logo

Độ âm điện của một nguyên tử là gì? Quy luật biến đổi giá trị

Câu hỏi: Độ âm điện của một nguyên tử là gì? Quy luật biến đổi giá trị độ âm điện của nguyên tử các nguyên tố trong nhóm A như thế nào?

Trả lời : 

     Độ âm điện của một nguyên tử đặc trưng cho khả năng hút electron của nguyên tử đó khi tạo thành liên kết hóa học.

     Trong cùng một nhóm A, đi từ trên xuống dưới theo chiều tăng dần của điện tích hạt nhân, độ âm điện của nguyên tử các nguyên tố thường giảm dần.

Cùng Top lời giải mở rộng kiến thức về độ âm điện nhé!


I. Sự biến đổi độ âm điện của các nguyên tố

- Sự biến đổi tuần hoàn về cấu hình electron nguyên tử của các nguyên tố là nguyên nhân chính dẫn đến sự biến đổi về tính chất của các nguyên tố.

Độ âm điện của một nguyên tử là gì? Quy luật biến đổi giá trị

- Độ âm điện của một nguyên tử càng lớn thì tính phi kim của nó càng mạnh và ngược lại.

- Trong chu kì theo chiều tăng dần của điện tích hạt nhân giá trị độ âm điện tăng dần.

-Trong nhóm A theo chiều tăng dần của diện tích hạt nhân, giá trị độ âm điện giảm dần.

- Sự biến đổi giá trị độ âm điện và tính kim loại, tính phi kim phù hợp với nhau.

- Độ âm điện của một nguyên tố càng lớn thì tính phi kim càng mạnh, tính kim loại càng giảm và ngược lại.


II. Bảng độ âm điện của các nguyên tố hóa học

     Bảng độ âm điện của Pau-ling lấy nguyên tử flo làm chuẩn để xác định độ âm điện tương đối của các nguyên tử nguyên tố khác.

Độ âm điện của một nguyên tử là gì? Quy luật biến đổi giá trị  (ảnh 2)

Nhận xét: 

- Trong một chu kì, độ âm điện của các nguyên tử tăng dần từ trái qua phải theo chiều điện tích hạt nhân.

- Trong một nhóm, độ âm điện của các nguyên tử giảm dần từ trên xuống dưới theo chiều điện tích hạt nhân.

1. Độ âm điện của halogen

Độ âm điện của flo: 3,98

Độ âm điện của clo: 3,16

Độ âm điện của brom: 2,96

Độ âm điện của i ốt: 2,66

     Độ âm điện của flo là cao nhất trong nhóm halogen. Độ âm điện giảm dần theo chiều clo -> brom -> i ốt.

2. Độ âm điện của một số kim loại

Độ âm điện của kali: 0,82

Độ âm điện của bari: 0,89

Độ âm điện của natri: 0,93

Độ âm điện của liti: 0,98

Độ âm điện của magie: 1,31


III. Hiệu độ âm điện và liên kết hóa học

1. Hiệu độ âm điện và liên kết cộng hóa trị không cực

     Trong các phân tử tạo thành bởi hai nguyên tử của cùng một nguyên tố hóa học như  H2,O2,Cl2,...  hiệu độ âm điện của các nguyên tử tham gia liên kết bằng  0. Đó là liên kết cộng hóa trị thuần túy.

     Khi các nguyên tử tham gia liên kết có hiệu độ âm điện nhỏ hơn  0,4, độ phân cực của liên kết có giá trị nhỏ đến mức trong thực tế không xác định được, liên kết vẫn được coi là liên kết cộng hóa trị không cực.

     Như vậy người ta quy ước rằng: Khi hiệu độ âm điện của hai nguyên tử nắm trong khoảng từ  0  đến nhỏ hơn 0,4  thì liên kết cộng hóa trị được coi là không cực.

2. Hiệu độ âm điện và liên kết cộng hóa trị có cực

     Liên kết cộng hóa trị có cực, tức là liên kết cộng hóa trị mà cặp electron chung bị lệch về phía một nguyên tử tham gia liên kết, được tạo thành giữa các nguyên tử có hiệu âm điện nằm trong khoảng từ  0,4  đến nhỏ hơn  1,7.

     Thí dụ: Liên kết H−Cl  với hiệu âm điện của clo và hiđro bằng  0,96  là liên kết cộng hóa trị có cực.

     Liên kết  H−O  trong phân tử nước với hiệu độ âm điện giữa oxi và hiđro bằng  1,24  cũng là liên kết cộng hóa trị có cực.

     Hiệu độ âm điện càng lớn thì độ phân cực càng mạnh.

3. Hiệu độ âm điện và liên kết ion

     Khi hiệu độ âm điện giữa hai nguyên tử tham gia liên kết  ≥1,7, nguyên tử có độ âm điện lớn (khả năng hút electron mạnh) đủ khả năng nhận hoàn toàn electron của nguyên tử liên kết với nó để trở thành ion âm, còn nguyên tử mất electron sẽ trở thành ion dương, tức là xảy ra sự tạo thành liên kết ion.

     Thí dụ: Trong phân tử NaCl, hiệu độ âm điện của  Cl  và Na  là  3,16−0,93=2,23, liên kết giữa  Na và  Cl  là liên kết ion.

     Trong phân tử  MgO, hiệu độ âm điện của  O  và Mg  là  3,44−1,31=2,13, liên kết giữa  O và  Mg  là liên kết ion.

icon-date
Xuất bản : 04/03/2022 - Cập nhật : 04/03/2022