logo

Đọc hiểu Chim vành khuyên và cây bằng lăng

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Chim vành khuyên và cây bằng lăng hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu Chim vành khuyên và cây bằng lăng đầy đủ nhất.


Đọc hiểu Chim vành khuyên và cây bằng lăng đề số 1:

Đàn chim vành khuyên bay trong mưa bụi. Rồi đàn chim vụt đậu xuống hàng cây bằng lăng non. Những con chim mỏi cánh xuống nghỉ chân à? Tiếng chim lích chích trên cành. Không, không, chúng em đi làm, năm sớm chúng em đi làm đây, không phải nghỉ chân đâu. À, thế ra những con vành khuyên kia đến cây bằng lăng cũng có công việc. Con chim vành khuyên, chân đậu nhẹ chẳng rụng một giọt nước mưa đã bám thành hàng dưới cành. Vành khuyên nghiêng mắt, ngước mỏ, cắm cúi, hí hoáy. Cái mỏ như xát mặt vỏ cây. Đôi mắt khuyên vòng trắng long lanh. Đôi chân thoăn thoắt. Vành khuyên lách mỏ vào tìm bắt sâu trong từng khe vỏ rách lướp tướp. 

Những con chim ríu rít chuyền lên chuyền xuống. Mỗi lần móc được con sâu lại há mỏ lên rồi nhún chân hót. Như báo tin bắt được rồi... bắt được rồi... Như hỏi cây: Đỡ đau chưa? Khỏi đau chưa? Có gì đâu, chúng em giúp cho cây khỏi ghẻ rồi chóng lớn, chóng có bóng lá, che cho chúng em bay xa có chỗ nghỉ chân, tránh nắng. Ta giúp đỡ nhau đấy thôi. Hạt nước trên cành bằng lăng rơi lã chã. Cây bằng lăng khóc vì cảm động. 

Đàn vành khuyên đương tìm sâu ở cành, ở lộc cây, ở những chiếc lá còn lại. Rõ ràng nghe được tiếng chim. Vành khuyên trò chuyện, vành khuyên reo mừng, vành khuyên thủ thỉ. Vành khuyên hát cho cây bằng lăng nghe. 

Lúc sau, đàn vành khuyên bay lên. Như bác sĩ khám bệnh, cho thuốc tiêm, thuốc uống rồi. Chỉ trông thấy làn mưa bụi phơi phới. Nhưng vẫn nghe tiếng vành khuyên ríu rít: 

- Chúng em đi nhé! Chúng em đi nhé! Các bạn bằng lăng chóng tươi lên, xanh tươi lên!... Khoanh tròn vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng: 

Câu 1: Bài văn tả cảnh đàn chim vành khuyên đi làm vào mùa nào? 

A. Mùa xuân 

B. Mùa hạ 

C. Mùa thu 

D. Mùa đông 

Câu 2: Dòng nào dưới đây gồm 5 từ ngữ tả vành khuyên chăm chú tìm bắt sâu? 

A. Đậu nhẹ, nghiêng mắt, ngước mỏ, cắm cúi, há mỏ. 

B. Nghiêng mắt, ngước mỏ, cắm cúi, hí hoáy, há mỏ. 

C. Đậu nhẹ, nghiêng mắt, cắm cúi, hí hoáy, há mỏ. 

D. Nghiêng mắt, ngước mỏ, cắm cúi, hí hoáy, lách mỏ. 

Câu 3: Chi tiết cây bằng lăng “khóc” giúp em hiểu được điều gì? 

A. Bằng lăng đau đớn vì bị những con sâu đục khoét trên thân cây. 

B. Bằng lăng cảm động vì được đàn chim chia sẻ nỗi đau của cây. 

C. Bằng lăng xúc động trước sự quan tâm, giúp đỡ của đàn chim. 

D. Bằng lăng đau vì sâu đục khoét và cảm động vì chim giúp đỡ. 

Câu 4: Dòng nào dưới đây nêu đúng và đủ ý nghĩa sâu sắc của bài văn? 

A. Giúp người khác là đem lại niềm vui và hạnh phúc cho họ. 

B. Giúp người khác là đem lại niềm vui cho họ và cho mình. 

C. Giúp người khác là đem lại niềm vui cho bản thân mình. 

D. Giúp người khác là đem lại niềm vui cho toàn xã hội. 

Câu 5: Từ nào dưới đây đồng nghĩa với từ “cảm động”? 

A. Cảm tình 

B. Cảm xúc 

C. Rung động 

D. Xúc động 

Câu 6: Dòng nào dưới đây có từ in nghiêng là từ đồng âm? 

A. Cây bằng lăng/ cây thước kẻ 

B. Mặt vỏ cây/ mặt trái xoan 

C. Tìm bắt sâu/ moi rất sâu 

D. Chim vỗ cánh/ hoa năm cánh 

Câu 7: Viết lại câu văn “Tiếng chim lích chích trên cành” có sử dụng phép so sánh hoặc nhân hóa. 

Câu 8: Thay thế từ dùng sai (in nghiêng) bằng từ đồng nghĩa thích hợp rồi viết lại hai câu văn sau: “Quê em có dòng sông lượn lờ chảy qua. Những ngày hè oi ả, em thỏa sức bơi lội tung tăng trong dòng nước mát ngọt.”

Câu 9: Viết một câu nhận xét về việc tốt của chim vành khuyên trong bài văn trên. 

Câu 10: Từ việc tốt của chim vành khuyên, em thấy mình có thể làm được những gì để bảo vệ môi trường quanh ta?

Đáp án:

Câu 1: Đáp án: A. Mùa xuân

Câu 2: Đáp án: B. nghiêng mắt, ngước mỏ, cắm cúi, hí hoáy, há mỏ. 

Câu 3: Đáp án: C. Bằng lăng xúc động trước sự quan tâm, giúp đỡ của đàn chim

Câu 4: Đáp án: B. Giúp người khác là đem lại niềm vui cho họ và cho mình.

Câu 5: Đáp án: D. xúc động 

Câu 6: Đáp án: C. tìm bắt sâu/ moi rất sâu

Câu 7: 

- Tiếng hát của cô chim lích chích trên cành thật hay

- Tiếng chim lích chích trên cành như tiếng chúng em chuyện trò dưới mái trường

Câu 8: Lượn lờ thành quanh co, mát ngọt thành mát lạnh

Câu 9: Việc tốt của chim vành khuyên đã giúp cây bằng lăng vơi đi nỗi đau, làm cho cuộc sống

trở nên tươi đẹp

Câu 10:

Những việc làm tốt để bảo vệ môi trường: không chặt phá cây xanh, hoa; dọn dẹp nhà cửa,

trường, lớp, không vứt rác bừa bãi,.


Đọc hiểu Chim vành khuyên và cây bằng lăng đề số 2:

Đọc hiểu Chim vành khuyên và cây bằng lăng hay nhất

Đàn chim vành khuyên bay trong mưa bụi. Rồi đàn chim vụt đậu xuống hàng cây bằng lăng non. Những con chim mỏi cánh xuống đây nghỉ chân à? Tiếng chim lích chích trên cành:

– Không, không, chúng em đi làm, nắng sớm chúng em đi làm đây, không phải nghỉ chân đâu.

À, thế ra những con chim vành khuyên kia đến cây bằng lăng cũng có công việc. Con chim vành khuyên đậu nhẹ chẳng rụng một giọt nước mưa bám thành hàng dưới cành. Vành khuyên nghiêng mắt, ngước mỏ, cắm cúi, hí hoáy. Cái mỏ như xát mặt với vỏ cây. Đôi mắt khuyên vòng trắng long lanh, đôi chân thoăn thoắt. Vành khuyên lách mỏ tìm bắt sâu trong từng khe vỏ rách lướp tướp.

Những con chim ríu rít chuyền lên, chuyền xuống. Mỗi lần móc được con sâu nào lại há mỏ lên rồi nhún chân hót, như báo tin : Bắt được rồi… bắt được rồi… Như hỏi cây : Đỡ đau chưa ? Khỏi đau chưa ? Có gì đâu, chúng em giúp cho cây khỏi đau rồi chóng lớn, chóng có bóng lá, che cho chúng em bay xa có chỗ nghỉ chân, tránh nắng. Ta giúp đỡ nhau đấy thôi.

Hạt nước trên cành bằng lăng rơi lã chã. Cây bằng lăng khóc vì cảm động.

Đàn vành khuyên đương tìm sâu ở cành, ở lộc cây, ở những chiếc lá còn lại. Rõ ràng nghe được tiếng chim : vành khuyên trò chuyện, vành khuyên reo mừng, vành khuyên thủ thỉ, vành khuyên hát cho cây bằng lăng nghe.

Lúc sau đàn vành khuyên bay lên. Như bác sĩ khám bệnh, cho thuốc, tiêm thuốc xong, như các bạn quét tước vệ sinh lớp học xong, vác ngược chổi lên, đuổi nhau reo vui trở về.

Chỉ trông thấy làn mưa bụi phơi phới. Nhưng vẫn nghe tiếng chim vành khuyên ríu rít:

– Chúng em đi nhé ! Chúng em đi nhé ! Các bạn bằng lăng chóng tươi lên, xanh tươi lên.

 Theo Tô Hoài

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :

Câu 1. Đàn chim vành khuyên đậu xuống cây bằng lăng để làm gì ?

a.  Để nghỉ chân.

b. Để bắt sâu cho cây.

c. Để trú mưa.

Câu 2. Những từ ngữ nào trong bài cho thấy chim vành khuyên bắt sâu rất cần mẫn ?

a. Nghiêng mắt, ngước mỏ, cắm cúi, hí hoáy.

b. Mỏ như xát mặt với vỏ cây.

c. Mắt trắng long lanh, chân bé xiu xíu, nhảy thoăn thoắt.

d. Lách mỏ tìm bắt sâu trong từng khe vỏ rách lướp tướp.

Câu 3. Những chi tiết nào miêu tả niềm vui của vành khuyên?

a. Ríu rít chuyền lên, chuyền xuống.

b. Há mỏ lên rồi nhún chân hót như báo tin vui.

c. Reo mừng, hát cho bằng lăng nghe.

d. Tìm sâu ở lộc cây, ở cành, ở những chiếc lá.

Câu 4. Hình ảnh nào trong bài cho thấy cây bằng lăng rất xúc động trước việc làm của vành khuyên ?

a. Hạt nước trên cành bằng lăng rơi lã chã, bằng lăng khóc vì cảm động.

b. Bằng lăng vui sướng, reo mừng khi nghe vành khuyên báo tin.

c. Bằng lăng xúc động, lặng người nghe vành khuyên hát.

d. Bằng lăng khỏi đau, chóng lớn, có bóng lá xanh tươi.

Câu 5. Bài văn nói lên điều gì sâu sắc ?

a. Cần biết bắt sâu cho cây xanh tốt.

b. Ai giúp đỡ người khác sẽ có niềm vui và hạnh phúc.

c. Vành khuyên là một loài chim có ích.

Đáp án

Câu 1. Đáp án b: Để bắt sâu cho cây.

Câu 2. 

a. Nghiêng mắt, ngước mỏ, cắm cúi, hí hoáy.

b. Mỏ như xát mặt với vỏ cây.

d. Lách mỏ tìm bắt sâu trong từng khe vỏ rách lướp tướp.

Câu 3. 

a. Ríu rít chuyền lên, chuyền xuống.

b. Há mỏ lên rồi nhún chân hót như báo tin vui.

c. Reo mừng, hát cho bằng lăng nghe.

Câu 4. Đáp án a. Hạt nước trên cành bằng lăng rơi lã chã, bằng lăng khóc vì cảm động.

Câu 5. Đáp án b. Ai giúp đỡ người khác sẽ có niềm vui và hạnh phúc.

icon-date
Xuất bản : 24/03/2022 - Cập nhật : 19/11/2022