logo

Soạn Địa lí 11 Cánh Diều Bài 7: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế khu vực Mỹ La-tinh

Hướng dẫn Soạn Địa lí 11 Cánh Diều Bài 7: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế khu vực Mỹ La-tinh ngắn gọn, hay nhất theo chương trình Sách mới.

Bài 7: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế khu vực Mỹ La-tinh

Lý thuyết Địa lí 11 Cánh Diều Bài 7. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế khu vực Mỹ La - tinh

Sơ đồ tư duy Địa lí 11 Cánh Diều Bài 7: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế khu vực Mỹ La - tinh

Mở đầu trang 22 Địa Lí 11

Câu hỏi: Mỹ La-tinh là khu vực rộng lớn thuộc châu Mỹ, có thiên nhiên phong phú và tài nguyên đa dạng. Đây là nơi giao thoa của các nền văn hóa, tạo nên một nền văn hóa rất độc đáo - nền văn hóa Mỹ La-tinh. Vậy những đặc điểm đó có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này?

Trả lời:

- Nhờ tiếp giáp với nhiều biển và đại dương, khu vực Mỹ La-tinh thuận lợi phát triển kinh tế biển, hợp tác trong khu vực và với các khu vực khác trên thế giới;

- Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tạo điều kiện cho các nước Mỹ Latinh phát triển đa dạng nhiều ngành kinh tế, nhưng cũng đặt ra những khó khăn nhất định trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, định cư và sản xuất.

- Nhờ số dân đông, cơ cấu dân số vàng nên Mỹ La-tinh có lực lượng lao động dồi dào tạo thuận lợi lớn để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư,... Tuy nhiên, sự phân bố dân cư không hợp lí dẫn tới khó khăn trong khai thác tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế; nhiều nước Mỹ La-tinh cũng phải đối mặt với các khó khăn như: an ninh xã hội, vấn đề việc làm, di cư...

Câu hỏi trang 23 Địa Lí 11

Câu hỏi: Đọc thông tin và quan sát hình 7.1, hãy:

- Xác định phạm vi lãnh thổ của khu vực Mỹ La-tinh.

- Trình bày đặc điểm vị trí địa lí của khu vực Mỹ La-tinh.

- Phân tích ảnh hưởng của vị trí địa lí đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Mỹ La-tinh.

Trả lời:

- Phạm vi lãnh thổ của khu vực Mỹ La-tinh:

+ Mỹ la-tinh là vùng lãnh thổ rộng lớn của châu Mỹ, diện tích khoảng 20 triệu km2.

+ Lãnh thổ khu vực bao gồm: Mê-hi-cô và eo đất Trung Mỹ; các đảo, quần đảo trong biển Ca-ri-bê; toàn bộ Nam Mỹ và một số đảo, quần đảo ngoài khơi các quốc gia trong khu vực.

- Đặc điểm vị trí địa lí của khu vực Mỹ La-tinh:

+ Phần đất liền: từ 33°B đến 54°N, tiếp giáp với Hoa Kỳ, vịnh Mê-hi-cô, biển Ca-ri-bê và các đại dương lớn.

+ Nằm trên tuyến đường biển quan trọng từ Đại Tây Dương dang Thái Bình Dương qua kênh đào Pa-na-ma.

+ Vùng ven biển phía tây khu vực nằm trong “vành đai lửa Thái Bình Dương”.

- Ảnh hưởng của vị trí địa lí đến phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Mỹ La-tinh:

- Thuận lợi:

+ Thuận lợi cho việc giao lưu, phát triển các ngành kinh tế biển

+ Đa dạng các hoạt động sản xuất

+ Phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới

+ Tiếp thu các nền văn hóa từ bên ngoài

- Khó khăn:

+ Nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai như: núi lửa, động đất, sóng thần,...

Câu hỏi trang 26 Địa Lí 11

Câu hỏi 1: Đọc thông tin và quan sát hình 7.1, hãy:

- Trình bày một số đặc điểm nổi bật về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của khu vực Mỹ La-tinh.

- Phân tích ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Mỹ La-tinh.

Trả lời:

* Một số đặc điểm nổi bật về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của khu vực Mỹ La-tinh.

- Địa hình:

+ Đồng bằng và sơn nguyên chiếm phần lớn diện tích. Các dãy nũi trẻ cao, đồ sộ tập trung chủ yếu ở phía tây, vùng núi An-đét có địa hình hiểm trở.

+ Địa hình có sự phân hóa từ đông sang tây.

- Đất:

+ Ở vùng đồng bằng có đất đai màu mỡ.

+ Vùng đồi núi chủ yếu là đất đỏ badan.

- Khí hậu: có nhiều đới và kiểu khí hậu khác nhau:

+ Đới khí hậu xích đạo và cận xích đạo ở quần đảo Ăng-ti, sơn nguyên Guy-a-na, đồng bằng La-nốt và phần lớn đồng bằng A-ma-dôn; có nhiệt độ cao, lượng mưa lớn.

+ Đới khí hậu nhiệt đới chiếm phần lớn eo đất Trung Mỹ và khu vực chí tuyến Nam ở lục địa Nam Mỹ; với đặc điểm nóng quanh năm, lượng mưa khá lớn và tăng dần từ tây sang đông.

+ Đới khí hậu cận nhiệt chiếm diện tích nhỏ ở phía nam lục địa Nam Mỹ; có mùa hạ nóng và mùa đông ấm; ven biển phía đông có mưa nhiều.

+ Một số nơi như hoang mạc A-ta-ca-ma có khí hậu khô hạn; đồng bằng A-ma-dôn có khí hậu ẩm ướt, các vùng núi cao có khí hậu khắc nghiệt. Ngoài ra, ở khu vực Trung Mỹ và vùng biển Ca-ri-bê có một số thiên tai như: bão nhiệt đới, lũ lụt,...

- Sông, hồ:

+ Nhiều hệ thống sông lớn: A-ma-dôn, Pa-ra-na, Ô-ri-cô-nô… Sông nhiều nước, thường xảy ra lũ lụt.

+ Một số hồ lớn, như: Ni-ca-ra-gua, Ma Chi-qui-ta…

- Biển:

+ Có vùng biển rộng lớn: vùng biển thuộc Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, vịnh Mê-hi-cô, biển Ca-ri-bê…

+ Nhiều ngư trường lớn thuộc các nước Pê-ru, chi-lê, Bra-xin…

+ Dọc bờ biển có nhiều vũng, vịnh nước sâu, bãi biển đẹp.

+ Tài nguyên dầu mỏ và khí tự nhiên ở thềm lục địa

- Sinh vật:

+ Diện tích rừng lớn 9,3 triệu km2, có nhiều kiểu rừng khác nhau chủ yếu là rừng nhiệt đới ẩm. Ngoài ra còn có xa-van, thảo nguyên…

+ Hệ động, thực vật phong phú với nhiều loài đặc hữu: vẹt Nam Mỹ, trăn Nam Mỹ…

- Khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản đa dạng, nhiều loại có trữ lượng lớn: sắt, đồng, dầu mỏ và khí tự nhiên, vàng, bạc, bô-xít…

* Ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Mỹ La-tinh.

- Địa hình, đất: đồng bằng màu mỡ thuận lợi cho phát triển cây lương thực, thực phẩm và chăn nuôi; sơn nguyên có đất đỏ ba-dan thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc. Các đảo lớn trong biển Ca-ri-bê có đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, thuận lợi cho cây công nghiệp và cây ăn quả. Địa hình phân hóa từ đông sang tây nên việc xây dựng các tuyến giao thông kết nối với khu vực đồng bằng gặp nhiều khó khăn. Ở vùng núi có tiềm năng lớn về khoáng sản, thủy điện và phát triển du lịch.

- Khí hậu: 

+ Đới khí hậu xích đạo và cận xich đạo thuận lợi cho trồng trọt và rừng phát triển.

+ Đới khí hậu nhiệt đới tạo điều kiện để chăn nuôi gia súc, cây công nghiệp, cây ăn quả nhiệt đới và rừng

+ Đới khí hậu nhiệt đới tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc, cây ăn quả cận nhiệt và ôn đới

+ Các vùng núi cao có khí hậu khắc nghiệt, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân.

+ Ở khu vực Trung Mỹ và vùng biển Ca-ri-bê thường gặp một số thiên tai như: bão nhiệt đới, lũ lụt,... đã gây ra nhiều thiệt hại cho các quôc gia trong khu vực.

- Sông, hồ: Sông có giá trị về thủy điện, giao thông, thủy sản và du lịch. Tuy nhiên, thường xuyên xảy ra tình trạng lũ lụt nên đã gây ra khó khăn đến đời sống và sản xuất của người dân; các hồ có giá trị lớn về mặt giao thông, điều tiết nước và phát triển du lịch.

- Biển: có nhiều tiềm năng để phát triển tổng hợp kinh tế biển; các ngư trường lớn tạo thuận lợi để phát triển nghề cá; dọc theo bờ biển có nhiều vũng, vịnh nước sâu, tạo điều kiện xây dựng và phát triển cảng biển; có nhiều bãi biển đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch. Dầu, mỏ và khí tự nhiên ở thềm lục địa là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển kinh tế.

- Sinh vật: tài nguyên có tiềm năng rất lớn về kinh tế (cung cấp lâm sản, khai thác du lịch,..) có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường; có hệ động vật phong phú với nhiều loại đặc hữu như: vẹt Nam Mỹ, trăn Nam Mỹ,...

- Khoáng sản: Sắt, đồng, dầu mỏ và khí tự nhiên Ngoài ra, còn có nhiều khoáng sản khác như: vàng, bô-xít, chì, kẽm,... Vệc khai thác khoáng sản quá mức đã làm cho nguồn tài nguyên này đang dần cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường.

Câu hỏi 2: Đọc thông tin và dựa vào bảng 7.1, hãy:

- Trình bày vấn đề đô thị hóa ở Mỹ La-tinh.

- Quá trình đô thị hóa ở Mỹ La-tinh có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực gì đến phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Trả lời:

- Vấn đề đô thị hóa ở Mỹ La-tinh:

+ Mỹ La-tinh Là khu vực có mức độ đô thị hóa cao nhất trên thế giới.

+ Tỉ lệ dân thành thị liên tục tăng (năm 2020 là 80,1%), U-ru-goay có tỉ lệ dân thành thị cao nhất (95,5%). Ba đô thị đông dân nhất khu vực là: Bu-ê-nốt Ai-rét (15,2 triệu người), Mê-hi-cô Xi-ti (21,8 triệu người), Xao-pao-lô (22 triệu người).

- Ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của quá trình đô thị hóa ở Mỹ La-tinh đến phát triển kinh tế - xã hội của khu vực:

+ Tích cực: tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, tiêu thụ khối lượng hàng hóa lớn, từng bước thay đổi bộ mặt đô thị, tạo sức hút đầu tư mạnh.

+ Tiêu cực: quá trình đô thị hóa không đi kèm với quá trình công nghiệp hóa, dân cư thành thị tăng nhanh chủ yếu do di dân từ nông thôn ra thành phố và lịch sử nhập cư lâu dài đã làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, nghèo đói, suy thoái môi trường ở các thành phố.

Câu hỏi trang 28 Địa Lí 11

Câu hỏi: Đọc thông tin, dựa vào bảng 7.2 và quan sát hình 7.2, hãy:

- Trình bày nét nổi bật về dân cư của Mỹ La-tinh.

- Phân tích ảnh hưởng của dân cư đến phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này.

Trả lời:

- Nét nổi bật về dân cư của Mỹ La-tinh:

+ Đông dân (năm 2020 là 652,3 triệu người), dân số tăng nhanh.

+ Quy mô dân số giữa các quốc gia có sự chênh lệch lớn (Bra-xin có hơn 200 triệu người, Đô-mi-ni-ca chỉ vài chục nghìn người).

+ Cơ cấu dân số trẻ (năm 2020 có 67,2% dân số trong độ tuổi từ 15 đến 64 tuổi).

+ Mật độ dân số trung bình năm 2020 khoảng 33 người/km2, phân bố không đều.

+ Thành phần dân cư đa dạng: người bản địa, người có nguồn gốc châu Âu, người da đen gốc Phi, người gốc Á, người lai.

- Ảnh hưởng của dân cư đến phát triển kinh tế - xã hội

+ Nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn nhưng cũng là áp lực đối với vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

+ Việc phân bố dân cư có ảnh hưởng rất lớn đến sử dụng lao động, khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế của khu vực.

+ Nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, là thế mạnh trong việc thu hút khách du lịch tuy nhiên cũng gây ra những khó khăn nhất định như: sự bất đồng về ngôn ngữ, nguy cơ xung đột sắc tộc,…

Câu hỏi trang 29 Địa Lí 11

Câu hỏi: Đọc thông tin, dựa vào bảng 7.3, hãy:

- Trình bày một số nét nổi bật về xã hội của Mỹ La-tinh.

- Phân tích ảnh hưởng của vấn đề xã hội đến phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này.

Trả lời:

- Một số nét nổi bật về xã hội của Mỹ La-tinh:

+ Mỹ La-tinh có nền văn hóa độc đáo, được hình thành từ sự hòa quyện của các nền văn hóa bản địa và di cư. Nhiều nền văn hóa nổi tiếng: May-a, In-ca, A-dơ-tếch… Nhiều di tích lịch sử, văn hóa lễ hội là nét đặc sắc của nền văn hóa Mỹ La-tinh.

+ Chất lượng cuộc sống được tăng lên nhờ kinh tế phát triển.

+ Tuổi thọ trung bình đạt khoảng 75 tuổi, HDI khu vực khá cao, xu hướng tăng và khác nhau giữa các nước.

+ Có sự khác biệt trong phát triển kinh tế - xã hội và các tầng lớp xã hội.

- Ảnh hưởng của vấn đề xã hội đến phát triển kinh tế - xã hội

+ Nền văn hóa có giá trị lớn về nhân văn và du lịch.

+ Sự bất bình đẳng, xung đột xã hội xuất hiện ở một số quốc gia.

Câu hỏi trang 30 Địa Lí 11

Câu hỏi: Đọc thông tin, quan sát hình 7.3 và dựa vào bảng 7.4, hãy trình bày và giải thích tình hình phát triển kinh tế chung của khu vực Mỹ La-tinh.

Trả lời:

- Tình hình phát triển kinh tế chung của khu vực Mỹ La-tinh:

+ Tuy giành được độc lập sớm nhưng trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các nước Mỹ La-tinh hiện nay chủ yếu thuộc nhóm nước đang phát triển

+ GDP toàn khu vực còn thấp và có sự chênh lệch rất lớn.

+ Tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nhìn chung còn chậm và không đều

+ Có nợ nước ngoài so với tổng sản phẩm trong nước thuộc loại cao nhất thế giới. Nhiều nước có tỉ lệ này ở mức trên 40 - 50%

+ Là khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế với cơ cấu đa dạng: công nghiệp (chủ yếu là khai khoáng), nông nghiệp là thế mạnh, dịch vụ có tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế (chiếm khoảng 60% năm 2020)

- Nguyên nhân: Do hầu hết các nước Mỹ La-tinh trước đây đều là những nước nông nghiệp lạc hậu; đường lối phát triển kinh tế chưa hợp lý, phụ thuộc nhiều vào tư bản nước ngoài. Các công ty lớn hầu hết do người nước ngoài nắm giữ.

Luyện tập và vận dụng

Câu hỏi 1: Lập sơ đồ thể hiện ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực Mỹ La-tinh. 

Xem trả lời

Câu hỏi 2: Dựa vào bảng 7.4, hãy vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu GDP của khu vực Mỹ La-tinh năm 2010 và năm 2020. Nhận xét sự thay đổi về GDP của khu vực Mỹ La-tinh. 

Xem trả lời

Câu hỏi 3: Hãy tìm hiểu và thu thập thông tin về một lễ hội ở khu vực Mỹ La-tinh.

Xem trả lời

>>> Xem toàn bộ: Soạn Địa 11 Cánh Diều

-------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Soạn Địa lí 11 Cánh Diều Bài 7: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế khu vực Mỹ La-tinh trong bộ SGK Cánh Diều theo chương trình sách mới. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/03/2023 - Cập nhật : 29/02/2024