logo

Đọc hiểu Con nghĩ đi mẹ không biết

Tuyển tập Đọc hiểu Con nghĩ đi mẹ không biết hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu Con nghĩ đi mẹ không biết đầy đủ nhất.


Đọc hiểu Con nghĩ đi mẹ không biết - Đề số 1

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:

     “....Người cao nhất, to nhất, giỏi nhất, đáng sợ nhất, nhiều kẻ thù nhất Việt Nam ... là thằng “con nhà người ta”

Rồi nữa, đã hết đâu! “Bằng tuổi con bây giờ, ngày xưa, mẹ đã phải đi làm đồng, đi bán hàng, đi kiếm tiền, đi lao động....” (Nói chung là ngoan!)

“Bằng tuổi con ngày xưa, mẹ không bao giờ cãi bà, mẹ nghe lời ông, mẹ học giỏi!” (Nói chung cũng là ngoan!)

“Bằng tuổi con ngày xưa, ba đâu có được dùng điện thoại, đâu có được xem ti vi, không được ăn gà rán nhưng vẫn lao động và học tập rất giỏi....” (Nói chung là vô cùng ngoan!!!)

....

Ngày xưa thì nêu gương là một trong bốn phương pháp quan trọng của dạy học, nhưng giờ thì bỏ rồi, không so sánh nữa. Hằng trăm chỗ lệch, so làm sao được mà cứ so chứ?.... Ngày xưa, báo Hoa Học Trò còn thỉnh thoảng viết về thủ khoa, về các bạn học giỏi. Giờ thì thôi rồi, vì thấy tác dụng phụ của những tấm gương đó là toàn gây ra stress cho trẻ con và châm ngòi cho các cuộc cãi cọ trong nhà.

Mọi so sánh đều là khập khiễng! Điều kiện gia đình khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, xuất phát điểm khác nhau, gene khác nhau, phúc phần khác nhau....

Bộ đề Đọc hiểu Con nghĩ đi mẹ không biết hay nhất

Vậy nên, cuối cùng thì bảng xếp hạng quan trọng nhất mà chúng ta cần quan tâm là bảng xếp hạng của con mình với chính nó. Con mình là ai, ở đâu? Nó thích cái gì, nó giỏi cái gì, nó kém cái gì, nó có hài lòng không? Nó có chiến lược nào riêng không? Chỉ so nó với chính nó ngày hôm qua hoặc so với tương lai, kiểu như “Nếu muốn ngày sau làm bác sĩ thì con còn thiếu cái abc này....”

Chỉ nên so sánh con mình với chính nó, còn lại vứt hết các thể loại “con nhà người ta” đi! Nhé, năn nỉ đấy!

(Trích Con nghĩ đi, mẹ không biết! - Nhà báo Thu Hà - NXB Văn Học, 2016)

Câu 1: (1,0 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính được tác giả sử dụng trong văn bản trên? (nhận biết)

Câu 2: (1.0 điểm) Trong văn bản, các bậc cha mẹ thường so sánh con với đối tượng nào và so sánh như thế nào? (thông hiểu)

Câu 3: (1.0 điểm) Anh/chị có tán đồng với sự so sánh của các bậc cha mẹ đó không? Vì sao? (thông hiểu)

Câu 4: (1,0 điểm):Theo anh/ chị, các bậc cha mẹ nên làm cách nào để khích lệ con cái một cách hợp lí?

Trả lời

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là: phương thức nghị luận

Câu 2:

- Đối tượng: “con nhà người ta”, bố mẹ ngày xưa.

- Các bậc cha mẹ thường so sánh con mình thua kém về mọi mặt so với “con nhà người ta” và bố mẹ ngày xưa.

Câu 3:

- Không tán đồng.

- Vì:

+ Mọi so sánh đều là khập khiễng! Điều kiện gia đình khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, xuất phát điểm khác nhau, gene khác nhau, phúc phần khác nhau bởi vậy mà không thể đánh đồng ai cũng như ai và mặc định so sánh con mình với “con nhà người ta” và so sánh con mình với thời đại của bố mẹ ngày xưa được.

+ Việc so sánh trên gây nên những áp lực cho trẻ và ảnh hưởng xấu đến tâm lý và sự phát triển của trẻ

Câu 4:

Theo anh/ chị, các bậc cha mẹ nên làm cách nào để khích lệ con cái một cách hợp lí? 

- Quan tâm đến năng lực, tố chất của con

 - Quan tâm đến sở thích, sở trường của con 

- Quan tâm đến những dự định, những mơ ước của con 

- Không nên so sánh con với những người khác một cách phiến diện


Đọc hiểu Con nghĩ đi mẹ không biết - Đề số 2

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

      Khi tới thăm những bản làng nghèo khổ lạc hậu khủng khiếp trên miền núi cao, tôi cứ nghĩ có phải do họ ít đi quá. Nếu giúp đỡ họ, nên chăng thay vì cho tiền cho gạo, chúng ta tổ chức cho họ những chuyến đi? Biết đâu sau những chuyến đi họ sẽ tự muốn thay đổi tập quán sinh sống?

      Tóm lại, mọi chuyến đi đều đáng giá. Đi để con được choáng ngợp trước đại dương mênh mông… rung động trước một cánh đồng xanh mướt… hồi hộp nín thở trước những rặng núi hùng vĩ… Đi để con biết mùi mặn của mồ hôi, mùi gió ngai ngái trước cơn dông… đi để con biết kết nối với người lạ, thử những món chưa từng ăn. Đi để con biết cách leo núi, lội ruộng, luồn hang, đốt lửa, nấu cơm, sơ cứu vết thương… Đi để khi trở về con thấy yêu thêm cái nhà nhỏ của mình.

      Tại sao người ta phải bỏ cả đống tiền, khổ sở đày ải để leo lên đỉnh Everest? Tại sao người ta phải luyện tập thể lực cả tháng trời rồi đáp máy bay tới Việt Nam, mò mẫm trèo đèo lội suối để tới hang Sơn Đoòng? Cảnh đẹp chỉ là một phần. Quan trọng là cái thú vị của quá trình chinh phục và khám phá. Sống là phải được nếm trải cảm giác sung sướng không thể diễn tả của khoảnh khắc “A ha, ta đã làm được!”. Nó đã lắm. Không ngôn từ nào tả được!

      Mấy mùa Tết gần đây nhà mình sắm Tết chỉ khoảng vài trăm ngàn. Dọn tủ lạnh và thùng rác thật sạch để có thể đi 10 ngày về không bị bốc mùi. Lên đường!

      Những chuyến đi, luôn luôn tốt hơn! Nước chảy là nước trong, nước đọng là nước bẩn. Có câu nói rằng: “Nếu con người sinh ra chỉ để ở chết dí ở một chỗ, thì người ta đã không cần đôi chân làm gì”. Dù với ngàn năm văn hóa lúa nước, ông bà mình khá lười dịch chuyển thì cũng phải công nhận “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà.

(Trích Con nghĩ đi, mẹ không biết!, Thu Hà, NXB Văn học, 2016, tr. 198-199)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, những chuyến đi có giá trị gì?

Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về câu “Nước chảy là nước trong, nước đọng là nước bẩn” trong ngữ cảnh đoạn trích?

Câu 4. Suy nghĩ về giải pháp giúp những con người vùng cao thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, tác giả cho rằng: “Nếu giúp đỡ họ, nên chăng thay vì cho tiền cho gạo, chúng ta tổ chức cho họ những chuyến đi”.

Anh/Chị có đồng tình với giải pháp trên hay không? Vì sao?

Trả lời:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2. Những chuyến đi sẽ giúp người đi khám phá vẻ đẹp của các vùng miền, có những trải nghiệm sâu sắc, có được cảm giác thú vị trong quá trình chinh phục các không gian và trở về để yêu thêm ngôi nhà của mình.

Câu 3. Trong văn cảnh đoạn trích, câu “Nước chảy là nước trong, nước đọng là nước bẩn” có hàm ý cổ vũ cho những chuyến đi; là lời khuyên nhủ không nên sống quẩn quanh trong một không gian hẹp,..

Câu 4. Trình bày ngắn gọn, tránh lối hô hào khẩu hiệu sáo rỗng hoặc chung chung. Có thể bày tỏ quan điểm bằng cách:

– Nêu ngắn gọn quan điểm (đồng tình hay phản đối,..).

– Giải thích lí do đưa ra quan điểm như vậy.

icon-date
Xuất bản : 18/12/2021 - Cập nhật : 18/12/2021