logo

Nội dung Hiệp ước Hoa-Pháp

Đáp án chính xác và giải thích chi tiết, dễ hiểu cho câu hỏi: “Nội dung Hiệp ước Hoa-Pháp:” kèm kiến thức tham khảo bổ trợ hay nhất là tài liệu học tập hay và hữu ích dành cho các bạn học sinh. Cùng Top lời giải ôn tập tốt nhé!

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với sự đương đầu hai thứ giặc là giặc đói và giặc dốt, chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa còn phải đương đầu với nguy cơ giặc ngoại xâm đe dọa hòa bình dân tộc, trực tiếp nhất là thực dân Pháp ở Nam bộ và quân Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc. Trong bối cảnh lịch sử đầy khó khăn, phức tạp năm 1946, khi Pháp và Tưởng có thỏa thuận riêng về Việt Nam thông qua bản hiệp ước Hoa - Pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kịp thời đề ra và thực hiện hiệu quả sách lược ngoại giao mềm dẻo, tận dụng thời cơ để lợi dụng, phân hóa kẻ thù.

Ngày 28/2/1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết ở Trùng Khánh, với hai điểm chính:


Nội dung chính của Hiệp ước Hoa - Pháp

- Pháp trả lại các tô giới và nhượng địa của Pháp trên đất Trung Quốc như Quảng Châu Loan và nhượng cho Trung Hoa một số quyền lợi tại miền Bắc Việt Nam như cho họ khai thác một đặc khu tại hải cảng Hải Phòng, miễn thuế cho hàng hóa của Trung Hoa vận chuyển sang miền Bắc Việt Nam.

- Chính phủ Trung Hoa Quốc dân đảng đồng ý cho Pháp thay thế quân Trung Hoa giải giáp quân Nhật tại miền Bắc Việt Nam.


Bản chất của Hiệp ước Hoa - Pháp

Về cơ bản, hiệp ước này cho phép quân đội Pháp trở lại miền Bắc Việt Nam thay thế cho quân Trung Hoa Quốc dân đảng để làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Đổi lại, Pháp cũng đã trả lại các tô giới của mình trên đất Trung Quốc cho chính phủ Trung Hoa Quốc dân đảng, tạo điều kiện cho quân Tưởng đối phó với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Hiệp ước Hoa - Pháp không phải là việc riêng giữa đế quốc Pháp với quân Tưởng Giới Thạch mà là việc chung của phe đế quốc và tay sai trong việc đối phó với phong trào cách mạng ở Đông Nam Á. Thực chất đó là cuộc mua bán chính trị giữa các thế lực đế quốc và đặt Đảng ta, nhân dân ta trước việc đã rồi. Đế quốc Mỹ đồng ý cho Pháp chiếm lại Đông Dương là nhằm lôi kéo Anh, Pháp lập lại mặt trận bao vây Liên Xô ở phía châu Âu, đồng thời dùng Pháp ngăn chặn làn sóng đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á, hạn chế sự phát triển của CNXH. Việc dàn xếp giữa các nước đế quốc, trực tiếp là hai kẻ thù Pháp và Tưởng đã được Đảng ta dự đoán sớm. Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” ngày 25/11/1945, vạch rõ: “Trước sau, Trùng Khánh sẽ bằng lòng cho Đông Dương trở về tay Pháp, miễn là Pháp nhượng cho tàu nhiều quyền lợi quan trọng”.


Hiệp ước Hoa - Pháp tác động đến nước ta như thế nào

Hiệp ước Hoa - Pháp buộc nhân dân ta phải chọn một trong hai con đường: hoặc là cầm vũ khí chống lại thực dân Pháp khi chúng ra miền Bắc; hoặc là cùng hòa hoãn với Pháp để nhanh chóng gạt 20 vạn quân Tưởng ra khỏi miền Bắc, tranh thủ thời gian hòa hoãn, xây dựng đất nước, chuẩn bị lực lượng để đối phó với cuộc chiến tranh với Pháp về sau. Trước sự thay đổi của thời cuộc, ngày 03/03/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Tình hình và chủ trương”. Chỉ thị nhận định rằng, trước khi rút về nước, quân Tưởng sẽ tăng sức ép đòi hỏi cho bọn tay sai của chúng vào Chính phủ của ta nhằm mục đích:

a, Bắt nhân dân Việt Nam nhắm mắt nuốt chửng Hiệp ước Hoa - Pháp

b, Yêu sách Pháp thêm ít nhiều quyền lợi nữa

c, Ngăn ngừa cuộc đàm phán riêng giữa Việt Minh và Pháp”2

Được sự ủng hộ của quân Tưởng, tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng biểu tình ở Hà Nội với khẩu hiệu “Đánh đến cùng”, “Không đàm phán với Pháp”. Mưu đồ của chúng là nhằm đẩy ta chống lại hiệp ước, để cho cả ba lực lượng quân Tưởng, Pháp và bọn phản động người Việt có cớ tiến công lực lượng cách mạng.

Từ sự đánh giá trên đây, Trung ương Đảng đề ra chủ trương mới: nhân nhượng hòa hoãn với Pháp, để cho quân Pháp vào miền Bắc nhằm đẩy nhanh quân Tưởng về nước, bớt đi một kẻ thù nguy hiểm, tận dụng khả năng hòa bình để xây dựng lực lượng cách mạng về mọi mặt, chuẩn bị cuộc chiến đấu mới.

Chỉ thị phê phán khuynh hướng không muốn đàm phán, muốn “đánh đến cùng” và chỉ rõ “vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận định một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng”3. Chỉ thị cũng nhấn mạnh lập trường của Đảng ta: nếu Pháp chỉ thừa nhận quyền tự trị của Việt Nam thì nhất định đánh, nếu Pháp công nhận quyền tự chủ thì có thể hòa.

Bản Chỉ thị Tình hình và chủ trương là sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược hết sức đúng đắn, nhạy bén và phù hợp với sự chuyển biến của tình hình đất nước, ứng phó kịp thời và có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù. Chúng ta đã kéo dài thêm thời gian hòa bình quý báu (từ tháng 02/1946 đến khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ tháng 12/1946) để tập trung xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, chủ động đối phó với khả năng chiến tranh xảy ra trên phạm vi cả nước.

V.I.Lenin cho rằng một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ. Từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với sức mạnh làm chủ đất nước của nhân dân, cách mạng nước ta đã biết tự bảo vệ và tự bảo vệ thành công, đặt nền móng cho thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp sau này.

icon-date
Xuất bản : 11/05/2022 - Cập nhật : 28/11/2022