Hướng dẫn trả lời đề Đọc hiểu Đôi dép của thầy Vũ Thị Huyền Trang chi tiết, chính xác giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao.
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:
ĐÔI DÉP CỦA THẦY
Tôi gập lại những bài thơ trong sách giáo khoa để về nhà chăn trâu, bắt cua bắt tép phụ bố mẹ nuôi các em ăn học. Nhưng niềm khao khát được học hành luôn thôi thúc trong tôi. Nên mỗi buổi sau khi đã giặt giũ xong xuôi tôi thường ngồi ké vào bàn học của em và bắt đầu đọc sách. Những cuốn sách của thầy đã mở ra trước mắt tôi một thế giới vô vàn điều lý thú. Tôi như được bước vào những đời sống khác, vụt thoát khỏi hiện tại nghèo nàn. Mỗi lần nghe tôi say sưa kể về những trang sách nhỏ thầy đều bảo “tri thức sẽ còn mang chúng ta đi xa hơn nữa”. Và thầy bắt đầu dạy những đứa trẻ không được đến trường như tôi vào buổi trưa hoặc buổi tối trong ngày. Chúng tôi dưới ánh điện đỏ quạch trong ngôi nhà mái lá mục nát và bắt đầu làm từng phép toán. Cũng có đứa cao như cây sào ngồi đánh vần “O tròn như quả trứng gà. Ô thì đội nón. Ơ thì thêm râu”. Thầy ân cần cúi xuống cầm tay học trò đưa nắn nót từng chữ trên trang vở. Tôi có khi vì say mê một phép tính hay một bài thơ nào đó mà không biết thầy đang đứng ngay bên cạnh. Nhà thầy không có cửa gió luồn vào những manh áo vá. Chỉ giọng nói của thầy là ấm áp, đủ sức xua đi cái lạnh lẽo ngoài trời…
Nhà thầy nghèo, chỗ tôi hay ngồi học bức tường đất đã thủng lỗ chỗ hở ra cả rơm rạ. Nếu ngồi học vào buổi trưa thì ánh nắng hắt thẳng vào trang sách. Nhìn qua vệt nắng dài tôi thấy cả nghìn hạt bụi li ti cuồn cuộn bay trong không khí. Buổi tối gió thổi qua kẽ hở lạnh buốt cả người, thầy lấy một nùi giẻ nhét kín … Nhưng có hề gì, trên bảng đen vẫn lấp lánh từng phép tính nhân chia, cộng trừ [...] Chúng tôi, những đứa trò nhỏ của thầy sau này có đứa thành đạt có đứa không. Nhưng tất cả chúng tôi đều đã thành người, sống không thẹn với những điều thầy dạy.
Năm nào có dịp về thăm tôi đều tìm mua tặng thầy đôi dép rọ bộ đội. Đó là loại dép đã gắn bó với thầy từ hơn hai chục năm về trước. Tôi vẫn nhớ như in đôi dép rọ của thầy, nó màu đỏ gạch đã bạc màu mưa nắng và mòn vẹt đế. Thầy vẫn đi đôi dép ấy ngay cả khi nó đã đứt quai. Buổi trưa hôm ấy lúc thầy ra đề Văn và bảo chúng tôi ngồi tập trung làm bài. Tôi thấy thầy xách theo đôi dép lặng lẽ ra đầu hiên ngồi. Một lưỡi liềm, một mảnh nhựa dẻo, thầy nhóm một đống lửa nhỏ bằng mấy thanh tre khô rồi khéo léo hàn quai. Chỉ một lúc sau là chân thầy đã nằm yên vị trong đôi dép rọ. Thầy hàn khéo đến mức nếu không nhìn kỹ sẽ chẳng nhận ra quai dép từng đã đứt. Nhưng thầy lại bảo “mỗi vết sẹo có vẻ đẹp riêng của nó. Sẹo của dép cũng vậy”. Tôi về nhà nhìn thật lâu những đôi dép để ngoài hè nước mắt bỗng ứa ra. Dép của anh em tôi thì lành. Dép của bố mẹ tôi chiếc nào cũng vá víu bằng những miếng nhựa khác màu. Vậy mà tôi có lúc tị nạnh với các em chỉ vì mình không có dép mới để đi. Trong khi đó biết bao người chỉ cần một đôi dép lành lặn để đi cũng đã là hạnh phúc. Kể từ đó tôi không bao giờ mè nheo đòi mẹ mua dép mới cho mình. Những đôi dép của tôi sau này đều được đeo cho đến khi chúng rách.
[...] Mùa Hè năm ấy bệnh đau dạ dày tái phát mẹ nằm co quắp ở nhà suốt mấy hôm, mà bố thì chưa ứng được tiền. Nhà cũng không có gì để bán, gà còn nhỏ, lúa gạo còn phải đi vay vì cả năm hạn hán không cày cấy được gì [...] Tối hôm ấy thầy đến lúc bố tôi mới đi làm về. Tôi ngồi nấu cháo lợn trong bếp, thầy nói chuyện gì đó với bố hồi lâu. Lúc ra về thầy còn dặn tôi “Ngày mai em nhớ qua học cùng các bạn”. Mắt bố đỏ hoe, tay nắm chặt xấp tiền thầy vừa cho mượn. Tôi nhìn theo dáng thầy gầy gò, vẫn chiếc áo bạc màu và đôi dép hình như mới có thêm một vết sẹo vắt ngang.
Nhiều năm nay thầy đã già nhưng vẫn còn tha thiết chuyện gieo chữ nghĩa. Thầy mở một thư viện gia đình với gia tài sách của các học trò mang về góp lại. Thư viện của thầy mở cửa suốt ngày đón những người tha thiết với tri thức. Người đến với thư viện không chỉ là học sinh mà còn có cả những người lớn tuổi. Họ đến đó ngồi dưới những tán cây trong vườn và đắm chìm vào từng trang sách. Tôi về thăm thầy những khi lòng chống chếnh để tìm lại cảm giác bình yên trong ký ức khi còn là một đứa trẻ nghèo khát khao sự học. Thầy đã dạy tôi từng con chữ, uốn nắn tôi bằng những bài học không có trong sách vở. Như tình yêu thương của thầy và những miếng hàn trên đôi dép rọ mãi mãi là vết sẹo đẹp nhất mà tôi thấy trên đời…
(Truyện ngắn Vũ Thị Huyền Trang, Nguồn: https://baophutho.vn/)
Câu 1. Nhan đề “Đôi dép của thầy” liên quan đến chi tiết nào trong văn bản?
Câu 2. Hãy chỉ ra lời dẫn có trong đoạn văn sau và cho biết đó là cách dẫn nào: Nhưng thầy lại bảo “mỗi vết sẹo có vẻ đẹp riêng của nó. Sẹo của dép cũng vậy.”?
Câu 3. Vẻ đẹp nào của người thầy được thể hiện qua những câu văn sau:
“Tối hôm ấy thầy đến lúc bố tôi mới đi làm về. Tôi ngồi nấu cháo lợn trong bếp, thầy nói chuyện gì đó với bố hồi lâu. Lúc ra về thầy còn dặn tôi “Ngày mai em nhớ qua học cùng các bạn”. Mắt bố đỏ hoe, tay nắm chặt xấp tiền thầy vừa cho mượn.””?
Câu 4. Trong truyện, nhân vật “tôi” khẳng định: Thầy đã dạy tôi từng con chữ, uốn nắn tôi bằng những bài học không có trong sách vở. Theo em, “bài học không có trong sách vở” mà nhân vật “tôi” nói đến ở đây là gì?
Câu 5. Xác định chủ đề của văn bản. Chủ đề ấy có ý nghĩa đối với cuộc sống hôm nay như thế nào?
Trả lời
Câu 1.
Nhan đề “Đôi dép của thầy” liên quan đến chi tiết:
Người thầy giáo đi đôi dép rọ cũ, đã rách, nhưng qua những vết vá trên dép, thầy lại dạy cho người học trò bài học cuộc sống; sau này, người học trò lần nào về thăm thầy cũng mua tặng thầy một đôi dép rọ.
Câu 2.
- Lời dẫn có trong đoạn văn: Nhưng thầy lại bảo “mỗi vết sẹo có vẻ đẹp riêng của nó. Sẹo của dép cũng vậy.” là: “mỗi vết sẹo có vẻ đẹp riêng của nó. Sẹo của dép cũng vậy.”
- Đây là cách dẫn trực tiếp lời nói của nhân vật.
Câu 3.
Vẻ đẹp của người thầy được thể hiện qua những câu văn sau:
Tối hôm ấy thầy đến lúc bố tôi mới đi làm về. Tôi ngồi nấu cháo lợn trong bếp, thầy nói chuyện gì đó với bố hồi lâu. Lúc ra về thầy còn dặn tôi “Ngày mai em nhớ qua học cùng các bạn”. Mắt bố đỏ hoe, tay nắm chặt xấp tiền thầy vừa cho mượn.
- Thầy là người có tấm lòng nhân hậu, yêu thương, chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi khó khăn hoạn nạn;
- Thầy là người thầy yêu thương học trò, mong muốn học trò được đi học, được thực hiện ước mơ;
- Thầy còn là người sống giản dị, tiết kiệm: dù có tiền cho gia đình học trò mượn nhưng thầy vẫn đi đôi dép cũ đã rách vá nhiều chỗ.
Câu 4.
"Bài học không có trong sách vở" mà nhân vật "tôi" nói đến là bài học về cách chấp nhận và nỗ lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời biết sẻ chia, yêu thương, quan tâm đến người khác, thấu hiểu và trân trọng những vất vả hi sinh của bố mẹ dành cho mình
Câu 5.
- Xác định chủ đề của văn bản: Truyện thể hiện cảm động lòng biết ơn của người học trò với thầy giáo của mình và ca ngợi tình thầy trò thiêng liêng, cao đẹp.
- Chủ đề ấy còn có ý nghĩa đối với cuộc sống hôm nay: Người thầy luôn đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp học tập của mỗi người; thầy không chỉ dạy cho học trò kiến thức mà còn dạy cách sống, cách làm người. Câu chuyện nhắc chúng ta biết kính trọng, nhớ ơn những người thầy người cô đã dạy bảo mình và bài học sâu sắc về truyền thống “Tôn sư trọng đạo” và “ Uống nước nhớ nguồn”.