giữ gìn phẩm chất của mình.

Bài 4:  Viết đoạn văn thông báo về nội dung làm sạch môi trường.

+ Yêu cầu viết thông báo ngắn nhưng phải có mở đầu, kết thúc.

+ Đối tượng giao tiếp là học sinh toàn trường.

+ Nội dung giao tiếp là làm sạch môi trường.

+ Hoàn cảnh giao tiếp là hoàn cảnh nhà trường và ngày môi trường thế giới.

icon-date
Xuất bản : 18/03/2022 - Cập nhật : 21/03/2022