logo

Đọc hiểu lời bài hát Tâm hồn của đá

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu lời bài hát Tâm hồn của đá hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu lời bài hát Tâm hồn của đá đầy đủ nhất.


Đọc hiểu lời bài hát Tâm hồn của đá - Đề số 1

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Một đời vô danh đá sống vẫn thờ ơ 

Nhọc nhằn năm tháng, tháng năm nhọc nhằn thêm 

Đá sống không thật gần ai và cách xa mọi người 

Dường như không biết yêu và dường như không biết nhớ 

Vì con tim giá băng nên tâm hồn vô nghĩa 

 

Vốn sống đời tha phương 

Mòn gót bước mà thấy trong lòng như luôn luôn lẻ loi 

 

Đừng sống giống như hòn đá, giống như hòn đá 

Sống không một tình yêu 

Sống chỉ biết thân mình 

Tâm hồn luôn luôn băng giá 

Đừng hóa thân thành đá 

Vì tâm hồn đá giá băng 

 

Từng ngày cuộc sống thoáng chốc lại đổi thay 

Bầu trời mỗi tối có biết bao sao đổi ngôi 

Nhưng có bao giờ hòn đá ấy bỗng khóc như loài người 

Vì đá không biết yêu và vì đá không biết nhớ 

Vì con tim giá băng nên tâm hồn vô nghĩa 

…    (Trích lời bài hát Tâm hồn của đá- nhạc sĩ Trần Lập)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích? 

Câu 2. Chỉ ra và phân tích hiệu quả của một biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn trích trên?

Câu 3. Trong lời hát trên, có một câu hát được hát lại nhiều lần? Nêu cách hiểu về ý nghĩa câu hát đó?

Câu 4. Thông điệp ý nghĩa nhất mà anh (chị) cảm nhận được trong lời bài hát trên? 

Đáp án:

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ: nghệ thuật

Câu 2. Học sinh có thể chỉ ra một trong các biện pháp: điêp từ, điệp cấu trúc, nhân hóa, ẩn dụ...

Tác dụng: gắn với từng biện pháp và cần bám sát vào nội dung văn bản.

Câu 3.

- Câu hát: Vì con tim giá băng nên tâm hồn vô nghĩa

- Con tim giá băng: chỉ sự  ích kỉ, vô tâm, chỉ biết thân mình, không có tình yêu thương. Tâm hồn vô nghĩa: một trái tim ích kỉ, không có tình yêu thương thì cũng sẽ đi cùng một tâm hồn trống rỗng, khô cằn.

Câu 4.  Học sinh có thể rút ra một số thông điệp sống từ lời bài hát:

- Sống phải biết yêu thương, hòa đồng, sẻ chia.

- Tránh xa lối sống ích kỉ, cô độc, vô cảm.

- Hãy nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng một trái tim ấm nóng


Đọc hiểu lời bài hát Tâm hồn của đá - Đề số 2

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Một đời vô danh đá sống vẫn thờ ơ 

Nhọc nhằn năm tháng, tháng năm nhọc nhằn thêm 

Đá sống không thật gần ai và cách xa mọi người 

Dường như không biết yêu và dường như không biết nhớ 

Vì con tim giá băng nên tâm hồn vô nghĩa 

 

Vốn sống đời tha phương 

Mòn gót bước mà thấy trong lòng như luôn luôn lẻ loi 

 

Đừng sống giống như hòn đá, giống như hòn đá 

Sống không một tình yêu 

Sống chỉ biết thân mình 

Tâm hồn luôn luôn băng giá 

Đừng hóa thân thành đá 

Vì tâm hồn đá giá băng 

 

Từng ngày cuộc sống thoáng chốc lại đổi thay 

Bầu trời mỗi tối có biết bao sao đổi ngôi 

Nhưng có bao giờ hòn đá ấy bỗng khóc như loài người 

Vì đá không biết yêu và vì đá không biết nhớ 

Vì con tim giá băng nên tâm hồn vô nghĩa 

…    (Trích lời bài hát Tâm hồn của đá- nhạc sĩ Trần Lập)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn trích

Câu 2. Anh/chị hiểu như thế nào về hình ảnh “Vì con tim giá băng nên tâm hồn vô nghĩa”?

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu thơ sau:

“Đừng sống giống như hòn đá, giống như hòn đá 

Sống không một tình yêu 

Sống chỉ biết thân mình 

Tâm hồn luôn luôn băng giá”

Câu 4. Nêu cảm nhận của anh/chị về thái độ và phương châm sống trong lời bài hát?

Đáp án:

Câu 1.

Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

Câu 2.

Hình ảnh này có nghĩa là khi con người sống vô cảm, thờ ơ với cuộc sống, với những người xung quanh thì lúc ấy đồng nghĩa với việc tâm hồn của họ cũng chẳng có ý nghĩa gì với chính họ và những người xung quanh

Câu 3.

- Biện pháp tu từ so sánh "như hòn đá"

- Tác dụng: tác giả đưa ra hình ảnh so sánh lối sống vô cảm của con người giống như hòn đá vô tri. Chính vì vậy mà thông điệp truyền đạt trở nên sinh động và chân thực hơn

Câu 4.

Phương châm sống mà tác giả muốn truyền tải qua bài hát đó là con người cần phải sống yêu thương với chính bản thân mình, với những người xung quanh mình. Chúng ta không nên sống vô cảm, lãnh đạm giống như những hòn đá để mà lãnh cảm với cuộc sống, với những người xung quanh

****

Trong bài hát 'Tâm hồn của đá", nhạc sĩ Trần Lập đã viết "Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu, sống chi biết thân mình, tâm hồn luôn luôn băng giá, đừng hóa thân thành đá..." Theo em, lời hát trên là một lời hát chứa đựng thông điệp khuyên nhủ con người sống trên đời không nên thờ ơ, vô cảm, lanh lùng với những người xung quanh. Hòn đá là hình ảnh ẩn dụ cho thái độ sống lạnh nhạt, thờ ơ, bàng quang với mọi chuyện xung quanh và vô cảm với người khác. Chính vì vậy, lời hát "đừng sống như hòn đá" hay "đừng hóa thân thành đá" chính là lời khuyên nhủ con người đừng tự biến tâm hồn mình trở thành những hòn đá trợ trọi, cằn cỗi và thờ ơ với những người xung quanh. Thái độ sống thờ ơ, vô cảm của con người được biểu hiện bằng việc dường như ta không quan tâm đến những chuyện xảy ra xung quanh mình, tại gia đình mình và bên ngoài xã hội. Không những chúng ta chỉ quan tâm đến lợi ích của chính mình mà còn thờ ơ với nỗi đau của người khác cũng như tách rời trách nhiệm của mình ra khỏi trách nhiệm đối với gia đình, với xã hội, với đất nước. Điều mà họ quan tâm đó chính là lợi ích của bản thân mình, những nỗi đau và những biến chuyển của xã hội chẳng thể gây được sự chú ý của họ. Cứ như thế, trong xã hội, xuất hiện những con người sống buông thả và biệt lập. Trong cuộc sống ngày nay, con người dễ dàng sống thờ ơ và vô cảm với nhau do việc lạm dụng quá mức các thiết bị thông minh. Lối sống ấy thực sự tai hại đối với chính chúng ta và những người khác. Đầu tiên, sự thờ ơ của chúng ta sẽ làm suy giảm mối quan hệ của mình với gia đình, với xã hội, với những người xung quanh. Thái độ sống vô cảm, lạnh lùng sẽ dẫn đến hậu quả của việc suy đồi đi truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Thứ hai, chúng ta sẽ tự làm hại chính mình, làm giảm đi sự tương tác và sự năng động, sự ấm áp của chính mình. Con người cần biết vui, biết ghét, biết rung động và biết nhìn ra thế giới để xây dựng nhân sinh quan sống cho riêng mình. Cuối cùng, thái độ sống như vậy sẽ làm chúng ta tự dẫn mình đến ngõ cụt của bế tắc. Việc sống buông thả sẽ chẳng thể nào xây dựng được 1 tương lai tốt cho các em. Vậy nên ta hãy luôn lan tỏa tình yêu thương đến nhiều người xung quanh hơn nữa để cảm nhận cuộc sống này vẫn tươi đẹp biết bao. Tóm lại, lời bài hát của nhạc sĩ Trần Lập đã khẳng định được lối sống yêu thương, lan tỏa năng lượng tích cực ra những người xung quanh thay vì chỉ biết riêng mình.

Cùng Top lời giải tìm hiểu thêm một số bài văn mẫu nghị luận về câu hát: Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu...

Dàn Ý nghị luận Về Câu Hát: Đừng Sống Như Hòn Đá, Sống Không Một Tình Yêu...

1. Mở bài

- Con người sinh ra là một niềm hạnh phúc, nhưng sống như thế nào cho ý nghĩa thì không phải ai cũng làm tốt được.
- Lời bài hát của cố nhạc sĩ Trần Lập: "Đừng sống như hòn đá, .." là lời khuyên răn chúng ta về cuộc sống yêu thương, sẻ chia.

2. Thân bài:

* Giải thích quan niệm của tác giả:

- Đá: vật vô tri, có ở mọi nơi, dùng đến trong cuộc sống con người, vẻ ngoài rắn rỏi

- Nó sống ở một vũ trụ riêng, không quan tâm đến ai, vật gì, không sẻ chia, ích kỉ.

- Lối sống ích kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi, thiếu tình cảm, chỉ biết bản thân.

- Tác giả muốn ẩn dụ tới cuộc sống của con người: không tình cảm, khô khan, ích kỷ.

* Bàn luận vấn đề:

- Sống ý nghĩa, chan hòa, quan tâm tới người khác là lối sống con người nên hướng đến để trở thành người có ích cho xã hội:

+ Con người nên sống yêu thương nhau

+ Dẫn chứng: Đội hiệp sĩ đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh: giúp người bị nạn trong đêm, không nề hà về công sức, thời gian
Vũ công Đào Phi Hải: hai mươi tư tuổi nhận nuôi ba đứa trẻ mồ côi -> tình yêu thương con người đã giúp Hải làm được điều đó.

+ Con người nên sống biết yêu thương nhau, đừng để trở thành những con người ích kỷ, nhỏ nhen trong cuộc sống.

- Sống sẻ chia, chiến thắng sự ích kỷ của bản thân:

+ "Nơi lạnh giá nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương con người" -> tình yêu thương xóa đi khoảng cách cũng như sự lạnh giá tâm hồn con người

+ Biển Chết: không sẻ chia, không có sự sống.

+ Cần sẻ chia yêu thương để cuộc sống thêm ý nghĩa.

+ Dẫn chứng: Một cô gái Mỹ mười tám tuổi đến châu Phi mua đất, dựng nhà để nuôi hai trăm trẻ em nghèo.

+ Phạm Thanh Tâm cứu sống đứa trẻ suy dinh dưỡng ở Lào Cai, ...

- Sự sẻ chia yêu thương giúp khoảng cách giữa con người gần lại với nhau hơn.

- Phê phán: Vẫn còn những trường hợp sống vô cảm, ích kỷ, nhỏ nhen:

+ Trường hợp của tử tù Nguyễn Hải Dương: sát hại gia đình bạn gái

+ Vụ hôi bia ở Đồng Nai

+ Con người cần mở rộng tấm lòng, sẻ chia với nhau, giao lưu học hỏi những điều mới mẻ để sống biết yêu thương hơn.

* Kết luận chung:

- Lời nhắn nhủ tâm tình của nhạc sĩ Trần Lập luôn sống động trong lòng chúng ta.

- Hãy luôn sống vì mọi người.

3. Kết luận:

- Dân tộc ta có truyền thống yêu thương nhau, cần phát huy hơn nữa truyền thống ấy.

Bộ đề Đọc hiểu lời bài hát Tâm hồn của đá

Nghị luận Về Câu Hát: Đừng Sống Như Hòn Đá, Sống Không Một Tình Yêu – Mẫu số 1

"Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng để làm gì, em biết không?" Những lời hát trong bài hát "Để gió cuốn đi" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên thật êm dịu, ru ấm tâm hồn ta. Những lời hát đó là tấm lòng, là thông điệp đầy ý nghĩa mà Trịnh Công Sơn muốn gửi đến hàng vạn con người trên đất nước Việt Nam tươi đẹp: Hãy sống yêu thương nhau, mang đến với nhau bằng cả tấm lòng chan chứa yêu thương. Cũng cùng với tâm niệm như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cố nhạc sĩ Trần Lập cũng gửi gắm một thông điệp như thế trong sáng tác "Tâm hồn của đá" của mình: "Đừng sống giống như hòn đá, sống không tình yêu, sống chỉ biết riêng mình. Đừng hóa thân thành đá, vì tâm hồn đá giá băng"...

Tuy đã rời xa thế gian, nhưng những lời hát của tác giả Trần Lập mới gửi gắm vẫn còn vẹn nguyên những giá trị ban đầu. Tại sao nhạc sĩ Trần Lập lại khuyên chúng ta đừng sống như hòn đá? "Hòn đá" vốn là một thứ vô tri vô giác, nhỏ bé, xuất hiện ở khắp mọi nẻo đường, từ nơi vùng núi tới nơi đồng bằng. Nó sống một cuộc sống xa cách với mọi người, đơn giản, đơn điệu, không màu sắc. Hòn đá đó sống giữa một vũ trụ riêng của bản thân nó mà không quan tâm tới bất kì điều gì bên ngoài. Phải chăng hòn đá ấy chính là sự ẩn dụ cho lòng vô cảm của con người, cho lối sống ích kỷ, cá nhân, hẹp hòi, khô khan, thiếu tình cảm? Con người trong xã hội tiên tiến này phải chăng đang dần biến lối sống đó trở thành lối sống của bản thân mình,... , chỉ biết tới cá nhân mà quên đi hết thảy những người khác xung quanh mình? Không, điều đó là không thế! Vậy nên, những lời hát đó của nhạc sĩ Trần Lập đã giúp chúng ta nhận ra một điều vô cùng ý nghĩa rằng: Hãy sống chan hòa, yêu thương mọi người, hãy đồng cảm, sẻ chia, mở rộng tấm lòng mình để đón nhận biển lớn tình yêu của nhân loại, đừng sống lẻ loi mà quên đi người khác bên cạnh.

"Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình người", nhà văn Go - rơ - ki đã nói như vậy đấy. Phải, nơi lạnh nhất không phải là nơi có băng giá của thiên nhiên mà đó là nơi tồn tại băng giá của lòng người.Con người chúng ta sống cùng với nhau, tại sao không thể sống yêu thương, chan hòa, quan tâm tới người khác để mang lại niềm tin giữa cuộc đời và trở thành một người có ích hơn với xã hội?

Lục tìm đâu đó trong trí nhớ của chúng ta, chúng ta vẫn hàng ngày hàng giờ nhận ra những con người sống ích kỷ, thờ ơ với đồng loại của chúng mình. Hãy nhìn xem trên chiếc xe bus chúng ta đi hàng ngày, vấn nạn trộm cắp vặt trên xe, rồi những thanh niên sức dài vai rộng chẳng biết nhường chỗ cho một bà già, cho một người thai phụ? Đâu đó, chúng ta vẫn thấy quanh mình những "biển chết" ích kỷ, bởi họ nghĩ rằng đó không phải trách nhiệm cũng chẳng phải nghĩa vụ để họ phải làm như vậy. Đó là sự ích kỷ, sự cá nhân hóa. Tại sao chúng ta không thể dang tay giúp đỡ những người chỉ đơn giản là đồng loại của chính mình?

Thế nhưng, không phải ai trong xã hội chúng ta cũng mang đến sự thờ ơ, vô cảm đến đâu xót như vậy, chúng ta vẫn có những tấm gương về lối sống cao đẹp, sông yêu thương con người. Hãy nhìn xem những người anh người chú trong đội Hiệp sĩ đường phố tại thành phố Hồ Chí Minh. Các anh đang từng ngày từng giờ giúp đỡ những người không may gặp nạn trên đường ban tối, giúp đỡ sửa xe miễn phí cho người đi đường. Họ bỏ thời gian, công sức của mình để giúp đỡ người khác mà không hề nề hà khó khăn, cực nhọc. Đó chẳng phải là một cuộc sống tràn đầy tình yêu thương giữa người với người hay sao? Và cũng hãy nhìn xem, tấm gương chàng trai trẻ Đào Ngọc Hải ở Sài Gòn, chàng trai ấy mới chỉ hai mươi tư, hai mươi lăm tuổi. Ở cái tuổi vẫn còn non trẻ ấy, chàng trai vũ công ấy đã nhận đỡ đầu và nuôi nấng ba đứa trẻ mồ côi mẹ mất vì ung thư. Thử hỏi, nếu không có tình yêu thương, sự nhân hậu, một lối sống cao đẹp thì liệu một chàng trai vẫn còn trẻ tuổi như vậy có chịu khép mình làm cha, nhận trách nhiệm cao cả để trở thành một người trụ cột nuôi ba đứa trẻ kia hay không? Và còn hàng ngàn, hàng ngàn những con người khác đang ngày đêm dựng xây lên một cuộc sống ý nghĩa biết bao?

Chúng ta, ai cũng từng nghe tới câu chuyện về biển Chết, đó là một biển nhỏ, mặn chát và không hề có sự sống. Bởi vì nó không bao giờ biết chia sẻ những giọt nước của mình tới những hồ hay biển khác. Nó giữ riêng cho mình những giọt nước đó và biến mình trở thành một con biển cô đơn nhất thế gian. Phải, chúng ta bắt gặp những "biển chết" ấy vô số ở quanh ta. Họ ích kỉ đến nỗi chẳng hề sẻ chia bất cứ thứ gì của mình cho người khác, họ nghĩ rằng như thế là đúng, hoàn toàn không sai. Nhưng họ đâu biết răng một cuộc sống sẻ chia yêu thương thì mới là một cuộc sống hạnh phúc. Cuộc sống ấy sẽ giúp ta bớt đi những nhỏ nhen, vị kỷ trong lòng. Bởi tình yêu thương con người sẽ xóa đi hết khoảng cách, xoa dịu đi hết những tâm hồn đang chịu những tổn thương.

Cuộc sống tràn đầy yêu thương ấy chúng ta đã bắt gặp nhiều vô cùng ngày nay. Mới đây một cô gái người Mỹ đã dành năm ngàn đô la của mình để mua một mảnh đất tại một đất nước nghèo ở châu Phi để dựng nhà và nuôi sống hai trăm đứa trẻ. Đó là khoảng tiền cô ấy đã tiết kiệm từ khi năm tuổi bằng những công việc nhỏ bé của mình. Và cô gái ấy, cô mới chỉ mười tám tuổi thôi. Ở một cái tuổi vừa chập chững vào đời, cô ấy đã dùng cả tấm lòng bao la của mình để sẻ chia tình yêu thương đối với những đứa trẻ xa lạ, bởi cô ấy đã biết rằng: cho đi là còn mãi. Và chúng ta cũng không quên, hình ảnh của nữ 9x xinh đẹp Phạm Thanh Tâm, người đã cưu mang đứa bé mười bốn tháng tuổi tại Lào Cai khi em sinh ra bị suy dinh dưỡng và chỉ nặng có hơn ba cân. Phải, tình yêu thương, sự sẻ chia đã giúp chúng ta chiến thắng tất cả. Vật chất quan trọng thế nhưng tình yêu thương, sự sẻ chia giữa con người còn quan trọng gấp nhiều lần. Bởi chỉ có sự sẻ chia yêu thương thì cuộc sống của chúng ta mới có được thêm nhiều ý nghĩa hơn nữa.

Thế nhưng, đó đây, ta vẫn thấy những câu chuyện đau lòng về tình người trong xã hội. Đó là sự thờ ơ, sự vô cảm, máu lạnh của một số bộ phận con người. Họ vô tâm, sống ích kỷ và chẳng hề biết sẻ chia trong cuộc sống. Hình ảnh của sát thủ Nguyễn Hải Dương - người đã gây ra vụ thảm sát tại Bình Dương làm sáu người chết chỉ vì mâu thuẫn trong tình cảm, mâu thuẫn giữa người với người. Chỉ một chút yêu thương, ngồi lại cùng chia sẻ, liệu có dẫn tới những sự việc đau lòng tới vậy hay không? Rồi hãy nhìn xem, vụ "hôi bia" ở Đồng Nai vẫn còn đang nóng hổi. Một người lái xe thuê cho chủ hàng bị lật xe, đổ hết hàng hóa, vậy mà người dân ở đó lại chẳng hề chung tay giúp đỡ người không may kia. Họ mặc nhiên nhặt nhạnh những chai bia chưa vỡ mặc kệ những lời van xin của người lái xe tội nghiệp. Một cộng đồng thật ích kỷ, thật nhỏ nhen biết chừng nào!

Vẫn biết trong xã hội là tập hợp của một cộng đồng người, trong đó vẫn có những người có tư tưởng ích kỷ, nhỏ nhen, thế nhưng chúng ta vẫn cứ hãy mở rộng lòng mình đón nhận, sẻ chia đi những yêu thương trong cuộc sống, học hỏi những điều mới mẻ để sống có ý nghĩa hơn nữa. Và đó cũng là lời nhắn nhủ vô cùng thắm thiết mà nhạc sĩ Trần Lập muốn gửi gắm cho chúng ta: Đừng sống như hòn đá, sống không tình yêu, sống chỉ biết riêng mình, ...

Dân tộc ta có truyền thống đoàn kết, yêu thương nhau, là lành đùm lá rách. Truyền thống ấy vẫn luôn in sâu vào tâm hồn của mỗi người. Và lời bài hát ấy của cố nhạc sĩ Trần Lập cũng chính là lời ca mang đậm tính nhân văn sâu sắc, mang đầy sự trăn trở về cuộc đời của anh. Đó đây, lời nhạc của bài hát "Tâm hồn của đá" vang vọng lên, nhắn nhủ chúng ta về một cuộc sống tràn đầy yêu thương, ý nghĩa, không còn ích kỉ, nhỏ nhen: Đừng sống như hòn đá, sống không tình yêu, sống chỉ biết riêng mình. Đừng hóa thân thành đá, ...

Nghị luận về câu hát Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu – Mẫu số 2

Cuộc sống như một dòng nước xanh trong lững lờ trôi; không cần đến những con sóng dữ dội khiến ta thấy chao đảo ngả nghiêng; không cần đến màu sắc rực rỡ vì chỉ làm cho ta huyễn ảo về hạnh phúc. Trên hành trình đi tìm mục đích của cuộc sống, ta cần sự nhẹ nhàng như dòng nước để ung dung, tĩnh lặng với gian lao và cần tình yêu thương bao bọc tâm hồn trước cuộc đời lắm nỗi. Có lẽ điều đó cũng phù hợp với quan niệm sống của nghệ sĩ Trần Lập được thể hiện qua lời bài hát “Tâm hồn của đá”:

“Đừng sống giống như hòn đá, giống như hòn đá 

Sống không một tình yêu

Sống chỉ biết thân mình

Tâm hồn luôn luôn băng giá

Đừng hóa thân thành đá ”

Ta vẫn biết, đá là một vật thô kệch, rắn chắc và vô tri vô giác, không hề có một phản ứng hay cảm xúc nào cả. “Sống như hòn đá” khác gì việc sống lạnh lùng, thờ ơ, cô lập bản thân với mọi người xung quanh và vô cảm với niềm vui, nỗi khổ của con người. Từ khi được sinh ra, con người cần biết bao tình yêu thương hay chí ít là sống đúng nghĩa với từng phút, từng giây của đời mình. Qua lời bài hát của mình, Trần Lập muốn gửi gắm đến ta một kinh nghiệm sống sâu sắc: một ngày so với đời người là quá ngắn ngủi nhưng một đời người lại do mỗi ngày tạo nên, vì thế ta hãy sống thật ý nghĩa, biết yêu thương để phá tan lớp băng của sự vô cảm, lạnh lùng giữa con người với nhau.

Mỗi chúng ta chính là một phần tử của xã hội. Nhiều cá nhân gắn kết, yêu thương nhau và cùng nhau xây dựng cuộc sống tươi đẹp. Một khi “sống như hòn đá”, con người ta sẽ chẳng tìm được ý nghĩa cho sự tồn tại của mình, sẽ chẳng cảm nhận được món quà tạo hóa ban cho để ta có mặt trên đời. Không phải vô tình mà con người đều được sinh ra với một trái tim ấm nóng như thế, khác hẳn với hòn đá vô tri kia - “tâm hồn luôn băng giá”, chẳng biết gì đến định nghĩa của sự yêu thương! Và cuộc sống này, không thiếu những người luôn biết cách quan tâm đến những người xung quanh, biết cách giúp ích cho đời bằng đam mê, lí tưởng của mình. Một trong sổ đó là Helen Keller - nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ. Dù bị mù, câm, điếc do viêm màng não nhưng bà đã tốt nghiệp Đại học Harvard. Là một người không may mắn, bà đã dùng ý chí nghị lực để chống trả lại số phận trớ trêu, hoàn thành sự nghiệp khơi gợi tấm lòng nhân hậu của mọi người, mang lại hi vọng và niềm an ủi cho người tàn tật. Bên cạnh đó, chúng ta không thể không kể đến Trần Lập - người nghệ sĩ đầy tài năng của nghệ thuật nước nhà. Anh vừa qua đời sau một thời gian mắc bệnh nan y. Nhìn lại cuộc đời 42 năm của anh, có thể thấy âm nhạc và con người anh như hòa quyện làm một. Ca từ trong các ca khúc của anh không bi quan và không có những nỗi buồn thương ủy mị. Ở đó là lời nhắn nhủ tuổi trẻ đối mặt với cuộc sống, tình yêu với một thái độ sống tích cực. Trong nhạc của Trần Lập, những “Tâm hồn của đá” không có chỗ trú ngụ, bởi anh muốn sức nóng của bầu nhiệt huyết trong các ca khúc của mình có thể truyền cảm hứng cho giới trẻ nói riêng và mọi người nói chung. Ở Trần Lập, sự kiên cường và lạc quan toát ra như chính hơi thở của anh. Gần hai tháng trước khi mất, thủ lĩnh nhóm Bức Tường vẫn bình thản trò chuyện với các em nhỏ đang vượt qua cơn bạo bệnh, trao tận tay các em từng món quà. Một trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, Trần Lập vẫn cố gắng làm một việc có ích. Cuộc đời anh đã trở thành một bài học cuộc sống quá đẹp. Và đó là họ, những người với trái tim ấm nóng tình yêu thương, thương người và thương đời, đã là những tấm gương dẫn lối, truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

Đời người, bình dị hay thấp hèn, cao quý hay tầm thường, đều do mỗi người tự quyết định cả. Để tạo ý nghĩa cho sự tồn tại của bản thân, chúng ta cần bắt đầu bằng những việc nhỏ nhặt, cụ thể nhất như: biết quan tâm, chia sẻ và đồng cảm với mọi người quanh ta, biết trân trọng cái đẹp và lên án cái xấu. Dầu biết cuộc đời không bao giờ bàng phẳng mà lắm chông gai, chúng ta hãy cố giữ cho mình một tâm hồn cao khiết, học cách tích lũy kinh nghiệm sống qua khó khăn, biết cảm nhận hạnh phúc từ chính nỗi đau của mình, để qua đó mà bồi đắp cho tâm hồn của mình, để nó không khô héo, cằn cỗi hay giá băng như đá.

Abert Einstein đã nêu một quan điểm rất xác đáng “Chỉ cuộc đời sống cho người khác là cuộc đời đáng giá”. Và quan niệm ấy cũng rất gần với Trần Lập. Hạnh phúc được nhân lên nhiều hơn khi ta biết cách sống vị tha. Bởi cho đi cũng là nhận về, san sẻ để có nhiều hơn, và trao tặng hoa hồng đe tay sẽ thơm mãi hương lành của yêu thương.

icon-date
Xuất bản : 23/02/2022 - Cập nhật : 27/02/2022