logo

Hoàn cảnh ra đời các tác phẩm văn học trong CT ôn thi đại học

Tuyển tập Hoàn cảnh ra đời các tác phẩm văn học trong CT ôn thi đại học hay nhất. Giới thiếu đến các bạn hoàn cảnh ra đời một số tác phẩm hay có trong đề thi Trung học phổ thông quốc gia.


Hoàn cảnh ra đời bài ĐÂY MÙA THU TỚI

Hoàn cảnh ra đời các tác phẩm văn học trong CT ôn thi đại học (ngắn gọn, hay nhất)

     "Đây mùa thu tới" là một trong những bài thơ trước cách mạng tiêu biểu nhất rút trong tập “Thơ thơ” xuất bản năm 1938. Trong lời giới thiệu tập thơ đầu tay của mình, Xuân Diệu có nguyện ước tặng nó cho những người trẻ tuổi và nhất là trẻ lòng. Xuân Diệu bao giờ chẳng thế luôn luôn là thi sĩ của hồn trẻ. Đây là một bức tranh thơ thu mang dấu ấn rất đậm nét hồn thơ lãng mạn, bút pháp nghệ thuật tài hoa tinh tế của Xuân Diệu khi viết về mùa thu Việt Nam.

     Cảm hứng thơ của Xuân Diệu được khơi gợi từ những cây liễu bên hồ. Nhà thơ kể lại rằng những cây liễu lá cành mềm mại rủ xuống tựa những thiếu nữ đứng cúi đầu cho làn tóc dài đổ xuống song song đồng thời cũng là những dòng lệ tuôn rơi mang một vẻ buồn mơ màng, buồn mà vẫn đẹp, yểu điệu thướt tha.


Hoàn cảnh ra đời bài VỘI VÀNG

     "Vội vàng" là bài thơ tiêu biểu của Xuân Diệu trước cách mạng rút trong tập “Thơ Thơ” (1938). Đây là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt, khi vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn tha thiết. Nhưng đằng sau những tình cảm ấy, có một quan niệm nhân sinh mới chưa từng thấy trong thơ ca truyền thống.


Hoàn cảnh ra đời bài TRÀNG GIANG

     Năm 1939 vào một chiều thu, Huy Cận đứng ở bờ năm bến Chèm (Hà Nội), lặng ngắm toàn cảnh sông Hồng mênh mông tĩnh vắng, chạnh nhớ tới kiếp người nhỏ bé nổi trôi giữa dòng đời vô tận. Một nỗi buồn ngờm ngợp dấy lên từ đáy hồn thi sĩ, bủa trùm trời đất và lòng người. Nỗi buồn vừa gợi hứng sáng tác, vừa là cốt lõi của cảm xúc thơ. Huy Cận đã từng tâm sự: "Tôi có thú vui thường vào chiều Chủ nhật hàng tuần đi lên vùng Chèm, Vẽ để ngoạn cảnh sông Hồng và Hồ Tây. Phong cảnh sông nước đẹp gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Tuy nhiên bài thơ không chỉ do sông Hồng gợi cảm mà còn mang cảm xúc chung về những dòng sông khác của quê hương". Đến với "Tràng Giang" ta như đến với một bức tranh thiên nhiên sông nứơc hầu như đã trở thành cổ điển, mà linh hồn của nó là một nỗi buồn đìu hiu mênh mang. Qua mỗi khổ thơ, tác giả điểm thêm một nét buồn nào đó. Tất cả những nét buồn ấy cứ trở đi trở lại vẫn là bát ngát mênh mông mà hoang vắng và có một cái gì đó tàn lụi, cô đơn, bơ vơ trôi nổi, chia lìa, phiêu bạt. Đây là nỗi buồn cô đơn rợn ngợp của cá thể trước không gian 3 chiều bao la, luôn luôn có niềm khát khao hoà hợp cảm thông giữa người và người trong tình đất nước và tình nhân loại.


Hoàn cảnh ra đời bài ĐÂY THÔN VĨ DẠ

     Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" tiêu biểu cho những vần thơ sáng trong mĩ lệ đặc biệt hiếm có trong thế giới nghệ thuật của Hàn Mặc tử. Được biết trong thời gian làm công nhân sở Đạc Điền Quy Nhơn, Hàn thầm yêu Hoàng Kim Cúc – con gái ông chủ sở, cô gái Huế chơi đàn nguyệt rất hay. Nhà hai người ở gần nhau, cùng đi chung một lối sau đó Hoàng Cúc theo cha về Vĩ Dạ - một vùng quê thơ mộng ở ngoại ô Huế. Hoàng Cúc là người yêu trong đơn phương, lặng thầm của Hàn thi sĩ. Mùa hè 1939 người anh họ của Hoàng Cúc là Hoàng Tùng Ngâm (bạn Hàn Mặc tử) viết thư về Huế báo cho Cúc biết Tử mắc bệnh nan y và đang điều trị tại trại phong Tuy Hoà, khuyên Cúc viết thư thăm Tử để an ủi một tâm hồn trong trắng bất hạnh. “Thay vì viết thư thăm tôi gửi bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái danh thiếp. Trong ảnh có mây, có nước, có cô gái chèo đò với chuyến đò ngang, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Tôi viết sau tấm ảnh mất lời thăm hỏi Tử rồi nhờ Ngâm trao lại. Sau một thời gian tôi nhận được bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" và một bài nữa do Ngâm gửi về” (Thư Hoàng Cúc gửi Quách Tấn ngày 15/10/1971). Chính Hoàng Cúc cũng không ngờ “trí tưởng tượng của thi nhân quá khác thường”

     Bài thơ lúc đầu có tựa đề “Ở đây thôn Vĩ Dạ” và được in trong tập “Thơ Điên”. Đây là thi phẩm đựơc xếp vào hàng kiệt tác của thơ ca lãng mạn Việt Nam 30-45, là một bức tranh tuyệt đẹp về Vĩ Dạ và xứ Huế được thêu dệt bằng những xúc cảm lãng mạn, trí tưởng tượng phong phú của một tâm hồn nghệ sĩ giàu mộng mơ, yêu tha thiết cảnh sắc và con người Huế, khát khao sự sống, tình yêu nhưng mang nỗi đau lớn về sự chia lìa. Ở đó có sự hài hoà tuyệt đẹp giữa mộng và thực trong thơ Hàn.


Hoàn cảnh ra đời bài VI HÀNH

     Vào đầu những năm 20 của thế kỉ XX, Pháp tuy là nước thắng trận trong chiến tranh thế giới thứ I nhưng chính nước Pháp lúc này đang lâm vào khủng hoảng. Để đối phó với những khó khăn, chính phủ Pháp đã tăng cường vơ vét, bóc lột các nước thuộc địa đồng thời ra sức khoe khoang về công “khai hoá” văn minh ở các nước được Pháp bảo hộ nhắm lừa bịp dân chúng Pháp về tình hình ổn định, về sự thịnh vượng của các nứơc được Pháp “bảo hộ khai hoá.

     Năm 1922 tên vua bù nhìn Khải Định theo lời mời của thực dân Pháp sang dự cuộc đấu xảo thuộc địa tổ chức ở Macxây. Trước hết đấy là âm mưu của thực dân Pháp nhằm lừa gạt dân chúng Pháp về công cuộc “khai hoá” và “bảo hộ” ở Đông Dương cho rằng: tình hình chính trị ở Đông Dương đã ổn định nay đích thân hoàng đế An nam sang ta cảm ơn công khai hoá của “mẫu quốc” nên mọi người hãy tích cực ủng hộ “chính sách đầu tư khai hoá” vào xứ xở mông muội béo bở này. Đối với tên vua Khải Định, một tên vua đốn mạt vào bậc nhất triều Nguyễn nước ta, chuyến công du ở Pháp là dịp để thoả sức ăn chơi sa đọa. Y đã gây lên bao tội lỗi, bao nỗi nhục quốc thề. Khi ấy Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động cách mạng bí mật ở Pháp thấm thía nỗi nhục nhã cay đắng của nhân dân Việt Nam, Người đã viết hàng loạt tác phẩm có tính chiến đấu cao “Lời than vãn của bà Trưng Trắc”, kịch “Con rồng tre”, bài báo châm biếm “Sở thích đặc biệt”.

     Đầu năm 1923, tác phẩm "Vi Hành" của Nguyễn Ái Quốc ra đời, đây là một truyện ngắn có tính nghệ thuật trào phúng được viết bằng bút pháp mĩ thuật Châu Âu hiện đại đánh trúng bộ mặt thật của bọn tay sai bán nước hại dân và bọn thực dân cướp nước.


Hoàn cảnh ra đời bài CHIỀU TỐI

"Chiều Tối" là bài thơ số 31 của "Nhật Kí Trong Tù" ghi lại cảm xúc cuộc chuyển lao từ nhà lao Tĩnh Tây sang nhà lao Thiên Bảo trong chuỗi ngày bị bọn Tưởng Giới Thạch giam cầm ở Quảng Tây.


Hoàn cảnh ra đời bài TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

     Cách mạng tháng 8 thành công vào ngày 19/8/1945 nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, chính quyền về tay nhân dân. Nhưng tình hình nước ta lúc bấy giờ đang có nhiều kẻ thù nhòm ngó, nhiều đế quốc thực dân đang chuẩn bị xâm chiếm nứơc ta bao vây từ nhiều phía

Phía Bắc là quốc dân đảng đằng sau là Mĩ

Phía Nam là quân đội Anh đắng sau là viễn chinh Pháp

     Phe đế quốc Anh, Pháp, Mĩ cấu kết với nhau đối lập với Liên Xô tạo cơ hội cho Mĩ Anh nhân nhượng cho Pháp trở lại Đông Dương. Pháp chuẩn bị cho cuộc xâm lược lần thứ hai với những lời lẽ của kẻ ăn cướp, chúng tung ra trong dư luận quốc tế “Đông Dương là thuộc địa của Pháp, Pháp thuộc phe đồng minh lại có công khai hoá đất nước này nên nay trở lại là lẽ đương nhiên” khi mà Phát xít Nhật đã bị phe đồng minh đánh bại.

     Ngày 26/8/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khi cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội. Trong không khí tưng bừng phấn khởi của nhân dân của nước vừa giành được độc lập tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội Người soạn thảo bản "Tuyên Ngôn Độc Lập".

     Ngày 2/9/1945 Người thay mặt chính phủ lâm thời nứơc Việt Nam dân chủ cộng hoà đọc "Tuyên Ngôn Độc Lập" tuyên bố với thế giới trước hết là Anh Pháp Mĩ. Tuyên bố quyền độc lập tự do và quyết tâm sắt đá bảo về quyền tự do của dân tộc.


Hoàn cảnh ra đời bài ĐÔI MẮT

     Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Nam Cao là một trong những nhà văn có ý thức cao về nghề nghiệp, về sứ mệnh của người cầm bút chân chính. Suốt cuộc đời ông luôn trăn trở trước các câu hỏi : sống như thế nào? viết như thế nào? Ngay từ trước cách mạng thông qua nhiều nhân vật trí thức tiểu tư sản, Nam Cao đã gửi gắm những quan niệm tiến bộ nhân đạo về sáng tác văn chương, truyện ngắn "Đôi Mắt" chính là sự tiếp nối hướng sáng tác này trên bối cảnh của thời đại mới. Đây là một tác phẩm tiêu biểu xuất sắc nhất của Nam Cao thời kì sau cách mạng, “kiệt tác của nền văn học cách mạng” (Tố Hữu). Truyện ngắn này được viết đầu năm 1948 ở chiến khu Việt Bắc. Đây là thời kì toàn quốc vừa bước vào cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp, hiện thực đời sống kháng chiến đầy khó khăn thử thách đặt ra nhiều vấn đề đối với văn nghệ sĩ trong đó nổi bật là vấn đề “nhận đường”, “tìm đường”. Đảng đặt ra phương hướng chỉ đạo với các văn nghệ sĩ là “cách mạng hoá tư tưởng, quần chúng hoá sinh hoạt” “văn hoá hoá kháng chiến, kháng chiến hoá văn hoá” Giờ đây nghệ thuật sẽ viết vì ai? lấy đề tài cảm hứng ở đâu? Có hạ thấp nghệ thuật chăng khi đem nghệ thuật đến với quần chúng công nông binh, những con người bình thường đang gánh vác sứ mệnh kháng chiến? nghệ thuật có trở thành tuyên truyền? có làm khô cằn đi cảm hứng sáng tạo?

     Trước những vấn đề đặt ra, hàng ngũ văn nghệ sĩ đã diễn ra sự phân hoá. Đối với những người vốn xuất thân từ quần chúng nhân dân, đã hiểu sức mạnh tiềm tàng của họ thì không khó trả lời. Những nhà văn này sẵn sàng đem nghệ thuật đến với quần chúng để phục vụ kháng chíên, tìm ở đời sống kháng chiến nguồn đề tài cảm hứng bất tận cho mình. Những đối với những văn nghệ sĩ xuất thân từ tầng lớp trên, chưa có nhiều dịp tiếp xúc với quần chúng dù có tinh thần dân tộc, song không khỏi hoài nghi, băn khoăn, thậm chí có cái nhìn lệch lạc vào quần chúng. Giữa lúc ấy "Đôi Mắt" ra đời như một giải pháp kịp thời, trả lời sâu sắc bao vấn đề văn nghệ sĩ còn băn khoăn, hướng họ đi theo con người đúng đắn. Nam Cao viết tác phẩm khi đang trên đường đến với cách mạng, mới đựơc kết nạp vào đảng đầy phấn chấn tin tưởng vào cách mạng, nhân dân. Tác phẩm đánh dấu một sự chuyển biến vô cùng quan trọng trong thế giới quan, quan điểm cách mạng, lập trường kháng chiến , nhận thức nghệ thuật của nhà văn. Đồng thời tác phẩm là kết quả của một quá trình thâm nhập, tìm hiểu thực tế một cách nghiêm túc, gian khổ của Nam Cao.

     Lúc đầu truyện có tên là “Tiên sư thằng tào tháo” sau đó được đổi thành "Đôi Mắt".


Hoàn cảnh ra đời bài TÂY TIẾN 

Quang Dũng là nhà thơ tài hoa tinh thông nhiếu lĩnh vực nghệ thuật nhưng nổi bật hơn cả là thơ ca. Thơ ông thể hiện cái tôi hào hoa thanh lịch, giàu chất lãng mạn. Nhắc đến Quang Dũng ta không thể quên "Tây Tiến" một thi phẩm đặc sắc trong đời thơ của ông. Bài thơ có hoàn cảnh ra đời dưới đây:

- Sau khi cách mạng tháng 8 thành công, Quang Dũng gia nhập bộ đội. Năm 1947, ông tham gia đoàn quân Tây Tiến với chức vụ đại đội trưởng.

- Tây Tiến là đơn vị bộ đội thành lập năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào, địa bàn hoạt động suốt miền núi Tây Bắc từ Châu Mai, Châu Mộc sang Sầm Nứa cho tới miền Tây Thanh Hoá. Ngày ấy nơi đây còn rất hoang vu, hiểm trở, núi cao sông sâu.

- Những người lính trong đoàn quân Tây Tiến năm ấy chủ yếu là học sinh, trí thức ra đi từ những mái trường, từ phố phường Hà Nội chiến đấu trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn về vật chất, chết vì sốt rét nhiều hơn là vì súng đạn. Tuy vậy, các anh vẫn phơi phới tinh thần lạc quan anh hùng.

- Người lính mang trong mình sự trẻ trung khoẻ khoắn, hào hoa, thanh lịch. Ở họ vừa cháy bỏng lí tưởng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” vừa mang trong mình nét lãng mạn mộng mơ. Nét độc đáo này của người lính "Tây Tiến" đã thực sự làm hồn thơ Quang Dũng rung động.

- Cuối năm 1948 Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác, khi dự hội nghị toàn quân ở Phù Lưu Chanh tác giả bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm kháng chiến cùng đồng đội ở đơn vị cũ trong những tháng năm ở miền biên cương Tây Bắc. Những ngày tháng gian khổ mà hào hùng ấy đã rung lên những dây tơ xúc cảm trong tâm hồn nhà thơ viết nên bài thơ "Tây Tiến". Bài thơ ban đầu có tựa đề “Nhớ Tây Tiến" in trong tập thơ “Mây Đầu Ô”


Hoàn cảnh ra đời bài BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG

     Hoàng Cầm sinh ra và lớn lên ở vùng quê Kinh Bắc - một mảnh đất giàu giá trị văn hoá cổ truyền, có những làn điệu quan họ mượt mà tình tứ:

“Tôi người làng Quan Họ

Quê mẹ bên này sông

Quê cha cách một dòng nước trắng”

     Có lẽ bởi thế hồn thơ Hoàng Cầm gắn bó máu thịt với vùng đất cổ kính này. Trong thơ ông có một thế giới Kinh Bắc gần gũi, bình dị đẹp cổ kính. “Bên Kia Sông Đuống” là bài thơ rất đặc sắc khi viết về quê hương đất nước trong thơ ca Việt Nam (45-75). Bài thơ ra đời năm 1948. Sông Đuống còn gọi là sông Thiên Đức, là một nhánh của sông Hồng nối với sông Thái Bình, chia tỉnh Bắc Ninh ra làm hai phần: nam (hữu ngạn), bắc (tả ngạn). Quê hương gia đình Hoàng Cầm ở nam phần tỉnh Bắc Ninh ngay bên bờ sông Đuống. Khi giặc Pháp chiếm nam phần Bắc Ninh thì Hoàng Cầm đang công tác ở Việt Bắc. Một đêm giữa tháng 4/1948, Hoàng Cầm trực tiếp nghe tin giặc đánh phá quê hương mình nhà thơ “cực kì xao xuyến, tâm tư chồng chất những nhớ thương tiếc nuối xót xa với cảnh và người nơi quê bị tàn phá giết hại cùng với một niềm căm giận sâu sắc” và đêm ấy đã viết bài thơ “Bên Kia Sông Đuống” – “bên này” là đất tự do, hướng về “bên kia” là quê hương bị giặc chiếm đóng và giày xéo. Nhà thơ đã từng tâm sự: “Quá 12h đêm, tôi thắp đèn dầu sở ngồi viết. Viết một mạch, có lúc cảm xúc trào lên mạnh , chỉ sợ viết không kịp với cảm xúc, đến 4 câu cuối tôi thở dài nhẹ nhõm, nước mắt rưng rưng suốt mấy tiếng đồng hồ cũng không còn ướt nữa”

     Bài thơ được đăng lần đầu tiên trên báo Cứu Quốc tháng 6/1948. Nó được phổ biến nhanh chóng từ Việt Bắc tới khu III, khu IV, vào miền Nam và ra tận Côn Đảo.

---/---

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những gợi ý ngắn gọn cho Hoàn cảnh ra đời các tác phẩm văn học trong CT ôn thi đại học để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021