logo

Em hãy tóm tắt những thành tích tiêu biểu của khoảng 3 nhân vật lịch sử tại tỉnh Ninh Thuận

Em hãy tóm tắt những thành tích tiêu biểu của khoảng 3 nhân vật lịch sử tại tỉnh Ninh Thuận: 

Nhân vật lịch sử: NGUYỄN HỮU HƯƠNG (1894 – 1961)

- Khi các tổ chức ở Ninh Thuận chuyển thành các chi bộ Cộng sản vào tháng 4/1930, đồng chí Nguyễn Hữu Hương cũng được chuyển thành đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam

- Giữa năm 1930, đồng chí Hương lại ủng hộ Đảng 1.000 đồng (tiền Đông Dương) để lập một trạm ấn hành tài liệu tuyên truyền của Đảng ở Đà Lạt

- Tháng 5/1938, đồng chí Lê Duẩn lúc này là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ vào Ninh Thuận để khảo sát phong trào cách mạng các tỉnh cực Nam và được bố trí ăn ở tại nhà đồng chí Nguyễn Hữu Hương. Sau khi báo cáo tình hình của Ninh Thuận, đồng chí Nguyễn Hữu Hương trực tiếp đưa đồng chí Lê Duẩn đi nắm tình hình và gặp các đồng chí cũ để củng cố lại phong trào.

Nhân vật lịch sử: PHAN TRUNG (1814 – 1886)

- Năm Tự Đức thứ 14 (Tân Dậu 1861), Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam bộ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường), triều đình Huế kêu gọi thân hào, nhân sĩ ở các tỉnh phía Nam mộ quân nghĩa dũng để phối hợp với quân Hoàng triều chống xâm lăng. Phan Trung liền hưởng ứng, tuyển mộ được hơn một ngàn người đặt thuộc quyền chỉ huy của lãnh binh Trương Công Định.

- Phan Trung được triệu về kinh và được phong Hàn lâm viện Thị độc học sĩ, kiêm thêm chức Điển nông sứ tỉnh Khánh Hòa (bao gồm cả Khánh Hòa, Ninh Thuận và một phần Bình Thuận). Với chức vụ mới này ông trực tiếp về các phủ, cổ động dân chúng, mộ dân phu, hợp lực với các quan Doanh điền sứ địa phương hướng dẫn khai khẩn đất hoang, đào mương làm hệ thống tưới nước cho các cánh đồng hơn 2 ngàn mẫu đã trở thành phì nhiêu xanh tốt. Nhờ vậy, dân chúng từ Khánh Hòa đến Bình Thuận đều được no ấm an vui.

Ngoài công lao khai hoang, dẫn thủy, lo đời sống cho dân, trong thời gian này ông còn chăm lo tiếp tế lương thực cho các nhóm nghĩa quân chống Pháp, che chở cho các vị chỉ huy kháng chiến và những người yêu nước không chịu hàng Pháp từ miền Nam ra Bình Thuận, Ninh Thuận lánh nạn.

- Năm Mậu Dần 1878, ông được đề bạt hàm Hộ bộ Tả thị lang, nhưng vẫn giữ chức Điển nông sứ tỉnh Khánh Hòa.

Nhân vật lịch sử: Nhà thơ NGUYỄN NHƯỢC THỊ (1830-1909) 

- Nhờ tư chất thông minh, lại được đi học ngay từ nhỏ nên Nguyễn Nhược Thị sớm nổi tiếng về tài văn chương. Vừa có tài sắc lại được Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa tiến cử, năm 18 tuổi (1848) bà được tuyển vào cung. Trong một buổi ngâm vịnh, vua Tự Đức xướng đề thơ Tảo Mai (Hoa mai sớm nở), bài họa của bà được vua khen, tặng 20 nén bạc, cho sung chức Thượng nghi Viên sư để dạy học trong nội cung. Sau đó, bà lần lượt được phong: Tài nhân (1850), Mỹ nhân (1860), rồi Quý nhân. Năm 1868, bà được tấn phong là Lục giai Tiệp dư. Trong khoảng thời gian bà được cử làm thầy dạy "kinh điển và dạy tập nội đình" cho Đồng Khánh khi ông chưa lên ngôi nên trong cung người ta còn gọi bà là Tiệp Dư Phu Tử. Chính vì vậy bà được vua Tự Đức tin cậy, yêu mến, thường cho cùng đi trong những buổi vua đến vấn an và những cuộc trao đổi riêng với mẹ là Thái hậu Từ Dũ về công việc trong triều, trong hoàng tộc, những diễn biến của đất nước; một thời gian sau, Tiệp dư Nguyễn Nhược Thị trở thành Bí thư cho Thái hậu Từ Dũ, nhờ vậy mà bà biết được nhiều điều trao đổi giữa Thái hậu và vua Tự Đức.

- Sau khi vua Tự Đức qua đời (1883), mọi ý chỉ sắc dụ của Lưỡng Tôn cung (chỉ Hoàng Thái hậu Từ Dũ và Chính phi Trang Ý) đều do một tay bà soạn thảo.

Cùng Toploigiai tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của 3 nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh Ninh Thuận


Nhân vật lịch sử: NGUYỄN HỮU HƯƠNG (1894 – 1961)

Đồng chí Nguyễn Hữu Hương (thường gọi Cửu É) sinh ngày 2/8/1894, là người con trưởng thành trong một gia đình nổi tiếng giàu có tại làng Cầu Bảo – Tháp Chàm (nay thuộc phường Bảo An, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Cha mẹ ông từng trải qua cuộc sống lao động vất cả mới có được hàng trăm mẫu ruộng và trâu bò, nên thấu hiểu sự cực khổ của người nông dân.

Năm 24 tuổi (1918), đồng chí mua chức Cửu phẩm nhưng không phải để chen đua danh lợi với những chức sắc địa phương mà tạo thế hợp pháp tránh phải làm lính đánh thuê cho thực dân Pháp. Điều ngày giúp đồng chí thoát khỏi sự dòm ngó của bọn thực dân khi cùng bạn bè tìm hiểu về con đường hoạt động cách mạng cứu dân, cứu nước thông qua những sách báo tiến bộ lúc bấy giờ.

Những hoạt động yêu nước của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh vang dội đến Ninh Thuận đã gây ra ấn tượng rất sâu sắc đối với đồng chí Nguyễn Hữu Hương. Điều đồng chí mong muốn là được đóng góp công sức đấu tranh để giành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Năm 1928, một đảng viên Tân Việt Nam kỳ là Trần Hữu Duyệt đến hoạt động ở Ninh Thuận đã gặp gỡ, tìm hiểu và giao nhiệm vụ cách mạng cho đồng chí Nguyễn Hữu Hương. Vào ngày 8/12/1928, đồng chí được công nhận là đảng viên của chi bộ Tân Việt đầu tiên tỉnh Ninh Thuận.

Khi các tổ chức ở Ninh Thuận chuyển thành các chi bộ Cộng sản vào tháng 4/1930, đồng chí Nguyễn Hữu Hương cũng được chuyển thành đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ đây đồng chí được tham gia đấu tranh dưới ngọn cờ của một chính đảng duy nhất ở Việt Nam. Giữa năm 1930, đồng chí Hương lại ủng hộ Đảng 1.000 đồng (tiền Đông Dương) để lập một trạm ấn hành tài liệu tuyên truyền của Đảng ở Đà Lạt. Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 và hưởng ứng phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh vào tháng 10/1930, đồng chí tham gia rải truyền đơn một số nơi ở Phan Rang, Tháp Chàm… Bọn thực dân Pháp hết sức hoảng hốt ra sức lùng sục khắp nơi nhưng vẫn không nghi ngờ đồng chí Nguyễn Hữu Hương.

Chỉ vài ngày sau khi cơ quan Khánh Hòa bị vỡ, địch lấy được biên bản Hội nghị 4 của tỉnh và bắt đồng chí Trần Hữu Duyệt. Biết được đồng chí Nguyễn Hữu Hương có tham gia rải truyền đơn ở Tháp Chàm, địch cho bắt đồng chí vào ngày 23/10/1930 và giam ở nhà lao Phan Rang. Tại đây đồng chí đã bị những đợt tra tấn dã man, những lời dụ dỗ ngon ngọt của kẻ địch, nhưng không khai thác được gì ở đồng chí.

Tại phiên tòa ngày 4/2/1931, bọn thực dân kết án đồng chí Nguyễn Hữu Hương 5 năm tù và sau đó chuyển lên nhà lao Buôn Mê Thuột. Ở nhà lao Buôn Mê Thuột đồng chí liên lạc với các đồng chí Nguyễn Công Phương, Trần Huy, Nguyễn Duy Trinh… được học tập tài liệu của Đảng viết bằng tay và được phân công quyên góp tiền trong lao để cứu tế, tương trợ lẫn nhau vượt qua được chế độ nhà tù hà khắc của chế độ thực dân.

Cuối năm 1935, sau khi ra khỏi tù, đồng chí Nguyễn Hữu Hương vẫn bí mật nối lại liên lạc với các đảng viên ở tù về, bàn bạc phương cách hoạt động mới cho địa phương khi chưa liên lạc được với Xứ ủy. Và trên con đường hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Hữu Hương đã gặp người vợ thủy chung son sắt, cùng chí hướng đã đi với đồng chí đến trọn đời, đó là bà Trần Thị Có, em gái đồng chí Trần Kỷ.

Lúc này tranh thủ Mặt trận Bình dân ở Pháp lên nắm chính quyền (1936), thực hiện một số cải cách tiến bộ về dân sinh dân chủ ở Đông Dương, đồng chí Nguyễn Hữu Dương ra hoạt động công khai, quyên tiền của những phụ huynh và những người khá giả xây dựng được 2 lớp học văn hóa (lớp 3 và 4 cũ) ở Tháp Chàm, đồng thời xin ruộng của người thân cho thuê để gây quỹ giúp đỡ học sinh nghèo. Bằng hình thức hợp pháp này đồng chí đã tạo điều kiện cho con em lao động Tháp Chàm có điều kiện học hành và đưa đồng chí Nguyễn Văn Chi vào làm hiệu trưởng của trường tạo chỗ đứng hợp pháp để đồng chí có điều kiện hoạt động cách mạng ở Ninh Thuận.

Tháng 5/1938, đồng chí Lê Duẩn lúc này là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ vào Ninh Thuận để khảo sát phong trào cách mạng các tỉnh cực Nam và được bố trí ăn ở tại nhà đồng chí Nguyễn Hữu Hương. Sau khi báo cáo tình hình của Ninh Thuận, đồng chí Nguyễn Hữu Hương trực tiếp đưa đồng chí Lê Duẩn đi nắm tình hình và gặp các đồng chí cũ để củng cố lại phong trào.

Tháng 9/1938, Xứ ủy đã cử đồng chí Nguyễn Công Xứng vào phụ trách các tỉnh cực Nam Trung bộ. Đồng chí Nguyễn Hữu Hương bố trí cho đồng chí Nguyễn Công Xứng đến ở nhà Nguyễn Hữu Khiếu là công nhân Đề Pô Tháp Chàm để đồng chí có điều kiện hoạt động trong công nhân. Đến tháng 5/1939, Ban cán sự Liên tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Viên được thành lập, đồng chí Nguyễn Công Xứng là Trưởng Ban cán sự phụ trách chung, đồng chí Nguyễn Hữu Hương là Ủy viên Ban cán sự được giao nhiệm vụ phụ trách phong trào ở Ninh Thuận.

Để khôi phục phong trào, tháng 5/1940, Xứ ủy Trung kỳ cử đồng chí Trần Hữu Dực vào phụ trách các tỉnh miền Nam Trung kỳ và Tây Nguyên, cùng đi có đồng chí Đào Duy Dzếch là người am hiểu tình hình Ninh Thuận. Thông qua đồng chí Nguyễn Hữu Hương, các đồng chí nắm được tình hình Ninh Thuận và dùng nhà đồng chí Nguyễn Hữu Hương làm nơi trú ngụ, vạch ra kế hoạch nhằm khôi phục phát triển phong trào ở Ninh Thuận. Để việc bảo vệ được tốt hơn, đồng chí Nguyễn Hữu Hương đưa đồng chí Trần Hữu Dực đến Vạn Phước và tháng 8/1940, đồng chí Trần Hữu Dực vào ở khu rẫy Sông Quao dưới hình thức là người làm công cho ông Tổng La (em của đồng chí Nguyễn Hữu Hương). Từ đó, khu rẫy này trở thành cơ sở hoạt động bí mật của Đảng, và cũng tại nơi đây tờ báo Chiến Thắng - cơ quan tuyên truyền của Đảng ở Ninh Thuận và các tỉnh Nam Trung kỳ đã ra đời vào tháng 10/1940.

Khi đồng chí Trần Hữu Dực bị mật thám Pháp từ Bình Thuận ra bắt tại rẫy Sông Quao vào tháng 9/1941, do lời cung khai của người liên lạc: đất rẫy Sông Quao là của đồng chí Nguyễn Hữu Hương nên đồng chí bị bắt giam tại nhà lao Phan Rang cùng với một số đồng chí khác. Nơi đây bọn địch tra tấn đồng chí Nguyễn Hữu Hương suốt hai tháng, nhưng đồng chí không khai bất cứ điều gì.

Sau đó địch đưa đồng chí Nguyễn Hữu Hương và các đồng chí bị tình nghi có liên quan đến sự kiện xảy ra ở Sông Quao vào nhà lao Phan Thiết.

Đầu năm 1942, đồng chí Nguyễn Hữu Hương bị đày lên Buôn Mê Thuột lần thứ hai. Tại đây đồng chí gặp lại các đồng chí Cao Kế, Trần Thi, Trần Hiếm… và tham gia học chính trị, văn hóa , tham gia các cuộc đấu tranh trong tù cùng các đồng chí của mình.

Tháng 9/1943, đồng chí Nguyễn Hữu Hương mãn tù về lại Ninh Thuận nhưng vẫn còn quản thúc tại địa phương. Tuy bị quản thúc nhưng đồng chí Nguyễn Hữu Hương vẫn chủ động qua làng Vạn Phước gặp đồng chí Trần Thi bàn các khôi phục phong trào. Việc qua lại giữa hai đồng chí thường bị gián đoạn vì bọn hương lý giám sát rất chặt chẽ. Đến đầu năm 1945, Ủy ban Việt Minh lâm thời tỉnh được thành lập do đồng chí Lê Tự Nhiên làm chủ nhiệm. Các đồng chí Nguyễn Hữu Hương, Trần Thi do bị địch quản thúc nên không bầu vào cơ quan lãnh đạo tỉnh, nhưng mọi công việc của Ủy ban Việt Minh lâm thời tỉnh đều được trao đổi với hai đồng chí.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, bác sĩ Đặng Dư mời đồng chí Nguyễn Hữu Hương tham gia thành lập Ban ủng hộ Chính phủ thân Nhật. Đồng chí cương quyết từ chối và giải thích tuyên truyền cho bà con xung quanh biết được chiêu bài “độc lập giả hiệu” của bọn phát xít Nhật. Tiếp đó đồng chí Nguyễn Hữu Hương và Trần Thi đã họp bàn thành lập “Đội danh dự” để bảo vệ cơ sở cách mạng. Sau khi tuyên truyền thuyết phục và tổ chức, Đội danh dự Tháp Chàm - Vạn Phước ra đời gồm 6 người do đồng chí Lê Thám làm đội trưởng. Cũng trong thời gian này do quen biết từ trước, các đồng chí Lê Chưởng, Lê Hàn từ nhà lao Buôn Mê Thuột thoát ra, cũng đến thẳng Tháp Chàm tìm gặp đồng chí Nguyễn Hữu Hương để bắt liên lạc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tham gia vào phong trào cách mạng trên địa bàn Ninh Thuận.

Thời cơ đến, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã biến cuộc mít tinh ngày 21/8/1945 của lực lượng “Thanh niên tiền tuyến” thân Nhật tại Tháp Chàm thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Sau khởi nghĩa thành công, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập ngày 22/8/1945, đồng chí Nguyễn Hữu Hương được cử làm Ủy viên kinh tế rồi Ủy viên Mặt trận Việt minh tỉnh. Cuối tháng 1/1946, thực dân Pháp đánh chiếm lại Ninh Thuận, cơ quan của Tỉnh ủy chuyển ra khỏi thị xã. Lúc này đồng chí Nguyễn Hữu Hương kiêm nhiệm vụ tổ chức ba kho lúa để dự trữ và giữ tiền quỹ dự trữ. Tháng 5/1946, khi cơ quan Ủy ban Hành chính tỉnh bị bắt và chi đội II được lệnh giải tán, đồng chí ra Huế báo cáo với đồng chí Trần Hữu Dực bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Trung bộ. Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Giám đốc phòng liên lạc Miền Nam Trung bộ phân công đồng chí Nguyễn Hữu Hương ở lại công tác tại phòng làm đại diện Ủy ban hành chính Ninh Thuận.

Năm 1947, đồng chí chuyển ra Bình Định làm chủ nhiệm Việt Minh huyện Hoài Ân, Bình Định. Tại đây đồng chí Nguyễn Hữu Hương gặp lại vợ của mình đang làm công nhân ở xưởng dệt Xi Ta (bà chuyển ra Bình Định khi quân Pháp đánh chiếm Ninh Thuận). Được sự dìu dắt, hướng dẫn của đồng chí Nguyễn Hữu Hương, ngày 201/1/1949, bà Trần Thị Có được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam tại chi bộ thôn Bình Hòa, xã Ân Hảo, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Từ đây vợ chồng đồng chí có điều kiện gắn bó hơn trong cuộc sống và công tác.

Tháng 11/1954, Hội đồng tập kết Liên khu 5 quyết định cho vợ chồng đồng chí Nguyễn Hữu Hương tập kết ra Bắc. Đồng chí được cử làm hiệu trưởng trường Sơ-Trung cấp Bưu điện Hà Đông. Đến tháng 10/1956 đồng chí bị đau yếu phải chuyển về điều trị tại bệnh viện Việt  - Xô (Hà Nội). Đồng chí mất tại đây ngày 27/8/1961 và an táng tại nghĩa trang Văn Điển Hà Nội, đến năm 1978 mộ phần của đồng chí được cải táng đưa về chôn ở quê nhà.

Với những đóng góp lớn lao, đồng chí Nguyễn Hữu Hương được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu “Cách mạng lão thành” và Huân chương độc lập hạng hai.


Nhân vật lịch sử: PHAN TRUNG (1814 – 1886)

Ông Phan Trung còn có tên là Phan Cư Chánh, hiệu Bút Phong (Tùng Phong), tự Tử Đơn, sinh năm Giáp Tuất (1814) tại làng Tấn Lộc, tổng Kinh Dinh, phủ Ninh Thuận (nay thuộc phường Tấn Tài, Phan Rang-Tháp Chàm). Ông là con trai thứ ba của ông Phan Lễ (tự Vân Nghi) và bà Hồ Thị Thuận (tự Nguyên Khương).

Năm Thiệu Trị nguyên niên (Tân Sửu 1841) ông thi đậu khoa Hương Tiến đầu tiên do triều đình mở tại An Giang và được bổ làm tri huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, Gia Định. Sau một thời gian làm quan xa nhà, lấy cớ còn mẹ già, ông cáo quan về quê để phụng dưỡng, sống an nhàn nơi thôn dã.

Năm Tự Đức thứ 14 (Tân Dậu 1861), Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam bộ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường), triều đình Huế kêu gọi thân hào, nhân sĩ ở các tỉnh phía Nam mộ quân nghĩa dũng để phối hợp với quân Hoàng triều chống xâm lăng. Phan Trung liền hưởng ứng, tuyển mộ được hơn một ngàn người đặt thuộc quyền chỉ huy của lãnh binh Trương Công Định.

Nhờ công lao mấy năm làm quan ở huyện Tân Thạnh và tuyển mộ nghĩa quân chống Pháp, triều đình phong cho ông làm Hàn lâm viện Điển tịch, một thời gian sau lại phong Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ.

Tình hình chiến sự ở Nam Kỳ mỗi ngày càng thêm nghiêm trọng, nên triều đình Huế buộc phải thương nghị với quân Pháp mong kết thúc chiến tranh và Hòa ước Nhâm Tuất (1862) đã ra đời (cắt 3 tỉnh miền Đông Nam bộ giao cho Pháp).

Phan Trung được triệu về kinh và được phong Hàn lâm viện Thị độc học sĩ, kiêm thêm chức Điển nông sứ tỉnh Khánh Hòa (bao gồm cả Khánh Hòa, Ninh Thuận và một phần Bình Thuận). Với chức vụ mới này ông trực tiếp về các phủ, cổ động dân chúng, mộ dân phu, hợp lực với các quan Doanh điền sứ địa phương hướng dẫn khai khẩn đất hoang, đào mương làm hệ thống tưới nước cho các cánh đồng hơn 2 ngàn mẫu đã trở thành phì nhiêu xanh tốt. Nhờ vậy, dân chúng từ Khánh Hòa đến Bình Thuận đều được no ấm an vui.

Ngoài công lao khai hoang, dẫn thủy, lo đời sống cho dân, trong thời gian này ông còn chăm lo tiếp tế lương thực cho các nhóm nghĩa quân chống Pháp, che chở cho các vị chỉ huy kháng chiến và những người yêu nước không chịu hàng Pháp từ miền Nam ra Bình Thuận, Ninh Thuận lánh nạn.

Năm Mậu Dần 1878, ông được đề bạt hàm Hộ bộ Tả thị lang, nhưng vẫn giữ chức Điển nông sứ tỉnh Khánh Hòa.

Có thêm chi tiết: Báo An ninh thế giới số 59 ra ngày 18/1/1998 bài “Ai là người đầu tiên tổ chức và chỉ huy mạng lưới tình báo chống Pháp?”, tác giả Mai Thanh Hải đã căn cứ vào các văn thư của triều đình nhà Nguyễn còn lưu lại ở văn khố của Tử Cấm Thành và cho biết vai trò Điển nông sứ của Phan Trung thực chất là Cục tình báo do đích thân vua Tự Đức ra lệnh tổ chức và trực tiếp khai thác, 18 năm Phan Trung lãnh đạo Điển nông sứ, thực ra là 18 năm tổ chức và chỉ huy mạng lưới tình báo đầu tiên chống giặc Pháp xâm lăng.

Năm Kiến Phúc nguyên niên (Giáp Thân 1884), do tuổi già sức yếu lại thấy quân Pháp ngày càng áp chế triều đình, nội bộ triều thần cũng ngấm ngầm tranh giành quyền lợi, quan lại ươn hèn khiếp nhược, muốn đầu hàng Pháp ngày càng đông, nên ông xin từ quan về quê nhà. Ông từ trần ngày 8 tháng 11 năm Bính Tuất (1886) thọ 72 tuổi.

Nguyên nhân cái chết của Phan Trung (theo Gia phả), sau khi ông xin về trí sĩ (1884) ở quê ở làng Tấn Lộc, đến năm Ất Dậu (1885) thời vua Hàm Nghi, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tổ chức cuộc đánh úp quân Pháp tại Huế bị bại lộ, kinh đô thất thủ, vua phải xuất bôn, chạy ra Tân Sở, Quảng Trị, xuống chiếu Cần Vương. Nhân dân khắp nơi rầm rộ hưởng ứng theo nghĩa quân Cần Vương nổi dậy anh dũng chống Pháp với khẩu hiệu “Bình Tây sát tả” và đã cầm chân được bọn xâm lược một thời gian.

Phan Trung  có người cháu ruột tên Phan Liền, tự Lành lãnh đạo nhóm nghĩa quân kháng chiến tại phủ Ninh Thuận, đặt căn cứ tại Hòn Bà và vùng rừng Mông Đức (Ninh Phước) đã nhiều lần đem quân đánh quân Pháp.

Do việc này, quan lại địa phương đã sớ tấu về Huế hặc tội ông. Triều đình Huế lúc bấy giờ từ vua Đồng Khánh đến quan lại đều thân Pháp, nên chúng đã triệu ông về kinh để thọ hình. Trên đường về kinh, ông cùng những người thân tín tùy tùng nghỉ chân tại vùng Ba Ngòi là nơi trước đây ông đã có công giúp dân khai hoang lập ấp, và từ trần tại đây.

Sau khi ông từ trần, nhờ có quan địa phương cảm kích về khí tiết và công lao đức độ của ông nên đã tâu về triều đình rằng ông bị bệnh trên đường về kinh, chạy chữa không khỏi nên đã chết tại Ba Ngòi.

Đến năm Thành Thái nguyên niên (Kỷ Sửu 1889) các địa phương mang ơn ông về công nghiệp khai hoang, thủy lợi đã làm tờ trình về triều đình xin phong sắc về thờ tại các đình làng để hằng năm tế tự tưởng nhớ công ơn.

Cuộc kháng chiến của người cháu là Phan Lành sau đó cũng thất bại. Pháp và bọn Việt gian đem quân bao vay Mông Đức, Hòn Bà nhiều ngày và cuối cùng đã bắt được Phan Lành. Quân giặc đã chặt đầu ông đem bêu tại cây Me chợ Phan Rang 3 ngày đêm để thị uy dân chúng. Phan Lành hi sinh vào trung tuần tháng 8 năm 1889.


Nhân vật lịch sử: Nhà thơ NGUYỄN NHƯỢC THỊ (1830-1909)

Bà Nguyễn Nhược Thị tên thật là Nguyễn Thị Bích, tên đầy đủ là Nguyễn Nhược Thị Bích, thường gọi và ghi trong sử sách là Nguyễn Nhược Thị, tự là Lang Hoàn; là tác giả của tác phẩm thơ Hạnh Thục ca trong văn học cận đại Việt Nam.

Nguyễn Nhược Thị sinh tại làng Đông Giang, huyện An Phước, phủ Ninh Thuận (nay thuộc phường Đông Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm). Bà là con gái thứ 4 của ông Nguyễn Nhược Sơn, nguyên là Bố chính tỉnh Thanh Hóa và bà Thục nhân họ Nguyễn.

Nhờ tư chất thông minh, lại được đi học ngay từ nhỏ nên Nguyễn Nhược Thị sớm nổi tiếng về tài văn chương. Vừa có tài sắc lại được Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa tiến cử, năm 18 tuổi (1848) bà được tuyển vào cung. Trong một buổi ngâm vịnh, vua Tự Đức xướng đề thơ Tảo Mai (Hoa mai sớm nở), bài họa của bà được vua khen, tặng 20 nén bạc, cho sung chức Thượng nghi Viên sư để dạy học trong nội cung. Sau đó, bà lần lượt được phong: Tài nhân (1850), Mỹ nhân (1860), rồi Quý nhân. Năm 1868, bà được tấn phong là Lục giai Tiệp dư. Trong khoảng thời gian bà được cử làm thầy dạy "kinh điển và dạy tập nội đình" cho Đồng Khánh khi ông chưa lên ngôi nên trong cung người ta còn gọi bà là Tiệp Dư Phu Tử. Chính vì vậy bà được vua Tự Đức tin cậy, yêu mến, thường cho cùng đi trong những buổi vua đến vấn an và những cuộc trao đổi riêng với mẹ là Thái hậu Từ Dũ về công việc trong triều, trong hoàng tộc, những diễn biến của đất nước; một thời gian sau, Tiệp dư Nguyễn Nhược Thị trở thành Bí thư cho Thái hậu Từ Dũ, nhờ vậy mà bà biết được nhiều điều trao đổi giữa Thái hậu và vua Tự Đức.

Sau khi vua Tự Đức qua đời (1883), mọi ý chỉ sắc dụ của Lưỡng Tôn cung (chỉ Hoàng Thái hậu Từ Dũ và Chính phi Trang Ý) đều do một tay bà soạn thảo.

Trong thời kỳ "tứ nguyệt tam vương" (bốn tháng ba vua), cũng như những người ở nội cung, Tiệp dư Nguyễn Nhược Thị phải chịu sự chuyên chế của hai phụ chính đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường trong việc phế lập các vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc. Tháng 7 năm 1885 (Ất Dậu), cuộc phản công của phe chủ chiến đánh Pháp ở Kinh thành Huế thất bại. Phụ chính Tôn Thất Thuyết phải phò vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, bà hộ giá Tam cung chạy theo vua (đoàn chỉ đến Tân Sở rồi trở lại Khiêm Lăng – Huế). Không lâu sau, vì hoàn cảnh quá khổ sở, khó khăn, Tam cung trở lại Hoàng cung, chịu sự quản chế của Pháp.

Năm 1892, Nguyễn Nhược Thị được Thái Hoàng Thái hậu Từ Dũ tấn phong làm Tam giai Lễ tần. Năm 1909, bà qua đời tại Huế, thọ 79 tuổi. Lăng mộ bà hiện ở làng Dương Xuân Thượng, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hiện nay, tại đình làng Tây Giang, Phan Rang – Tháp Chàm có thờ vọng anh linh của bà. Hậu duệ đời thứ tư của bà Nguyễn Nhược Thị là ông Nguyễn Nhược Hồng hiện ở thôn An Thạnh, xã An Hải, huyện Ninh Phước.

Sáng tác thơ văn: Nguyễn Nhược Thị có một số bài thơ chữ Hán và từ sự kiện hộ giá phò vua Hàm Nghi và Tam cung ra Quảng Trị này, bà sáng tác tác phẩm thơ Hạnh Thục ca (còn có tên Loan dư Hạnh thục quốc âm ca) bằng chữ nôm. Tác phẩm dài 1.036 câu theo thể thơ lục bát, phần lớn kể lại mọi biến cố xảy ra từ khi quân Pháp sang đánh chiếm Việt Nam cho đến khi Thành Thái lên nối ngôi vua, qua đó nói về tình hình đất nước. Đây là một tác phẩm rất có giá trị về mặt sử liệu của một giai đoạn lịch sử.

Nguồn: http://portalold.ninhthuan.gov.vn/

icon-date
Xuất bản : 04/10/2022 - Cập nhật : 02/08/2023