Tuyển tập các đề Đọc hiểu Mẹ đưa con đi thi thi hay nhất. Các câu hỏi và trả lời đọc hiểu được sưu tầm từ các đề thi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo.
Mẹ đưa con đi thi
Mẹ đưa con đi thi
Cơm nắm
Khẩu trang
Mũ trùm đầu kín mít
Đường quá đông, còi xe vang như thét
Khó đi hơn cả đường cày
Con ơi, còn “phen” này
Thoát khỏi ách đồng lầm ruộng ngấu
Thoát khỏi cảnh gặt lúa đêm tránh nắng
Cầm tay mẹ nào, làm bài cố nhé con!
Cha đưa con đi thi
Áo nhàu
Da sạm
Lưng giắt thêm cái điếu cày
Con ơi, cả nhà chỉ trông vào mày
Đừng lo lắng, lúa ngoài đồng đã bán
Đủ tiền tàu xe, đủ cơm ngày ba bữa
Còn “đận” này, làm bài cố nhé con!
Nắng nóng héo hon
Mặt đường bê tông bóng rát
Vạ vật bên đường chờ làn gió mát
Chờ con tan thi, phấp phỏng nụ cười
Con làm bài
Mệt nhoài
Khó nhọc
Cos với sin quay cuồng trong lồng ngực
Áp lực đổi đời oằn trĩu những giọng văn…
Thương biết bao giọt nước mắt những người cha
Và xót xa giọt mồ hôi những mẹ quê lam lũ
Tìm ra lối đi nào cho cuộc đời thôi vần vũ
Hay cứ phải cược “số phận” mình… trong những cuộc thi?
(Thơ Đỗ Nhật Nam, Dẫn theo Báo Dân Việt, thứ 6, ngày 03/07/2015)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ trên
Câu 2: Nỗi vất vả, khó nhọc của mẹ, của cha, của con được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào?
Câu 3: Theo anh/chị, mong muốn của cha, của mẹ, của con trong kì thi là gì?
Câu 4: Anh/chị nhận ra thông điệp gì cho bản thân qua câu hỏi mà tác giả đặt ra ở cuối bài thơ. (Trình bày từ 5 đến 7 dòng):
Tìm ra lối đi nào cho cuộc đời thôi vần vũ
Hay cứ phải cược “số phận” mình… trong những cuộc thi?
Trả lời câu hỏi đọc hiểu:
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ là: biểu cảm.
Câu 2:
Nỗi vất vả, khó nhọc của mẹ, của cha, của con được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh cụ thể:
+ Của mẹ: Gặt lúa đêm tránh nắng.
+ Của cha: áo nhàu, vai sạm, lưng gắt thêm cái điếu cày, vạ vật bên đường chờ làn gió mát.
+ Của con: mệt nhoài, khó nhọc, áp lực đổi đời oằn trĩu những dòng văn.
Câu 3:
Người cha, người mẹ tần tảo sớm hôm chỉ mong con có một cuộc sống tốt, được học tập đầy đủ, mong muốn cho con thi đại học đạt kết quả cao để có một hành trang vững bước trên đường đời.
Câu 4:
Hai câu nói trên như một hồi chuông vang vọng trong suy nghĩ của em về nỗi băn khoăn, trăn trở khi lựa chọn con đường cho cuộc đời của mình. Mỗi chúng ta đều có những cuộc đời riêng, không phải ai cũng lựa chọn con đường học đại học để khẳng định bản thân mình. Có những người đã và đang rất thành công khi lựa chọn đi làm sớm mà không bước vào môi trường đại học. Bên cạnh đó, phần lớn mọi người chọn lối đi an toàn hơn chính là việc đi học đại học để trang bị cho mình một hành trang vững vàng trước khi tiến đến thành công đó. May mắn hơn, có những người vừa có thể kết hợp việc trau dồi kiến thức với công việc kiếm tiền tận dụng từ những lợi thế của bạn thân. Ở đây, hai câu thơ muốn gửi gắm thông điệp rằng: cuộc đời có nhiều ngã lẽ, lối đi vậy nên gửi gắm cuộc đời của mình vào đại học không hẳn là sự lựa chọn đúng đắn nhất.
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1: Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào
Câu 2: Em hiểu như thế nào về đoạn thơ trên:
Nắng nóng héo hon
Mặt đường bê tông bóng rát
Vạ vật bên đường chờ làn gió mát
Chờ con tan thi, phấp phỏng nụ cười
Câu 3: Từ đoạn thơ trên, là một người con, em cần làm gì để đền đáp công ơn của cha mẹ?
Trả lời câu hỏi đọc hiểu:
Câu 1:
Bài thơ trên được viết theo thể thơ tự do
Câu 2:
Bốn câu thơ trên tuy xuất phát từ những hành động đơn giản nhưng đủ nói lên tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ dành cho con. Dẫu trời có nắng nóng, cha mẹ vẫn đứng ngóng đợi con từng giây từng phút. Lo cho con không biết con làm bài có tốt không, thương con vì áp lực thi cử mà quên mất rằng mình cũng đang đứng dưới trời “nắng héo hon”, “mặt đường bê tông nóng rát”. Tuy mệt mỏi là thế nhưng được thấy con cắp sách vở đến trường, chinh phục cái chữ, cha mẹ cũng “phấp phỏng nụ cười”. Chính vì vậy ông cha ta mới có câu “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Câu 3:
Trước công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, là bậc con, mỗi con người chúng ta phải cố gắng học tập, không ngừng rèn luyện để đền đáp lại những khó nhọc, vất vả mà cha mẹ đã đánh đổi tuổi xuân chỉ mong chúng ta nên người. Song song với việc học tập, ta cần phải biết ngoan ngoãn, hiếu thảo, không làm phụ lòng cha mẹ bởi chỉ có cha mẹ với là người yêu thương chúng ta vô bờ bến.
-----------------------------------------
Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Mẹ đưa con đi thi. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập.