logo

Đọc hiểu Ôi tổ quốc ta yêu như máu thịt (2 đề)

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Ôi tổ quốc ta yêu như máu thịt: Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào? Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên? Đoạn thơ trên sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của nó? Qua đoạn thơ trên tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì?

Đọc ngữ liệu dưới đây rồi trả lời các câu hỏi:

“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt

Như mẹ cha ta như vợ như chồng 

Ôi tổ quốc nếu cần ta chết

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”

(Trích Sao chiến thắng – Chế Lan Viên) 

Đọc hiểu Ôi tổ quốc ta yêu như máu thịt

Đọc hiểu Ôi tổ quốc ta yêu như máu thịt - Đề số 1

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên?

Câu 3. Đoạn thơ trên sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của nó?

Câu 4. Qua đoạn thơ trên tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Đoạn trích trên được viết theo thể thơ: Tự do

Câu 2. 

Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên: Biểu cảm

Câu 3. 

Đoạn thơ trên sử dụng biện pháp tu từ: So sánh, liệt kê.

- So sánh: Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt, như mẹ cha ta, như vợ như chồng

- Liệt kê: mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông

Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh, liệt kê:

- Giúp cho đoạn thơ được diễn đạt trở nên sinh động, hấp dẫn, gợi hình, gợi cảm hơn.

- Nhấn mạnh tình yêu nước nồng nàn, tha thiết.

- Qua đó chúng ta thấy được tình yêu đất nước của tác giả, nhắn nhủ cá nhân mỗi chúng ta cần biết yêu nước và cống hiến cho đất nước.

Câu 4. 

Qua đoạn thơ trên tác giả muốn gửi gắm thông điệp về tình yêu nước và sự cống hiến cho đất nước. Mỗi người sinh ra đều gắn bó với quê hương, đất nước của mình. Bởi vậy, tình yêu đất nước là lẽ đương nhiên. Yêu nước không chỉ giữ trong tim mà cần được cụ thể hóa bằng những hành động cống hiến có ý nghĩa. Như vậy, đất nước mới ngày càng văn minh và phát triển. Trong thời đại 4.0 hiện nay, mỗi chúng ta cần phát huy sự nhanh nhạy, chủ động của mình trong việc trau dồi tri thức, kĩ năng quan trọng như ngoại ngữ, tư duy phản biện, khả năng tự học, khả năng sử dụng công nghệ thông tin,... Những điều đó không chỉ làm đẹp trí tuệ bản thân mà còn giúp ích cho xã hội. Mỗi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường cần sống bao dung, yêu thương, nghĩa tình bởi yêu nước chính là yêu đồng bào mình. Bản thân em sẽ cố gắng gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc để góp phần giúp chúng không bị mai một đi.


Đọc hiểu Ôi tổ quốc ta yêu như máu thịt - Đề số 2

Đọc đoạn trích:

Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt,

Như mẹ cha ta, như vợ như chồng

Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...

Hãy cứ đo bể ta bằng luật - điều quốc tế

Trời xanh ta xanh bao nhiêu hải lý

Nhưng chớ đừng đo lòng căm giận chúng ta

Máu hơn ba chục năm trời ta đã đổ ra

Phải trăm năm mới có ngày độc lập

Ai đếm hết chuỗi người lên máy chém lúc hừng đông?

Roi vọt Côn Lôn, ngục tù Phú Quốc

Mỗi trang sử đất này đều nặng máu cha ông.

Hãy yêu! Hãy yêu! Hãy yêu tất cả

Một chiếc cầu vừa mới bắc qua sông

Một hợp tác lúa chiêm vàng óng ả

Một nhà ăn cửa sổ sơn hồng...

(Chế Lan Viên, Sao chiến thắng)

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. 

Anh/ chị hiểu nội dung các đoạn thơ sau như thế nào?

Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt,

Như mẹ cha ta, như vợ như chồng

Câu 3. Hãy cho biết hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ sau:

Hãy yêu! Hãy yêu! Hãy yêu tất cả

Một chiếc cầu vừa mới bắc qua sông

Một hợp tác lúa chiêm vàng óng ả

Một nhà ăn cửa sổ sơn hồng...

Câu 4. Từ niềm tự hào của tác giả về non sông đất nước, anh/chị thấy cần phải có trách nhiệm nào với đất nước.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Đoạn trích trên được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2. 

Qua biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong hai câu thơ: “ta yêu như máu thịt”, “như mẹ cha ta, như vợ như chồng” tác giả đã khẳng định được tình yêu mãnh liệt của mình đối với Tổ quốc. Hai dòng thơ đó cũng là lời nhắn nhủ tới mọi người hãy yêu thương đất nước và sống có trách nhiệm với đất nước. Vì đó chính là một gia đình, một gia đình lớn thứ hai của chúng ta. 

Câu 3. 

- Những câu thơ trên sử dụng phép điệp ngữ: “hãy yêu”, điệp từ “một”.

- Hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ trên là: Tạo nhịp điệu, góp phần thể hiện cảm xúc tươi vui, tự hào của tác giả trước vẻ đẹp của đất nước. Qua phép điệp ngữ cùng các hình ảnh liệt kê: “chiếc cầu vừa mới bắc qua sông”, “hợp tác lúa chiêm vàng óng ả”, “nhà ăn cửa sổ sơn hồng” Chế Lan Viên đã làm hiện lên một đất nước tươi đẹp, bình dị. Đất nước ấy là một đất nước gian lao mà anh dũng, vất vả mà đầy lạc quan, tràn đầy năng lượng sống.

Câu 4.

Từ niềm tự hào của tác giả về non sông đất nước, em thấy bản thân mình và đặc biệt là thế hệ trẻ cần phải có trách nhiệm với đất nước. Mỗi người cần có trách nhiệm yêu Tổ quốc, yêu quê hương, xóm làng, yêu đồng bào và yêu nếp sống văn hóa thủy chung của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Sẵn sàng hiến dâng nhiệt huyết, trí tuệ, tri thức để xây dựng, phát triển đất nước. Đấu tranh với các thế lực thù địch và những lý lẽ sai trái để bảo vệ đất nước. Những thế hệ thanh niên cần sẵn sàng lên đường chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

---------------------------------- 

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Ôi tổ quốc ta yêu như máu thịt. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập.

icon-date
Xuất bản : 09/05/2023 - Cập nhật : 29/06/2023