logo

Em hãy viết thư cho 1 người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid 19

Viết thư cho 1 người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch covid 19 bao gồm các bài văn mẫu hay cho các bạn tham khảo thêm nhiều ý tưởng, khai thác tốt các chủ đề khác nhau chuẩn bị cho bài dự thi viết thư quốc tế UPU năm 2020. Mời các em học sinh tham khảo chi tiết.

Cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 50/2021 với chủ đề “Em hãy viết thư gửi về một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid-19”. Đây là cuộc thi nhằm tạo điều kiện cho các em thiếu nhi, học sinh tham gia cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50.

Nếu cần chúng ta có thể xem lại hướng dẫn thể lệ, quy định viết thư UPU 2021. Và để hỗ trợ thí sinh thực hiện bài làm của mình tốt nhất, Top lời giải sẽ tổng hợp, sưu tầm những bài mẫu viết thư UPU tiêu biểu và hay nhất.

Với mỗi chủ đề được chọn, cuộc thi viết thư quốc tế UPU hướng tới việc giúp các em tiếp cận và nhận thức các vấn đề của xã hội, của thời đại và thể hiện suy nghĩ của mình đối với những vấn đề này; bồi đắp, nuôi dưỡng tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với xã hội, đất nước và thế giới. Cuộc thi cũng là dịp để các em trau dồi tư duy và khả năng viết văn, và hiểu biết thêm về vai trò của Bưu chính trong đời sống xã hội.


Dàn ý viết thư UPU lần thứ 50

  1. Phần đầu thư:

Nơi ở của người viết và thời gian. Ví dụ như bạn ở Hà Nội và lúc viết thư là ngày 02/12/2020 thì bạn sẽ viết là: “Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2020”.

Lời chào đầu thư: Vì đối tượng nhận thư là người thân nên các em viết lời chào đầu thư là: (Ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em,...) kính yêu, xa nhớ,… Ví dụ: Ông nội kính yêu!

  1. Phần nội dung thư:

- Dẫn nhập: Viết lời dẫn nhập cho người nhận hiểu bạn đang nói về vấn đề gì, khái quát về tình hình hiện tại của mình và nơi mình đang trải nghiệm, có thể viết theo kiểu diễn dịch hoặc quy nạp. Ví dụ như: Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bệnh tật: từ các bệnh thông thường như cảm cúm, ho sốt, đau lưng, đau vai... đến các bệnh khó chữa như: ung thư, HIV/AIDS,... nhưng thời gian gần đây bùng phát dịch bệnh vô cùng nguy hiểm là COVID-19 hoặc Sự sống đang mỗi ngày một tấp nập, hối hả. Chúng ta đang làm cho môi trường biến đổi nghiêm trọng, các vi sinh vật trong đó đặc biệt là virus đang ngày càng trở nên nguy hiểm,… để rồi cả thế giới phải gánh chịu dịch bệnh vô cùng khủng khiếp.

- Đi vào nội dung: Từ vấn đề đã nêu ở phần dẫn nhập, các em mô tả thêm xung quanh khu vực em đang trải nghiệm hoặc chứng kiến, cảnh mọi người chuẩn bị đối phó, phòng chống dịch bệnh như thế nào? cũng như tâm lý của em và mọi người xung quanh. Chính quyền đã làm những gì để khống chế đại dịch, mọi người chấp hành ra sao. Các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, quân đội... đã phải vất vả như thế nào? Kể lại quá trình trải nghiệm của mình về các bước nhiễm bệnh, triệu chứng, quá trình điều trị, cảm giác bản thân,... Cuối cùng em mong muốn và khuyên mọi người điều gì để giữ gìn sức khỏe, bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi bệnh dịch này.

  1. Phần kết thúc:

- Kết thúc bức thư em có thể bày tỏ tình cảm của mình với người thân, mong muốn người thân tiếp thu trải nghiệm của mình để cảnh giác cao độ và lên phương pháp tối ưu để phòng chống dịch bệnh.

- Cuối thư: Lời chào thân thương và ký tên.

Em hãy viết thư cho 1 người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid 19


Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 gửi bà chia sẻ về đại dịch COVID – 19

Khu Cách Ly, ngày ... tháng 12 năm 2021

Bà kính yêu!

Hôm nay bà có khỏe không? Có ăn được nhiều cơm không? Thời tiết đã vào đầu đông, trời rất lạnh và khô, bà nhớ mặc thêm áo và uống nước ấm nhiều vào nhé!

Con ở trong này vẫn ổn, vẫn được các cô chú phục vụ chu đáo và tận tình. Cơm ăn ngày ba bữa, quần áo đủ mặc, khẩu trang đeo thường xuyên chỉ trừ lúc ăn uống. Cứ hai ba ngày các bác sĩ trong trang phục bảo hộ kín mít từ đầu tới chân lại đến lấy máu của con một lần để xét nghiệm. Thật may mắn là cho tới nay con vẫn âm tính với virus corona.

Ban đầu khi mới nhận được lệnh cách ly con cũng hoang mang và lo sợ lắm bà ạ! Không biết rồi đây mình có bị bệnh hay không? Có thể chiến thắng virus hay bị virus đánh gục,… Sự lo lắng thái quá đã làm con gầy đi trông thấy. Trải qua mấy ngày ăn ngủ, ngủ rồi lại ăn con được các bác sĩ tư vấn rằng: cứ bình tĩnh, luyện tập thể dục và ăn uống đủ chất để nâng cao sức khỏe thì sẽ đánh bại virus thôi. Con nghe vậy cũng an tâm phần nào.

Ở khu cách ly này, mỗi người ở một phòng thật thoải mái và rảnh rang. Con vẫn thường mở điện thoại xem báo, biết được tình hình dịch bệnh đang diễn ra rất căng thẳng. Mặc dù, chính quyền đã ban bố lệnh khẩn cấp phong tỏa toàn thành phố, nhưng số ca mắc không ngừng tăng lên. Chưa bao giờ trong thời gian ngắn mà số người bệnh lại nhiều như vậy, làm quá tải lên hệ thống y tế quốc gia. Các bệnh viện thiếu bác sĩ, thiếu khẩu trang, thiếu máy thở, thiếu đồ bảo hộ,… trầm trọng.

Hàng triệu người đã chết và hằng ngày đang có hàng nghìn người vẫn tiếp tục bị nhiễm virus corona nguy hiểm này. Vậy nên ở quê, bà cũng hãy cố gắng thực hiện theo những khuyến cáo của bộ y tế để giữ gìn sức khỏe của bản thân mình. Như hạn chế ra ngoài, tụ tập nơi đông người, luôn mang khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay… Để chờ khi đại dịch qua đi, cháu và cả nhà sẽ về quê thăm bà ngay. Bà sẽ lại vuốt tóc cháu, thủ thỉ những câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa. Bà nhé?

Cháu gái yêu quý của bà

Tú Anh


Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 gửi mẹ về đại dịch COVID – 19

Em hãy viết thư cho 1 người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid 19

Quảng Ninh, ngày... tháng... 2020

Mẹ yêu quý!

Đã lâu lắm rồi con không viết thư gửi mẹ một phần vì công việc bận rộn một phần cũng vì con còn quá vô tâm chưa thực sự quan tâm đến mẹ.

Dạo này mẹ ở nhà có khỏe không, công việc đồng áng ở nhà vẫn tốt chứ ạ. Công việc con trên này vẫn bình thường, tuy nhiên do dịch Covid nên cũng bị ảnh hưởng đôi chút. Mẹ ở nhà ra khi đi ra ngoài nhớ đeo khẩu trang và sát khuẩn tay nhé, dịch Covid này rất nguy hiểm nên ở đây con rất lo lắng cho mẹ. Mỗi khi xem thời sự thấy những thông tin có người bị nhiễm Covid ở gần khu vực nhà mình lòng con lại bộn bề lo âu. Chỉ mong dịch chóng qua để mọi người được an toàn và khôi phục lại kinh tế.

Gần đây con được công ty cho làm việc ở nhà, Mẹ đừng lo tuy làm ở nhưng con vẫn hoàn thành tốt công việc và đảm bảo được cuộc sống của mình. Ở trên này các cô chú ở phường rất tốt, thường xuyên nhắc nhở tuyên truyền để mọi người cùng chung tay chống dịch bệnh nên công tác phòng chống dịch ở chỗ con ở luôn được đảm bảo. Con cũng ít đi ra ngoài và tiếp xúc nơi đông người, thi thoảng con đi chợ và mua đồ ăn đủ cho cả tuần luôn.

Hiện nay cả nước đang chung tay chống lại Covid nên con cũng chỉ muốn góp một phần nhỏ bé của mình nhằm nâng cao ý thức, phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Hy vọng tới đây cùng với sự hỗ trợ tích cực của nhà nước, cả nước mình sẽ chiến thắng được dịch bệnh Covid để con có thể yên tâm công tác hơn vì con biết mẹ sẽ luôn được khỏe mạnh.

Cuối thư con xin chúc mẹ có thật nhiều sức khỏe để luôn là chỗ dựa vững chắc cho con gái yêu nhé. Cả nhà mình cùng quyết tâm chung tay đẩy lùi dịch Covid mẹ nhé. Con yêu mẹ!

Ký tên

Con gái yêu

Hoàng Hà


Bức thư gửi Con gái về đại dịch Covid 19

Con gái yêu quý!

Suốt mấy hôm nay, ba mẹ cùng con gái đứng trước vấn đề hết sức “đau đầu”: Con nên trở về Việt Nam hay ở lại Mỹ?

Thú thật, ba mẹ không có nhiều thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước Mỹ xa xôi. Nhưng với kinh nghiệm và vốn sống của mình, ba mẹ có đôi lời với con thế này. Ngày 11-3, lần đầu tiên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là “đại dịch”. Theo Tạp chí Time cùng ngày, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 126.000 ca bệnh ở hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Như vậy, khắp thế giới đều có dịch bệnh thì không có nơi nào là chỗ trú ngụ thực sự an toàn cả.

Con gái đang du học ở nước Mỹ. Trước khi lên đường trở về nhà (trong ngắn hạn), chúng ta sẽ cùng nhìn nhận cách thức ứng phó với dịch bệnh của quốc gia này. Sáng 12-3, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố: “Để ngăn các ca nhiễm mới vào Mỹ, chúng ta sẽ ngừng tất cả hoạt động đi lại từ châu Âu đến Mỹ trong 30 ngày tới”. Trước đó, nhà chức trách cũng đã cấm các chuyến bay từ Mỹ đến Nhật Bản, Hàn Quốc; yêu cầu tất cả mọi người trở về từ Trung Quốc, Iran, Hàn Quốc, Italia và các nước đã công bố dịch phải cách ly trong 14 ngày. Thế đó, nước Mỹ đã tự cách ly mình và sử dụng mọi biện pháp để phòng, chống lây lan dịch bệnh.

Trong trường hợp con gái bị nhiễm bệnh thì nền y tế của nước Mỹ vẫn khiến cho ba mẹ yên tâm, cộng với việc nhà trường đã mua bảo hiểm y tế trong 8 tháng học tập trung cũng vơi bớt nỗi lo lắng về chi phí điều trị, chăm sóc… Ngoài ra, trường đại học của con gái cũng đã nhanh chóng chuyển sang chế độ học online, không phải đến trường, tụ tập nơi đông người.

Đó là những tin tức ấm lòng.

Còn trong trường hợp con gái trở về nước thì sao nhỉ? Chặng đường con di chuyển đến sân bay đông người, rồi lên máy bay, bay suốt hơn 30 giờ, buộc phải hít thở chung bầu không khí với những người chẳng may đã nhiễm bệnh… thì quả thật rất đáng lo ngại. Lại còn thời gian quá cảnh, rồi phải tự cách ly 14 ngày, ngay khi bước chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất… Lỡ may dịch bệnh kéo dài thì con rất khó xin visa quay trở lại giảng đường.

Ôi chao, chuyến trở về của con gái trong giả định có quá nhiều rủi ro, không thể lường trước!

Thêm nữa, ở Việt Nam, con gái sẽ tiếp tục học online nhưng múi giờ đã thay đổi, sẽ rất mệt nhọc, không thể tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.

Con gái đã trưởng thành. Ba mẹ tôn trọng và trao cho con quyền tự quyết định việc này. Thế nhé, con đang ở nơi đất khách quê người, nên ba mẹ hết sức lo lắng. Tuy nhiên, ba mẹ vững tin con sẽ vượt qua thời khắc khó khăn này.

Chỉ mong sao mọi sự bình yên!


Viết thư UPU lần thứ 50 cho chị gái về đại dịch COVID 19

Gửi chị gái yêu thương của em!

Năm 2020 vừa qua, Việt Nam và thế giới đã phải trải qua những ngày tháng khó khăn khi phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Khi nhiều nước lựa chọn kinh tế, thay vì an nguy của người dân mà không có những biện pháp kiên quyết chống lại đại dịch. Thì chúng ta cảm thấy thật tự hào khi Việt Nam là một đất nước dám đặt sự an toàn của nhân dân lên trên lợi ích kinh tế.

Không chỉ gây ra những thiệt hại, mà nhìn nhận khách quan, Covid-19 cũng đem lại cho mỗi người thật nhiều trải nghiệm quý giá. Đối với chị em mình, đó sẽ là rất nhiều cái lần đầu tiên. Lần đầu tiên, cả gia đình mình cùng nhau nấu ăn. Lần đầu tiên, cả nhà mình cùng nhau ngồi xem một bộ phim… Em tin chắc đó sẽ là những kỉ niệm đẹp đẽ nhất đối với gia đình mình.

Nhưng, điều khiến em cảm thấy trân trọng và ngưỡng mộ nhất. Đó là bài học về tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam. Đất nước ta vốn là một dân tộc có truyền thống đoàn kết. Trong quá khứ, nhân dân ta đã từng đoàn kết chống lại biết bao nhiêu kẻ thù xâm lược để giành lại nền hòa bình. Đến hôm nay, tinh thần đoàn kết ấy lại một nữa chứng tỏ sức mạnh to lớn của nó để giúp Việt Nam chiến thắng đại dịch Covid-19. Ngay từ khi nước ta có ca nhiễm đầu tiên cho đến thời điểm số người nhiễm bệnh lên tới hàng chục, hàng trăm người. Từ các cấp chính quyền đến người dân đều thể hiện được tinh thần đoàn kết một lòng. Những quy định nghiêm ngặt của Nhà nước về việc phòng chống dịch bệnh lập tức được ban hành. Những người dân từ người già đến trẻ nhỏ đều nghiêm chỉnh chấp hành các quy định: như đeo khẩu trang khi đi đến nơi công cộng, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn, hạn chế đi ra nơi đông người… Đặc biệt, trong thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội, toàn dân đều nghiêm chỉnh chấp hành. Nhiều bác sĩ dù còn trẻ hay đã về hưu đều sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu chống dịch, thậm chí còn có cả những sinh viên của ngành y cũng sẵn sàng giúp sức. Những cây ATM gạo, ATM khẩu trang hay địa điểm phát thực phẩm miễn phí... được tạo ra không chỉ chứng tỏ tấm lòng tương thân tương ái mà còn là sự đoàn kết của toàn dân quyết đẩy lùi đại dịch… Bản thân một sinh viên như em, khi tham gia vào những công việc này, em cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào.

Đại dịch đã giúp chúng ta cũng nhận ra được những tình cảm thật tốt đẹp. “Không ai bị bỏ lại phía sau” - đó là câu khẩu hiệu mà mọi người dân Việt Nam đều biết đến. Sự đoàn kết xuất phát từ trên dưới một lòng đã đem lại sức mạnh to lớn. Việt Nam tự hào khi được đánh giá là một nước kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy còn một bộ phận không nhỏ những người vì lợi ích cá nhân mà bỏ qua lợi ích dân tộc. Nhưng tựu chung lại, dân tộc Việt Nam vẫn thể hiện được một tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng chống lại dịch bệnh Covid-19. Ai cũng đã hiểu được đây là một cuộc chiến dài ngày và cần phải có sự đoàn kết mới có thể chiến thắng được trận chiến này.

“Chống dịch như chống giặc” - cuộc chiến này vẫn còn lâu dài. Em và chị hãy cùng nhau góp một phần nhỏ bé của mình vào công tác phòng chống dịch bệnh. Thật hy vọng rằng đất nước mình sẽ sớm được bình an, chị nhỉ?

Cuối thư, em muốn chúc chị học tập tốt và giữ gìn sức khỏe!

Em gái của chị

Đỗ Thị Hà


Viết thư UPU lần thứ 50 cho bố mẹ về đại dịch COVID 19

Em hãy viết thư cho 1 người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid 19

Hà Nội, ngày... tháng... 2020

Bố mẹ yêu quý!

Đã lâu lắm rồi con không viết thư gửi bố mẹ một phần vì công việc bận rộn một phần cũng vì con còn quá vô tâm chưa thực sự quan tâm đến bố mẹ.

Dạo này bố mẹ ở nhà có khỏe không, công việc đồng áng ở nhà vẫn tốt chứ ạ. Công việc con trên này vẫn bình thường, tuy nhiên do dịch Covid nên cũng bị ảnh hưởng đôi chút. Bố mẹ ở nhà ra khi đi ra ngoài nhớ đeo khẩu trang và sát khuẩn tay nhé, dịch Covid này rất nguy hiểm nên ở đây con rất lo lắng cho bố mẹ. Mỗi khi xem thời sự thấy những thông tin có người bị nhiễm Covid ở gần khu vực nhà mình lòng con lại bộn bề lo âu. Chỉ mong dịch chóng qua để mọi người được an toàn và khôi phục lại kinh tế.

Gần đây con được công ty cho làm việc ở nhà, bố mẹ đừng lo tuy làm ở nhưng con vẫn hoàn thành tốt công việc và đảm bảo được cuộc sống của mình. Ở trên này các cô chú ở phường rất tốt, thường xuyên nhắc nhở tuyên truyền để mọi người cùng chung tay chống dịch bệnh nên công tác phòng chống dịch ở chỗ con ở luôn được đảm bảo. Con cũng ít đi ra ngoài và tiếp xúc nơi đông người, thi thoảng con đi chợ và mua đồ ăn đủ cho cả tuần luôn.

Hiện nay cả nước đang chung tay chống lại Covid nên con cũng chỉ muốn góp một phần nhỏ bé của mình nhằm nâng cao ý thức, phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Hy vọng tới đây cùng với sự hỗ trợ tích cực của nhà nước, cả nước mình sẽ chiến thắng được dịch bệnh Covid để con có thể yên tâm công tác hơn vì con biết bố mẹ sẽ luôn được khỏe mạnh.

Cuối thư con xin chúc bố mẹ có thật nhiều sức khỏe để luôn là chỗ dựa vững chắc cho con gái yêu nhé. Cả nhà mình cùng quyết tâm chung tay đẩy lùi dịch Covid bố mẹ nhé. Con yêu bố mẹ!

Ký tên

Con gái yêu


 


Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 50 về đại dịch Covid 19

Em gái yêu dấu của chị!

Lời đầu thư, chị muốn gửi lời hỏi thăm sức khỏe đến em. Đã lâu rồi, chị em mình không dành thời gian để trò chuyện với nhau qua những lá thư tay. Đúng là sự hiện đại của công nghệ đã khiến chúng ta lười đi phải không em? Vậy nên, hôm nay, chị muốn viết cho anh một lá thư để chia sẻ cho em để chia sẻ đôi điều. Chị tin chắc rằng, khi đọc lá thư này, em sẽ cảm nhận được sự trân trọng của chị dành cho em, cũng như có thời gian để suy ngẫm về những điều chị sắp chia sẻ.

Thời điểm chị viết lá thư này là những ngày mà đất nước mình cùng với cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Một đại dịch khủng khiếp đã cướp đi tính mạng của hàng nghìn người. Nhưng trong cơn đại dịch khủng khiếp này, chị đã học được rất nhiều bài học có ý nghĩa. Đại dịch không chỉ gây ra những thiệt hại về tính mạng con người và lợi ích kinh tế. Hãy thử nhìn theo chiều hướng tích cực, nó cũng để lại cho con người nhiều bài học nhận thức.

Đầu tiên, Covid-19 đã giúp chúng ta nhìn nhận lại thái độ sống của bản thân. Trong cuộc sống, chắc hẳn nhiều người luôn lấy lý do rằng còn rất nhiều thời gian để thực hiện việc này, việc kia để trì hoãn công việc mà mình muốn làm lại. Chỉ khi đại dịch xảy ra và cướp đi tính mạng của quá nhiều người trong phút chốc, con người mới nhận ra, sự sống thật ra quá ngắn ngủi. Thời gian mà chúng ta cho rằng vẫn còn nhiều ấy rồi đến một lúc nào đó sẽ chẳng còn. Từ đó, chúng ta biết trân trọng thời gian hơn, biết cố gắng để sống hết mình.

Em gái yêu quý của chị, có lúc nào em có thấy thời điểm cách ly toàn xã hội đã trôi qua thật vô nghĩa không? Rất nhiều người đã luôn cảm thấy bức bối và khó chịu khi phải ở trong nhà quá nhiều. Họ bị mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình khi không biết phải làm gì trong một ngày. Hoặc họ phải lặp đi lặp lại những công việc giống nhau liên tiếp qua các ngày. Riêng với chị em mình thì không như vậy. Chúng ta đã có những phút giây thật ý nghĩa bên bố mẹ phải không? Em đã có thời gian chơi cờ cùng bố - điều mà em luôn khao khát trước đây, nhưng vì bố quá bận rộn công việc mà không có thời gian chơi cùng em. Còn chị cũng được học hỏi từ mẹ cách làm bánh, nấu ăn. Cả gia đình mình đã có những bữa cơm thật đầm ấm, những phút giây trò chuyện thật vui vẻ. Cách ly xã hội đã giúp mỗi người biết tận hưởng cuộc sống và nhận ra rằng gia đình vô cùng quan trọng. Hạnh phúc đôi khi cũng đến từ những điều giản đơn. Và tình cảm gia đình là điều quan trọng nhất đối với con người.

Cuối cùng, trong đại dịch, chúng ta cũng đã nhận ra được một vấn đề vô cùng quan trọng với thế giới - ô nhiễm môi trường. Nhiều thành phố sau khi tiến hành giãn cách xã hội đã giảm thiểu được lượng ô nhiễm không khí. Nhiều dòng sông cũng trở nên xanh trong hơn. Quan trọng nhất, con người đã nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên và có ý thức bảo vệ hơn. Vấn đề bảo vệ môi trường là một vấn đề luôn luôn nóng bỏng, nhưng phải trong đại dịch, chúng ta mới ý thức về nó hơn.

Còn rất nhiều bài học mà chị đã nhận ra sau đại dịch, nhưng trên đây là những điều quý giá nhất. Chị hy vọng, khi đọc lá thứ này, em sẽ hiểu được những điều mà chị muốn chia sẻ.

Cuối thư, chị chúc em học tập thật tốt, nhớ nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng dịch. Chị và em hãy cùng đặt niềm tin vào đất nước với quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Chị gái

Mai Huyền My


Hướng dẫn Kỹ thuật viết thư UPU lần thứ 50

- Bức thư viết dưới dạng văn xuôi và theo đúng thể thức của một bức thư: Phần đầu thư luôn có thời gian, địa điểm viết thư, đối tượng gửi thư, lý do viết thư; Phần nội dung thư chuyển tải toàn bộ chủ đề bức thư; Phần cuối thư là những thông điệp được người viết gửi gắm, có lời chào tạm biệt và ký tên người viết.

- Viết bức thư của mình bằng những câu văn rõ ràng, mạch lạc và có cảm xúc. Nên tránh cách viết thư theo kiểu trình bày tư liệu khô khan, liệt kê hay kể lể chung chung. Nếu trong bức thư có nhiều hình ảnh sinh động, hoặc cách so sánh hợp lý thì càng lôi cuốn, hấp dẫn và thuyết phục người đọc. Những bức thư đoạt giải cao thường là những bức thư làm lay động trái tim người đọc không chỉ bởi ý tưởng, kết cấu bức thư mà còn bởi những cảm xúc chân thành mà người viết thể hiện.

- Các em cũng cần lưu ý là những bức thư chép lại từ bài mẫu hoặc chép giống nhau bị loại ngay từ vòng chấm đầu tiên. Các em cần tuân thủ phần kỹ thuật viết thư được ghi rất rõ trong Thể lệ Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 (2020) để có một bài dự thi đúng thể thức, đúng yêu cầu. Đặc biệt là quy định về độ dài không quá 800 từ, không viết tên hay địa chỉ của mình trong nội dung bức thư.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021