Hướng dẫn trả lời đề Đọc hiểu Những dòng chữ diệu kỳ Nguyễn Phan Khuê chi tiết, chính xác giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao.
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
NHỮNG DÒNG CHỮ DIỆU KỲ
Ngày ấy, cu Minh còn bé xíu, chưa đi học. Tôi rất quý nó, vì nhà nó có cả một thư viện nhỏ. Ba nó là thầy giáo dạy văn trên tỉnh. Cuối tháng, ông mới về nhà nghỉ một hai hôm. Mỗi lần về, ba nó mang theo cả một cặp toàn sách và báo. Khi ba nó đi khỏi là tôi lò dò tìm đến. Chao ôi toàn truyện là truyện! Tôi đọc ngốn ngấu, quên cả ăn cơm. Còn cu Minh thì cứ dửng dưng như không có gì. Cũng phải thôi, vì nó đã biết đọc chữ gì đâu. Tôi bỗng thấy thương nó vô cùng. Vậy mà mỗi khi tôi gọi vào để đọc cho nghe thì nó cứ nhấp nha nhấp nhổm đứng ngồi không yên.
Chiều mùa hè, bọn trẻ chúng tôi mỗi đứa đều có một cánh diều để thả. Thằng Minh rất thích chơi diều. Nó thích nhất là chiếc diều của thằng Hải, vì chiếc diều đó luôn bay cao nhất và đẹp nhất. Chiều hôm ấy, tôi thấy Minh xoắn lấy Hải. Và hôm sau đã thấy Minh cầm chiếc diều đó trên tay. Lạ thật! Hải có cho ai cái gì đâu? Khi tôi hỏi Minh, thì nó toét miệng cười:
– Em đổi cho anh ấy cuốn truyện ngoài bìa có vẽ mấy chú lùn với cô công chúa đấy!
– Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn! – Tôi kêu lên tiếc rẻ.
– Gạ mãi anh ấy mới đổi đấy!
Nhìn cánh diều trên trời cao, tôi thấy tức thằng Minh quá. Nhưng truyện là của nhà nó chứ có phải của tôi đâu!
Vài ngày sau, bọn chúng tôi chuyển sang chơi phi máy bay. Những chiếc máy bay được gấp bằng đủ các loại giấy. Tôi thấy Minh vui lắm. Quả thật những chiếc máy bay của nó to và đẹp lạ lùng. Mỗi khi lao lên trời nó lượn rất lâu rồi mới đậu xuống đất. Bây giờ thì giải nhất thuộc về Minh rồi. Nó vừa cười vừa mang những chiếc máy bay đến khoe tôi. Hóa ra Minh đã xé những tờ báo để gập máy bay.
Tôi nhìn nó quát lên:
– Mày biết những tờ báo này in gì không hả?
Nó xị mặt rồi cũng cáu lại với tôi:
– Em không thích truyện, mà chỉ thích những chiếc máy bay này thôi!
– Rồi về ba mày sẽ cho mày một trận cho mà xem!
Tuần ấy ba Minh về và nó bị mấy roi quắn đít thật. Nó khóc tấm tức nói với tôi:
– Sách báo thì có chơi được đâu mà ba cứ bắt em giữ cơ chứ!
– Là vì như thế này…
Tôi kéo nó ngồi xuống và kể cho nó nghe những câu chuyện mà tôi đã đọc được trong những quyển sách, những quyển báo ở nhà nó. Chuyện về những chú lùn tốt bụng, nàng công chúa xinh đẹp, những cung điện, lâu đài dát vàng dát bạc…Tôi thấy đôi mắt Minh sáng lên. Có lẽ nó không tin rằng từ những dòng chữ dày xít bé xíu kia tôi đã nhìn thấy tất cả những điều lung linh đó.
– Đến tuổi rồi, em phải chịu khó học đọc, học viết đi, rồi em cũng sẽ tự đọc được những câu chuyện hay, tự mình nhìn thấy những hoàng tử công chúa, tự mình phiêu lưu với những con sóng trên biển khơi hay tự mình cất cao đôi cánh trên bầu trời bao la mà không cần anh dẫn đi nữa…
Minh gật đầu. Và từ bữa đó, hôm nào tôi cũng đến nhà nó, tìm những cuốn truyện hay nhất trên giá sách đọc cho nó nghe. Tất nhiên là chính tôi rất mê những câu chuyện trong ấy…
(Trích: “Hương hoa hoàng lan” - Nguyễn Phan Khuê, https://vanvn.vn/)
Câu 1: Truyện “Những dòng chữ diệu kì được kể theo ngôi thứ mấy?
Câu 2: Không gian nhà của Minh được miêu tả qua những từ ngữ nào?
Câu 3: Tìm và nêu tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong câu sau: Đến tuổi rồi, em phải chịu khó học đọc, học viết đi, rồi em cũng sẽ tự đọc được những câu chuyện hay, tự mình nhìn thấy những hoàng tử công chúa, tự mình phiêu lưu với những con sóng trên biển khơi hay tự mình cất cao đôi cánh trên bầu trời bao la mà không cần anh dẫn đi nữa…
Câu 4: Nhận xét một phẩm chất nổi bật của nhân vật “tôi” trong truyện?
Câu 5: Từ văn bản, hãy rút ra một thông điệp mà em thấy ý nghĩa nhất và giải thích vì sao?
Trả lời
Câu 1:
Ngôi kể: ngôi thứ nhất, người kể là nhân vật “tôi”.
Câu 2:
Không gian ngôi nhà của Minh được miêu tả qua các chi tiết: là một thư viện nhỏ, toàn truyện là truyện.
Câu 3:
- Biện pháp tu từ liệt kê: tự đọc được những câu chuyện hay, tự mình nhìn thấy những hoàng tử công chúa, tự mình phiêu lưu với những con sóng trên biển khơi hay tự mình cất cao đôi cánh trên bầu trời bao la
- Tác dụng:
+ Làm cho lời văn sinh động, hập dẫn, nhịp nhàng, mạch lạc, hấp dẫn người đọc.
+ Nhấn mạnh vai trò quan trọng của tri thức: mở ra một thế giới mới lạ, đầy cuốn hút và tạo sự hứng khởi, sức hấp dẫn của việc học tập, khám phá.
+ Qua đó, tác giả nhắc nhở chúng ta không ngừng học tập để mở mang tri thức và làm giàu vốn hiểu biết của bản thân.
Câu 4:
- Nét phẩm chất nổi bật của nhân vật “tôi” trong văn bản: say mê, giàu tình yêu sách.
- Vẻ đẹp ấy được thể hiện rõ nét qua chi tiết: khi đến nhà Minh, ngôi nhà như một cái thư viện nhỏ, nhân vật “tôi” đã phải thốt lên “Chao tôi toàn là sách”, đọc sách ngốn ngấu quên cả ăn cơm; khi Minh đổi sách lấy diều, lấy báo gấp diều nhân vật “tôi” đã rất tức giận.
- Có thể thấy đó là một nét tính cách tiêu biểu của những đứa trẻ ham học hỏi. Họ luôn trân trọng, nâng niu, yêu quý sách.
Câu 5:
Từ văn bản, tôi rút ra thông điệp, con người cần yêu quý, nâng niu sách. Thông điệp đó thể hiện qua nhân vật “tôi” với niềm say mê đọc sách, thái độ tức giận của “tôi”mỗi khi thấy Minh lấy sách làm đồ chơi và cả trong lời nhắc nhở của “tôi” với Minh hãy chăm chỉ đọc sách để tự khám phá bầu trời bao la của tri thức.
Thông điệp này rất ý nghĩa và đúng đắn. Bởi, sách là kho tàng tri thức nhân loại, đọc sách sẽ giúp chúng ta mở mang, làm giàu hơn vốn tri thức của bản thân. Thông qua sách chúng ta sẽ rèn cho mình thói quen tự học. Đồng thời, sách còn là phương tiện giải trí, giúp ta có những phút giây thư thái, nhẹ nhàng.