logo

Giải thích câu nói Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người

Tuyển chọn các bài Giải thích câu nói Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người hay nhất, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước được Top lời giải sưu tầm và biên soạn. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Giải thích câu nói Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người - Bài mẫu 1

     Trong xã hội ngày nay, có rất nhiều cách để tiếp cận và chiếm lĩnh tri thức nhưng không ai có thể phủ nhận được giá trị cũng như tầm quan trọng của việc chiếm lĩnh tri thức qua sách. Hiểu rõ vai trò đó, một nhà văn đã nói: “Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người”.

     Quả đúng như vậy, sách có vai trò, giá trị vô cùng to lớn đối với cuộc sống của loài người. Trước tiên cần hiểu sách là gì? Có thể nói sách là sản phẩm của trí tuệ, tâm hồn, tinh thần của con người. Mọi tri thức trong cuộc sống, từ kinh nghiệm dân gian đến các sáng kiến khoa học, từ lĩnh vực tự nhiên đến xã hội... đều được con người đúc kết, tích lũy, tổng hợp, ghi chép lại vào sách vở. Sau đó sách được in ấn ra để phục vụ cho con người. Còn “ngọn đèn sáng bất diệt” hiểu theo nghĩa đen là ngọn đèn sáng mãi mãi không bao giờ tắt. Nhưng khi áp dụng vào câu nói này, “ngọn đèn sáng bất diệt” là những kiến thức, tri thức... ở trong sách giống như ngọn đèn tỏa sáng, soi rọi vào trí tuệ con người mãi mãi không bao giờ hết được. Ngọn đèn này chính là ngọn đèn tri thức, trí tuệ. Câu nói ngầm ý muốn ca ngợi, đề cao, khẳng định vai trò vô cùng to lớn của sách đối với đời sống của con người.

     Sở dĩ có thể nói: “Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người” bởi sách mở ra một kho tàng kiến thức khổng lồ, đem lại hiểu biết cho con người trên tất cả các lĩnh vực. Sách giúp chúng ta hiểu biết hơn về thế giới tự nhiên, đời sống con người và kinh nghiệm sản xuất như sách khoa học tự nhiên, sách về kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh... Sách giúp ta hiểu hơn về quá khứ hào hùng của nhân loại, biết được tình hình trên thế giới và xung quanh ta hiện nay, từ đó sách giúp ta định đoán được tương lai chẳng hạn như sách khoa học lịch sử. Sách còn giúp con người hướng tới cái chân, thiện, mĩ...của cuộc sống, nó giúp hoàn thiện nhân cách, phẩm giá của con người chẳng hạn như sách đạo đức, dòng sách nuôi dưỡng tâm hồn... Nhiều loại sách còn giúp con người giải trí, giải tỏa căng thẳng mệt mỏi mà vẫn mang nhiều giá trị nhân văn như truyện cười... Sách giúp giá trị cuộc sống của con người được nâng cao. Chính vì thế sách là ngọn đèn sáng bất diệt, từ là sách sẽ sống mãi với thời gian, tồn tại theo cùng năm tháng.

     Bên cạnh những lợi ích vô cùng to lớn của sách thì một số sách xấu có nội dung dung tục, tuyên truyền nhảm nhí, sách đề cao lối sống ích kỉ, thực dụng... lại có ảnh hưởng tiêu cực, không có lợi cho việc hình thành nhân cách cho con người. Những loại sách đó chúng ta cần tránh xa, lên án và loại bỏ.

     Tuy sách đem lại nhiều giá trị như vậy nhưng hiện nay sách đang dần trở thành một “món ăn tinh thần” khó ăn. Công nghệ thông tin ngày càng phát triển và bùng nổ, văn hóa đọc ngày càng bị lu mờ bởi con người quá bận rộn hoặc có nhiều ứng dụng, thông tin nhanh trên các trang mạng mà con người dễ tiếp cận hơn. Giới trẻ nếu có thích đọc thì một bộ phận hay tìm đến những loại tiểu thuyết có tình tiết sướt mướt, giật gân. Truyện tranh cũng là một thể loại dễ đọc bởi ít lời, nhiều tranh, đọc nhanh. Con người cũng có nhiều thứ phải lo toan hơn nên thích các dòng sách nhanh, tin vắn, tin ngắn mà điện thoại thông minh có thể đảm nhiệm được.... Chính vì thế sách đang ngày bị lãng quên, giá trị của sách cũng không còn được nhắc đến nhiều nữa.

     Xã hội là vậy nhưng chúng ta vẫn cần có những thái độ đúng đắn với sách. Mỗi người cần biết cách yêu sách, trân trọng, giữ gìn sách như một báu vật của mình. Cùng với đó, mỗi người cần có ý thức nâng cao văn hóa đọc, đọc ít nhưng chất lượng. Từ đó dần dần sẽ bảo vệ được sách, bảo vệ được ngọn đèn trí tuệ của con người.

     Nói tóm lại, không có sách xã hội loài người sẽ không thể phát triển như ngày nay. Sách giữ vai trò thiết yếu trong việc phát triển trí tuệ, hình thành nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn cho con người. Mỗi người hãy dành thời gian cho sách nhiều hơn, quan tâm đến sách để tận dụng và phát huy được hết những giá trị mà sách mang lại.

Giải thích câu nói Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người

Giải thích câu nói Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người - Bài mẫu 2

     Đã từ lâu đời, sách là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Sách là kho tàng lưu trữ khối kiến thức khổng lồ của nhân loại được tích lũy qua mấy ngàn năm. Sách là chiếc chìa khóa vàng mở cửa tòa lâu đài tráng lệ chứa đựng vô vàn điều kì diệu. Nhận định về giá trị to lớn của sách, một nhà văn có nói: "Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người". Câu nói đó có ý nghĩa như một chân lí khẳng định vai trò quan trọng của sách, đồng thời là lời khuyên mọi người nên tạo cho mình thói quen đọc sách.

     Vậy sách là gì mà lại có ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của con người như vậy?

     Có thể nói sách là một trong những điều kì diệu nhất mà nhân loại đã sáng tạo ra. Từ hàng nghìn năm trước, khi chưa có chữ viết, chưa có giấy bút thì con người đã nghĩ đến tác dụng của sách và đã có những hình thức đầu tiên của sách. Ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã... những mẫu tự cổ, những hình vẽ có tính quy ước được khắc trên xương thú, mai rùa, trên vách đá hoặc những văn bản cổ được ghi chép trên thẻ tre, trên da dê luộc...

     Sách là kho tàng chứa đựng những khám phá, hiểu biết và phản ánh đời sống vật chất, tinh thần, đa dạng, phong phú của con người. Tất cả những gì đã xảy ra trong lịch sử phát triển của nhân loại mà con người cảm thấy cần lưu giữ, truyền đạt lại cho thế hệ sau đều được ghi vào sách.

     Trong cuộc sống, nếu như không có sách để cung cấp những kiến thức mới lạ và để giải trí sau những giờ phút học tập và làm việc căng thẳng thì chúng ta sẽ ra sao ? Quả là nhờ có sách mà tầm hiểu biết của chúng ta ngày càng được mở rộng, nâng cao. Những cuốn sách nhỏ bé mang đến cho chúng ta bao điều lớn lao, mới mẻ và thú vị.

     Đến với sách, chúng ta không chỉ biết được những việc xảy ra hằng ngày trên khắp thế giới mà còn biết được cả những sự kiện đã xảy ra từ thời xa xưa của lịch sử loài người. Sách còn là hướng dẫn viên tận tình, năng động, sẵn sàng đưa ta du lịch khắp nơi, đến với những danh lam thắng cảnh, những kì quan nổi tiếng.

     Rõ ràng, tác dụng của sách là vô cùng to lớn. Ngày nay, người ta vẫn thích thú tìm hiểu những trang sách cổ đã có tự ngàn xưa, những hình vẽ bí hiểm trên vách hang động thời tiền sử, những mẫu tự lạ lùng trên các tấm da cừu, những chữ tượng hình trên các thẻ tre... Nhờ có sách làm cầu nối giao lưu mà các dân tộc trên thế giới xích lại gần nhau.

     Truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích giúp ta hình dung được cuộc sống tinh thần, vật chất của người xưa. Sách lịch sử giúp ta hiểu được những giai đoạn lịch sử thăng trầm của một dân tộc, một đất nước. Sách khoa học kĩ thuật đúc kết kinh nghiệm sản xuất và ghi lại những thành tựu trong mọi lĩnh vực... Sách văn học nghệ thuật giúp ta hiểu biết về những niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ, những ước mơ và khát vọng ngàn đời của con người.

     Sách còn giúp người đọc phát hiện và hiểu rõ mình hơn trong mối quan hệ với cộng đồng. Sách khơi dậy những điều tốt đẹp và mở rộng trước mặt ta một chân trời tươi sáng. Sách còn dạy cho ta biết được bao điều hay lẽ phải trong cuộc đời, giúp ta ngày một hoàn thiện hơn về nhân phẩm, đạo đức. Sách không những giúp ta mở mang kiến thức, mở rộng tầm nhìn mà còn mang lại nguồn hạnh phúc, sự thanh thản cho tâm hồn. Sách vừa là người bạn thân thiết mang lại niềm tin yêu đến cho ta, vừa là người thầy uyên bác, tận tình luôn bên cạnh chúng ta.

     Tất cả những điều trên chứng minh rằng Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ.

     Sách được viết ra không chỉ để cho mọi người đọc mà còn thể hiện ý tưởng, gửi gắm tâm sự của người cầm bút. Khi sáng tác, tác giả đặt ra mục đích viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Các tác giả có thể viết về nhiều đề tài khác nhau trong cuộc sống, cũng có khi cùng một đề tài nhưng cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề của từng tác giả lại khác nhau.

     Từ khi sách vở trở thành hàng hóa thông dụng và phổ biến trên thị trường thì một số người làm công viêc xuất bản sách với mục đích duy nhất là để kiếm lợi nhuận tối đa. Chính vì họ chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt nên sẵn sàng xuất bản và truyền bá những cuốn sách mang nội dung xấu, không phù hợp với ý nghĩa cao đẹp vốn có của sách. Hiện nay, đang lưu hành rất nhiều loại sách không rõ xuất xứ, nguồn gốc và không phải bất cứ loại nào cũng là bạn hiền, bạn tốt của mọi người. Vì thế, khi tìm đọc, chúng ta cần phân biệt sách tốt, sách xấu.

     Thế nào là sách tốt? Đó là những cuốn sách phản ánh đúng các quy luật của tự nhiên và đời sống xã hội, giúp con người hiểu rõ giá trị của mình, từ đó có ý thức về nghĩa vụ của bản thân đối với cộng đồng. Nó tiếp thêm sinh lực, làm cho con người thêm tự tin, tự hào, có lí tưởng, mục đích sống tốt đẹp, có quyết tâm phấn đấu trong học tập và làm việc để cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Sau khi đọc một quyển sách hay, tâm hồn ta trở nên phong phú và trong sáng hơn, biết sống nhân ái, biết vươn tới cái đẹp trong cuộc đời.

     Còn thế nào là sách xấu? Đó là những cuốn sách có nội dung tiêu cực, đầu độc tâm hồn tuổi trẻ, biến thanh thiếu niên thành những kẻ hẹp hòi, ích kỉ; hoặc là những cuốn sách xuyên tạc hiện thực đời sống, đưa đến cho người đọc những kiến thức sai lệch về thế giới xung quanh, gây thù hằn và ngờ vực giữa các dân tộc, đề cao bạo lực và chiến tranh, kích động những bản năng thấp hèn của con người.

     Những cuốn sách như thế không thể thắp sáng trí tuệ của con người mà ngược lại làm cho nhận thức lệch lạc, tình cảm khô cằn, nhân cách suy thoái.

     Trong khi sách tốt là một thứ thuốc bổ dinh dưỡng tinh thần cực kì công hiệu thì sách xấu lại là một thứ thuốc vô cùng nguy hại, cần phải bài trừ. Bởi vậy, chúng ta phải xác định cho mình một thái độ đúng đắn đối với việc đọc sách. Trước hết, ta phải biết quý trọng sách và coi đọc sách là một việc rất cần thiết phải làm thường xuyên. Sống mà không đọc sách, không đam mê sách là điều thiệt thòi rất lớn. Tuy vậy, ta phải biết chọn sách phù hợp với trình độ và lứa tuổi của mình. Đọc xong cuốn sách phải suy ngẫm, đem những điều hay lẽ phải tiếp thu được từ sách vận dụng vào thực tế đời sống để mọi công việc đạt kết quả cao hơn và cuộc sống tinh thần của mình phong phú hơn.

     Đọc sách vừa là cách tự học, tự bồi dưỡng kiến thức, vừa là hình thức giải trí lành mạnh. Từ trước đến nay có không ít những cuốn sách không chỉ khai sáng cho một người, trăm người, triệu người... mà cho cả nhân loại. Những cuốn sách của Bruno, Galile về trái đất và thái dương hệ đã mở cho loài người một thời kì trên con đường chinh phục vũ trụ. Đọc tiểu thuyết của Ban-dắc, ta hiểu ma lực ghê gớm của đồng tiền trong xã hội tư bản châu Âu thế kỉ trước. Đọc thơ Ta-go, thơ Lí Bạch, Đỗ Phủ, ta hiểu đời sống tinh thần phong phú của con người phương Đông. Đọc thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát... ta hiểu xưa kia ông cho ta từng đau khổ và ước mơ những gì. Đọc thơ của Hồ Chí Minh, ta hiểu cái dũng, cái trí, cái nhân của người chiến sĩ cách mạng đẹp đẽ biết nhường nào. Có thể kết luận rằng lợi ích của sách là vô cùng lớn lao. Đúng với nhận xét: Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người.

     Hàng ngàn năm qua, con người đã sáng tạo ra sách và ham mê đọc sách. Xưa kia, số người biết chữ rất hạn chế cho nên đọc sách chỉ là đặc quyền của một số ít người. Ngày nay, thú đọc sách là của tất cả mọi người. Trong thời đại khoa học phát triển mạnh mẽ, mặc dù có rất nhiều phương tiện học tập và giải trí hiện đại như ti vi, trò chơi điện tử, phim ảnh, băng đĩa các loại... Nhưng không gì có thể thay thế vai trò của sách. Sách vẫn tiếp tục phát huy khả năng vi diệu của nó. Ta thử hình dung một thế giới không có sách thì sẽ ra sao? Điều đương nhiên là không có sách, nền văn minh nhân loại sẽ dần dần lụi tàn.


Giải thích câu nói Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người - Bài mẫu 3

     “Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua.”(Rene Descartes). Nguồn tri thức mà sách đem lại cho con người là những giá trị không thể phủ nhận từ xưa tới nay. Và như một nhà văn đã từng nói: “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của tri thức”.

     “Sách” là một trong những điều đã rất quen thuộc với chúng ta. Đó được coi là nơi ghi chép lại và lưu giữ tri thức để truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ở sách dường như ta tìm kiếm được mọi tri thức ở mọi lĩnh vực khác nhau ở mọi thời đại và vùng miền khác nhau. “Ngọn đèn” là biểu tượng cho ánh sáng và chỉ có ánh sáng mới là vị cứu tinh cho vạn vật trong bóng tối, đem con người tiến dần đến văn minh. “Ngọn đèn bất diệt” không chỉ là nguồn ánh sáng dẫn đường chỉ lối cho con người, giải thoát con người khỏi sự tối tăm mà là nguồn ánh sáng vĩ đại không bao giờ tắt, nguồn ánh sáng mạnh mẽ vĩnh hằng. Nói “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của tri thức” là đã khẳng định vai trò của sách trong việc lưu giữ, truyền đạt tri thức và có giá trị đưa con người lên những tầm cao mới với một sự sống vĩnh hằng.

     Vì sao lại nói “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của tri thức”? Đầu tiên, như chúng ta đã biết, sách là nơi để lưu giữ tri thức của nhân loại từ ngàn đời nay. Tất cả những kiến thức về văn hóa, lịch sử, chính trị… từ trước đến nay đều được lưu giữ trong những cuốn sách. Những sự kiện, tri thức có từ nhiều thế kỉ trước còn được lưu truyền đến ngày nay phần lớn là do được giữ lại trong những cuốn sách hay những dụng cụ thay thế cho sách khi con người chưa phát minh ra giấy viết như thẻ tre, trên đá. Có sách, những kiến thức ấy sẽ không bao giờ rơi vào quên lãng hay thất truyền.

     Sách còn là một thế giới tri thức không giới hạn về không gian hay thời gian. Ta vẫn luôn có thể tìm thấy những người bạn tri âm cách ta cả thế kỷ qua những trang sách, đó có thể là nhân vật trong sách hay chính người sáng tạo. Ta được nói chuyện, học hỏi ở họ những vốn sống cần thiết mà bản thân không nhất thiết phải tự mình kinh qua trải nghiệm để đúc kết. Thêm vào đó ta có thể đặt chân tới trăm ngàn vùng đất xa xôi khác nhau mà chưa cần phải bước chân ra khỏi nhà.

     Sách là nguồn tri thức vô tận mà con người dành cả đời mình để tìm hiểu và khai phá cũng chưa thể khai phá hết. Qua thời gian, những giá trị tri thức mà sách đem lại ngày càng to lớn và là một người tri thức khổng lồ đòi hỏi con người khả năng khám phá. Có nguồn tri thức rộng lớn ấy, con người ngày càng văn minh hơn, giá trị hơn và thoát khỏi mọi khổ đau do bóng tối gây nên. Và đặc biệt hơn cả, ngọn nguồn ánh sáng tri thức ấy không bao giờ nguội tắt khi con người ta ý thức được giá trị của tri thức và cái đẹp.

     Câu nói đã khẳng định vai trò và giá trị vĩnh hằng của sách trong việc lưu giữ và truyền tải tri thức. Tuy nhiên, để sách là ngọn đèn sáng soi đường chỉ lối cho mỗi chúng ta thì cần có ý thức đọc sách, trân trọng sách đồng thời biết chọn sách để đọc. Khi đọc thì cần tích hợp suy nghĩ, lí giải, tìm tòi khám phá, đọc một phải biết mười, thậm chí in lại dấu ấn cuốn sách đã đọc trong tiềm thức để biến kiến thức đã đọc được thành của mình, không phụ thuộc vào những trang giấy. Ngày nay, thời đại có nhiều đổi khác, internet phát triển nhưng vẫn không thể phủ nhận giá trị to lớn của sách.

     Mỗi cuốn sách là sự kết tinh tinh hoa văn hóa nhân loại từ ngàn đời, của những thế hệ đi trước, đó là nguồn sáng vô tận của tri thức sẽ đưa nhân loại ngày càng phát triển. Và đọc sách chính là cách ta đáp lại lời truyền giáo của tổ tiên, nối tiếp hành trình thắp sáng tri thức nhân loại.

icon-date
Xuất bản : 09/10/2021 - Cập nhật : 09/10/2021

Tham khảo các bài học khác