logo

Đọc hiểu Đời ngắn đừng ngủ dài trang 33-34

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Đời ngắn đừng ngủ dài trang 33-34 hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu Đời ngắn đừng ngủ dài trang 33-34 giúp các em ôn tập đạt kết quả cao. 

Đề Đọc hiểu Đời ngắn đừng ngủ dài trang 33-34

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Mọi người đều tránh xa xung đột. Nó khiến ta cảm thấy tồi tệ nên ta tránh né, và hy vọng bằng cách nào đó xung đột tự hóa giải. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra. Thay vì vậy nó cứ mưng mủ như một vết thương nhiễm trùng (điều ta né tránh thường lại dai dẳng).

(2) Quan điểm của tôi về nó: xung đột không gì khác hơn là một cơ hội để trưởng thành và kết nối sâu xa hơn với người khác. Mọi xung đột đều ẩn chứa cơ hội học hỏi một bài học quý giá, và cơ hội phát triển bản thân (về hiểu biết, nhận thức và quan điểm). Mỗi xung đột, dù với người thân hay với khách hàng, là cả một cơ hội lớn để trui rèn mối liên lạc gần gũi hơn với người đó. Bằng cách biến đổi sự bất mãn thành thời khắc thú vị cho cả hai bên.

(3) Vậy đừng trốn chạy xung đột. Đừng chỉ gửi email khi biết mình cần mặt đối mặt để nói rõ sự thật. Vai trò lãnh đạo cũng bao hàm cả sự quân bình giữa lòng trắc ẩn với sự can đảm. Mặc dù bạn có thể cảm thấy xung đột thật rắc rối, nhưng nó thực sự là một món quà. Hãy đón nhận nó. Hãy thưởng thức những tiềm năng mà nó mang theo. Xung đột sẽ phục vụ đắc lực cho bạn.

( Trích Đời ngắn đừng ngủ dài, Tác giả: Robin Sharma,

Người dịch: Phạm Anh Tuấn,Nhà xuất bản Trẻ, 2014, tr 34)

Bộ đề Đọc hiểu Đời ngắn đừng ngủ dài trang 33-34 hay nhất

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên?

Câu 2: Xác định nội dung của văn bản trên?

Câu 3: Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ trong đoạn văn (1)

Câu 4: Tại sao tác giả cho rằng: Mỗi xung đột, dù với người thân hay với khách hàng, là cả một cơ hội lớn để tôi rèn mối liên lạc gần gũi hơn giữa ta với người đó?

Câu 5: Anh/ chị có đồng tình với quan điểm: Vậy đừng trốn chạy xung đột của tác giả hay không? Nêu rõ lí do tại sao

Trả lời:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên: Nghị luận

Câu 2: Nội dung của văn bản trên là: Cách giải quyết các vấn đề xung đột trong cuộc sống.

Câu 3: Biện pháp tu từ trong đoạn văn (1) là: Biện pháp tu từ so sánh: Xung đột như một vết thương nhiễm trùng.

- Hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ trong đoạn văn (1) là: Giúp người đọc có thể hình dung ra được sự việc một cách rõ ràng , tăng thêm tính sinh động cho câu văn. Qua đó, tác giả cho thấy xung đột không bao giờ tự hoá giải mà sẽ tồn tại dai dẳng, thậm chí ngày càng nặng nếu không biết cách giải quyết.

Câu 4: Tác giả khẳng định: “Mỗi xung đột, dù với người thân hay với khách hàng, là cả một cơ hội lớn để trui rèn mối liên lạc gần gũi hơn với người đó?” Vì nếu khi xung đột được giải quyết một cách ổn thỏa thì mỗi người sẽ có cơ hội để hiểu về nhau hơn và trui rèn mối liên lạc gần gũi hơn với những người đó.

Câu 5: Học sinh có thể trình bày quan điểm cá nhân đồng tình hoặc không đồng tình rồi đưa ra lập luận chứng minh cho quan điểm của mình.

Ví dụ:

- Nếu đồng tình: Xung đột bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong quan hệ xã hội. Nếu chạy trốn xung đột, đồng nghĩa chúng ta tự cắt đứt sợi dây quan hệ. Vì thế, ta cần đối mặt và tìm cách giải quyết mâu thuẫn một cách triệt để. Đó cũng là cơ hội để mỗi bên rút ra bài học quý giá…

- Nếu không đồng tình: Nhiều khi xung đột quá giới hạn cho phép, có khả năng không thể giải quyết được, chúng ta cần lùi một bước trên tinh thần một điều nhịn, chín điều lành để giữ hoà khí…

Xem thêm:

>>> Đọc hiểu Đời ngắn đừng ngủ dài trang 25-26

icon-date
Xuất bản : 11/05/2022 - Cập nhật : 19/11/2022